“Kéo” phụ nữ nông thôn vượt qua khoảng trống của chính sách thai sản

(PLO) - Ước tính con số thực tế có khoảng 90% nữ lao động ở nông thôn không được thụ hưởng chế độ, chính sách về thai sản. Trên 60% phụ nữ nông thôn mang thai có nguồn thu nhập chính của gia đình là từ người chồng, chỉ có 3,4% có thu nhập chính từ bản thân. Vẫn biết rằng cần phải hướng tới việc bảo đảm chế độ thai sản và dinh dưỡng hợp lý cho các lao động nữ ở nông thôn, nhưng làm cách nào thì vẫn là bài toán đang trên đường đi tìm lời giải.
Còn nhiều yếu tố tác động tới quá trình chăm sóc thai sản của phụ nữ nông thôn (ảnh minh họa).
Còn nhiều yếu tố tác động tới quá trình chăm sóc thai sản của phụ nữ nông thôn (ảnh minh họa).

90% phụ nữ nông thôn mang thai không được Nhà nước, địa phương hỗ trợ

Ở Việt Nam, phụ nữ nông thôn là lực lượng to lớn và quan trọng của quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. Theo số liệu từ Tổng điều tra dân số năm 2009, phụ nữ chiếm 50,5% số người hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong tổng lực lượng lao động nữ, có 68% là hoạt động trong nông nghiệp, tỷ lệ này đối với nam giới là 58%. Vai trò của phụ nữ trong sản xuất nông nghiệp càng trở nên quan trọng hơn trong quá trình chuyển đổi kinh tế, với sự tham gia của lao động nữ vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng trong khi lao động nam giảm dần. 

Kết quả một cuộc khảo sát gần đây của Cục An toàn lao động - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy các bệnh nghề nghiệp, mãn tính do làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm của người lao động nông nghiệp ngày mỗi tăng. Ô nhiễm môi trường sản xuất nông nghiệp và nông thôn tác động xấu đến sức khỏe của phụ nữ nhiều hơn nam giới, bởi phụ nữ là người đảm nhận chính các hoạt động sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi.

Bên cạnh đó, việc thực hiện chức năng sinh sản của phụ nữ cũng là một gánh nặng khi phụ nữ nông thôn không được hưởng các chế độ thai sản như phụ nữ thuộc các lĩnh vực làm công ăn lương khác, họ cũng không được hưởng các tiêu chuẩn về bảo hiểm xã hội, y tế trong thời gian mang thai, sinh nở.

Thực trạng này là  vấn đề mà Hội LHPN Việt Nam đã trăn trở và đã có những đề xuất chính sách từ lâu. Tháng 9/2016, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức nghiên cứu đề tài “Thực trạng và đề xuất chính sách thai sản cho phụ nữ nông thôn”. Đề tài đã khảo sát tại 3 tỉnh Hưng Yên, Quảng Trị, Đồng Nai với 600 phụ nữ có gia đình thuộc nhiều độ tuổi, nghề nghiệp; trình độ học vấn đa phần là thấp. Kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy, 1,9% chị em chưa đi khám thai trong suốt quá trình thai kỳ; 47% đi khám thai ở trạm y tế xã, số còn lại đi khám ở các cơ sở khác.

Đặc biệt có đến gần 50% phụ nữ nông thôn phải trở lại làm việc, lao động, sản xuất khá sớm sau khi sinh, điều này dẫn đến sự hạn chế về điều kiện nghỉ dưỡng, chăm sóc sau sinh và nuôi con bằng sữa mẹ; trên 60% phụ nữ nông thôn mang thai có nguồn thu nhập chính của gia đình là từ người chồng, chỉ có 3,4% có thu nhập chính từ bản thân. Kết quả khảo sát cũng cho thấy có đến trên 90% phụ nữ nông thôn mang thai không được Nhà nước, địa phương hỗ trợ...

 Khảo sát nhu cầu, mong muốn của chị em cho thấy, có đến trên 65% phụ nữ nông thôn mang thai lần đầu cho rằng Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ chi phí sinh con tại cơ sở y tế, được hỗ trợ tiền mặt khi sinh con đúng chính sách dân số…

Hình thành quỹ hỗ trợ thai sản dựa vào xã hội hoá

Để tham vấn những vấn đề mà nhóm nghiên cứu cần chú ý, tiến hành nghiên cứu sâu hơn, mới đây Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức hội thảo tham vấn về đề tài nghiên cứu “Thực trạng và đề xuất chính sách thai sản cho phụ nữ nông thôn”.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Trưởng Ban Gia đình - Xã hội, TƯ Hội LHPN Việt Nam, hiện nay, phần đông phụ nữ nông thôn đang phải hoạt động ở những ngành nghề nặng nhọc và độc hại, ảnh hưởng tới sức khoẻ sinh sản, trong khi nhận thức của người dân và bản thân phụ nữ về chăm sóc sức khoẻ khi mang thai và nuôi con nhỏ còn hạn chế; thời gian nghỉ ngơi, chế độ dinh dưỡng trước và sau khi sinh chưa được quan tâm đúng mức…

Bên cạnh đó, chính sách thai sản đối với phụ nữ nông thôn vẫn còn nhiều khoảng trống. Chính vì vậy, mục đích nghiên cứu đề tài của Hội nhằm tìm hiểu thực trạng, nhu cầu, các yếu tố tác động tới quá trình chăm sóc thai sản của phụ nữ nông thôn (không hưởng lương, không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc), từ đó làm cơ sở khoa học để Hội đề xuất một số giải pháp về chính sách thai sản cho phụ nữ nông thôn.

Từ kết quả khảo sát, nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài cũng đưa ra một số kiến nghị, đề xuất ban đầu về chính sách thai sản cho phụ nữ nông thôn hiện nay. Trong đó đáng chú ý là đề xuất về một số hình thức hỗ trợ phụ nữ nông thôn khi sinh con đúng chính sách; hình thành quỹ hỗ trợ thai sản dựa vào xã hội hoá…

Một số ý kiến đã đề nghị thực hiện chính sách thai sản cho phụ nữ nông thôn bằng các hình thức như: miễn hoặc giảm một phần chi phí khi sinh con tại cơ sở y tế, hỗ trợ một khoản tiền cho mẹ và bé khi sinh, hỗ trợ chăm sóc y tế, bổ sung chính sách thai sản đối với các trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (hiện nay tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mới chỉ có quy định về lương hưu và chế độ tử tuất). 

Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng, cần khuôn lại việc đề xuất chính sách đối với một số đối tượng phụ nữ nông thôn hẹp hơn, khả thi hơn như hỗ trợ thai sản đối với phụ nữ nông thôn nghèo, cận nghèo. Việc xây dựng quỹ hỗ trợ thai sản nên dựa vào cộng đồng, trong đó có một phần sự hỗ trợ của Nhà nước và nên hướng tới tất cả các đối tượng phụ nữ trong độ tuổi sinh con, gắn với mô hình bảo hiểm vi mô, các mô hình hiện có của Hội cũng như khảo sát, học hỏi một số mô hình của các nước trên thế giới…

Đọc thêm