Khắc khoải nhớ Tết

(PLO) - Giao thừa là giây phút thiêng liêng mà mọi người dân Việt ở muôn nơi khát khao mong chờ. Thế nhưng đối với nhiều người Việt ở nước ngoài, giao thừa lại là khoảnh khắc mà họ “sợ” nhất, bởi đó chính là lúc nỗi nhớ nhà trong họ trỗi dậy mạnh mẽ nhất.
Ảnh minh họa. Nguồn internet
 Ảnh minh họa. Nguồn internet
Vì mưu sinh, học hành mà nhiều người con Việt Nam không có điều kiện về quê, để rồi mỗi độ xuân về, họ chỉ có thể đón Tết trong nỗi khắc khoải nhớ nhà.
Những người trẻ thèm Tết
Từ miền Tây Nam Thụy Sĩ xa xôi, Phan Phương Thảo (hiện sống và làm việc tại thành phố Montreux) tâm sự, đây là cái tết thứ hai cô không được ở bên người thân nơi quê nhà. Đêm 30 năm nào mọi người trong gia đình Thảo cũng cố gắng về sớm để sum vầy bên nhau, cùng tiễn đưa năm cũ, chào đón năm mới. Mẹ Thảo sẽ trổ tài nấu món canh măng truyền thống để thết đãi cả nhà. Bên nồi canh măng bốc khói nghi ngút, ông bà, bố mẹ, con cháu cùng ngồi quây quần để ôn lại những chuyện cũ đã qua và những dự định ấp ủ trong năm tới.
Đến bây giờ, dù hai năm đã trôi qua nhưng mùi vị ấm nồng của những bữa cơm tất niên thuở ấy vẫn không phai mờ trong tâm trí Thảo.
Mất cha mẹ từ sớm, vẻ ngoài nam tính, cứng rắn của Công Sơn (sinh sống và làm việc tại Brisbane, Australia) không thể che giấu được sự xúc động dâng trào trong anh mỗi khi Tết về. “Nhớ hồi còn nhỏ, lần nào được lì xì tôi cũng đùa rằng “Sao ít thế hả mẹ?”. Nhưng giờ thì đến cái bao lì xì không cũng chẳng có” – Sơn cười buồn. 
1001 kiểu đón tết xa quê
Vì Tết Nguyên đán thường trùng với mùa thi ở Thụy Sỹ nên trong lúc người dân nơi quê nhà đang nô nức chuẩn bị đón giao thừa thì những du học sinh Việt Nam như Phương Thảo  lại phải lao đầu vào ôn thi. Nhớ mùa tết xa quê đầu tiên, Thảo không thể tập trung ôn bài vì tâm trí cô chỉ hướng về quê nhà: “Hôm nay 29, chắc bố đã đi sắm quất rồi”, “Tối 30, chắc cả nhà đang xem Táo quân”, “Mai mùng một chắc nhà mình sẽ về quê thăm ông bà sớm”.
Bạn bè thấy Thảo lẩm bẩm một mình, tưởng cô “học nhiều quá hóa… điên” nên đã tụ tập lại và cùng tổ chức một cái Tết thật vui vẻ. 
Ở xứ sở sương mù, Hồng Anh lại chọn cách hòa mình vào đám đông để tận hưởng không khí ngày Tết. Trường đại học của Hồng Anh rất tâm lý khi năm nào cũng tổ chức tiệc mừng tết âm cho các học sinh quốc tế. Những con người đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau cùng tụ tập vui vẻ trong một bữa tiệc đêm giao thừa, khiến cho Hồng Anh cảm thấy mình như là một thành viên của đại gia đình đa sắc tộc. Điều đó phần nào giúp cô vơi đi nỗi nhớ nhà.
Khác với Thảo và Hồng Anh, Công Sơn lại lựa chọn cách đón tết… một mình. Sơn chia sẻ rằng, vì làm tại quán ăn nên ngày nào vây quanh anh cũng là một bầu không khí ồn ào. Đêm giao thừa anh thường xin về sớm để tìm đến một không gian tĩnh mịch hơn.
Sơn khóa facebook, twitter để tránh nhìn thấy những chia sẻ của bạn bè về tết mà chạnh lòng, sau đó anh đi dạo, ghé vào một quán ăn Việt để tìm lại mùi vị quê hương, hay đơn giản là lắng nghe một bản nhạc Việt êm dịu… Những giây phút giản dị ấy như tiếp thêm động lực cho Sơn để đón một năm mới đầy thăng trầm sắp tới.
Một mùa Tết mới lại đang cận kề. Có lẽ ước mong lớn nhất của những người Việt ở phương xa lúc này không gì hơn là được về nhà ăn tết cho thỏa, bởi dù họ có nỗ lực thế nào cũng chỉ có thể tạo ra một cái tết về mặt hình thức, không thể nào tạo ra không khí Tết trọn vẹn. Lẽ đời là thế, những gì khi đã nằm ngoài tầm tay, người ta mới thấy trân trọng nó. Vì vậy, những người con may mắn được sinh sống và làm việc tại mảnh đất quê hương yêu dấu cần phải biết trân trọng những giây phút được cùng gia đình sum họp mỗi dịp Tết đến, Xuân về.                 

Đọc thêm