Khám phá cổ tự Bà Pênh nổi tiếng xứ sở Chùa Tháp

(PLO) - Hành trình khám phá đất nước Campuchia - xứ chùa vàng chùa bạc hẳn sẽ để lại những lắng đọng cảm xúc khó tả với du khách. Đặc biệt khi đến với chùa bà Wat Phnom ở Thủ đô Phnôm Pênh. Ngôi chùa từ lâu trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng được khách du lịch thập phương đến viếng mỗi khi có dịp đến với xứ sở chùa tháp.
Chùa Bà Pênh- địa điểm du lịch nổi tiếng đất nước Campuchia
Chùa Bà Pênh- địa điểm du lịch nổi tiếng đất nước Campuchia

Từ thành phố Biên Hòa, Đồng Nai, đoàn chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình bằng đường bộ vượt hàng trăm cây số đến với xứ sở đền chùa Phnôm Pênh- Vương quốc Campuchia. Một cuộc hành trình tìm đến những giá trị văn hóa tâm linh và những cảm xúc thiêng liêng, sâu lắng trong tâm trí của cả đoàn. Gần 22h nhưng không khí tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) vẫn nhộn nhịp. Trước mắt chúng tôi hiện ra những tòa nhà nguy nga, khách sạn, casino…

Dừng chân tại Thủ đô Phnôm Pênh, sáng hôm sau chúng tôi đến chùa Bà Pênh, hay còn gọi là Chùa Núi, Chùa Wat Phnom, là một trong những ngôi chùa nổi tiếng xứ sở Chùa Tháp. Chùa Bà Pênh được người dân dựng lên trên một ngọn đồi vào năm 1373. Tương truyền rằng ngôi chùa được một quả phụ giàu có tên là Daun Penh cho xây dựng sau khi bà Penh vớt được một thân gỗ lớn trên sông và bên trong thân gỗ đó có bốn bức tượng phật.

Bà sau đó cho dựng ngọn đồi nhân tạo và xây dựng lên đó một ngôi chùa nhỏ đặt tên là Wat Phnom. Vì sự linh thiêng của ngôi chùa mà người dân đã gọi các vùng đất xung quanh là Phnôm Pênh, từ “Phnom” trong tiếng Khmer có nghĩa là những ngọn đồi và từ “Penh” là lấy từ tên của bà Daun Penh. Đây là cách người dân bản xứ dùng để nhớ đến người có công lập chùa. Từ đó Phnôm Pênh dần dần trở thành tên của Thủ đô Vương quốc Campuchia và ngôi chùa Wat Phnom trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng.

Sau hàng trăm năm tồn tại, ngôi chùa được chính quyền Campuchia cho xây dựng lại vào năm 1926. Ngày nay chùa Wat Phnom trở thành trung tâm văn hóa, nơi tổ chức các lễ hội truyền thống của Thủ đô Phnôm Pênh vào các dịp lễ, tết. Tại chánh điện ngôi chùa thờ Đức Phật Thích Ca và chư vị Bồ Tát. Trong chùa, khuôn viên phía tây chùa là công trình tháp chứa hài cốt của vua Ponhea Yat (thế kỷ XV), vị vua đã di chuyển kinh đô từ Angkor về Phnôm Pênh.

Đường dẫn lên chùa, phía trước du khách sẽ thấy tượng rắn thần Naga, tượng của các vị Phật và sau cùng là tượng của linh sư. Theo truyền thuyết lập quốc của người Khmer, Quốc vương Kampu và Hoàng hậu Nagar (con gái của vua rắn Nagar) cùng nhau sáng lập và xây dựng nên đất nước Campuchia. Từ đó, hình tượng rắn Nagar được xây dựng khắp nơi tại các ngôi chùa, cổng chùa và đền thờ, với ý nghĩa là vị thần canh giữ chốn thiêng liêng và là loài có khả năng bảo vệ nguồn nước. Phía sau chánh điện là bảo tàng nhỏ trưng bày các vật phẩm mang đậm văn hóa người Khmer.

Chùa Bà Pênh chỉ là một trong những điểm nhấn của đất nước chùa tháp mà du khách ai cũng muốn khám phá. Ở đó chứa đựng những giá trị tín ngưỡng độc đáo, bí ẩn của nền văn hóa Khmer. Và có thể nói, trải qua hàng ngàn năm, người dân Campuchia đã phát triển tín ngưỡng Khmer độc đáo với các tín ngưỡng pha trộn giữa thuyết vật linh bản địa và các tôn giáo như Phật giáo và Hindu giáo cùng với những nền văn hóa Java, Trung Hoa, Lào và Thái Lan.

Đọc thêm