Khát vọng nghệ thuật sơn mài “sống” được với thời gian

(PLO) - Được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là điều ao ước của nhiều  môn/ ngành nghệ thuật. Sau Nghi lễ và trò chơi kéo co, nghệ thuật sơn mài của Việt Nam tiếp tục được Tổng cục Di sản văn hóa Hàn Quốc đề nghị cùng xây dựng hồ sơ đa quốc gia trình UNESCO ghi danh nghệ thuật sơn mài là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Người trong giới chờ đợi được vinh danh, song nghệ thuật sơn mài nước ta cũng đứng trước biết bao thách thức.
Khát vọng nghệ thuật sơn mài “sống” được với thời gian

Hai làng nghề và những nỗi niềm

Riêng về làng nghề làm tranh sơn mài, đồ gia dụng chất liệu sơn mài, chúng ta có không ít làng nghề nổi tiếng. Theo thời gian, nhiều làng nghề đã bị mai một, chỉ con hai làng hiện vẫn còn giữ được nghề. Ở huyện Thường Tín (Hà Nội) có làng sơn mài Hạ Thái, làng đã được quy hoạch khu sản xuất tập trung, với hàng chục hộ sản xuất và hàng chục doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo tìm hiểu, nghề đã được hình thành từ thế kỷ 17, trên nền cơ sở là nghề sơn son thếp vàng. Sau này, các nghệ sĩ, họa sĩ tìm tòi và mở rộng nghề, phát triển đa dạng và chế tác trên nhiều chất liệu như làm sơn mài trên nền vỏ trai, gỗ, đá, kim loại… Sản phẩm của làng có độ bền, bóng cao, được khách nước ngoài ưa chuộng và đã được xuất khẩu đi nhiều trước trên thế giới.

Hay như làng sơn mài Tương Bình Hiệp, thuộc thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương) cũng nổi tiếng với các sản phẩm. Nhiều nghệ nhân tâm huyết đã dày công giữ nghề, dù theo thời gian, sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm mỹ nghệ khác, sơn mài Tương Bình Hiệp không tránh khỏi thăng trầm.

Tự hào về nghề truyền thống, họa sĩ Thái Kim Điền – Chủ tịch Hiệp hội Điêu khắc và Sơn mài Bình Dương cho biết: “Người ta biết đến nghề sơn mài Thủ Dầu Một là nhờ chất lượng, chứ không phải số lượng. Mỗi nghệ nhân thể hiện cá tính riêng, bằng nét vẽ, chất liệu, cùng một sản phẩm nhưng qua hai lần vẽ, cái thần thái và cái hồn đã khác rất xa.”. Song anh Điền cũng cho rằng, làng nghề đang vấp phải hạn chế, chưa mở rộng được thị trường. Mà để làng nghề “sống” được, sản phẩm phải được tiêu thụ.

Muốn trụ vững phải từ khâu nguyên liệu

Trong lịch sử mỹ thuật, Việt Nam cũng có nhiều họa sĩ ghi danh trong mảng tranh sơn mài, đồng thời ngày càng nhiều họa sĩ đương đại thành công trong mảng hội họa, điêu khắc bằng chất liệu sơn mài. Nhìn ngược thời gian, vào năm 1925 khi thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, các học viên thế hệ đầu tiên đã pha chế, sáng tạo ra các nguyên liệu tự nhiên kết hợp với vỏ trứng, vỏ ốc để sáng tạo ra chất liệu sơn mài không chỉ dùng để sản xuất ra các sản phẩm mỹ nghệ mà còn để sáng tác hội họa. Và sau thời gian đó, tranh sơn mài Việt Nam đã phát triển rực rỡ. Công đầu thuộc về họa sĩ Nguyễn Gia Trí - người đã đặt nền móng xây dựng, mở ra hướng đi cho các họa sĩ khác là Nguyễn Tư Nghiêm, Phan Kế An, Nguyễn Sáng…

Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, bây giờ các họa sĩ chú trọng và đầu tư thật sự cho mảng mỹ thuật sơn mài ngày càng ít. Một số người còn giảm bớt các công đoạn làm tranh, hoặc sử dụng không đúng nguyên liệu làm sơn mài truyền thống, một số lại làm không đúng quy trình và sử dụng những nguyên liệu sơn mài không đúng với truyền thống. 

Một thách thức không kém, là muốn bảo tồn được nghệ thuật sơn mài, phải giữ được vùng nguyên liệu. Theo các chuyên gia văn hóa, ở nước ta có vùng núi Thanh Sơn (Phú Thọ) trồng được giống cây này và cho ra nguyên liệu đạt chuẩn. Nếu vùng nguyên liệu này không “vững”, thì nghệ thuật sơn mài chính thống khó “trụ”. Bởi thế, làm sao khuyến khích được người dân tích cực trồng, chăm sóc, tạo ra nguyên liệu tốt là điều các cơ quan chức năng phải tính đến. 

Việc hợp tác xây dựng hồ sơ đa quốc gia với Hàn Quốc và các nước có di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật sơn mài truyền thống sẽ góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị độc đáo của nghề sơn mài truyền thống Việt Nam trên phạm vi quốc tế. Song theo các chuyên gia văn hóa, để tránh nhàm, đi vào trào lưu “di sản”, đệ hồ sơ tràn lan bề nổi mà thiếu thực chất thì chính những người trong giới phải ý thức được tầm quan trọng của di sản, phải là người đề ra những kế hoạch cụ thể, gìn giữ và bảo lưu, đồng thời phát triển di sản ấy, chứ không phải chờ đợi được công nhận rồi… bỏ đó. 

Đọc thêm