Học sinh, sinh viên đủ điều kiện đều được vay vốn đi học

Chính sách cho vay vốn đối với học sinh, sinh viên (HSSV) của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được thực hiện theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên đã và đang giúp nhiều HSSV có điều kiện trang trải chi phí học tập...

Chính sách cho vay vốn đối với học sinh, sinh viên (HSSV) của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được thực hiện theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên đã và đang giúp nhiều HSSV có điều kiện trang trải chi phí học tập.

Trong cuộc trao đổi với báo chí mới đây, Phó Tổng giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý khẳng định: "Ngân hàng Chính sách xã hội đã chuẩn bị đủ vốn để đảm bảo tất cả các HSSV đủ điều kiện đều được vay vốn đi học". Ông Nguyễn Văn Lý cho biết:

- Năm học 2013 - 2014 này, theo Quyết định số 1196/QĐ-TTg ngày 19/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh mức cho vay đối với học sinh, sinh viên, mức cho vay đã được tăng thêm 100.000 đồng/tháng/HSSV, tức là 11 triệu/HSSV/năm. Chúng tôi dự kiến, học kỳ I này, lượng vốn tăng thêm khoảng 650 tỷ đồng.

Như vậy, tổng số vốn cho vay học kỳ I khoảng 3.000 tỷ đồng, dự kiến cả năm sẽ cho vay khoảng 5.500 tỷ đồng. Khác những năm trước, năm nay chúng tôi đã đảm bảo được nguồn vốn nhờ vào việc thu hồi vốn đến hạn của các HSSV ra trường, đi làm. Ngay cả với mức cho vay mới, lượng vốn thu hồi đã đủ để cho vay quay vòng tiếp.

Ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam
Ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam

Khác với các chương trình tín dụng ưu đãi khác mà NHCSXH đang triển khai là theo kế hoạch “cứng”, Chương trình tín dụng HSSV lại quản lý theo “định tính” với mục tiêu “không để HSSV nào vì khó khăn tài chính mà phải nghỉ học”. Tức là cứ đúng đối tượng, có nhu cầu là NHCSXH phải ưu tiên cho vay. Hiện nay, trên toàn quốc có 203.000 tổ tiết kiệm và vay vốn, gần 11.000 điểm giao dịch tại xã, cùng các phòng giao dịch cấp huyện, chi nhánh cấp tỉnh đã sẵn sàng phục vụ. Vào thời điểm nhập học, nhu cầu vay của HSSV cao, chúng tôi sẽ tăng phiên giao dịch tại xã để giảm chi phí đi lại cho nhân dân.

- Trái với những lo ngại trước đây, công tác thu hồi nợ đã có kết quả rất tốt. Theo ông, từ những nguyên nhân nào mà có được kết quả khả quan này?

- Đúng là công tác thu hồi nợ đã được tiến hành rất tốt. Dự kiến năm 2013 chúng tôi thu nợ Chương trình HSSV được khoảng 5.500 tỷ đồng đủ để quay vòng cho vay tiếp. Hiện nay, nợ quá hạn chỉ khoảng 0,46% trên tổng dư nợ, chỉ bằng một nửa so với tỷ lệ nợ quá hạn chung của các chương trình tín dụng của NHCSXH  là khoảng 0,91%.

Theo tôi, đạt được kết quả đó là do chương trình này đáp ứng đúng nguyện vọng của xã hội, bản thân chương trình đi vào cuộc sống rất nhanh và được toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, nhân dân ủng hộ. Thứ nữa, phương thức quản lý vốn vay được NHCSXH đề xuất Chính phủ thay đổi từ cho vay trực tiếp HSSV sang cho vay theo hộ gia đình có con đi học, qua đó, phát huy được truyền thống gia đình, văn hóa cộng đồng để nâng cao ý thức trả nợ, tạo nguồn vốn quay vòng để những HSSV khác có hoàn cảnh khó khăn cũng được vay vốn.

Bên cạnh đó, Chính phủ có chính sách khuyến khích hộ trả nợ trước hạn sẽ được giảm lãi suất cũng là một biện pháp phù hợp. Theo ước tính có tới 30 - 40% hộ vay có điều kiện đã trả nợ sớm trước thời hạn. Ngoài ra, công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ chính sách của Nhà nước cũng góp phần tạo nên thành công của chương trình tín dụng cho HSSV vay.

- Vậy có phải những khó khăn về nguồn vốn đã được giải quyết, thưa ông?

- Để chương trình này tiếp tục phát triển bền vững, NHCSXH vẫn đang tích cực kiến nghị lên Chính phủ làm sao để ổn định nguồn vốn hơn. Trong tổng nguồn vốn 36.000 tỷ đồng đang cho HSSV vay thì chỉ có khoảng 6.000 - 7.000 tỷ đồng là tự chủ động được, còn lại phải đi vay từ trái phiếu và các nguồn khác nên ngân hàng vẫn gặp khó khăn.

Theo ý kiến của nhiều hộ vay cũng như các địa phương phản ánh, mức cho vay cần được tăng thêm. Cá nhân tôi cũng đồng tình với quan điểm này bởi theo tính toán của chúng tôi, chi phí cho một sinh viên nông thôn lên thành phố học tại một trường công cao hơn nhiều so với mức các em được vay. Mức 1,1 triệu đồng/tháng như hiện nay chưa thể khiến sinh viên yên tâm học tập. Mức cho vay nên ít nhất bằng khoảng 50% tổng chi phí hàng tháng.

Ngoài ra, với một số gia đình ở nông thôn không thuộc diện nghèo nhưng có 2 con đi học, đối tượng này hiện nay chưa được vay mặc dù cũng rất khó khăn do phải lo cho 2 con đi học đại học. Tuy nhiên, do nguồn vốn có hạn nên việc mở rộng đối tượng cho vay chưa thể thực hiện được.

- Xin cảm ơn ông!

Sau 5 năm thực hiện đã có hơn 3 triệu lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để đi học. Đến nay đang còn gần 1,8 triệu hộ gia đình đang vay vốn cho trên 2,1 triệu HSSV đi học.

Hải Việt

Đọc thêm