Khám phá quần thể mộ cổ hoành tráng ít người biết ở miền Tây

(PLO) -Quần thể mộ cổ “ẩn mình” trong một khu vườn rộng lớn. Trải qua bao cuộc thăng trầm lịch sử, dù đã phần nào vướng bụi thời gian, rêu phong phủ kín nhưng nó vẫn toát lên được nét đẹp, cổ kính và khang trang của một công trình kiến trúc mang đậm nét Âu châu.
Khu mộ hoành tráng thể hiện mức độ giàu có trước đây của gia tộc họ Trần
Khu mộ hoành tráng thể hiện mức độ giàu có trước đây của gia tộc họ Trần

Đây là quần thể mộ cổ của gia tộc ông Trần Thanh Hùng (ấp Trường Đông A, xã Tân Thới, H.Phong Điền, TP.Cần Thơ). Khu mộ nằm phía sau nhà ông. Băng qua một vườn vú sữa sum suê trĩu quả, bất quần thể kiến trúc cao ráo, khang trang hiện ra làm nhiều người phải bất ngờ. Nó như một tòa cung điện thu nhỏ, bày biện và trang trí nhiều họa tiết, hoa văn mang đậm kiến trúc phương Tây. Trông rất nghiêm trang. Nhìn thấy sự uy nghi, trầm mặc của khu mộ phần nào giúp chúng ta biết được cuộc sống giàu có và sung túc trước đây của gia tộc này.

Khu mộ tọa lạc trên mảnh đất rộng khoảng 1.000m2 với tường cao bao quanh cùng với những họa tiết, hoa văn cổ kính, lộng lẫy.

Để lên đến quần thể mộ cổ chúng ta phải bước lên hàng chục bậc thang và đi vào 2 cánh cửa bằng thép dày, cao quá đầu người, được biết đó là những thanh sắt đặc, không hàn dính với nhau mà có mộng sắt ghép vào. Phía trong có 5 ngôi mộ cổ mà theo ông Hùng đã có hơn trăm năm và nhiều ngôi mộ khác của những người trong gia tộc. Mỗi ngôi mộ như một “dinh cơ” riêng, có mái che kiên cố, thông thoáng với nhiều họa tiết sắc sảo. Phía trên có móc treo đèn kiểu Pháp và các hoa văn viền xung quanh...

Ông Trần Thanh Hùng đứng bên ngôi mộ của cụ tổ Trần Bang Tới
Ông Trần Thanh Hùng đứng bên ngôi mộ của cụ tổ Trần Bang Tới

“Ngôi mộ lớn nhất nằm ở chính giữa đối diện với cổng vào là của cụ tổ Trần Để. Mộ bên tay phải là của vợ lớn, và bên tay trái là mộ của vợ nhỏ. Tất cả các bia mộ đặt phía trên đầu mộ đều được làm bằng đá cẩm thạch và khắc chữ Hán”, ông Hùng cho biết. Xung quanh còn 2 ngôi mộ cổ nữa “đặc sệt” phong cách Pháp đó là mộ của 2 vợ chồng người con thứ 7 do đích thân ông Bảy thiết kế sau khi du học từ Pháp về. 

Khi được hỏi về quá trình khai hoang lập ấp, gầy dựng cơ ngơi của cụ tổ, ông Trần Thanh Hùng, cháu đời thứ 5 khá mơ hồ. Ông cho biết chỉ nghe ông bà kể lại loáng thoáng, cụ tổ tên là Trần Để hay còn gọi là Trần Tấn Tới từ Phúc Kiến (Trung Quốc) sang Việt Nam sinh sống. Vợ chồng ông sắm chiếc ghe, chạy dọc theo các nhánh sông để buôn bán trà, thuốc, cốm. Sau một thời gian buôn bán, kiếm được nhiều tiền, ông xây nhà, khai hoang, mua đất và trở thành một trong những người giàu nhất vùng đất Tây Đô (Cần Thơ hiện nay) trong thời Pháp thuộc.

“Người vợ đầu của ông tổ không có con trai. Thương chồng, muốn có người nối dõi tông đường, nên bà tổ đích thân lựa chọn và cưới về cho ông một cô gái địa phương làm vợ nhỏ và có 8 người con”, ông Hùng kể.

Bia chữ Hán dựng phía sau mộ của ông Trần Bang Tới đến nay vẫn còn là “ẩn số” vì chữ bị phai mờ theo thời gian
Bia chữ Hán dựng phía sau mộ của ông Trần Bang Tới đến nay vẫn còn là “ẩn số” vì chữ bị phai mờ theo thời gian

Cũng theo ông Hùng, vì ông tổ của ông được bầu là Trưởng bang của một nhóm người Phúc Kiến di cư vào đất Tây Đô nên còn được gọi là Trần Bang Tới. Khi bước vào cổng của quần thể mộ cổ, phía trên có ghi dòng chữ Hán “Phúc Kiến Chánh Bang Chi Mộ”. Đồng thời, trên bia mộ chúng tôi đọc được dòng chữ Hán “Phúc Kiến Chánh bang trưởng tính Trần tự Để” (tạm dịch là ông Trưởng bang Phúc Kiến họ Trần tên Để) còn những chữ khác do phai màu và kiểu chữ khó đọc nên chúng tôi chưa dịch được. Được biết, khu mộ cổ này được khởi công trước khi ông Ban Tế qua đời, đến khi ông mất công trình này vẫn chưa hoàn thiện nên những người con thay cha làm việc này. 

Trải qua những biến cố lịch sử, và sức phai mòn của thời gian đến nay nhiều vị trí trong khu mộ đã bị hư hỏng nhẹ. Ông Hùng cho biết đã thay gạch ở ngôi mộ của “bà nhỏ” vì bị dột nước dẫn đến bong tróc. Phần còn lại vẫn còn giữ nguyên trạng, không dám sửa chữa vì sợ mất giá trị văn hóa, lịch sử của công trình. 

Những hoa văn, họa tiết đậm chất phương Tây được trang trí trên trần của mỗi “dinh cơ”
Những hoa văn, họa tiết đậm chất phương Tây được trang trí trên trần của mỗi “dinh cơ”
Dòng chữ Hán “Phúc Kiến chánh bang chi mộ” nằm phía trên cổng rào vào khu mộ
Dòng chữ Hán “Phúc Kiến chánh bang chi mộ” nằm phía trên cổng rào vào khu mộ

Lúc bấy giờ, miền Nam còn bị Pháp thuộc, nề nếp sinh hoạt, lối sống cũng mang dáng dấp của Pháp nên việc các công trình bị ảnh hưởng kiến trúc Pháp và đôi lúc xen lẫn yếu tố Đông – Tây là chuyện rất dễ hiểu.

Ông Hùng kể, ông Bang Tới là người cùng thời ông Dương Chấn Kỷ (chủ ngôi nhà cổ ở Bình Thủy). Lúc bấy giờ, độ giàu có của 2 ông có thể xem là ngang nhau. Lúc còn sống, 2 người có giao kèo với nhau, sau này khi chết thì toàn bộ tiền mặt, heo gà, trâu bò… sẽ được mang ra đãi trong đám ma. Khi nào hết mới được chôn, xem ai kéo dài đám ma của mình hơn.

“Trời xui đất khiến thế nào, cả 2 người ra đi cùng 1 ngày. Cả 2 bên gia đình theo lời căn dặn, ngày nào cũng mổ heo, gà… mở tiệc đãi khách, rước đám hát về phục vụ khách, mà không nhận tiền cúng điếu. Kết quả, vừa tròn 3 tháng ông Kỷ đã được chôn cất, còn ông Bang Tới sau 3 tháng 10 ngày mới được khâm liệm. Tôi nghe nói quan tài của ông Tổ được dán kín bằng nhựa thông, không có kẽ hở nên không bốc mùi. Do đó, để hơn 3 tháng vẫn không có vấn đề gì”, ông Hùng kể.

Hiện nay trong khu mộ cổ vẫn còn một tấm bia chữ Hán ghi nhận lại những việc làm của ông Trần Bang Tới được đặt trang nghiêm phía sau ngôi mộ của ông nhưng bị thời gian làm phai mờ nên đến nay vẫn chưa có ai có thể dịch trọn vẹn nội dung của tấm bia. 

Chân dung vợ chồng ông Trần Bang Tới vẫn đang được ông Trần Thanh Hùng thờ phụng
Chân dung vợ chồng ông Trần Bang Tới vẫn đang được ông Trần Thanh Hùng thờ phụng

Mặc dù được biết đến là một trong những người giàu nhất ở vùng đất Tây Đô lúc bấy giờ và sống cùng thời với ông Dương Chấn Kỷ (chủ ngôi nhà cổ ở Bình Thủy) nhưng đến nay vẫn chưa phát hiện một ghi chép nào của các nhà nghiên cứu về nhân vật này. Những thông tin ghi nhận trên đây chủ yếu là ghi nhận tại khu mộ cổ, một số thông tin được dịch từ các bia mộ chữ Hán và qua lời kể của con cháu của ông.

Đọc thêm