Hồi ức thanh xuân

(PLO) - "Em mới cảm lạnh thêm một lần nữa, trong cơn mưa thanh xuân"
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
1. Buổi họp lớp kéo dài tới khuya, lúc Miên đã lơ mơ với rượu và khói xì gà bủa quanh thì cửa phòng hát karaoke đột nhiên mở rộng. Trong ánh đèn nhấp nháy nhiều màu, một dáng người dong dỏng choán hết tầm nhìn. Bọn con gái ùa ra, vây quanh, hét lên trong tiếng nhạc sàn huyên náo "lớp trưởng, phạt cậu tới muộn". Bọn con trai cầm sẵn bia rượu trên tay, cơ hồ nuốt chửng lấy anh chàng đang ra sức thanh minh cuộc họp đã giữ chân cậu lâu hơn dự định. 
Hai vòng đùn đẩy, rốt cuộc, uỵch nhẹ một cái, Miên thấy ai đó đẩy cậu chàng ngồi sát rạt với mình. Miên ngẩng lên, mắt hơi nhòe nhưng vẫn nhìn rõ gương mặt bên cạnh, nửa ngại ngần nửa da diết và hơi ấm, nóng bỏng bên vai trái của mình. Một hồi, cô mới nhớ ra cánh tay để hờ trên ghế giờ tê dại ép vào bên vai của chàng trai trong tiếng bạn bè huyên náo. 
Cậu ấy đây, rất gần, như năm nào hai đứa nhà cùng dãy E, tập thể Thành Công, buổi sáng đứng chờ Miên nhảy chân sáo xuống cầu thang, ngồi vắt vẻo sau xe đạp mặc cho cậu gò lưng lên dốc đê La Thành. Như năm nào, cô thi rớt Đại học còn cậu thủ khoa một trường quân đội, buổi nhập học, cậu bảo từ mai một tháng mới được về nhà một lần, cô ở nhà không được đi chơi tối với người con trai khác...
2. "Không được đi chơi với người con trai khác", nói thì dễ lắm nhưng thực hiện thì không dễ nhất là khi ấy gia đình mở cho Miên một quán cà phê, để cô tạm thời có việc mà làm thay vì ngồi ở nhà gậm nhấm nỗi buồn thất học. 
"Trong lúc tôi bận học tập để xứng đáng với cậu thì cậu có xứng đáng với tôi không", cậu ấy, trong quân phục còn thơm mùi vải, cứng mùi hồ, cả cơ thể rung lên vì tức giận và tuyệt vọng trong một tối trèo cổng ký túc xá về nhà, ngang qua đầu khu tập thể và đứng chồn chân chờ cho tới khi cô xuống từ yên xe máy của một chàng trai khác. Miên chẳng có cơ hội mà giải thích và cũng không muốn giải thích, mẹ cậu ấy khi đi chợ qua quán của cô, đứng ngay sát hông nói chuyện với hàng xóm, bảo rằng con trai bà sẽ thành quân nhân và bà sẽ chọn cho cậu ta một cô giáo nuôi dạy trẻ. Đó là fom chuẩn của bất cứ thời đại nào mà Miên thì không có tố chất lẫn khả năng để đi làm nghề nuôi dạy trẻ...
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
 Ảnh minh họa. Nguồn internet.
3. "Bây giờ Miên sống ở đâu, ra sao và thế nào", đã mấy lần cậu ấy định quay sang cô và hỏi những câu bình thường như bao bạn bè khác sau 20 năm xa cách vẫn hỏi nhau. Buổi họp lớp cấp 3 sau 20 năm ra trường này có mục đích nào khác ngoài việc gặp lại nhau, hàn huyên về những ngày đã qua. Nhưng cậu đã không thể hỏi cô câu nào, trái tim, mỗi khi đối diện với những bậc thang phủ rêu xanh mờ ở nhà E9 vẫn như còn đau nhức. Như cái ngày cậu từ trường về nghỉ hè thì quán cà phê của cô đã đóng cửa, cả gia đình cô cũng chuyển đi xa. 
Hàng xóm đồn đại rằng cô bị gã sở khanh nào đó lường gạt tới có thai rồi "quất ngựa truy phong". Cô làm một đám cưới giả với một cậu trai vốn vẫn si mê cô như điếu đổ, rồi chuyển đi đâu không rõ. Bố mẹ cô cũng bán nhà, chuyển ra ngoại thành sinh sống nhưng cậu chẳng biết ngoại thành đó là phía cửa ô nào của thành phố. 
Bao nhiêu năm đã đi qua, cậu vẫn sống quẩn quanh ở khu vực Thành Công, bất kể bố mẹ than phiền ngõ nhỏ, phố hẹp, bất kể cô vợ làm ngân hàng than thở bạn bè mua nhà ở chung cư a, tòa nhà b, to đẹp đã đành lại còn sang chảnh, dịch vụ tới tận chân răng. Bất kể mỗi bận chiếc xe đưa cậu về nhà, dù đeo biển đỏ, cũng vẫn đứng xếp hàng dài chờ xe đi ngược chiều thoát hết, có khi tới vài tiếng đồng hồ. Vô số lần trong cảnh tắc đường đó, cậu xuống xe, đi bộ, ngang qua cầu thang cũ lên nhà cô, cứ tần ngần mãi tới mức bác tổ trưởng dân phố phải chạy ra chào vì tưởng cậu nhầm ngày sinh hoạt hai chiều ở cơ sở.
4...Cuộc vui nào rồi cũng có lúc phải tàn, cả đám say rượu ngà ngà dìu nhau trên đường phố, hát nghêu ngao và có đứa đã khóc rống lên. Miên hít căng ngực bầu không khí trong lành, lục tìm điện thoại để gọi taxi nhưng mò mãi không thấy. Định quay lên thì va phải bờ vai rắn chắc của cậu, "em tìm điện thoại à, để quên trên ghế trong phòng hát", cậu không nghĩ mình lại thốt ra được câu ấy, tựa như hồ hai đứa mới vừa chia tay hôm qua để cậu lên trường, như chưa từng tan vỡ vì nhau. 
Miên không biết, trước khi đưa điện thoại cho cô, cậu có chút tò mò của dân kỹ thuật quân sự, đã mở màn hình, thấy có mã số đã thử nhập ngày sinh nhật của mình vào và bất ngờ khi thấy màn hình báo hiệu mã số đúng. Giây phút ấy, đã xóa nhòa đi những hờn giận chất chứa trong lòng bao nhiêu năm qua, thổi bùng lên những hồi ức thanh xuân mà bao năm cậu níu giữ trong lòng. "Anh đưa em về", cậu dứt khoát và kiên quyết cầm điện thoại của cô và bước vào xe taxi. Xe qua cầu Long Biên, hướng về một ngôi làng nhỏ sát với chân đê...
5. Tháng 9, ngôi chùa ở đầu làng hoa móng rồng thơm như mít mật, bờ đê trải đầy cỏ may trong một đêm trăng sáng dù đã qua rằm. Cuối cùng thì cậu cũng đủ dũng khí để ôm chặt Miên trong tay, mặc cho nước mắt cô rơi ướt đầm ngực áo. Cuối cùng thì Miên cũng đủ dũng cảm để đẩy cậu ra sau những nức nở không nói lên lời. Cô biết, sau hôm nay, cô sẽ không còn phải trốn chạy thành phố nữa, cô sẽ tự tin đi qua khu nhà E9, cô sẽ an nhiên ngồi giữa bạn bè trong những buổi gặp mặt như thế này của những năm sau...
Bởi thanh xuân ai đó vẫn nói giống như cơn mưa rào, cho dù bị cảm lạnh, người ta vẫn muốn dầm mình trong cơn mưa tầm tã thêm một lần nữa. Một lần để hồi ức ấy, theo cơn mưa, trôi về phía thanh xuân...

Đọc thêm