'Học hết lớp 5 thì em nghỉ học để lấy chồng'

(PLO) - Đang ngồi trên ghế nhà trường, những đứa trẻ dân tộc Mông ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” đã bỏ ngang việc học về lấy vợ, lấy chồng và làm bố, làm mẹ ở tuổi 13 – 14. Để rồi từ đó, hủ tục lạc hậu, đói nghèo đeo bám mãi và kéo theo là hệ lụy cho sự phát triển về thể chất của thế hệ tương lai.
Mặc dù đã được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nhà trường ở địa phương vận động, tuyên truyền nhưng bài toán tảo hôn trên đỉnh Làng Mô vẫn chưa có lời giải.
Mặc dù đã được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nhà trường ở địa phương vận động, tuyên truyền nhưng bài toán tảo hôn trên đỉnh Làng Mô vẫn chưa có lời giải.

Chuyện tảo hôn buồn trên đỉnh Làng Mô

Trong cái lạnh tê tái đầu đông, lời ru của người mẹ trẻ vọng ra từ căn nhà gỗ bên sườn núi, hút vào đại ngàn chất chứa nỗi buồn sâu lắng về cuộc sống đầy khó khăn phía trước. Ở tuổi 14, đang tuổi ăn, tuổi lớn, Vừ Thị Nhinh đã theo chồng về ở bản Làng Mô, xã Làng Mô, huyện biên giới Sìn Hồ (Lai Châu) và đã làm mẹ được hơn 7 tháng.

Đứa bé sinh ra quặt quẹo, ốm đau liên miên khi cả bố và mẹ vẫn còn là những đứa trẻ. Đã cuối giờ chiều, Nhinh đợi chồng đi nương về mà trong nhà chẳng còn gì. Bữa tối của cháu bé chỉ là gói cháo trắng còn sót lại từ chiều hôm trước.

Nhinh cho biết: “Nhà có 5 anh chị em ở tận xã Pú Đao, huyện Nậm Nhùn. Nhinh gặp chồng trong dịp Tết năm 2015 khi em đang theo học lớp 7 tại trường THCS bán trú của xã và khi đó chồng Nhinh đang học lớp 9. Nói chuyện với nhau mấy lần thấy vui, chồng rủ bảo về nhà chơi rồi nhốt theo phong tục dân tộc không cho về. Chỉ vài ngày sau, chồng và bố mẹ chồng mang lễ đến nhà hỏi, vậy là từ đó em và chồng bỏ học về làm vợ chồng của nhau”.

Vượt qua con dốc dựng đứng, ngôi nhà của Sùng Thị Dở đơn sơ ém mình bên sườn núi. Tài sản có giá trị nhất chỉ là gần chục bao thóc mới thu hoạch với mấy cái nồi đen nhẻm. Năm nay Dở 17 tuổi và chồng kém một tuổi, nhưng đã là bố mẹ của hai đứa con một trai, một gái nheo nhóc. Từ khi có đứa con thứ hai cách đây hơn một năm, bố mẹ cho ra ở riêng nên cuộc sống vốn đã thiếu thốn, vất vả nay càng khó khăn hơn. Sùng Thị Dở hồn nhiên cho biết: “Học hết lớp 5 thì em nghỉ học để lấy chồng. Lúc lấy chồng vẫn còn nhỏ không biết gì, có con, rồi đi làm nuôi con em mới biết khó khăn thế nào. Bây giờ có con rồi thì phải làm cho con ăn, con uống thôi”.

Việc lấy vợ, lấy chồng của người Mông trên đỉnh núi mù sương Làng Mô cũng hồn nhiên như cỏ cây, hoa lá trong rừng. Chỉ cần thấy thích nhau là về nói với bố mẹ mang lợn, gà và vài đồng bạc trắng đến hỏi rồi về ở với nhau. Câu chuyện dựng vợ, gả chồng của đồng bào nơi đây có từ ngàn đời nay như một lẽ tự nhiên, chỉ để mục đích có người làm và duy trì nòi giống. Mặc dù địa phương đã xây dựng hương ước, phạt tiền, phạt thóc những cặp vợ chồng tảo hôn để áp dụng ở mỗi bản làng, nhưng cũng không thể cấm cản khi những đứa trẻ thích nhau và được bố mẹ đồng ý.

Ở tuổi 14, đang tuổi ăn, tuổi lớn nhưng Vừ Thị Nhinh ở bản Làng Mô, xã Làng Mô đã làm mẹ của đứa trẻ hơn 7 tháng tuổi.
Ở tuổi 14, đang tuổi ăn, tuổi lớn nhưng Vừ Thị Nhinh ở bản Làng Mô, xã Làng Mô đã làm mẹ của đứa trẻ  hơn 7 tháng tuổi.

Ám ảnh những thế hệ chậm phát triển

Thầy giáo Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS xã Làng Mô, huyện Sìn Hồ cho biết, trong những buổi lên lớp, nhà trường cũng lồng ghép các buổi giao lưu, học về giới tính để các em nhận thức rõ hơn về tác hại của việc lấy chồng sớm, nhưng chẳng mấy chuyển biến; chỉ tính trong hai năm 2015-2016 nhà trường đã ghi nhận gần 10 trường hợp lấy vợ, lấy chồng khi đang học từ lớp 6 đến lớp 9.

Lấy vợ, lấy chồng sớm là thực trạng chung của các xã vùng cao. Đặc biệt, Làng Mô cũng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Sìn Hồ, 100% các cháu là học sinh dân tộc và khoảng 80% là học sinh dân tộc Mông. Mặc dù cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đã can thiệp, vào cuộc rất là mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc tảo hôn khi các cháu vẫn đang đi học vẫn còn xảy ra. Cũng đã có trường hợp cuối lớp 6, bắt đầu bước sang tuổi 13 tảo hôn. Các gia đình chấp nhận phạt để cho con người ta lấy vợ, lấy chồng.

Gần 20 năm bám trụ trên mảnh đất đầy sương, gió khắc nghiệt Làng Mô, với công việc khám chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn, Trạm trưởng Trạm Y tế Làng Mô Vũ Tiến Thư không thể nào quên những ca sinh non, những đứa trẻ dị tật bẩm sinh khi mẹ chúng là những đứa trẻ. Trong số đó có rất nhiều đứa bé không được làm người chết sau khi sinh vì cơ thể người mẹ chưa phát triển toàn diện. Còn may mắn sống được thì cũng là những đứa trẻ thấp còi, suy dinh dưỡng và thiểu năng trí tuệ cả đời. 

Theo thống kê của Trạm Y tế, từ đầu năm đến nay có 32 cặp lấy nhau, thì có tới 26 cặp tảo hôn, trong đó chủ yếu tập trung trong đồng bào Mông và Dao. Trạm trưởng Trạm Y tế Làng Mô Vũ Tiến Thư buồn rầu chia sẻ: “Trường hợp dưới độ tuổi cho phép 13, 14 tuổi các cháu đã kết hôn, trong vấn đề này nó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh sản, cũng như là kinh tế. Lấy nhau sớm thì sinh con  sẽ xảy ra những trường hợp suy dinh dưỡng, nên là lớn lên trẻ sẽ bị chậm phát triển, học hành, lao động cũng kém”.

Chia tay Làng Mô khi mặt trời đã khuất sau dãy núi, màn sương đêm bắt đầu bao phủ khắp các bản làng, khiến cái lạnh càng thêm tê tái. Thế nhưng, tê tái hơn là câu chuyện buồn tảo hôn của những cặp vợ chồng trẻ con vẫn chưa có lời giải. Hình ảnh những đứa trẻ dị tật, thấp còi, thiểu năng trí tuệ vẫn còn vang vọng giữa đại ngàn qua lời hát ru của người mẹ trẻ.

Đọc thêm