Khám phá bí ẩn “Hồ xương người” trên đỉnh nóc nhà thế giới

(PLO) -Một hồ nước đóng băng luôn được nhiều người biết đến là địa điểm du lịch đẹp với phong cảnh như tranh vẽ nằm ở độ cao hơn 5000m so với mực nước biển trên đỉnh Himalaya, nhưng mỗi mùa hè khi băng tan chảy, lại biến thành một cảnh tượng hoàn toàn khác: Ngôi mộ tập thể của hơn 800 hài cốt có từ ngàn năm trước. Chuyện gì đã xảy ra ở đây?
Những bộ hài cốt ở ngàn năm tuổi lòng hồ Roopkund.
Những bộ hài cốt ở ngàn năm tuổi lòng hồ Roopkund.

Nơi được nhắc tới chính là Hồ Roopkund, bây giờ gọi là Hồ Skeleton hay còn gọi là Hồ Xương Người (dân bản địa còn gọi là “Hồ Huyền Bí”) là một hồ băng ở bang Uttarakhand của Ấn Độ, nằm trong lòng khối núi Trishul và nổi tiếng vì có hàng trăm bộ xương người đã được tìm thấy tại hồ. 

Phát lộ bí ẩn

Nơi đây không có người sống và nằm dưới cùng của một thung lũng nhỏ ở dãy Himalaya ở độ cao khoảng 5.029m (16.499 feet). Hồ rất cạn, độ sâu lớn nhất của nó là khoảng 2m, được bao bọc bởi các sông băng và những ngọn núi phủ đầy tuyết.

Đây là một kỳ quan thiên nhiên tuyệt vời cho nên nó trở thành một điểm đến hấp dẫn và phổ biến cho khách du lịch ưa mạo hiểm muốn tới đây chinh phục và chiêm ngưỡng. Cứ đến tháng 5 hàng năm, khi băng tan chảy, đáy hồ cạn đi người ta mới nhận thấy bản chất thực sự của nó với hàng trăm bộ hài cốt bí ẩn hiện ra. 

Năm 1942, bí ẩn động trời này được khám phá. Đó là  hơn 200 bộ xương người ở một góc lòng hồ khi mùa hè năm ấy băng tan chảy để lộ ra những hài cốt còn sót lại, nổi lên mặt nước và nằm la liệt xung quanh hồ. Có lẽ đã có một chuyện gì đó khủng khiếp xảy ra ở đây? Hầu hết các bộ xương người này đều còn nguyên vẹn.

Sau đó, người ta tiếp tục tiến hành xem xét và đếm thì phát hiện ra rằng có tới hơn 800 bộ xương người với nhiều kích cỡ khác nhau trong lòng hồ Roopkund. Ngay lập tức, tin tức này được lan truyền và gây chấn động trên toàn thế giới. Bởi hồ Roopkund vốn không có người sinh sống nên việc có một hồ xương khổng lồ giữa mênh mông đất trời quả thật là một điều rất đáng kinh ngạc.

Nhiều giả định được đưa ra

Những bộ xương này có tuổi đời rất cao. Da thịt, tóc, xương của họ được bảo quản trong điều kiện không khí khô và lạnh nên hầu như vẫn còn nguyên vẹn, nhưng vẫn chưa có ai xác định được chúng đến từ đâu và đã nằm ở đây bao lâu rồi?

Cũng không ai có thể nghĩ ra điều gì khiến hơn 800 người ở thung lũng này chết cùng một nơi như vậy. Nhiều giả thuyết được đưa ra như: nào là bệnh dịch, sạt lở đất hoặc một nghi lễ tự sát. Cứ thế, trong nhiều thập kỷ tìm hiểu, chưa ai làm sáng tỏ những bí mật của Hồ Xương Người. 

Có người cho rằng vào thời chiến tranh, đây là hài cốt của những người lính Nhật đã chết trong khi trốn sang Ấn Độ. Chính phủ Anh ngay lập tức đã thành lập một nhóm các nhà điều tra để xác định về sự thật của những hài cốt này. Tuy nhiên, sau khi điều tra họ nói rằng những bộ xương này không phải của lính Nhật, bởi chúng có tuổi đời trước cả lúc chiến tranh xảy ra.

Những bộ hài cốt ở ngàn năm tuổi lòng hồ Roopkund.
Những bộ hài cốt ở ngàn năm tuổi lòng hồ Roopkund.

Nhiều học giả và đội điều tra của Anh đều cho rằng các bộ xương cốt này là của đại tướng Zorawar Singh vùng Kashmir (tiểu lục địa Ấn Độ) và người của ông ta. Đội quân của đại tướng Zorawar Singh được cho là đã lạc đường và bỏ mạng ở dãy Himalayas khi đang trên đường trở về sau cuộc chiến Tây Tạng năm 1841. Tuy nhiên, cuộc kiểm tra carbon phóng xạ của các bộ xương vào những năm 60 lại phủ nhận giả thiết nói trên. 

Ngoài ra còn có những truyền thuyết đầy huyền bí. Vào thời xa xưa, vua nước Kannaji cùng Hoàng hậu, con cái và cận thần của mình kéo nhau lên núi Himalaya để mở tiệc ăn uống linh đình. Việc mở tiệc ăn uống của nhà vua và các cận thần đã xúc phạm đến nữ thần Nandadevi vì đỉnh núi Himalaya vốn là nơi linh thiêng, không được hưởng lạc. Tức giận trước những hành vi phạm vào điều cấm nên nữ thần Nandadevi đã cho hóa phép một trận mưa đá rất lớn, đổ ngay xuống bữa tiệc của vị vua hỗn xược kia.

Do điều kiện nghiên cứu vô cùng khó khăn và phức tạp nên hầu như mọi hướng tiếp cận hồ xương khổng lồ mới dừng lại ở việc quan sát, khám phá hồ xương vào thời điểm băng tuyết tan.

Phải mãi tới năm 2003, các nhà khoa học thuộc khoa Khảo cổ, Học viện Deccancollege, Ấn Độ mới có thể phối hợp với các nhà khoa học Đức và Kênh Truyền hình Địa lý Quốc gia Mỹ cùng đến hồ xương người để tiến hành quay phim, nghiên cứu. Năm 2007 với các phương tiện kỹ thuật hiện đại, các nhà khoa học đã đi đến kết luận và những bí ẩn của Hồ Xương người dần hé lộ. 

Nguyên nhân thực sự

Trong 31 bộ xương người còn thấy được đầu, tóc, móng tay chân được đưa về trung tâm nghiên cứu phân tử sinh học của Ấn Độ kiểm nghiệm ADN. Sau khi phân tích, các nhà khoa học phát hiện ra điều kỳ lạ là trên đầu của những người này đều có miếng xương nhỏ nhô ra ngoài trán, những đặc điểm này chỉ có ở những cư dân thuộc vùng Maharashtra, miền trung nam Ấn Độ.

Phân tích ADN cho thấy trong 31 bộ xương có 3 mẫu có chuỗi xoắn gen ADN đột biến kỳ lạ và chưa từng thấy ở nơi khác trên thế giới ngoại trừ nhóm người di dân ở Maharashtra, Ấn Độ. Ba mẫu này đột biến hoàn toàn giống nhau chứng tỏ ba người này là cùng một gia đình và đều là dân cư vùng Maharashtra, Ấn Độ. Vậy là nhóm người trên có quan hệ huyết thống với nhau. 

Hơn nữa, trong 800 bộ xương ở lòng hồ các nhà khoa học khám phá thêm nhiều chi tiết khá thú vị, 800 bộ xương được chia làm 2 nhóm chính: Một nhóm thuộc vóc người thấp và nhóm kia là của những người cao lớn hơn rất nhiều lần và các bộ xương này có khoảng từ năm 850 sau Công Nguyên, tức là cách đây hơn 1000 năm.

Kết luận cuối cùng đưa ra rằng: Hơn 800 người nằm dưới lòng hồ Roopkund là người Ấn Độ di cư hành hương lên hồ Roopkund. Những người có vóc dáng nhỏ hơn có thể là cư dân sống quanh đó hoặc người hướng dẫn cho nhóm hành hương này. 

Sau khi kiểm tra ADN, các vết nứt sau hộp sọ đều tiết lộ một điều rằng, tất cả đều chết do một đòn chí tử từ phía sau đầu, bởi một vật thể hình tròn cỡ quả bóng. Từ đó dự đoán, một cơn mưa đá với tốc độ vô cùng lớn (có thể là hơn 160km/h) đã bất ngờ xảy đến khiến cho những người này không kịp tìm chỗ ẩn nấp và bị chết. Một số ít trong số họ bị thương và sau đó bị chết vì đói, rét.

Những bộ xương hơn ngàn năm tuổi này còn nguyên vẹn cho đến bây giờ là do được băng tuyết bảo quản ở nhiệt độ thấp của lòng hồ Roopkund. Tính đến hôm nay, kết luận này được cho là sự giải thích hợp lý nhất.

Lòng Hồ Roopkund trên đỉnh Himalaya.
Lòng Hồ Roopkund trên đỉnh Himalaya. 

Những điều kỳ bí về hồ xương khổng lồ trên đỉnh nóc nhà thế giới vẫn rất thu hút nhiều người. Không những vậy, hồ xương Roopkund chỉ xuất hiện một năm một lần nên càng trở nên lôi cuốn hơn cho những ai muốn khám phá và chứng kiến cái hồ có một không hai trên thế giới này.

Là chốn linh thiêng mà hàng trăm người đã phải chịu một cái chết thảm khốc vì thiên tai nên nơi đây cũng được xem là nơi cầu nguyện của rất nhiều người, dẫn đến những lo ngại về việc những bộ xương không còn được bảo tồn nguyên vẹn.

Nhiều khách du lịch đến đây xem những bộ hài cốt, sau đó còn mang hài cốt khi họ rời đi. Do vậy, cần nỗ lực bảo vệ khu vực này như một điểm du lịch sinh thái, bảo tồn để những hài cốt ở đây không bị hư hại.../. 

Đọc thêm