Huyền thoại nữ phát thanh “Hannah Hà Nội”

(PLVN) - Người con gái ấy sinh ra từ phố cổ Hàng Bồ, Hà Nội, với giọng đọc tiếng Anh “chết người” của mình, đã khiến những người lính Mỹ tham gia chiến tranh ở Việt Nam bị mê hoặc, bị cảm hóa mỗi ngày dù chưa từng gặp mặt…
Bà Trịnh Thị Ngọ thời trẻ.
Bà Trịnh Thị Ngọ thời trẻ.

Từ mê phim “Cuốn theo chiều gió”

Trong bộ phim đang chiếu trên Netflix Da 5 Bloods của đạo diễn Spike Lee, diễn viên Việt Nam Ngô Thanh Vân đảm nhận vai Hannah Hanoi.

Đạo diễn Spike Lê là đạo diễn nổi tiếng của Hollywood, từng giành Tượng vàng Oscar. Nội dung phim Da 5 Bloods kể về nhóm cựu chiến binh Mỹ trong chuyến hành trình quay trở lại Việt Nam để đi tìm hài cốt người chỉ huy đã qua đời, đồng thời tìm lại kho báu mà họ từng chôn cất trước đây.

Bối cảnh Việt Nam trong phim được ghi hình tại Việt Nam và dựng giả cảnh ở Thái Lan. Vai diễn của Ngô Thanh Vân là Hannah Hanoi - tên gọi mà lính Mỹ đặt cho nữ phát thanh viên Việt Nam Trịnh Thị Ngọ - người đã lên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam để kêu gọi lính Mỹ đào ngũ.

Trở lại thời thơ ấu, bà Ngọ là con gái nhà tư sản, với tư tưởng “Âu hóa” nên chẳng lạ khi cô con gái của nhà tư sản Trịnh Đình Kính, người vẫn được mệnh danh là “ông hoàng thủy tinh Đông Dương” với thương hiệu Thanh Đức thi đậu tú tài Pháp rồi tự học thêm tiếng Anh bên ngoài của bà Lucine Hà Văn Vượng. Giá của việc học tiếng Anh hồi đó không hề rẻ, khoảng 25 đồng tiền Đông Dương cho một giờ. Trong khi đó, mỗi tháng học phí tại trường học cũng chỉ vài chục đồng. Thế nên, chuyện con gái Việt đi học Anh ngữ như Trịnh Thị Ngọ là của “độc, hiếm” thời đó.

Bà được cha cho học tiếng Anh từ sớm. Nhưng rồi, không lâu sau đó, thứ ngôn ngữ còn xa lạ với đa phần người dân Việt thời bấy giờ đã trở thành niềm đam mê. Sự chuyển hướng đột ngột ấy bắt đầu từ niềm say mê vô tận của bà đối với những bộ phim Mỹ, trong đó đặc biệt là tác phẩm điện ảnh kinh điển “Cuốn theo chiều gió”. Bà từng xem đi xem lại bộ phim ấy cả thảy 5 lần. Mê phim đến độ, Trịnh Thị Ngọ muốn mình có thể tự nghe, tự hiểu những gì mà các diễn viên đang nói mà không cần thông qua phụ đề dịch. 

Sau đó ít lâu, chuyện không ngờ đã xảy đến với gia đình bà khi cha bà, ông Trịnh Đình Kính bị bắt giam ở Hỏa Lò vì đã ủng hộ cách mạng. Mọi tài sản đều bị mất hết. Lúc này, trách nhiệm gia đình được đặt lên vai của cô gái Trịnh Thị Ngọ. Trong thời gian cách mạng tháng 8 diễn ra tại Hà Nội, bà Ngọ cũng như rất nhiều người dân yêu nước lúc bấy giờ tham gia một cách nhiệt tình vào các hoạt động cứu chữa thương, bệnh binh, tiếp tế nuôi quân cách mạng.

 

Tới Hannah Hà Nội mê hoặc

Năm 1955, Đài Tiếng nói Việt Nam mở chương trình phát thanh tiếng Anh, Trịnh Thị Ngọ với vốn tiếng Anh thành thạo của một cô sinh viên vừa tốt nghiệp Khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, đã được các chuyên gia đào tạo trở thành phát thanh viên kiêm biên dịch và biên tập viên.

Bà được phân công thực hiện chương trình Mỹ vận, tức là chương trình dành cho các binh sĩ Mỹ đang tham chiến tại Việt Nam. Thời điểm đó, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phối hợp với Cục Địch vận (Tổng cục Chính trị của Bộ Quốc phòng) làm một chương trình tiếng Anh dành riêng cho lính Mỹ lấy tên là chương trình “Chuyện nhỏ với binh sĩ Mỹ”.

Các buổi phát thanh địch vận bằng tiếng Anh của bà Trịnh Thị Ngọ được phát vào ban đêm, sau một ngày dài diễn ra chiến sự. Câu mở đầu của chương trình thường là: “Đây là Thu Hương, trò chuyện với binh sĩ Mỹ ở Nam Việt Nam...”. Lúc đầu, buổi phát thanh chỉ dài 5-6 phút mỗi lần và mỗi tuần có 2 buổi phát. Tuy nhiên, về sau tăng dần thời lượng và phát ngày 3 buổi, mỗi buổi 30 phút. Như vậy, mỗi ngày bà có 90 phút phát thanh với hàng trăm nghìn binh sĩ Mỹ nghe.

Hàng ngày, “Hanoi Hannah” phát nhạc Joan Baez hay Bob Dylan, đọc danh sách lính Mỹ thiệt mạng và đưa tin từ báo chí Mỹ về phong trào phản đối cuộc chiến ở Việt Nam.

Trong một dự án tháng 11/1991, nhà báo Don North - cựu phóng viên truyền hình ABC, tác giả bộ phim tài liệu nổi tiếng “Việt Nam -Cuộc chiến 10.000 ngày”, đã có cơ hội gặp gỡ bà Trịnh Thị Ngọ.

Chương trình phát thanh của bà Trịnh Thị Ngọ là sự kết hợp giữa âm nhạc Mỹ, thông điệp cùng thanh âm quen thuộc gửi đến những quân nhân Mỹ tin rằng cuộc chiến này là “ngày tận thế” và họ không quan tâm đến việc đang nghe ai nói: Radio Hanoi hay Lực lượng vũ trang Mỹ.

Là một cựu phóng viên trong chiến tranh Việt Nam, Don North kể rằng nghe tiết mục bằng tiếng Anh của “Hanoi Hannah” là công việc thường xuyên của ông.

Những câu chuyện mà bà Ngọ truyền tải cũng rất gần gũi với họ. Bà tìm hiểu những chuyện thường ngày ở đất nước Mỹ, chuyện gia đình của những người lính. Bà kể về tâm sự của người lính Việt sau cuộc chiến, của những người phụ nữ Việt Nam có chồng ở ngoài mặt trận. Con số thương vong của lính Mỹ, tình hình chiến trận cũng được bà cập nhật mỗi ngày. Thậm chí, “Thu Hương” còn gửi lời chúc sinh nhật muộn tới một người lính Mỹ ngay cả khi anh ta đã chết.

Mỗi chương trình “Câu chuyện nhỏ nói với binh sỹ Mỹ” được phát đi qua giọng đọc đầy ma lực, cực kỳ lôi cuốn của nữ phát thanh viên Ngọ là nỗi ám ảnh của binh sĩ Mỹ thời đó. Họ ám ảnh tới mức cho rằng bà là… ma, là phù thủy vì chỉ dùng giọng nói thôi mà xâm nhập vào trí óc, cảm xúc của những người lính những tưởng đã chai sạn trong chiến trường.

Rồi không hiểu sao phía Mỹ gọi bà là “Hannah Hanoi” (Hana của Hà Nội). Và cái danh xưng đó đã gắn liền với chương trình, với cả cuộc đời bà về sau. Chính Tổng thống Mỹ J.Kennedy đã thông báo về mối nguy hiểm này rằng: “Việt Cộng đã dùng một giọng nói đàn bà (Hannah Hanoi) để quyến rũ và làm lung lay tinh thần của đội quân Mỹ ở Việt Nam”.

Về danh xưng Thu Hương, Đài Tiếng nói Việt Nam khi đó đề nghị bà chọn một cái tên dễ đọc hơn. “Tôi đã chọn tên Thu Hương vì Thu Hương là tên một cô bạn gái rất thân. Sau này, tôi chọn tên cô ấy cho cả con gái của mình. Ngay cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi gặp, cũng gọi tôi là Hannah Hà Nội”.

 

Ấn tượng của cựu binh Mỹ về người phụ nữ “cái gì cũng biết”…

Trong cảm nhận của những lính Mỹ là thính giả của chương trình “Chuyện nhỏ với binh sĩ Mỹ” thời ấy, người đàn bà sở hữu một giọng nói mà họ “vừa căm ghét, vừa nhung nhớ, vừa sợ hãi nhưng vẫn không thể không nghe”. Không ít người lính Mỹ sau những lần nghe những buổi trò chuyện của bà phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam đã tìm mọi cách để chống lại cuộc chiến tranh phi nghĩa và tìm cơ hội để trở về quê hương.

Bản thân bà Ngọ cũng là một nguồn tin, bà từng công bố tin tức gây sốc nhất trong chiến tranh Việt Nam đó là cuộc thảm sát hàng trăm dân thường ở Mỹ Lai năm 1968. Sau đó, bà đã đọc được chính xác địa điểm và nói về số thương vong mặc dù bà không  xác định được sư đoàn nào của Mỹ tham gia vào vụ việc.

Trong bài viết về Hanoi Hannah đăng trên Guardian (Anh), tác giả đã hỏi bà Ngọ có căm ghét lính Mỹ không, bà nói: “Khi bom rơi ở Hà Nội, tôi đã rất giận dữ. Đối với người Việt Nam, Hà Nội là một vùng đất thiêng. Nhưng kể cả khi đó, khi tôi nói với những người lính Mỹ, tôi vẫn luôn cố gắng bình tĩnh. Tôi chưa bao giờ cảm thấy gay gắt với người Mỹ trên góc độ một dân tộc. Tôi chưa bao giờ gọi họ là kẻ thù, chỉ gọi là đối phương”. 

Bà Ngọ cũng từng nói về chiến tranh đã qua bằng tất cả thiện chí của một người thấu hiểu và yêu thương đồng loại: “Chuyện đã qua, ta hãy để nó qua. Hãy bước đi và trở thành bè bạn. Sẽ có rất nhiều lợi ích nếu chúng ta có thể là bạn bè với nhau. Chẳng có lý do gì để là kẻ thù hết”. 

Dù đã qua nhiều thập kỷ, những câu chuyện của bà Ngọ vẫn được nhắc đi nhắc lại, không những vậy còn là nguồn cảm hứng cho các nhà làm phim. Bà không phải là một ngôi sao nổi tiếng nhưng tên tuổi của bà được nhiều tờ báo nước ngoài (The New York Times, Life, L'Hebdo, People) và được coi là một huyền thoại trong lịch sử. 

Sau này, nhiều nhà báo nước ngoài hỏi bà cảm thấy thế nào khi đọc những chương trình đó, bà trả lời rằng: “Khi đó tôi không thể quá thân mật vì tôi đang nói với đối phương của đất nước tôi, nhưng tôi nói một cách thuyết phục bằng chính những thông tin của chương trình, thông tin đó lấy từ chính báo chí Mỹ”.

Bà Ngọ đã gắn mình với chương trình, gắn với những sự kiện của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ở Đài, bà đã được gặp Bác Hồ vào một buổi tối, Bác bất ngờ đến thăm các cán bộ, nhân viên làm việc đêm.

Ở Đài, bà đã nghẹn ngào, xúc động khi nhìn từ cửa phòng thu ra thấy rõ ràng một chiếc máy bay Mỹ bổ nhào vì trúng tên lửa của ta trong những ngày Hà Nội bị ném bom năm 1972. 

Ở Đài, bà đã cùng mọi người đi sơ tán để bảo toàn làn sóng. Nhưng vui và xúc động hơn cả là ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi bà đọc tin chiến thắng. Dường như tất cả những nỗ lực, những hy sinh của cả dân tộc đã được đền đáp bằng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong đó có sự góp phần của Đài, của những phát thanh viên như bà.

Bà Ngọ cho biết: “Bản tin Tiếng Anh phát vào lúc 5h chiều. Hôm đó, đó là bản tin đầu tiên phát đi nước ngoài tin chiến thắng. Tôi là người đọc, vào trong phòng thu đọc thẳng luôn. Mọi hôm thì đọc thu vào để phát đi phát lại, còn hôm đó là đọc tin thẳng luôn. Tôi đọc là: Sài Gòn đã được giải phóng, miền Nam đã được giải phóng hoàn toàn. Tôi rất vui, đọc tin chiến thắng mà”…

Miền Nam giải phóng, năm 1976, bà Trịnh Thị Ngọ chuyển công tác khỏi Đài Tiếng nói Việt Nam sau 21 năm làm việc. Vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống, bà vẫn tiếp khách đến thăm và hỏi chuyện về Đài, về giọng đọc Hanah. Phần đông trong số đó là phóng viên trong và ngoài nước.

Bà Trịnh Thị Ngọ mất ngày 30/9/2016, hưởng thọ 85 tuổi. Bà được an táng tại Long Trì, Châu Thần, Long An, bên cạnh chồng…

Đọc thêm