Hoài niệm về một dòng tranh lừng danh đất Bắc

(PLO) - Hàng trăm năm nay, những người thợ thủ công và nghệ nhân làng nghề sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội) với đôi bàn tay khéo léo đã làm ra các sản phẩm sơn mài độc đáo, bền đẹp, được ưa chuộng tại thị trường trong và ngoài nước... Duy có điều ít ai biết, ở ngay tại làng nghề này từng có một dòng tranh độc đáo mang tên “sơn khắc” góp phần ghi dấu tên tuổi của làng đang dần rơi vào quên lãng.
Ông Đạt – người cuối cùng còn giữ dòng tranh sơn khắc ở làng Hạ Thái.
Ông Đạt – người cuối cùng còn giữ dòng tranh sơn khắc ở làng Hạ Thái.

Dấu xưa huy hoàng

Nghe các cao niên trong làng kể, nghề sơn mài ở Hạ Thái tính đến nay đã có lịch sử trên 200 năm. Khởi đầu là nghề sơn đồ nét, với sự tâm huyết, tài hoa, các nghệ nhân, họa sỹ ở Hạ Thái đã tạo được bản sắc riêng cho sản phẩm, chinh phục được khách hàng trong nước và nhiều thị trường: Đông Âu, Châu Á, Châu Âu, châu Mỹ, Úc, Trung Đông…

Anh Đỗ Hùng Chiêu, Chủ tịch Hội sơn mài Hạ Thái- Duyên Thái cho biết: Thời kỳ hoàng kim của nghề là quãng những năm 1995-2007. Đặc biệt, với sự ra đời của hợp tác xã Bình Minh nghề đã phát triển trên diện rộng, thu hút hơn 600 xã viên. Làng nghề phát triển, ngoài người làng, nơi đây còn thu hút và tạo việc làm cho 3000- 4000 lao động các tỉnh lân cận. Sản phẩm chủ yếu được xuất khẩu sang các nước Đông Âu. 

Khi Liên Xô và các nước Đông Âu tan rã, sản phẩm không có “đầu ra”, hợp tác xã giải thể. Nhiều người đã chuyển sang tìm cách khác để mưu sinh nhưng một số ít vẫn bám trụ, cố gắng tìm mọi cách để giữ nghề, hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn. Khi đất nước bước vào cơ chế thị trường, làng nghề sơn mài Hạ Thái lại dần khôi phục theo quy mô hộ gia đình. 

Năm 2001, Hạ Thái đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) công nhận là làng nghề. Năm 2003, Hiệp hội làng nghề sơn mài Hạ Thái ra đời (nay đổi tên thành Hội làng nghề sơn mài Hạ Thái- Duyên Thái) với 3 chi hội, tạo việc làm ổn định cho làng nghề và nhiều lao động ở địa phương khác.

“Các nghệ nhân của làng đã áp dụng nhiều kỹ thuật hiện đại trong pha chế, thay đổi công đoạn sơn làm cho sản phẩm bóng, bền, đẹp hơn. Đồng thời đưa vào nhiều chất liệu mới như gốm, giấy ép, nhựa… tạo sự phong phú cho sản phẩm, đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng” – anh Chiêu hồ hởi giới thiệu về những sáng tạo để thích nghi với thị trường của nghệ nhân làng nghề.

Hỏi anh Chiêu về sự mai một của dòng tranh từng một thuở làm nên tên tuổi của làng, anh buồn rầu: “Người trẻ họ sớm rút lui, không làm dòng tranh này vì đó là thể loại quá kén người, kén duyên. Nói cách khác, trong làng hiện vẫn còn nhiều nghệ nhân biết làm dòng tranh này nhưng để bắt tay và làm ra sản phẩm thì không còn bởi không có mối tiêu thụ”. 

Anh Chiêu cũng cho biết thêm, tranh khắc là một dòng khá đặc thù. Đặc thù bởi chất liệu sơn khắc phù hợp với việc diễn tả cảnh vĩ mô, nhiều chi tiết có chiều rộng và hoạt cảnh lịch sử, đặc biệt là vẽ các di tích cổ như đình đền, miếu mạo, cảnh hội làng với nhiều màu sắc sặc sỡ.

Theo tìm hiểu từ những người làm nghề ở Hạ Thái, tranh sơn khắc ra đời từ gốc tranh sơn mài. Học sơn khắc thường rất khó và kén người bởi cách vẽ của dòng tranh này khác hẳn với sơn mài. Nếu như sơn mài người ta có thể vẽ bằng chổi hay bút lông, cũng có khi là chất liệu mềm rồi mới quét sơn lên vóc thì ở sơn khắc, sự hoàn thiện của bức tranh phụ thuộc vào những nét chạm khắc và những mảng hình tinh tế, giàu cảm xúc. Cuối cùng mới là việc tô màu nhằm tạo sự khắc họa mạnh. “Đây là một loại hình sáng tạo của mỹ thuật nước ta đang có nguy cơ bị mai một. Người trẻ thích tiếp cận sơn dầu hoặc chọn khuynh hướng sáng tác theo hướng chú trọng đến yếu tố trực quan, nhằm tác động nhanh chóng đến người xem, với thời gian sáng tác thường ngắn hơn nhiều so với tranh sơn khắc” – một họa sỹ chia sẻ.

Mai này còn có ai?

Sơn khắc giờ ít được nhắc đến, nhưng đáng mừng thay ở làng vẫn còn một người bền bỉ giữ nghề. Người duy nhất còn làm và giữ nhiều kỹ thuật về tranh sơn khắc ở Hạ Thái là nghệ nhân Trần Thành Đạt, năm nay 59 tuổi. Suốt bao năm, để dòng tranh này không bị rơi vào quên lãng, mỗi ngày người ta đều thấy ông Đạt cặm cụi làm nên những bức tranh từ mũi dao, cán đục. 

Theo lời ông Đạt, học sơn khắc khó bởi cách vẽ của dòng tranh này khác với sơn mài. Tranh sơn khắc đòi hỏi rất kỹ về phác thảo, bố cục, cũng như mảng màu sáng tối mà màu đen của vóc là chủ đạo. Dù trên diện tích bức tranh khổ lớn bao nhiêu nó vẫn rất cần kỹ càng và chính xác đến từng xen-ti-met. Nếu sai, bức tranh sẽ gần như bị hỏng, các đường nét phải khắc họa lại từ đầu.

Kỳ công là vậy nên giá thành mỗi sản phẩm sơn khắc thường khá cao, trung bình từ 4 đến 25 triệu đồng/bức tranh. Giá thành cao lại yêu cầu khắt khe về mặt kỹ thuật, mỹ thuật nên theo Nghệ nhân Trần Thành Đạt, nhiều người trong làng đã từ bỏ, không làm dòng tranh này nữa. “Tranh sơn khắc làm mất nhiều thời gian và công sức nhưng khó bán. Họ đều tập trung làm tranh sơn mài, với chất liệu ngoại nhập cho rẻ và ít tốn công sức. Hầu như cả làng đã quay lưng, bỏ rơi dòng tranh sơn khắc vào lãng quên” – ông Đạt buồn bã.

Nói là vậy nhưng dường như sự đời cuộn trôi ấy không làm nghệ nhân Trần Thành Đạt nản lòng. Mỗi ngày, ở phòng tranh bên con ngõ nhỏ, người ta vẫn thấy ông say mê với những đường nét chạm khắc trên tấm vóc. Sợ tay nghề và sức sáng tạo chưa đủ, ông còn mầy mò đi tầm sư học đạo để nâng cao tay nghề và kỹ năng sáng tạo trong hình tượng. Nhắc chuyện tranh sơn khắc làm ra rất khó bán, rất kén người chơi, ông Đạt cười xuề: “Lấy công làm lãi đủ sống là được, nhưng phải làm tranh thật ưng con mắt. Giữ lấy cái nghề thật tinh xảo để truyền lại cho con cháu”. 

Hiện xưởng sản xuất tranh của ông Đạt chủ yếu là các thành viên trong gia đình. Ông khoe, hai con trai và con gái đều tốt nghiệp Trường Đại học Mĩ thuật, con rể và các con dâu cũng là họa sĩ của trường. Tất cả các thành viên trong gia đình ông đều chung niềm say mê với sơn khắc.

Đọc thêm