Học sinh tiểu học sắp thoát cảnh “còng lưng” vác sách giáo khoa

(PLO) -Với xu hướng tích hợp SGK điện tử trên máy tính bảng, học sinh tiểu học lớp 1, 2, 3 của các trường công lập TP Hồ Chí Minh sẽ không phải mang vác nặng khi tới trường.
Học sinh tiểu học sắp thoát cảnh “còng lưng” vác sách giáo khoa
 Đây là một trong những nội dung được Sở GD&ĐT đưa ra tại hội thảo giới thiệu SGK điện tử và máy tính bảng cho học sinh tiểu học diễn ra chiều 18/8 tại Sở GD&ĐT Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là lần thứ hai TP Hồ Chí Minh “xới xáo” vấn đề số hoá sách giáo khoa.
Theo ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD&ĐT, phương pháp dạy và học truyền thống thời gian qua khiến học sinh tiểu học phải đem khối lượng sách vở và đồ dung học tập khá nặng so với sức lực của độ tuổi các em. Nội dung sách giáo khoa thường xuyên thay đổi, cải tiến nên phụ huynh học sinh cũng phải mua sắm thường xuyên.
Trong buổi gặp mặt giữa lãnh đạo TP.HCM với đại diện thiếu nhi TP đầu năm 2014, các em học sinh đã táo bạo đề xuất : “Chúng cháu đang học dựa vào sách vở rất nhiều, liệu có thể áp dụng công nghệ cao trong học tập như dùng máy tính bảng chẳng hạn, thầy cô sẽ bớt công soạn giáo án và học sinh cũng không còn phải chép bài, dành thời gian cho thực hành, thảo luận nhóm?”. Tại thời điểm đó, chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng ước muốn ấy không quá xa với điều kiện của TP.HCM. Thế nhưng sau đó, Phó chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận cho biết đã giao Sở Giáo dục - đào tạo hoàn chỉnh lấy ý kiến đề án đổi mới căn bản giáo dục. Theo đó, học sinh tiểu học sẽ được trang bị máy tính xách tay và mỗi học sinh được cấp mật khẩu để truy cập nên sẽ không phải mang vác sách vở nặng nề, cũng không còn phải đọc chép mà dành thời gian cho thực hành, hoạt động ngoại khóa. “Thành phố đang xin chủ trương của Bộ Giáo dục - đào tạo để dự kiến thực hiện ngay trong năm 2015 vì đó không chỉ là nguyện vọng của học sinh mà chính là nguyện vọng của TP” - ông Thuận nói.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Thành phố HCM lắng nghe ý kiến phản biện đề án SGK điện tử
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Thành phố HCM lắng nghe ý kiến phản biện đề án SGK điện tử

 “Giữ lời hứa” với học sinh, Sở GD&ĐT Thành phố Hồ Chí Minh đang ráo riết và quyết tâm triển khai đề án đưa sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng vào trường tiểu học, áp dụng cho lớp 1, lớp 2, lớp 3 năm học 2014- 2015. Đây cũng là một trong những giải pháp thành phố HCM thực hiện nghị quyết của Hội nghị trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo.

 “Việc TP Hồ Chí Minh đưa sách giáo khoa điện tử vào giảng dạy là bước tiến cần thiết và quan trọng, phù hợp xu hướng toàn cầu trong đầu tư và nâng cao chất lượng giáo dục đạt chuẩn quốc tế. Mô hình này giúp cho phụ huynh có thể tương tác với con cái và giáo viên để tăng cường hiệu quả giao tiếp trước và sau lớp học, hỗ trợ con cái hiệu quả. Sách giáo khoa điện tử sẽ nâng cao năng lực ngôn ngữ của học sinh một cách nhanh chóng và hiệu quả. Chúng tôi sẵn sàng cung cấp chương trình cải cách giáo dục tiên tiến hiện đại nhất, thực hiện mô hình “lấy học sinh làm trung tâm” thúc đẩy phát triển tài năng, góp phần giúp Việt Nam trở thành một đất nước đổi mới và có năng lực cạnh tranh”, ông Tsai I – Chang, Chủ nhiệm dự án quốc gia về giáo dục trực tuyến tại Đài Loan (2003-2012) nhận định.

Cũng theo ông Tsai I – Chang, khó đổi mới giáo dục nếu không số hoá SGK. Tại Anh, từ năm 2009 gần 100% các trường cấp 1, 2 đã được lắp bảng điện tử. Hàn Quốc đã lọt vào Top 4 nước có nền giáo dục tốt nhất thế giới sau xây dựng trường học thông minh, năm 2014 chính phủ nước này đã công bố đầu tư 2 tỷ USD vào số hoá toàn bộ sách giáo khoa.

Với hạ tầng công nghệ thông tin tốt, 100% số trường học đều kết nối mạng internet phục vụ quản lý và một phần trong giảng dạy, TP Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể thành công nếu quyết tâm hiện đại hoá trường học. Tuy nhiên, có một thực tế là các ý tưởng mới về đổi mới giáo dục thường gặp phản ứng của xã hội. Ví dụ như việc đưa bảng tương tác vào dạy mầm non và tiểu học, báo chí có thông tin cho rằng sẽ làm hỏng mắt trẻ em, và nhiều hiệu ứng tiêu cực khác trong khi trên thực tế đại đa số đều dùng tốt, và mô hình này đã áp dụng thành công ở nhiều nước cho khối tiểu học. Dự án hiện đại hoá trường học cần đầu tư  lớn, đơn cử như máy tính bảng để tích hợp sách giáo khoa điện tử có giá thành tối thiểu khoảng 5 triệu đồng/ máy, nếu sử dụng ngân sách nhà nước sẽ là gánh nặng cho ngân sách, quá sức của chính phủ vì vậy cần được xã hội hoá. Thế nhưng, thực tế cho thấy xã hội hoá không dễ khi vấp phải những dư luận trái chiều dẫn đến ít doanh nghiệp dám ứng vốn đầu tư trước trong mô hình xã hội hóa.

Các thầy cô giáo trải nghiệm mô hình phòng học thông minh với máy tính bảng và thiết bị tương tác
Các thầy cô giáo trải nghiệm mô hình phòng học thông minh với máy tính bảng và thiết bị tương tác

Chia sẻ những băn khoăn trên, các chuyên gia cho rằng đổi mới giáo dục rất nhạy cảm, động chạm tới nhiều tầng lớp xã hội và phản ứng với chính sách mới là tâm lý thông thường bất cứ nền giáo dục nào cũng phải trải qua khi tiến tới mô hình toàn diện hơn. Để đề án số hoá SGK thành công, các chuyên gia khuyến nghị 10 điểm Việt Nam cần lưu ý, bao gồm: huy động nguồn lực xã hội hoá, tăng cường các hoạt động truyền thông để huy động quyết tâm chung khi triển khai chương trình, lựa chọn các giải pháp tốt, thiết bị đạt tiêu chuẩn cao, có độ bền 5 năm, các thông số kỹ thuật tốt, để tránh phát sinh xảy ra trong quá trình sử dụng. Các thiết bị phần cứng phải có phần mềm đạt tiêu chuẩn đi kèm như SGK điện tử phải là mô hình 3D, tiên tiến, được phê duyệt của các cơ quan quản lý nhà nước. Các chương trình đào tạo tăng cường phải phong phú và có kết nối với các thư viện học liệu quốc tế. Lựa chọn các nhà thầu có đủ năng lực để nếu cần thiết có thể ứng toàn bộ vốn ra triển khai chương trình, sau đó đến khi lắp đặt, đào tạo, và hướng dẫn sử dụng thành thạo, và có nghiệm thu đầy đủ thì mới trả tiền, để đảm bảo thiết bị không bị đắp chiếu, tránh lãng phí trong đầu tư.

Trước những quan ngại về việc các ý tưởng mới về đổi mới giáo dục thường gặp phản ứng của xã hội, ông Đào Văn Lừng, Vụ trưởng Ban Tuyên giáo T.W phía Nam cho rằng cần ủng hộ những địa phương như TP Hồ Chí Minh mạnh dạn đầu tư đúng, đầu tư đủ cho giáo dục, làm đến đâu gỡ đến đó và cần có lộ trình. “Đổi mới giáo dục mà cứ chờ đủ điều kiện mới làm thì sẽ lỡ hết cơ hội. Báo chí cần ủng hộ cho việc đổi mới giáo dục của TP Hồ Chí Minh, đây là chủ trương lớn đã được đưa vào Nghị quyết của Đảng, chúng ta không thể xây dựng xã hội học tập nếu không đưa CNTT vào trường học, chúng ta làm sao xây dựng nền giáo dục tiên tiến nếu như không hoà nhập với xu thế chung của thế giới”, ông Lừng nhấn mạnh.

Ông Hà Hữu Phúc, giám đốc cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại phía Nam cũng đánh giá cao việc TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo lấy ý kiến rộng rãi cho đề án đưa SGK điện tử vào trường học. Ông Phúc khẳng định những mục tiêu của đề án cũng là mục tiêu đổi mới giáo dục toàn diện đang hướng tới, vấn đề là tổ chức thực hiện đề án sao cho hợp lý. Trước mắt, theo ông Phúc, đề án của TP Hồ Chí Minh cần làm rõ tính cấp thiết của việc đầu tư SGK điện tử đối với bậc tiểu học. “Làm rõ việc áp dụng SGK điện tử cho bậc tiểu học là cần thiết thì tốn bao nhiêu tiền cũng phải làm.”, ông Phúc nói.

Tại hội thảo, đại diện các trường và phòng giáo dục các quận, huyện nhất trí với xu hướng số hoá SGK nhưng đề nghị cần “liệu cơm gắp mắm”, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao, nhất là nguồn lực để số hoá SGK sẽ theo phương án xã hội hoá, có nguồn thu từ phụ huynh học sinh.

Từ những ý kiến của chuyên gia và các trường, các nhà quản lý giáo dục, ông Lê Hồng Sơn- giám đốc Sở GD&ĐT Thành phố Hồ Chí Minh trăn trở: việc đưa sách giáo khoa và máy tính bảng vào trường học cần phải giái quyết các mâu thuẫn: ngân sách hạn hẹp và sự ngần ngại xã hội hoá, đối xử khong công bằng với những doanh nghiệp có tiềm lực và thiện chí đầu tư vốn, giữa sự mong muốn con em được hưởng thụ phương pháp dạy học hiện đoạ và sự ngần ngại lệ thuộc vào thiết bị, giảm thị lực, giữ việc thí điểm từng bước và khả năng triển khai đồng loạt với ngại ngần lớp VIP, trường VIP, giữ việc đột phá tiên phong với ngần ngại xé rào, mâu thuẫn giữa việc mong muốn con không mang vác nặng với việc không muốn góp sức với nhà nước, trả dần cho máy tính bảng.
“Tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần mạnh dạn triển khai, chúng tôi đưa đề án ra lấy ý kiến rộng rãi là để có sự lựa chọn phương án tốt nhất cho học sinh chứ không phải để bàn tán, chờ đợi một phương án hoàn hảo, tuyệt đối bởi không có phương án nào tuyệt đối, giải quyết được 100% những mâu thuẫn như đã nêu ở trên”, ông Sơn khẳng định đồng thời cho biết tiếp thu ý kiến đóng góp cho đề án, đơn vị này sẽ tiếp tục khảo sát, nghiên cứum thậm chí lấy ý kiến rộng rãi từ phụ huynh học sinh để sớm hiện thực hoá nội dung đề án ngay từ năm học 2014- 2015.

Đọc thêm