Huế: Hàng trăm giáo viên đã đạt chuẩn phải thi lại tiếng Anh

(PLO) - 228 giáo viên đã được công nhận đạt chuẩn và trên chuẩn trong đợt khảo sát ngoại ngữ do Sở GT-ĐT tỉnh TT. Huế phối hợp với hội đồng Anh và Đại học Ngoại ngữ  Huế (ĐHNN) tổ chức bỗng nhận được “trát” từ Sở này yêu cầu đi thi lại để được cấp chứng chỉ.

 

Ông Phạm Văn Hùng – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh TT. Huế (bên trái) “đó là khảo sát chứ không phải thi’
Ông Phạm Văn Hùng – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh TT. Huế (bên trái) “đó là khảo sát chứ không phải thi’

Năm 2011, Sở GD-ĐT tỉnh TT. Huế phối hợp với hội đồng Anh Hà Nội và trường Đại học Ngoại ngữ Huế tổ chức khảo sát cho giáo viên từ cấp 1 đến cấp 3. Trong đợt khảo sát này có tất cả 228 giáo viên được  công nhận đạt chuẩn và trên chuẩn chiếm 15% tổng số giáo viên tham gia.

Cô L, giáo viên một trường THCS tại TT.  Huế cho biết, tháng 5/2011, cô L cùng với các giáo viên khác từ cấp 1 đến cấp 3 trên địa  bàn tỉnh đi khảo sát để cấp chứng chỉ tiếng anh. 

Sau khi kết thúc kỳ thi cô L được xác nhận đạt chuẩn B2. Thế nhưng điều đáng nói rằng sau khi kết thúc đợt khảo sát thì cô L không nhận được bất cứ thông báo nào để báo rằng cô đã hoàn thành bài thi mà chỉ nhận được tin nhắn qua điện thoại, đồng thời cô và 227 người còn lại cũng không được nhận bất cứ bằng cấp hay chứng chỉ nào liên quan đến đợt khảo sát vừa rồi.

Chính vì vậy mà những giáo viên dự thi cứ đinh ninh rằng mình đã hoàn thành tốt kỳ thi. “Chúng tôi chỉ nhận được tin nhắn qua điện thoại báo mình đã hoàn thành kỳ thi chứ không nhận bằng hay chứng chỉ gì, ai cũng nghĩ vậy là đã hoàn thành”, cô L nói.

Cô P, giáo viên dạy cấp 3 tại TT. Huế cho biết tại thời điểm năm 2011, cô P đã hoàn thành xong kỳ thi khảo sát do sở GD-ĐT tổ chức, mặc dù có bản điểm chứng tỏ cô đã hoàn thành kỳ thi nhưng giáo viên này lại không hề nhận được bất cứ bằng cấp hay chứng chỉ nào liên quan.

Cô P cho rằng động thái từ phía sở GD-ĐT đã tạo ra sự bất công với những người đã hoàn thành đợt khảo sát vừa rồi, bởi theo cô P thì số 15% giáo viên hoàn thành đợt khảo sát là một vinh dự cho tỉnh nhà, nhưng lại bị hủy kết quả để thi lại là “đánh đồng” với những người thi rớt trong kỳ khảo sát trước đó.

“Làm như vậy là giá trị của chúng tôi đã bị hạ thấp vì trước giờ chúng tôi đều đi học các lớp của sở đưa ra vì chúng tôi là những giáo viên cốt cán đạt chuẩn và trên chuẩn theo khung năng lực châu Âu. Bây giờ sở quay ngược lại nói chúng tôi chưa đạt nên chúng tôi không biết nói thế nào với đồng nghiệp và nhà trường”, cô P bức xúc cho biết.

Công văn của Sở GDDT Thừa Thiên Huế về việc điều động giáo viên đi khảo sát
Công văn của Sở GDDT Thừa Thiên Huế về việc điều động giáo viên đi khảo sát

Một lý do khác mà cô P và những giáo viên khác đưa ra để “tẩy chay” đợt khảo sát lần này của Sở GD-ĐT là vì khoảng thời gian từ đợt khảo sát năm 2011 đến nay là quá lâu, trong 5 năm đó kiến thức thay đổi liên tục nếu khảo sát liền thì giáo viên không theo kịp chương trình.

Theo thông tin mà các giáo viên cung cấp cho PV, ngày 18/8 vừa rồi 228 giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn đã bắt đầu học ôn lại kiến thức để thi lại vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm nay.

Để làm rõ những phản ánh của giáo viên, PV báo PLVN đã làm việc với ông Phạm Văn Hùng – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh TT. Huế, ông Hùng cho biết năm 2011 sở đã tổ chức một cuộc khảo sát trình độ ngoại ngữ đối với gần 1000 giáo viên dạy anh văn từ cấp 1 đến cấp 3 trên địa bàn tỉnh với mục đích nắm được tình hình của đội ngũ giáo viên. Trong đợt khảo sát nói trên sở đã phối hợp với hội đồng Anh và ĐHNN Huế để tổ chức.

Khi PV đặt vấn đề về việc các giáo viên đã hoàn thành đợt khảo sát với kết quả đạt chuẩn và trên chuẩn nhưng lại không được cấp các bằng cấp liên quan, ông Hùng lý giải rằng vì các giáo viên chỉ hoàn thành đợt khảo sát nên không thể cấp bằng, trường hợp được cấp bằng hay các chứng chỉ liên quan thì phải trải qua thi.

“Sở cũng muốn cấp chứng chỉ cho các giáo viên này nhưng không được vì trái với quy định của Bộ, hơn nữa đó chỉ là khảo sát chứ không phải thi, trường hợp thi phải có hội đồng, kết hợp với một đơn vị và phải công khai kết quả”, ông Hùng giải thích.

Tuy nhiên các giáo viên tham gia đợt khảo sát vừa rồi cho hay, trường ĐHNN là cơ sở được phép cấp bằng theo quy định của Bộ GD-ĐT nên 228 giáo viên nói trên sẽ được cấp các chứng chỉ liên quan sau khi kết thúc đợt khảo sát nói trên. Về vấn đề này, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh TT.Huế lý giải rằng, trong đợt khảo sát vào năm 2011 sở đã phối hợp với hội đồng Anh và ĐHNN Huế, tuy nhiên sở chỉ ký hợp đồng và cơ sở pháp lý với hội đồng Anh. Nhưng, hội đồng này cũng chỉ là đơn vị đào tạo chứ không có cơ sở pháp lý để cấp bằng. Còn ĐHNN chỉ có vai trò là đóng góp một vài giáo viên tham gia vào hội đồng khảo thí, chính vì vậy mà ĐHNN không thể cấp bằng và chứng chỉ liên quan.

Khi phóng viên thắc mắc tại sao trong kỳ thi khảo sát ghi là “kết quả kỳ thi khảo sát tiếng Anh”, có đạt, không đạt và công nhận kết quả ? Ông Hùng nói: “Đó là do cách dùng từ chưa chuẩn".

Trước áp lực về việc khảo sát để được cấp lại chứng chỉ ông Hùng cho rằng, “Áp lực như vậy thì giáo viên lo lắng là phải, tuy nhiên chúng tôi cũng đã có giải pháp, sở sẽ tăng thời gian ôn tập lên, thứ 2 là giáo viên đăng ký ở những cấp độ thấp hơn so với chứng chỉ chuẩn để ta học tập bồi dưỡng nên các giáo viên yên tâm”.

Đọc thêm