Huyền thoại bạch hổ đi tu được triều đình nhà Nguyễn sắc phong

(PLO) - Huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) từ lâu được mệnh danh là đất quế. Nhưng về đây không chỉ để tham quan những rừng quế bạt ngàn mà du khách còn có dịp ghé thăm điện Trường Bà - một di tích văn hóa độc đáo với sự giao thoa tín ngưỡng giữa dân tộc Kinh, Cor Chăm. Đến đây, du khách còn được nghe về huyền thoại Bạch Hổ sơn quân đi tu, không ăn thịt người.
Năm 2014, di tích điện Trường Bà được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Năm 2014, di tích điện Trường Bà được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Huyền bí điện Trường Bà

Điện Trường Bà toạ lạc bên tỉnh lộ 622, thuộc địa phận thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng. Điện này còn được gọi là Mao Đình Nhứt Ốc, dân gian thường gọi là chùa Bà. Ngoài chánh thần Thiên Y A Na, nơi này còn thờ Nam Hải tứ vị Thánh vương, Thiên Hậu Thánh mẫu, Quan Thánh cùng một số nhân thần khác. Hai bên tả hữu trước điện có thờ Bạch Hổ sơn quân và Chúa quỷ Man vương. 

Theo ông Châu Đình Hòa (chánh tế điện Trường Bà), người dân ở đây không biết điện Trường Bà có từ thời nào nhưng về Thiên Y A Na thì trước đây vốn ở chùa Đá trên núi Đá Bà, cách điện Trường Bà khoảng 5km về phía tây.

Chùa Đá thực ra là một hang động khoét sâu trong núi đá có rất nhiều ngách nhưng không ai dám vào sâu bên trong. Quanh ngôi chùa này có rất nhiều cây ăn quả như chanh, quýt, bưởi và rau rừng bốn mùa xanh tốt. Dù có năm hạn hán, cây cỏ chết hết thì cây trên hang đá này vẫn một màu xanh ngắt. 

Thời chiến tranh, do nghi ngờ cách mạng, bộ đội, du kích hoạt động trong hang, máy bay Mỹ đến thả bom xăng đốt nhưng chùa Đá vẫn không hề hấn gì. Lính Mỹ dùng đại bác nhằm thẳng hang chùa Bà bắn nhưng đạn bay đến đây nổ cái bụp rồi im hẳn, còn nòng đại bác thì toác ra. Cuối cùng, lính Mỹ cũng tìm đến hang chùa Đá lạy xin. 

Theo ông Hòa, truyền thuyết dân gian kể lại rằng, khi Thiên Y A Na hiển thánh, thường có quân đi theo. Những đoàn quân này là bầy ong và tùy tướng Bạch Hổ sơn quân giúp bà đánh dẹp giặc. 

“Bà còn có công kết nối mối quan hệ giữa người miền xuôi và người thượng phía tây Quảng Ngãi, Quảng Nam đến gần nhau hơn, mua bán, đổi chác. Vì vậy mà xuân thu nhị kỳ hai lần cúng bà Thiên Y A Na tại điện Trường Bà, nhiều đồng bào dân tộc các tỉnh tìm về, trong đó có cả người Chăm ở Châu Đốc, tỉnh An Giang”, ông Hòa cho biết.

Theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi), theo nhiều di tích và văn bản để lại, vào khoảng thế kỷ XIV - XV, người Chăm đã sinh sống tại Trà Xuân và xây điện Trường Bà để thờ phụng, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với Thánh mẫu trong việc giúp dân tộc Chăm khai hoang, mở đất và có cuộc sống no đủ. 

“Cách đây khoảng 15 năm, khi dọn dẹp đống gạch đá đổ nát trong khuôn viên ngôi đền, cơ quan chức năng đã phát hiện phần đầu một tượng đất nung rất nhỏ. Một nhà dân tộc học người Pháp nhận định đó là tượng có niên đại trên 1.500 năm. Trong dịp tổ chức lễ hội điện Trường Bà năm 2011, tôi đã trao lại bức tượng này cho Ban Quản lý điện Trường Bà”, tiến sĩ Vũ cho biết.

Trong sách “Đại Nam nhất thống chí” quyển III chép về Quảng Ngãi của triều Nguyễn có viết về điện Trường Bà là một trong 17 đền, miếu tiêu biểu của Quảng Ngãi. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa xác định được niên đại xây dựng điện này, bởi các sắc phong bị cháy trong chiến tranh và hạn chế lịch sử một thời đã làm mất đi. 

Hàng năm, cứ vào ngày 15, 16, 17/4 âm lịch, huyện Trà Bồng lại tổ chức lễ hội điện Trường Bà. Lễ hội này ra đời và tồn tại từ rất sớm, gắn liền với sự hình thành của điện Trường Bà và quá trình khai phá vùng đất miền tây Quảng Ngãi. Đây là một loại hình lễ hội của cư dân nông nghiệp, gắn liền với đời sống, sinh hoạt của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, làm nương rẫy và là sản phẩm do cộng đồng người Kinh và người Cor sáng tạo, giữ gìn trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. 

Theo ông Nguyễn Xuân Bắc - Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, việc tổ chức lễ hội điện Trường Bà nhằm đáp ứng nhu cầu về mặt tinh thần cho đồng bào các dân tộc Kinh và Cor; đồng thời cũng là dịp để mọi người vui chơi, hưởng thụ văn hóa, giao tiếp cộng đồng, làm cho tinh thần vui tươi, thoải mái trước khi bước vào một mùa vụ mới. 

Miếu thờ Bạch Hổ cách điện Trường Bà chừng 1km về phía đông.
Miếu thờ Bạch Hổ cách điện Trường Bà chừng 1km về phía đông.

“Lễ hội đáp ứng nhu cầu tinh thần và nguyện vọng chính đáng của đồng bào các dân tộc nơi đây, đồng thời mang lại nhiều ý nghĩa cùng giá trị nhân văn sâu sắc. Đây như là di tích sống khẳng định tinh thần đoàn kết giữa đồng bào miền xuôi và miền ngược. Với tinh thần đó, lễ hội hàng năm tại đây xứng đáng được bảo tồn, giữ gìn cho muôn đời sau”, ông Bắc cho biết.

Tháng 3/2010, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư hơn 2,1 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo di tích điện Trường Bà. Năm 2014, di tích điện Trường Bà được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2017, lễ hội điện Trường Bà được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Huyền thoại Bạch Hổ sơn quân

Bên trái điện Trường Bà có am nhỏ thờ Bạch Hổ sơn quân, vốn là tùy tướng thân cận nhất của Thiên Y A Na. Tương truyền, những khi có giặc đánh tới vùng đất này, quân bà Thiên Y A Na là bầy ong hàng vạn con từ đâu lũ lượt bay đến tấn công khiến địch nằm la liệt. Sau đó, tùy tướng Bạch Hổ sơn quân xuất hiện đến kết liễu rồi mang đầu giặc treo ở một cây đa trong vùng. Bây giờ, người dân địa phương vẫn gọi cây đa ấy là cây đa treo đầu giặc. 

Tương truyền, đây là một ông hổ đi tu, không ăn thịt người. Nhờ có ông mà cả một vùng rừng quế bạt ngàn xưa kia không thấy các loài mãnh thú về quấy phá dân làng. Nhớ ơn Bạch Hổ sơn quân, ngoài am nhỏ thờ ở điện Trường Bà, người dân ở Trà Bồng còn lập miếu thờ Bạch Hổ cách điện Trường Bà chừng 1km về phía đông.

Theo truyền thuyết, công lao của Bạch Hổ sơn quân đã được triều đình nhà Nguyễn ban sắc phong “Sơn lâm chúa xứ Trùm cả Bạch Hổ đại tướng quân”. 

Sách “Đại Nam nhất thống chí” cũng đã từng ghi chép về miếu thờ này từ hàng trăm năm trước. Đó đồng thời cũng là sự tri ân công lao của các bậc tiền nhân trong quá trình mở cõi, xây dựng quê hương trên mảnh đất Trà Bồng.

Theo tiến sĩ Vũ, từ thời xa xưa, dân tộc ta chủ yếu sống dựa vào việc khai thác tự nhiên. Vì vậy, tín ngưỡng dân gian thờ cúng tự nhiên đã giữ một vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân, với niềm tin rằng các vị thần sẽ phù hộ cho mùa màng tươi tốt, để cuộc sống được ấm no, hạnh phúc. 

Trong các tín ngưỡng dân gian ấy, phải kể đến tín ngưỡng thờ động vật, cụ thể là tín ngưỡng thờ Bạch Hổ. Theo quan niệm dân gian, hổ là vị “chúa tể sơn lâm”, cai quản vùng rừng núi. Rải rác trên khắp đất nước ta đều có bàn thờ hoặc miếu thờ thần Bạch Hổ, với các tên gọi: “Sơn quân chi thần”, “Sơn quân mãnh hổ”, “Sơn lâm chúa xứ”, “Sơn lâm đại tướng quân”.

Người Cor sinh sống ở huyện miền núi Trà Bồng vốn chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng vạn vật hữu linh. Giữa người Cor và người Kinh cùng cộng cư trên một mảnh đất nên ít nhiều cũng có sự giao thoa văn hóa. Điều đó được thể hiện trong lễ hội điện Trường Bà. 

“Trong lễ hội này, người Kinh và người Cor đều tham gia cúng lễ, tưởng niệm bà Thiên Y A Na, biểu tượng cho tinh thần đại đoàn kết các dân tộc ở Trà Bồng. Một điểm độc đáo ở lễ hội này đó là người dân còn thờ phụng Bạch Hổ, vừa phối thờ tại điện vừa có miếu thờ riêng”, tiến sĩ Vũ cho biết.

Có thể nói, việc thờ cúng Bạch Hổ là một tục lệ chứa đựng nhiều lớp giá trị: giá trị tâm linh, giá trị nhân văn, giá trị giáo dục truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta. Ngoài ra, tục thờ cúng Bạch Hổ còn góp phần nâng cao tính cộng đồng, gắn kết các dân tộc cùng sinh sống cộng cư trên một vùng đất. 

Việc duy trì hoạt động thờ cúng Bạch Hổ là nhu cầu chính đáng của người dân, nhất là trong điều kiện đời sống kinh tế của phần lớn cư dân nơi đây gắn liền với núi rừng, nương rẫy. Chính những tục lệ, tín ngưỡng truyền thống này đã và đang góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Theo giáo sư, nhà dân tộc học người Pháp Condominas nói, ngay từ thế kỷ thứ 6, và có thể trước đó nữa, cây quế Trà Bồng đã được các thương nhân Ả Rập biết đến. Họ đã tới tận Trà Bồng và mua quế của ta mang về tới Tây Á. Quế Trà Bồng đã có "thương hiệu" không dưới một nghìn năm, và đã nổi tiếng thế giới từ trước khi chúng ta biết thế giới này là "thế giới phẳng" ít nhất… 1.500 năm!

Có thể nói, Thiên Yana không chỉ là hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mà còn thể hiện quá trình tiếp biến, giao thoa văn hóa giữa hai dân tộc Việt – Chăm trong quá trình cộng cư trên vùng đất này.

Thiên Yana có nguồn gốc từ nữ thần xứ sở Pô Inư Nagar của người Chăm. Hình tượng Pô Inư Nagar bắt nguồn từ Devi – biểu tượng âm tính cho sức mạnh sáng tạo và hủy diệt của vũ trụ, một trong những nữ thần tối thượng trong thần điện Hindu giáo.

Tuy nhiên, khi du nhập và tồn tại trong cộng đồng của người Chăm, chịu ảnh hưởng “dội ngược” của các tín ngưỡng bản địa nên nữ thần Devi đã trở thành nhân vật huyền thoại mang yếu tố của một anh hùng văn hóa, nữ thần xứ sở của người Chăm – Pô Inư Nagar.

Từ một vị nữ thần Chăm, Pô Inư Nagar đã được Việt hóa nhưng trong đó căn tính Chăm vẫn còn rất rõ nét. Đó là biểu hiện sự tương đồng trong văn hóa Chăm và Việt ở “nguyên lý thờ mẹ”.

Bà trở thành vị thần được thờ phụng trong vùng dựa trên những thánh tích của bà: dạy dân biết trồng lúa, dệt vải, sản xuất, lo sinh kế, tránh hoạn nạn và các phép tắc nghề nghiệp để nuôi nhau. Bà là thần bảo trợ cho mọi nghề nghiệp, thường hiển linh, cứu nhân độ thế.

Những người bị bệnh hiểm nghèo, người hiếm muộn, cầu mùa, trị dịch bệnh… đến cầu bà đều được linh ứng. Dù huyền thoại về bà được xuất hiện dưới hoàn cảnh nào thì đối với người Chăm và người Việt ở Nam Trung Bộ, Pô Inư Nưgar/Thiên Yana vẫn là thánh mẫu tối thượng trong đời sống tâm linh.

Đọc thêm