Hoảng loạn về từ 'cõi chết' sau hơn một giờ 'bập bênh' giữa Hồ Tây

(PLO) - Hơn một tiếng đồng hồ lênh đênh trên chiếc thuyền vịt,  chống chọi với mưa giông gió giật như trút nước giữa lòng Hồ Tây, đến nay, hơn một ngày trôi qua, các du khách vẫn chưa khỏi bàng hoàng và sợ hãi.
Gia đình chị Hạnh đang được người dân đưa lên bờ
Gia đình chị Hạnh đang được người dân đưa lên bờ

Chiều 28/5, chị Nguyễn Thị Hạnh Dung (Âu Cơ – Hà Nội) đưa mẹ và cháu trai đến Hồ Tây (Khu dịch vụ cho thuê thuyền vịt của Công ty TNHH Du thuyền Hồ Tây) để đạp vịt. Mặc dù biết trời có dấu hiệu sắp mưa nhưng do sự háo hức của cả gia đình nên chị vẫn quyết định mua vé để ra hồ đạp vịt.

Địa điểm bán vé của Công ty TNHH du thuyền Hồ Tây
Địa điểm bán vé của Công ty TNHH du thuyền Hồ Tây

Sau khi xuống thuyền vịt để đạp ra hồ, do không để ý nên chị đã đạp thuyền vịt ra ngoài mốc cắm cờ màu đỏ thứ nhất, đến đoạn gần cờ đỏ thứ hai thì chị thấy trời bắt đầu nổi gió và cơn giông dần ập đến. 

Tuy nhiên, theo chia sẻ của chị Hạnh, từ lúc chị vượt mốc cờ đỏ cắm báo hiệu nguy hiểm cũng như lúc trời đổ cơn giông, chị không nghe thấy bất kỳ tín hiệu cảnh báo hay nhắc nhở nào từ phía đội quản lý thuyền vịt.

Chị Hành bức xúc, một dịch vụ với giá thuê không hề rẻ (80.000 đồng/giờ/người) mà việc giám sát, đảm bảo an toàn, tính mạng cho du khách lại không được chú trọng. Nó được thể hiện bằng việc để cho du khách đạp thuyền vượt mốc an toàn mà nhân viên không hề hay biết cũng như không có lời cảnh báo nào cho khách.

Thuyền vượt ra ngoài mốc an toàn nhưng không được nhân viên cảnh báo
Thuyền vượt ra ngoài mốc an toàn nhưng không được nhân viên cảnh báo

Chia sẻ thêm với PV, chị Hạnh cho biết thêm, do cơn mưa giông đến khá nhanh nên chị không kịp quay vào bờ và bị gió đẩy ra xa giữa lòng hồ, không thể điều khiển được thuyền vịt quay về điểm xuất phát. Lúc này cháu nhỏ và đặc biệt là mẹ chị (Bà H.T.Mai) sợ hãi và hoảng hốt, liên tục nhắc chị đánh lái về bờ. Tuy nhiên chị “bất lực” vì sức đẩy của mưa gió quá lớn so với sức chị.

“Sau khoảng hơn một tiếng đồng hồ lênh đênh giữa lòng hồ, mái che của thuyền vịt bị bật tung, ba bà cháu ướt sũng thì thuyền vịt của tôi cũng dạt được vào bờ và mưa giông bắt đầu ngớt. Lúc này thuyền của tôi được chủ cửa hàng Bến Thủy cùng các nhân viên cứu giúp. Cả nhà tôi được họ đưa vào quán để trấn an tinh thần và cho mượn quần áo để thay, sau đó họ gọi taxi cho chúng tôi về” – Chị Hạnh xúc động nói.

Anh Tuấn Anh (Âu Cơ – Hà Nội người tham gia cứu hộ), cho biết: “Các nạn nhân được đưa vào nhà hàng với tình trạng ướt luớt thuớt, mặt lạnh, tái ngắt, sợ hãi và đặc biệt không ai mặc áo phao trên người. Tôi thấy chị Hạnh liên tục cầu xin Phật, bé trai thì khóc vì sợ hãi...”.

Lúc các nạn nhân được đưa vào bờ thì nhân viên cứu hộ mới xuất hiện. Tuy nhiên, thay việc hỏi thăm tình trạng sức khỏe, động viên tinh thần cho nạn nhân thì nhân viên cứu hộ này lại chỉ lo việc kéo thuyền về bến. "Lúc này tôi có nói “anh phải vào hỏi thăm xem khách hàng của anh như thế nào chứ…”, tuy nhiên chỉ nhận được thái độ thờ ơ bằng cái “xua tay” và trở về bến", anh Tuấn Anh cho biết thêm.

PV báo PLVN liên hệ với chị Hạnh và được biết, tinh thần các nạn nhân vẫn chưa hoàn toàn ổn định.

Chiếc thuyền có 2 phụ nữ và 1 bé trai đang lênh đênh giữa lòng hồ
Chiếc thuyền có 2 phụ nữ và 1 bé trai đang lênh đênh giữa lòng hồ

Mưa giông là thiên tai không ai mong muốn, tuy nhiên khi có dấu hiệu thời tiết cực đoan này, tại sao Công ty TNHH Du thuyền Hồ Tây vẫn đồng ý để khách mua vé đạp vịt?. Tại sao khách hàng (có trẻ em và người già) tự chống chọi với mưa giông giữa “biển nước” cả tiếng đồng hồ mà không có bất kỳ sự chỉ dẫn hay cứu hộ nào từ đơn vị kinh doanh dịch vụ? 

Trong trường hợp xấu, nếu chiếc thuyền vịt bị lật, sự sống của 3 người sẽ ra sao, trách nhiệm thuộc về ai?. Phải chăng phía ban quản lý đang đặt lợi ích về kinh tế lên trên tính mạng của khách hàng? Công ty TNHH Du thuyền Hồ Tây sẽ trả lời như thế nào đối với trường hợp này?.

Báo PLVN tiếp tục thông tin về vụ việc tới độc giả.

Đọc thêm