Hồn phố cổ Hà Nội 'thoi thóp' giữa đời thường

(PLO) - Có người ví, không gian phố cổ như một thiếu nữ đẹp phải mặc chiếc áo dài chắp vá, một chân đi guốc, một chân đi bốt quả không sai. Có thể dễ dàng nhận thấy, tầng một của những ngôi nhà cổ là dãy cửa hàng thò ra, thụt vào với vô số biển hiệu, đèn led nhấp nháy, phía trên tầng hai là dãy ra lụp xụp, hư hỏng thậm chí trên nóc được che đậy bằng tấm lợp fibro xi măng nhếch nhác. Kiến trúc kiểu pha trộn, lạc tông, lai căng ấy đã phá vỡ cảnh quan vốn có của phố cổ, tạo nên bức tranh lộn xộn, nhức mắt. 
Những ngôi nhà phố cổ bị biến dạng, chắp vá với tấm lợp lạc tông và ngôi nhà cao tầng trộn lẫn.
Những ngôi nhà phố cổ bị biến dạng, chắp vá với tấm lợp lạc tông và ngôi nhà cao tầng trộn lẫn.

“Hồn” phố cổ bay đi ít, nhiều

Khu phố cổ Hà Nội là quần thể kiến trúc độc đáo, mang đặc trưng riêng với các phố nghề như Hàng Mã, Hàng Tre, Hàng Thiếc, Thuốc Bắc... Nó còn được biết đến với hệ thống công trình kiến trúc đặc biệt như đình Kim Ngân, đền Bạch Mã, chùa Cầu Đông... Nhà ở khu phố cổ được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX dựa trên nền móng được hình thành từ những thế kỷ trước với kết cấu gỗ, mái lợp ngói, vì kèo có nhiều họa tiết trang trí. Khu phố cổ có 122 di tích lịch sử và văn hóa, trong đó có 97 di tích lịch sử tôn giáo và tín ngưỡng, 25 di tích cách mạng, kháng chiến.

Được công nhận là Di tích quốc gia năm 2004, khu phố cổ Hà Nội coi như có “dấu triện” khẳng định vị trí của mình với giá trị đã mang tầm di sản quốc gia. Tuy nhiên, do không kiểm soát được gia tăng dân số nên mật độ dân số tại đây đã thuộc hàng cao nhất thành phố với khoảng trên 850 người/ha, toàn bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội bị quá tải nghiêm trọng, chỉ tiêu về cây xanh, về giao thông tĩnh... đều đã bị phá vỡ.

Hiện nay, ở khu phố cổ, những ngôi nhà từ thế kỉ XIV lợp mái ngói dần biến mất. Với không gian kiến trúc, theo thống kê, trong số 300 ngôi nhà cổ ở Hà Nội thì chỉ có khoảng 10% ở trong tình trạng bảo quản tốt, số còn lại xuống cấp hoặc ít nhiều bị biến dạng. 

Việc bảo tồn khu phố cổ được nêu ra hàng chục năm nay. Theo đó, không chỉ bảo tồn nhà cửa ở khu vực này mà phải bảo tồn tổng thể không gian sống, không gian sinh hoạt ở nơi đó, gìn giữ được những nét duyên dáng, cổ kính của kiến trúc cổ và những hoạt động thương mại - văn hóa truyền thống, những cái đã tạo nên những nét đẹp rất đặc trưng, rất riêng biệt của khu phố cổ Hà Nội. Đó là tổng hòa giữa những kiến trúc nhà ở, các công trình tôn giáo, nghề cổ, nếp sống người Hà Nội, các tập tục, lễ hội gắn với các di tích, phố nghề. Việc bảo tồn mang lại rất nhiều lợi ích, không chỉ là gìn giữ được các giá trị văn hóa lịch sử mà còn mang lại lợi nhuận kinh tế.

Thời gian qua, TP Hà Nội cũng như quận Hoàn Kiếm đã có những biện pháp khai thác, phát huy giá trị của phố cổ Hà Nội bằng nhiều biện pháp như: tu bổ di tích, khôi phục lễ hội, hỗ trợ tu bổ, khôi phục mặt đứng nhà một số tuyến phố, tổ chức phố đi bộ... Nhưng nhìn chung, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, kiến trúc truyền thống tại phố cổ Hà Nội còn nhiều thách thức.

“Trước mắt, chỉ nên giữ lại một đoạn phố tượng trưng” 

Đó là ý kiến của Tiến sĩ, Kiến trúc sư Ngô Doãn Đức - Hội Kiến trúc sư Việt Nam trong buổi tọa đàm “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống phố cổ Hà Nội - Khó khăn và giải pháp” vừa diễn ra tại đình Kim Ngân (phố Hàng Bạc, Hà Nội) do Hội Kiến trúc sư Hà Nội phối hợp Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội tổ chức.

Theo đó, gia tăng dân số nên việc duy tu, gìn giữ hàng trăm ngôi nhà ở khu phố cổ là bài toán hóc búa, không dễ gì giải được với cơ quan chức năng. Vì vậy, trong khi chờ đợi kinh phí cũng như nỗ lực lớn của chính quyền và địa phương, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Ngô Doãn Đức đưa ra ý kiến, trước chỉ nên giữ lại một đoạn phố tượng trưng để du khách biết đến tham quan. Cần tiến hành nghiên cứu vị trí một nhóm nhà để tái tạo hình ảnh nhà ống dạng “mái ngói thâm nâu” nhằm quảng bá đặc trưng về kiến trúc của phố cổ.

Ngành chức năng cần tập trung tôn tạo tuyến phố từ Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục - Hàng Đào đến Hàng Giấy - Bốt Hàng Đậu thành trục trọng tâm của cả khu phố cổ. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cần một nghiên cứu nghiêm túc về chợ dân sinh, liên quan với chợ cóc, hàng rong, hàng vỉa hè; chọn lọc và hoàn thiện những tuyến phố đi bộ trong khu phố cổ.

Cái khó khăn lớn nhất khi bảo tồn phố cổ là sự chia sẻ của người dân. Bảo tồn là để gìn giữ những nét cổ xưa nhất mà người dân lại muốn hiện đại hóa cuộc sống của họ, và hiện đại hóa sẽ phá vỡ cảnh quan, kiến trúc cổ. Nếu bảo tồn phố cổ mà không có tiếng nói chung thì chỉ như “ném đá ao bèo”, nó chỉ gợn sóng một chút  rồi lại chìm. Các nhà nghiên cứu cho rằng, chính quyền cần phải giải thích đề người dân hiểu để phấn đấu có một môi trường sống tốt chứ không chỉ là chỗ để ở. Họ có thể vẫn kinh doanh ở đây, và sống ở vùng lân cận để có thể cải tạo cuộc sống tốt hơn.

Nói về không gian kiến trúc, ông Lê Văn Lân - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho biết, trong các giá trị văn hóa thì những tác động vào không gian đô thị cũng như kiến trúc từng ngôi nhà luôn là yếu tố làm thay đổi hình ảnh khu phố cổ nhanh nhất và rộng khắp nhất. Vì vậy, chính quyền phường, quận phải có thái độ không khoan nhượng với những công trình sai phép, xây vượt chiều cao quy định, đồng thời từng bước có kế hoạch xử lý với những công trình vi phạm trật tự xây dựng ở phố cổ. 

Bà Trần Thị Thúy Lan - Phó ban Quản lý phố cổ Hà Nội đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy giá trị của phố cổ. Trong đó, đáng chú ý là nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân trong công tác quản lý, bảo tồn các di sản; đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế trao đổi về kỹ thuật, tài chính phục vụ công tác bảo tồn, trùng tu các công trình di tích, cải tạo cảnh quan và công trình kiến trúc có giá trị. 

Đọc thêm