Hội Lim vẫn “ngửa nón” xin tiền!

(PLO) -“Đến hẹn lại lên”, ngày 13 tháng Giêng năm nay, người dân địa phương cũng như du khách gần xa lại tụ về quê hương của những làn điệu dân ca quan họ làm say đắm lòng người để trẩy hội. Thế nhưng… 

Nhiều hình ảnh phản cảm
Sáng ngày 12/1 âm lịch, Hội Lim 2015 đã chính thức khai hội tại thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh với sự tham gia đông đảo của người dân và du khách thập phương. 
Ngay từ sáng sớm ngày khai hội, hàng nghìn người đã tập trung về các lán hát quan họ trên đồi Lim để nghe các liền anh, liền chị biểu diễn các điệu hát đối đáp, hát giao duyên, hát theo yêu cầu, giao lưu khán giả. Đặc biệt, du khách còn được dự màn mời trầu của các liền anh, liền chị. 
Tại khu vực lòng hồ dẫn vào Hội Lim, các liền anh trong bộ trang phục khăn xếp, áo the cùng các liền chị với áo tứ thân, nón ba tầm quai thao, dải yếm lụa sồi cưỡi thuyền rồng hát quan họ giao duyên thu hút đông đảo người dân đến xem. Ngoài các hoạt động tế lễ và biểu diễn quan họ, du khách đến với Hội Lim còn được tham gia các trò chơi dân gian như đấu cờ người, tổ tôm điếm, đu tiên, đập niêu, đấu vật, bịt mắt bắt dê, chọi gà... 
Theo đúng tinh thần của Hội Lim thì các liền anh, liền chị phải hát mộc nên từ lễ Hội Lim năm 2012, Ban tổ chức Hội Lim đã quyết định  không hát quan họ trên các phương tiện điện tử. Các liền anh, liền chị  sẽ hát trực tiếp chứ không qua micro, loa thùng và các loại phương tiện khuếch đại âm thanh. 
Tuy nhiên, ở mùa lễ hội năm nay cũng không khác so với năm trước là bao, sự xuất hiện các loại loa thùng vẫn còn phổ biến. Dù đã “được kiểm soát âm lượng” nhưng tiếng nhạc, tiếng hát của các lán vẫn “chỏi” nhau trong không gian. 
Có không ít du khách đã phàn nàn về chất lượng âm thanh của Hội Lim năm nay. Ông Nguyễn Văn Nam, 54 tuổi, một du khách đến du xuân tại Hội Lim chia sẻ: “Khi đến với lễ hội, tôi rất muốn được thưởng thức những màn hát đối đáp giao duyên nồng ấm của các liền anh, liền chị nhưng có lẽ việc sử dụng micro để hát với sự hỗ trợ của loa thùng thế này sẽ khiến những du khách chúng tôi không thể thưởng thức trọn vẹn những câu hát tha thiết say đắm của các liền anh, liền chị”.
Ban tổ chức cũng đã quy định rõ các sân khấu quan họ không được ngửa nón xin tiền “bo” của du khách. Nhưng quy định này không thể phát huy tác dụng khi mà các liền anh, liền chị vẫn vừa hát vừa cầm tiền của người nghe, người xem tạo nên sự phản cảm đối với du khách đến trẩy hội.
Mời trầu là một tục lệ đẹp của người quan họ nhưng trong Hội Lim, tục mời trầu dường như đã bị biến tướng như là “bán trầu”. Bởi các liền anh, liền chị để trầu têm cánh phượng, trầu têm cánh quế trên một cái tráp có để sẵn tiền như ngầm thông báo với du khách muốn nhận trầu thì hãy bỏ tiền vào đó. Và khi du khách để tiền vào tráp thì ngay lập tức các liền chị nhanh chóng cầm tiền bỏ xuống ngăn dưới của tráp.
Du khách cho tiền vào tráp để xin trầu
Du khách cho tiền vào tráp để  xin trầu 
Năm nay, lực lượng an ninh được huy động và tăng cường một cách triệt để nhằm đảm bảo an toàn, trật tự cho lễ hội. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng ban Văn hóa huyện Tiên Du kiêm Phó Trưởng ban Chỉ đạo Lễ hội Lim 2015 cho biết: “Chúng tôi cũng nghiêm cấm các trò chơi cờ bạc ăn tiền, trò chơi điện tử, xiếc, quảng cáo và các dàn loa có công suất lớn gây ảnh hưởng đến không gian lễ hội”. 
Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, dọc hai bên đường dẫn vào lễ hội, các hàng quán kinh doanh vẫn xuất hiện la liệt dù Ban tổ chức đã treo biển cấm hoạt động buôn bán trên vỉa hè. Đặc biệt, tình trạng buôn bán dưới lòng đường vẫn diễn ra ngang nhiên. Số lượng người đến lễ hội rất đông dẫn đến tình trạng môi trường bị ô nhiễm trầm trọng khi thực khách ăn uống xong, thức ăn, thức uống thừa vứt bừa bãi. 
Quanh khu vực Hội Lim còn ồ ạt xuất hiện nhiều điểm trông giữ xe với mức giá “chặt chém” du khách. Giá vé xe trung bình là 20.000 đồng/xe máy, 50.000 đồng/xe ô tô. Giá gửi qua đêm lên tới 150-200 nghìn đồng. Du khách không có quyền mặc cả và phải chấp nhận mức giá như vậy...
Ban tổ chức nói gì?
Làm việc với phóng viên Báo PLVN về những vấn đề còn tồn tại của Hội Lim, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Năm kia khi tổ chức lễ hội, ngày đầu tiên cũng có nghe phản ánh của du khách về việc hát trên loa thùng, nhưng hiện nay khi lượng du khách đổ về đông đúc như thế này, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo huyện tiếp tục cho hát bằng loa thùng thì du khách mới có thể nghe thấy các làn điệu quan họ. 
Ban Chỉ đạo cũng giao cho một số người phụ trách điều chỉnh âm thanh. Nhiều du khách muốn thưởng thức những làn điệu quan họ trong đúng một không gian đậm chất quan họ thì họ tìm đến những nhà nghệ nhân để nghe trực tiếp tại tư gia với những lối chơi quan họ được thẩm bằng cách đơn sơ nhất, mộc mạc nhất”.
Các loại đồ cổ, giả cổ được bày bán tràn lan
Các loại đồ cổ, giả cổ được bày bán tràn lan 
Khi được hỏi về việc mời trầu để xin tiền thì ông Hùng giải thích: “Không có chuyện quan họ xin tiền. Đây là do du khách tự thưởng tiền với tâm lý tùy tâm mỗi người. Vậy vấn đề này là do du khách chứ không phải do các nghệ nhân mời trầu để xin tiền. Ứng xử đó có thể là do chưa hiểu hết, họ cho là mời trầu xin tiền”.
Đến với Hội Lim, quê hương xứ sở của những làn điệu quan họ ngọt ngào làm say đắm biết bao người, lẽ ra du khách có thể tận hưởng những lời ca say đắm quyện trong một không gian mang đậm chất quan họ với những mỹ tục của chốn kinh kỳ, nhưng dường như những “hạt sạn” tại Lễ hội cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thưởng thức của nhiều du khách./.

Đọc thêm