Huyền thoại một thời: “Tử thần” Rừng Sác

(PLO) - Đối chọi với quân Mỹ, ngụy được trang bị hiện đại, cán bộ, chiến sĩ Đặc công Rừng Sác đã sáng tạo ra nhiều cách đánh vô cùng độc đáo, hiệu quả trong đó có “chiêu” dùng pháo tập kích tàu bè và các mục tiêu quân sự khiến kẻ thù vô cùng khiếp sợ…
Hình ảnh tái hiện buổi họp, bàn phương án tác chiến tập kích địch của Đặc công Rừng Sác.
Hình ảnh tái hiện buổi họp, bàn phương án tác chiến tập kích địch của Đặc công Rừng Sác.

Lúc đầu, pháo Rừng Sác được trang bị là khẩu B50 cùng với những khẩu súng trường "bá đỏ" (K44) ở khu vực Dần Xây, Chàng Hãng... Mãi sau, vẫn chưa vượt khỏi những khẩu ĐKZ75, cối 81. Những khẩu ĐKZ75, B50, trường "bá đỏ" đã bám trụ được bờ sông lớn ròng rã suốt nửa tháng chống chọi với cả giặc dưới nước, trên bộ và trên không. 

Ngày quốc khánh đen tối

Năm 1967, Đặc công Rừng Sác được trang bị ĐKP, H121 (đường kính 122 ly và 106 ly còn gọi là hỏa tiễn Cachiusa), nhưng đạn của hai loại này thì rất thiếu. 

Một trong những trận đánh vang dội bằng pháo binh của Đặc công Rừng Sác là trận đánh đúng ngày quốc khánh của Việt Nam Cộng hòa (4/11/1966). Năm ấy, chúng định làm "lớn chưa từng thấy" để phô diễn lực lượng và vũ khí tối tân.

Đoàn 10 Rừng Sác điều một khẩu pháo ĐKZ75 do đồng chí Nguyễn Văn Nga phụ trách, tới trận địa Thủ Đức, cách mục tiêu 5.387m; đồng chí Nguyễn Văn Tăng phụ trách biệt động, du kích địa phương hỗ trợ và bảo vệ trận địa pháo.

Trước đó, nhân dân đã chở đến 3 ghe cát khoảng 1.000 bao để cấu trúc bệ pháo, nằm giữa những lùm cây trâm bầu, bình bát và bờ kênh bạt ngàn dừa nước. Ở phía nam thành phố, Tiểu đoàn 6 Bình Tân cũng bố trí một trận địa pháo tại Nhà Bè.

Theo hợp đồng, trận địa Nhà Bè nổ súng vào lúc địch khai mạc cuộc lễ, còn trận địa Thủ Đức nổ súng vào lúc chúng duyệt binh.

Đúng 7 giờ 5 phút ngày 4/11/1966, khi Phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ đọc diễn văn thì trận địa pháo ở Nhà Bè bắn liền 12 quả đạn vào mục tiêu. Quan quân nháo nhác, cuộc lễ bị gián đoạn.

7 giờ 20 phút, khi Đài phát thanh Sài Gòn loan báo Trung tướng Vĩnh Lộc bắt đầu điều khiển diễu binh, khẩu đội ĐKZ của Đoàn 10 lại bắn cấp tập vào cuộc lễ.

Trong vòng 5 phút, 12 quả đạn ĐKZ lao vút về phía Sài Gòn cùng với tiếng nổ của 6 trận địa bộc phá nghi binh. Địch phản pháo dồn dập xuống vùng bưng sáu xã. Trong cảnh hoảng loạn, lễ quốc khánh phải giải tán. 

Địch phản ứng dữ dội. Sân bay Tân Sơn Nhất được lệnh khẩn cấp, máy bay phản lực, trinh sát L19, trực thăng vũ trang... bay loạn xạ trên bầu trời Sài Gòn. Dưới đất, bọn cảnh sát mật vụ sục sạo từng nhà, trèo lên cả nóc chuông nhà thờ Đức Bà. Trên quân cảng, các tàu xuồng chiến đấu được lệnh xuất kích, tập trung về hướng Thủ Đức, Nhơn Trạch, Nhà Bè.

Ngày 2/11/1966, một ngày sau trận đánh, trực thăng mới đổ quân xuống khu vực trận địa pháo Đoàn 10. Một cánh quân khác gồm 2 tiểu đoàn đổ xuống ấp Gốc Tre và ấp Lò Lu xã Phong Phú, quận Thủ Đức chặn đứng đường rút lui của chiến sĩ ta.

Tuy nhiên, bằng sự thông minh, các chiến sĩ khẩu đội pháo Đoàn 10 đã về sum họp với đơn vị an toàn. Với các chiến công xuất sắc này, hai khẩu đội pháo cảm tử của Tiểu đoàn 6 Bình Tân và Đoàn 10 đặc công Rừng Sác được thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, mỗi pháo thủ được thưởng một huân chương chiến công.

Sấm xét trên nóc Dinh Độc Lập

Tháng 8/1968, Đoàn 10 phối thuộc tăng cường một tiểu đoàn pháo của Trung đoàn 274, tổ chức pháo kích ngay vào Dinh Độc Lập, toà Đại sứ Mỹ và Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy.

Để thực hiện “chỉ tiêu” trên giao, vấn đề quan trọng nhất là phải đưa lực lượng, đạn và pháo ĐKB vào cách trung tâm Sài Gòn 15km, giữa vòng vây quân địch. Đoàn 10 đã tổ chức  thành 2 hướng hỗ trợ cho nhau; riêng hướng thứ yếu kìm chế trận địa pháo binh địch ở Đặc khu Nhà Bè và nghi binh đánh lạc hướng, tạo điều kiện để hướng chủ yếu dội sấm xét vào các vị trí chiến lược của Mỹ, ngụy như trong nhiệm vụ trên đã giao.

Một đêm cuối tháng 8/1968, lợi dụng trời mưa, đêm tối, các chiến sĩ Đoàn 10 và Trung đoàn 274 đã dùng ghe chở lực lượng và vũ khí từ bến Bắc rừng xã Phước An, luồn lách qua Bà Bông, Rạch Lá, Tắc Chợ lên sông Ông Kèo trong sự bố phòng, canh gác hết sức cẩn mật của địch. Bốn đêm liền thức trắng, người, pháo đạn len lỏi qua tất cả các tuyến bố phòng dày đặc của địch.

Theo hiệp đồng, đúng giờ G hướng chủ yếu sẽ trút bão lửa xuống các mục tiêu, hướng thứ yếu sẽ kìm chế trận địa pháo Nhà Bè của địch. Nhưng rủi là đã 22 giờ mà nước vẫn ròng, đội hình bí mật lọt đúng vào giữa hệ thống đồn bót Phước Khánh, Giồng Ông Đông, Cát Lái, Nhà Bè... không thể thiết kế được trận địa.

Trong khi đó, vào lúc 24 giờ, trên hướng thứ yếu, trinh sát phát hiện chớp lửa xanh loé lên và tiếp sau những tiếng nổ rền hướng Cát Lái. Ngay lập tức, chỉ huy trận địa thứ yếu ra lệnh "Bắn". Đám cháy bùng lên trong căn cứ hải quân Nhà Bè rồi bọn địch bắt đầu xối xả nhả đạn lung tung vào các tọa độ nghi ngờ, nhích dần về phía trận địa ĐKB.

Máy bay trực thăng, OV10, IL19 cũng nhào lên trút đạn xuống mặt đất nhưng lực lượng thứ yếu đã rút lui. Mãi sau này mới phát hiện ra, tiếng nổ lúc 24 giờ là của Trung đoàn Đặc công 113 đánh vào kho đạn Long Bình, chứ chưa phải của trận địa chính của Đoàn 10 khai hỏa. Do trinh sát Đoàn 10 chưa bao giờ được nghe thấy  tiếng nổ của “pháo phản lực" bắn nên đã báo cáo không chính xác. 

Ở hướng chủ yếu, đến gần sáng trận địa vẫn chưa triển khai xong, một nửa số đạn vẫn còn nằm dưới ghe chưa chuyển lên kịp, chưa lắp kíp đầu nổ... Qua bàn bạc, các bộ, chiến sĩ Đoàn 10 quyết tâm sẽ nổ pháo vào lúc 5 giờ sáng.

Hình ảnh tái hiện Đặc công Rừng Sác phục kích địch bằng pháo binh

Hình ảnh tái hiện Đặc công Rừng Sác phục kích địch bằng pháo binh

4 giờ 45 phút, trận địa 1 của hướng chủ yếu khai hỏa. Nội đô Sài Gòn hực lên kèm theo những tiếng nổ ầm vang. Hết đạn,  trận địa 1 nhanh chóng rút lui.

Đến 4 giờ 53 phút, một loạt đạn khác gần 20 quả của trận địa 2 lại như những con rồng lửa phóng lên, tiếp nối những vầng mây hồng nhạt rực lửa phía Sài Gòn. Sau mấy phút bất ngờ choáng váng, quân địch xác định được hướng pháo kích, các loại phi cơ, các loại tàu chiến lại sôi nước, ầm trời phản kích.

Trong lúc đoàn ghe của trận địa 1 của hướng chủ yếu lao vun vút về hướng Ông Kèo thì lực lượng của trận địa 2 bị rớt ở phía sau do bị địch chặn lại. Bởi trận địa 2 rút sau 8 phút, nhưng không tài nào vượt qua được lưới bủa vây của bộ binh địch án ngữ và được sự yểm trợ tối đa của các loại hoả lực từ các cụm pháo, họ phải nhận chìm ghe, giấu dụng cụ, toàn bộ lực lượng ém sâu vào những đám lá dừa nước mọc cao cặp theo mép rạch trong vòng vây của giặc, sẵn sàng đánh địch.

Gần 6 giờ, lại có 2 quả đạn bất thần xé trời lao vào mục tiêu, hai cụm khói màu da cam cuộn lên lơ lửng ngay nơi trận địa 1. Địch lập tức điều động lực lượng quay ngược trở lại, các toán lính Mỹ, nguỵ đổ bộ lên bờ la hét loạn xạ: "Vi xi, Vi xi, Việt cộng, xung phong...".

Hàng trăm tên đổ bộ lên lùng sục, soi bới khắp nơi, nhưng chẳng tìm được gì ngoài những vết đạn cháy xém của hoả tiễn vừa phóng đi. Bọn sỹ quan lại tức tối thúc giục lính lùng sục, cho rằng Việt Cộng dù có cánh cũng không tài nào thoát khỏi nơi đây khi cụm khói vẫn còn lơ lửng.

Nhưng chúng không biết là các chiến sĩ pháo đặc công Đoàn 10 đã có sáng kiến dùng đồng hồ hẹn giờ để chập mạch pin điện lắp vào 2 quả đạn, khi ta rút lui sau 1 tiếng, đúng giờ theo ý định, đạn tự động vút lên, lao vào mục tiêu làm địch bất ngờ, tức tối, bị động không làm sao đối phó được.

Điều quan trọng là, sau trận đánh thắng lợi này, gần 4 ngày sau, lực lượng và vũ khí của hướng chủ yếu đã về đến căn cứ an toàn…

Đọc thêm