Hợp tác quốc tế - kênh quan trọng giúp khắc phục hậu quả của thiên tai, thảm họa!

(PLO) - Thiên tai, thảm họa đang đe dọa an ninh toàn cầu trong thế kỷ 21, gây tổn thất lớn về kinh tế, bất ổn về chính trị, xã hội của các quốc gia. Việt Nam là một đất nước được đánh giá là sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. 
Bác sỹ Nguyễn Công Sinh,  Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tại và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Y tế
Bác sỹ Nguyễn Công Sinh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tại và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Y tế

Vì thế, để chủ động đối phó với những diễn biến khó lường của thời tiết, hạn chế thấp nhất rủi ro, Bác sỹ Nguyễn Công Sinh - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tại và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & KTCN), Bộ Y tế cho rằng: Chúng ta phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó hợp tác quốc tế được xem là kênh quan trọng giúp khắc phục hậu quả của thiên tai, thảm họa…

Cần có các phương án ứng phó phù hợp…

Để chủ động đối phó với những diễn biến khó lường của thời tiết, hạn chế thấp nhất rủi ro, theo Bác sỹ Nguyễn Công Sinh: Cần có nhiều phương án ứng phó với các kịch bản thiên tai có nguy cơ cao xảy ra ở Việt Nam (bão, lũ, ngập mặn, triều cường, nóng, lạnh, dịch bệnh, động đất, sóng thần…). Việc này đòi hỏi phải có sự chỉ đạo điều hành thống nhất cấp quốc gia, trong khu vực ASEAN và trên toàn thế giới trong việc ứng phó với thiên tai.

Với vai trò của mình, Bộ Y tế luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT và Ủy ban Quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và KTCN và các tổ chức quốc tế liên quan đến lĩnh vực này. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của các cơ quan chuyên trách của Trung ương, các khuyến nghị của các tổ chức quốc tế và để toàn ngành y tế luôn chủ động, sẵn sàng phối hợp với các Bộ ngành, địa phương PCTT & TKCN, trong giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-BYT ngày 8/4/2016; Ngoài ra, hàng năm, căn cứ tình hình dự báo thiên tai, dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế đều ban hành các chỉ thị PCTT & TKCN nhằm đôn đốc, nhắc nhở và cập nhật tình hình cho toàn ngành y tế để chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai, chủ động, tích cực trong khắc phục hậu quả trong thiên tai và tham gia tái thiết sau thiên tai.

Quán triệt Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế về công tác PCTT & TKCN, toàn ngành y tế đã thực hiện có hiệu quả trên các lĩnh vực: Về kiện toàn công tác tổ chức: Ban chỉ huy PCTT & TKCN của Bộ Y tế đã luôn được kiện toàn với sự tham gia đầy đủ của các Vụ, Cục có liên quan. Cụ thể, Bộ Y tế đã giao cho Vụ Kế hoạch Tài chính là cơ quan thường trực (Văn phòng thường trực) nhằm tích hợp nhiệm vụ PCTT & TKCN với chương trình kết hợp quân dân y và nhiệm vụ dự trữ quốc gia. Đối với các địa phương đều thành lập Ban chỉ huy PCTT & TKCN của ngành y tế tại Sở Y tế để tham mưu cho chính quyền địa phương trong các tình huống thiên tai. Đối với các đơn vị trực thuộc Bộ phân công cán bộ kiêm nhiệm và tổ chức các đội cấp cứu ngoại viện, cơ động phòng chống dịch, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu hỗ trợ về chuyên môn; Tăng cường năng lực quản lý an toàn thực phẩm, dược phẩm cho các địa phương để bảo đảm nguồn cung cấp ổn định, chất lượng về thực phẩm, dược phẩm cho nhân dân vùng thiên tai.

Đặc biệt, Bộ Y tế đã tham mưu với Chính phủ phê duyệt đề án tăng cường y tế cơ sở, phê duyệt đề án phát triển y tế biển đảo, ban hành Nghị định về công tác kết hợp quân dân y…là những quyết sách có tính chiến lược trong việc bảo đảm y tế khi có thiên tai, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo…

Về bảo đảm dự trữ PCTT & TKCN: Công tác dự trữ thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế (giản đơn) phục vụ ứng cứu cho vùng thiên tai đã được thực hiện thường xuyên, liên tục, ở tất cả các tuyến Trung ương, địa phương, các đơn vị y tế. Việc tổ chức dự trữ của các địa phương dựa trên cơ sở đánh giá tình hình thiên tai hàng năm của từng địa phương, hướng dẫn về cơ sớ của Bộ Y tế, để xây dựng kế hoạch dự trữ, sử dụng ngân sách chi thường xuyên của ngành y tế. 

Về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực: Việc chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực tại chỗ là hết sức quan trọng trong việc PCTT & KTCN, từ việc đào tạo người chỉ huy điều hành, các nhóm kỹ thuật, các đối tượng hỗ trợ cho y tế đã được xác định và đang từng bước hoàn thiện chương trình đào tạo theo chuẩn ASAEN. Hiện tại Bộ Y tế đang cùng Bộ Y tế các nước ASAEN xây dựng mô hình chuẩn các đội cấp cứu khẩn cấp (EMT) và các chính sách liên quan đến hỗ trợ quốc tế và các tổ chức, vận hành văn phòng chỉ huy khẩn cấp (EOC) trong các tình huống thiên tai, dưới sự hỗ trợ của tổ chức JICA (Nhật bản). Kỳ vọng sau năm 2020 sẽ tổ chức mở rộng đào tạo tại các tuyến cho y tế Việt Nam. Trong năm 2018, Bộ Y tế cũng phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng đã tổ chức thành công diễn tập quốc tế về cấp cứu trong thiên tai, thảm họa với sự tham gia của 10 nước ASEAN và Nhật bản.

Tăng cường hợp tác quốc tế và khắc phục các khó khăn!

Trong các hoạt động, Bác sỹ Nguyễn Công Sinh cho biết công tác hợp tác quốc tế là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, bởi thiên tai không chỉ xảy ra trên địa bàn hẹp, trong một quốc gia. Vì vậy Bộ Y tế đã có nhiều cam kết quốc tế trên lĩnh vực PCTT & KTCN, kể cả lĩnh lực TKCN trên biển. Thông qua các chương trình hợp tác, Bộ Y tế đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của nhiều tổ chức quốc tế (WHO, UNICEF, UNPA, JICA…), nhờ đó đã nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ làm công tác PCTT & KTCN.

Bên cạnh những thuận lợi, Bác sỹ Nguyễn Công Sinh đánh giá, vẫn còn không ít khó khăn cần khắc phục để nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động PCTT & KTCN. Thực tế cho tháy: Nhận thức chủ quan của một số cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức còn được ghi nhận ở nhiều đơn vị; Việc xây dựng các kế hoạch ứng phó với các kịch bản thiên tai, TKCN của một số địa phương, đơn vị chưa sát thực hoặc chưa đánh giá hết nguy cơ có thể xảy ra; Một số đơn vị xây dựng chính sách (nội bộ) chưa phù hợp dẫn đến chưa khuyến khích các cán bộ tham gia công tác PCTT & KTCN; Việc đầu tư ngân sách còn hạn hẹp và chính sách về công tác dự trữ vật chất còn bất cập; Việc chưa có trung tâm nghiên cứu, đào tạo chuyên ngành về y học thảm họa, cũng như không có cán bộ chuyên trách cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển công tác y tế PCTT; Trang thiết bị đặc thù cho công tác PCTT & KTCN của ngành y tế còn nghèo nàn (cả trên bộ, trên biển)./.

Đọc thêm