Huế: Xe 'vua' tung hoành trên Quốc lộ do được 'bảo kê'?

(PLO) - Quốc lộ 1A đoạn đi qua huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) xuất hiện hàng chục xe tải màu vàng, thùng cao ngất ngưỡng chạy từng đoàn với tốc độ cao khiến người tham gia giao thông khiếp vía. Tình trạng  này diễn ra trong thời gian dài, gây bức xúc dư luận nhưng không hiểu vì sao các cơ quan chức năng không  xử lý?.
Các xe tải đang bốc hàng tại Cụm công nghiệp La Sơn (huyện Phú Lộc)
Các xe tải đang bốc hàng tại Cụm công nghiệp La Sơn (huyện Phú Lộc)

Không những gây mất an toàn giao thông mà các xe này còn vô tư thải gỗ dăm xuống đường gây ô nhiễm môi trường, làm xấu hình ảnh du lịch Huế.

Dăm gỗ tràn trên Quốc lộ

Phản ánh tới Báo Pháp luật Việt Nam những hộ dân sống ven quốc lộ 1A đoạn qua huyện Phú Lộc cho biết, họ chịu cảnh “sống trong sợ hãi” gần như hằng ngày khi hàng loạt xe tải chở gỗ dăm tung hoành trên đường. Nhất là vào đêm khuya, họ luôn bị đánh thức bởi tiếng “gầm rú” phát ra từ những chiếc xe này.

Một vụ tai nạn do xe chở dăm gỗ gây ra vào sáng ngày 02/4 tại thị trấn Phú Lộc
Một vụ tai nạn do xe chở dăm gỗ gây ra vào sáng ngày 02/4 tại thị trấn Phú Lộc
Một người dân xã Lộc Thủy dọn gỗ dăm trên đường Quốc lộ 1A
Một người dân xã Lộc Thủy dọn gỗ dăm trên đường Quốc lộ 1A

Nhiều chiếc xe tải che phủ sơ sài, chạy nhanh thải đầy dăm bào xuống nhiều đoạn tuyến Quốc lộ 1A.

Dăm gỗ trên xe tải rơi thành đống
Dăm gỗ trên xe tải rơi thành đống

Tại Cụm công nghiệp La Sơn (xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc), nơi các xe tải "bốc" gỗ dăm, hàng loạt xe tải "be" thùng đang chờ để vận chuyển. Sau khi bốc đầy gỗ dăm, những chiếc xe này chạy hướng về Quốc lộ 1A. 

Đoàn xe này chở gỗ dăm để nhập hàng tại cảng Chân Mây (huyện Phú Lộc).

Dăm gỗ vương vãi hai bên đường
Dăm gỗ vương vãi hai bên đường

Người dân dọn dăm gỗ vào các bao tải, chất bên đường vào cảng Chân Mây.
Người dân dọn dăm gỗ vào các bao tải, chất bên đường vào cảng Chân Mây.

Hầu hết các xe không mang biển kiểm soát tỉnh Thừa Thiên Huế (biển kiểm soát 75) mà mang biển kiểm soát 76 thuộc tỉnh Quảng Ngãi và đều có dấu hiệu "be" thêm thùng xe để chở được nhiều hơn. 

Hàng chục xe chở dăm nối đuôi nhau chờ vào cảng Chân Mây
Hàng chục xe chở dăm nối đuôi nhau chờ vào cảng Chân Mây

Trong lộ trình từ Cụm công nghiệp La Sơn về đến cảng Chân Mây, nơi nào đoàn xe này đi qua cũng vương vãi lại dăm bào, dăm rơi nhiều nhất trên những đoạn đường gồ ghề, trên cầu hay đoạn đường đang sửa chữa.

Nhiều đoạn PV phải giảm tốc độ lùi lại phía xa để đảm bảo an toàn, tránh  dăm và mạt gỗ rơi xuống bay vào mắt. Mặc dù chở hàng nhiều, thùng xe cao nhưng các xe này đều chạy vượt các xe khác cùng chiều với tốc độ chóng mặt.

Thậm chí khi đi qua một chốt trực của Cảnh sát giao thông, xe chở dăm cũng bấm còi "vượt mặt" các xe khác.

Một hộ dân sống tại xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc ngao ngán cho biết, có những lúc do các xe này làm rơi dăm gỗ ra đường quá nhiều, gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông nên người dân phải ra để dọn và hốt vào các bao lớn. Khi có gió thì bụi dăm bay vào nhà không chịu được.

Một công nhân thuộc công ty Quản lý đường bộ Thừa Thiên Huế cho biết: Mặc dù không phải công việc của mình nhưng nhiều đoạn dăm gỗ rơi quá nhiều, anh em công nhân phải thay nhau dọn dẹp. “Không hiểu họ chở kiểu gì mà có đoạn dăm gỗ rơi xuống từng đống, nếu không xử lý nghiêm tôi e không bao lâu nữa đường Quốc lộ ngập dăm bào gỗ. Không lẽ chúng tôi suốt ngày đi dọn rác cho họ”, công nhân này bức xúc.

Gây ô nhiễm môi trường, làm xấu hình ảnh du lịch Huế

Cảng Chân Mâycảng du lịch lớn nhất của tỉnh TT. Huế, hàng năm đều đón nhiều loại tàu quốc tế lớn cập bờ. Tuy nhiên, có thể thấy các xe trên coi cảng Chân Mây như “sân nhà” nên vô tư thải dăm gỗ tràn sân cảng, khu vực đón khách, khiến khung cảnh chung nhếch nhác.

Một đống dăm gỗ trước cầu cảng
Một đống dăm gỗ trước cầu cảng

Toàn bộ khu vực chính cầu cảng Chân Mây nhìn đâu cũng thấy dăm gỗ vương vãi, có nhiều đống do để lâu biến thành màu đen có mùi hôi ẩm mốc. Bãi rác quanh khu vực giao nhận hàng nhiều “núi” dăm bào do các xe này thải ra đã được gom lại nhưng không di chuyển ra khỏi khu vực cảng.

Dăm gỗ rơi đầy trên sân cảng
Dăm gỗ rơi đầy trên sân cảng
Một đống dăm gỗ bốc mùi hôi trong sân cảng
Một đống dăm gỗ bốc mùi hôi trong sân cảng
Cầu cảng cũng đầy dăm gỗ
Cầu cảng cũng đầy dăm gỗ
Trong sân cảng rất nhiều đống dăm gỗ như thế này
Trong sân cảng rất nhiều đống dăm gỗ như thế này
Từng đống dăm gỗ rất nhếch nhác
Từng đống dăm gỗ rất nhếch nhác

Một người thợ làm đá gần khu vực cảng cho biết thêm: “Trời mới mưa xong nên không thấy bụi, chứ ngày nắng khi đoàn xe này chạy qua bụi bay mù toàn khu vực cảng, không thấy gì cả...”.  Vừa nói anh vừa chỉ cho chúng tôi xem những gốc cây bụi bám bạc trắng, dãy nhà công vụ của cảng bụi cũng bám vàng…

Huế luôn quảng bá hình ảnh đẹp để thu hút khách nhưng khi tàu cập cảng này ấn tượng của du khách sẽ như thế nào?

Một lái xe chở dăm bào cho hay, khi có tàu nhận hàng, mỗi ngày có khoảng 80 xe vận chuyển liên tục suốt ngày đêm, trung bình mỗi xe một ngày chạy từ 3 đến 5 chuyến.

Đoàn xe này của doanh nghiệp nào, được ai "bảo kê" mà ngang nhiên coi thường dư luận như vậy? Trách nhiệm của các cơ quan chức năng cũng như cảng Chân Mây như thế nào trong công tác quản lý?.

Chúng tôi tiếp tục cập nhật trong các bài sau.

Đọc thêm