Khát bên dòng Mekong

(PLO) - Tại Việt Nam, hạn hán ảnh hưởng đến nghiêm trọng đến nông nghiệp, một trong những ngành kinh tế chính của quốc gia. Ngân hàng HSBC ước tính hạn hán tại vùng sông Mekong sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng quốc gia từ 6,7% xuống còn 6,3%. Hơn 360.000 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt...
Khát bên dòng Mekong

Tại Thái Lan, 27 trên tổng số 77 tỉnh, trong đó bao gồm cả khu vực hành chính Bangkok, chính thức bị liệt kê vào danh sách vùng chịu thảm họa hạn hán. Tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ giảm 0,85% do hạn hán. Tại Campuchia, hạn hán đã khiến cho tốc độ tăng trưởng nông nghiệp quốc gia này giảm mạnh, từ 5% xuống chỉ còn 1% trong giai đoạn 2004-2012. Tốc độ tăng trưởng năm 2016 dự kiến còn thấp hơn do hạn hán ngày một nghiêm trọng. 

Vòng kim cô

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và sự phát triển kinh tế với tốc độ ấn tượng, các nhà môi trường cho rằng cần tìm ra các biện pháp mới để quản lý nguồn nước tại châu Á. 

Đợt hạn hán kỷ lục đang ảnh hưởng một vùng rộng lớn tại châu Á sẽ chấm dứt khi mùa mưa đến vào tháng 6. Mùa mưa sẽ đem đến sự hồi sinh cho những người dân sống tại các vùng bị hạn hán, từ hàng triệu người sống tại vùng sông Mekong, phần thuộc lãnh thổ Việt Nam cho đến hơn 1/4 trong 1,25 tỷ dân Ấn Độ. 

Tuy nhiên, một điều không thể bỏ qua là trận hạn hán mới nhất trong một loạt trận hạn hán xảy ra tại châu Á trong thế kỷ này là dự báo về một tương lai nóng hơn, khô hạn hơn. 

Hiện nay, các chính sách vẫn ít chú trọng đến đối phó với hạn hán vì đặc tính không liên tục của nó. Các nhà khoa học vẫn chưa thể dự báo chính xác thời điểm xuất hiện, mức độ hoặc thời gian kéo dài của các đợt hạn hán. 

Không như các thảm họa do con người gây ra và các thảm họa tự nhiên khác, từ động đất đến bão, lũ lụt và các tai nạn công nghiệp, hạn hán là một tai ương đến một cách yên lặng và từ từ. Tuy nhiên, nếu không có dự trữ nước, các nỗ lực trồng rừng và phát triển bền vững, hạn hán ở châu Á sẽ đến thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn. 

6 đập nước khổng lồ của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mekong cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng hạn hán trầm trọng ở Đông Nam Á.

6 đập nước khổng lồ của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mekong cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng hạn hán trầm trọng ở Đông Nam Á.

Một thực tế ít người biết là chính châu Á, chứ không phải châu Phi, mới là lục địa đối mặt với tình trạng thiếu nước trầm trọng nhất, với lượng nước tính theo đầu người ở mức chưa tới 1.700 m3/người/năm. Châu Á vốn đã trong tình trạng thiếu nước sạch hơn bất cứ lục địa nào và có những nơi đã bị gọi là có nguồn nước ô nhiễm nhất thế giới. 

Nước không chỉ là nguồn tài nguyên bị đánh giá thấp và coi nhẹ nhất, trong vài năm tới nó sẽ trở thành tài nguyên bị tranh chấp nhiều nhất tại châu Á bắt nguồn từ tình trạng khan hiếm nước và bản đồ tài nguyên nước đặc biệt của lục địa này. Các con sông quan trọng nhất của châu Á đi qua biên giới của nhiều quốc gia và vì vậy là hệ thống sông quốc tế. 

Thật ra, hầu hết các nước châu Á có đường biên giới đất liền, với ngoại lệ rõ nhất là Trung Quốc kiểm soát các sông đầu nguồn ở cao nguyên Tây Tạng, phụ thuộc rất lớn vào các nguồn nước xuyên quốc gia. Sự phụ thuộc này rõ nhất là ở các quốc gia như Bangladesh và Việt Nam vốn có vị trí địa lý nằm ở hạ nguồn các hệ thống sông quốc tế. 

Trong bối cảnh này, các tranh chấp về nguồn nước xuyên quốc gia đã trở nên thường xuyên. Châu Á thể hiện một cách rõ ràng thực tế các nguồn nước xuyên biên giới thay vì kết nối các địa phương, các quốc gia trong một hệ thống phụ thuộc lẫn nhau về nguồn nước, trở thành sự cạnh tranh gay gắt vì những lợi ích tương đối. 

Sự tranh cãi này mở rộng đến những động thái của mỗi nước trong việc khai thác các con sông chung bằng cách xây đập, hồ chứa nước và nắn dòng, vì vậy càng làm gia tăng căng thẳng các quan hệ giữa các nước ven sông. 

Châu Á lục địa có nhiều đập nước nhất thế giới, nhiều hơn cả phần còn lại của thế giới cộng lại. Nhưng con số thống kê này không làm toát lên sự thực là hầu hết các đập nước ở châu Á là của Trung Quốc. Chỉ riêng quốc gia này đã có hơn một nửa trong số xấp xỉ 50.000 đập nước lớn của thế giới. 

Với cơ cấu hạ tầng đập nước và hồ chứa nước lớn khổng lồ như vậy, Trung Quốc đã xây dựng được một hạ tầng đầy ấn tượng về năng lực chứa nước trong mùa khô hạn. Thế nhưng, thực tế là số lượng đập nước khổng lồ của Trung Quốc đang phá vỡ các con sông vì nó làm gián đoạn các dòng chảy tự nhiên và làm khô kiệt sông, khiến cho các vùng ven sông ở hạ nguồn bị cạn kiệt nước hoặc các con sông có rất ít nước và chảy cả lượng phù sa màu mỡ ra biển. 

Con sông Hoàng Hà đang bị bức tử ở Trung Quốc là ví dụ điển hình. Ngoài ra, 6 đập nước khổng lồ của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mekong cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng hạn hán trầm trọng ở Đông Nam Á trong bối cảnh hạn hán đang xảy ra trên toàn bộ các quốc gia ở vùng đồng bằng sông Mekong. 

Nỗi đau dọc sông Mekong 

Những chiếc xe tải chở mía tung lên những đám bụi mù khi chúng đi qua một cánh đồng khô nước ở Đông Bắc Thái Lan. Những cây mía màu nâu trên những chiếc xe tải này là những cây mía cuối cùng được thu hoạch ngoài Khon Kaen, thành phố lớn nhất vùng Đông Bắc Thái Lan. Tuy nhiên, vụ mùa năm nay của quốc gia xuất khẩu mía đường lớn nhất châu Á để lại một vị đắng đối với người nông dân trồng mía, do hạn hán đã khiến mùa màng bị thiệt hại nặng. 

Ông Rawee Phokheng, một nông dân 67 tuổi cho biết: “Tôi đã định trồng lại cánh đồng mía sau vụ mùa đầu tiên bị thiệt hại vì hạn hán. Tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc tìm đến những người cho vay tiền để có tiền vượt qua khó khăn”. 

Tình trạng thiếu nước đang gây ra những vấn đề nghiêm trọng tại ngôi làng của ông ở Ban Pa Mak Faen, một vựa mía đường gần Khon Kaen. Các vòi nước chỉ cung cấp nước 1 giờ mỗi ngày. Thế nhưng ngôi làng này còn may mắn hơn những ngôi làng gần đó nơi mà các vòi nước đã ngừng chảy trong suốt nhiều tuần. 

Mọi người ngày càng tuyệt vọng trong nỗ lực tìm nước để đáp ứng cho những nhu cầu cơ bản tại nhiều địa phương ở Thái Lan, với gần 30 trong số 77 tỉnh đang gánh chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 20 năm qua. 

Hồ chứa nước tại đập Uboldrat, hồ cung cấp nước lớn nhất tỉnh Khon Kaen, được cho là minh chứng cụ thể nhất. Kể từ tháng 3/2016, hồ nước đã bị xác định trong tình trạng “dự trữ chết”, tức là mực nước đã tụt xuống dưới mức mà các máy bơm có thể rút nước để cung cấp cho các nơi khác. 

Để đáp ứng nhu cầu nước của mình, nhiều ngôi làng ở Thái Lan đã đào giếng với sự hỗ trợ từ ngân sách chính phủ. Những người may mắn đào được xuống đến tầng ngậm nước sau khi đào sâu hơn những năm trước, có nơi sâu tới 40m. 

Tuy nhiên, giáo sư xã hội học của trường Đại học Khon Kaen Buapun Promphakping cho biết những nguồn cung cấp này cũng sẽ sớm cạn kiệt do mực nước ngầm cũng đã được tận dụng cho nông nghiệp trong đợt hạn hán từ năm ngoái và không phải nơi nào cũng có nước sạch vì ở nhiều nơi nước có nồng độ muối cao. Không chỉ riêng Thái Lan, tình cảnh này cũng đang xảy ra tại nhiều nước Đông Nam Á. 

Nguồn nước ngọt đang ngày càng trở nên quý hiếm.

Nguồn nước ngọt đang ngày càng trở nên quý hiếm.

Tại Việt Nam, gần 140.000 hecta của vùng đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa chính của nước này, bị khô cạn. Các cánh đồng còn bị xâm nhập mặn, do nước biển tràn vào khi mực nước sông giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1926. 

Anh Hồ Minh Phúc, một nông dân ở huyện Chu Se, tỉnh Gia Lai, cao nguyên miền Trung Việt Nam, nói rằng: “Nếu như không có đủ nước mưa, vụ mùa của chúng tôi năm nay sẽ thất bại. Vì hạn hán, chúng tôi không thu hoạch được hồ tiêu và mùa cà phê năm nay cũng đang trong tình cảnh nghiêm trọng”. Anh cho biết thêm sản lượng vụ tiêu của gia đình anh năm 2016 giảm tới 70%, xuống chỉ còn 3 tấn. 

Tại tỉnh Banteay Meanchey Tây Bắc Campuchia, nông dân Sim Vanna trồng lúa trên diện tích gần 30 ha và sắn trên diện tích gần 40 ha. Nhưng sau khi mất gần 20.000 USD do mất mùa trong năm 2015, anh lựa chọn việc không làm gì trong năm 2016 để chờ xem liệu thời tiết có tốt hơn không. Thay vào đó, anh cho thuê ruộng lúa với giá 100 USD/ha với bất cứ ai đủ dũng cảm để đối đầu với rủi ro về thời tiết. Sẽ ngày càng khó khăn Hạn hán lại trở thành mối lợi đối với những người kinh doanh nước sạch. 

Một nhà cung cấp nước ở Thái Lan, đã bỏ trồng lúa chuyển sang chuyên chở nước trong các bồn 2.000 lít phía sau xe tải, đã gặt hái món hời lớn nhờ việc cung cấp nước cho cộng đồng. Ông thừa nhận: “Nhu cầu rất cao đến mức tôi không thể đáp ứng cho tất cả”. 

Những thương gia trên không phải là trường hợp duy nhất nhìn thấy cơ hội từ hạn hán. Có những vấn đề mang tính ngoại giao trong tình huống này. Trung Quốc, đầu nguồn của sông Mekong, đã công bố quyết định vào giữa tháng 3/2016 về việc xả nước từ một trong những con đập khổng lồ để giúp đỡ các nước bị hạn hán nằm ở hạ lưu sông gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam sau khi Việt Nam đưa ra yêu cầu. 

Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã ca ngợi quyết định trên của Bắc Kinh. Các ngư dân của Campuchia dọc theo sông Mekong phụ thuộc vào con sông này và Biển Hồ (Tonle Sap), hồ nước lớn nhất Campuchia hiện đang có mực nước rất thấp. 

Việc Trung Quốc xả nước trên thượng nguồn cũng đã giúp cho Thái Lan. Bốn hệ thống bơm nước được lắp đặt tạm thời dọc sông Mekong trên phần lãnh thổ của Thái Lan đã hút nước để bơm vào một con sông cấp nước cho cánh đồng khô hạn ở tỉnh Nong Khai. Thái Lan hy vọng sẽ cấp được 47 triệu m3 nước trong vòng ba tháng cho các vùng bị hạn hán. 

Hành động này của Thái Lan khiến cho các cánh đồng của nông dân Việt Nam tiếp tục khô hạn. Các chuyên gia môi trường Việt Nam bất bình với Bangkok vì đã không tham vấn ý kiến của ba nước khác ở vùng Mekong về kế hoạch này khi cùng tham gia cơ quan lớn nhất của Đông Nam Á về quản lý và khai thác nguồn nước. 

Trong bối cảnh còn vài tuần nữa mới tới mùa mưa, hành động của Thái Lan càng làm nổi rõ vai trò cần thiết của nước trong tình hình khô hạn. Đối với người nông dân, vấn đề là liệu sự giúp đỡ như thế có giúp ngăn ngừa tình trạng khô hạn tại các cánh đồng của họ hay không...

Đọc thêm