Khi cha mẹ sinh con mà chẳng muốn nuôi con

(PLVN) - Nhiều bậc cha mẹ có công sinh nhưng đã từ chối nuôi dưỡng đứa con mình, gián tiếp hay trực tiếp vứt nó ra khỏi cuộc đời để rồi gây nên bao hệ lụy cho con trẻ, tạo bao gánh nặng cho xã hội.
Bé sơ sinh may mắn sống sót nhưng chịu nhiều tổn thương thể xác sau khi bị vứt bỏ ở hố ga nhiều ngày.
Bé sơ sinh may mắn sống sót nhưng chịu nhiều tổn thương thể xác sau khi bị vứt bỏ ở hố ga nhiều ngày.

Chuyện đời bất hạnh của đứa trẻ vô thừa nhận

Nhiều người lao động ở khu vực chợ Thủ Đức biết tới N.M.Tân (tên nhân vật đã được thay đổi), còn gọi Tân “rùa”. Tân có cái dáng gù gù, bước đi chậm chạp, khuôn mặt già nua, nom như một con rùa. Năm 15 tuổi, Tân từng bị bắt quả tang khi tham gia nhóm cướp nhí, cướp túi xách và làm nạn nhân bị thương trong vụ cướp ở đường Quang Trung, Gò Vấp.

Hồi bé, Tân cũng có một mái ấm gia đình như bao trẻ em khác. Cha Tân làm thợ điện, mẹ làm kế toán cho một công ty dệt may ở Khu công nghiệp Tân Bình. Hai vợ chồng có căn nhà nhỏ làm mái ấm, đồng lương đủ sống. Cậu bé được cả gia đình nội nâng niu, chiều chuộng vì Tân là cháu đích tôn của ông bà. Năm mười tuổi, Tân sốt xuất huyết khá nặng, yêu cầu phải truyền máu. Sự cố này đã làm cho cha Tân phát hiện ra Tân không phải con mình.

Từ đó, tất cả mọi hạnh phúc đột ngột tan biến, chỉ còn lại địa ngục đối với gia đình Tân. Hóa ra mẹ Tân đã lỡ lầm với một đồng nghiệp cùng công ty. Để trả thù vợ, cha Tân không ly hôn nhưng hành hạ vợ và “đứa con hoang” để bõ bao năm tháng ông sống trong lừa dối. Cha Tân từ một người thợ điện siêng năng, chí thú làm việc đã hoàn toàn đổi tính, trở nên bê tha nát rượu, vũ phu, đánh đập vợ con. 

Cuộc sống như địa ngục được một năm thì mẹ Tân không còn đủ sức chịu đựng nữa, bà quyết định chạy trốn. Từ đó, chỉ còn lại hai cha con Tân, hai con người không có mối quan hệ huyết thống, ở giữa họ chỉ có nỗi hận của người đàn ông bị phản bội và sự sợ hãi của đứa trẻ thường xuyên bị hành hạ, khiến cậu bé trở nên lầm lì, gần như vô cảm với mọi thứ chung quanh.

Sau đó, cha Tân lấy vợ hai, cậu bé bị quẳng ra đường khi mới 11 tuổi. Tân chỉ biết gia nhập vào đám trẻ em đường phố, nay đây, mai đó kiếm miếng ăn bỏ bụng sống qua ngày. Tân đã trải qua đủ thứ nghề mà những đứa trẻ bụi đời phải làm. Rồi đám bạn rủ rê, Tân tham gia vào băng cướp nhí, gây án đến vụ thứ hai thì Tân cùng đồng bọn bị bắt vào trại giáo dưỡng. 

Hai năm trong trại, tính tuy lầm lì ít nói, nhưng Tân ngoan, hiền, không vi phạm gì và cũng chẳng gây gổ với ai. Ra trại, Tân may gặp được người cậu họ, bà con bên mẹ duy nhất nhận Tân. Từ đó, cậu làm thợ xây, cháu phụ hồ, rong ruổi nương nhau mà sống.

Chuyện của Tân, ở cái xóm lao động nhỏ bên hông chợ Thủ Đức, nhiều bà con đều biết, có người chép miệng: “Tội thằng nhỏ, tội lỗi của người lớn mà đổ lên đầu trẻ con. Nếu không bị người ta quăng ra đường, giờ chắc nó cũng ăn học đàng hoàng, có nghề, có nghiệp như ai…”.

Những đứa trẻ bị chối bỏ từ lúc sơ sinh

Thời gian gần đây, hàng loạt vụ việc vứt bỏ trẻ con mới sinh gây ra phẫn nộ trong dư luận. Liên tiếp hai vụ việc, trẻ sơ sinh bị vứt vào hố ga, mấy ngày trời mới được người dân phát hiện. Vụ thứ nhất vẫn chưa tìm được thủ phạm.

Còn vụ thứ hai, diễn ra ở Sơn Tây, Hà Nội thì do một người mẹ “ham chơi”, từ tỉnh khác đến Sơn Tây chơi, đột ngột chuyển dạ nên tìm đến khu vườn sau một đền thờ, tự sinh con rồi vứt con cạnh hố ga và… bỏ đi. Những đứa trẻ khi tìm được đều tím tái, giòi bọ, kiến bâu, cắn, gây tổn thương khắp người. Rất may mắn là các em còn sống sót và đang được cứu chữa tận tình.

Những vụ việc vứt bỏ con mới sinh ấy dường như không còn quá hiếm hoi trong xã hội. Cứ thi thoảng, người ta thấy một vụ đình đám, gây phẫn nộ. Có cháu bị người sinh thành ra mình vứt trong rừng, bị thú rừng gặm mất một phần thân thể. Có cháu, mẹ lỡ lầm, sinh con ra trong một căn phòng trên tầng cao chung cư rồi vứt từ hàng chục tầng lầu xuống đất.

Có cháu đã vài tháng tuổi, mẹ giận cha nên đến đặt trước cửa nhà một cán bộ huyện. Đến vài tháng sau, khi đứa trẻ đã được chính thức nuôi nấng, chăm bẵm, yêu thương bởi người cán bộ kia thì cha mẹ cháu làm lành, kéo đến nhà mẹ nuôi của cháu bé để gây áp lực, đòi lại con (!).

Ông Trần Ngọc Hùng, một người đàn ông lớn tuổi lập nghĩa trang cho thai nhi ở Lâm Đồng và từng chôn cất hàng chục ngàn trẻ kể, trong quá trình đi “nhặt” các em nhỏ, có những em lớn, vài tháng tuổi, bị bỏ trong bọc rác, đến lúc kéo ra đã phân hủy, không còn hình dạng.

Có em mới mất, xinh đẹp như thiên thần, nhìn nhói cả tim. Ông bảo, những thai nhi, những đứa trẻ sơ sinh đẹp đẽ, vô tội ấy đã bị kết thúc cuộc đời bằng một cách thức đau thương và bi thảm nhất, bị tước đoạt sinh mạng ở ngay ngưỡng cửa cuộc đời.

Những đứa trẻ sơ sinh bị vứt bỏ, những đứa trẻ đã bắt đầu có ý thức về cuộc sống, bị chính người cha, người mẹ bỏ rơi không chăm lo… Mỗi ngày, trên đời có biết bao đứa trẻ bất hạnh như thế, bị chính những bậc sinh thành từ chối quyền làm cha mẹ? 

Nghĩa vụ của cha mẹ là thương yêu, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ con

Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành nêu rõ trách nhiệm của bậc làm cha mẹ đối với con cái. Theo đó, quan hệ giữa bố mẹ và con cái là mang tính huyết thống. Nếu như quan hệ giữa bố mẹ là mang tính pháp lí và có thể xóa bỏ bằng pháp luật thì quan hệ giữa con cái (con đẻ) với bố mẹ là quan hệ huyết thống, không một công cụ pháp luật nào có thể xóa bỏ được.

Mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái thể hiện ở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con cái. Những nghĩa vụ và quyền lợi này xuất phát từ lợi ích tinh thần, tình cảm thiêng liêng và gần gũi giữa cha mẹ và con trên nền tảng đạo lý được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Theo quy định của pháp luật nước ta, Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: “Cha mẹ có nghĩa vụ thương yêu, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo cho việc học tập và giáo dục để giúp con phát triển lành mạnh về thể chất và tinh thần, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội…”.

Dù có lý do như thế nào đi nữa thì những hành động vứt bỏ giọt máu của mình một cách vô trách nhiệm, để đứa trẻ phải tự “bơi” giữa dòng đời, đối mặt với sinh tử, đối mặt với sự khiếm khuyết một gia đình, là hành vi cực kì đáng trách về mặt đạo đức con người và vi phạm pháp luật. Bởi khi bị bỏ rơi, trong các em, mặc cảm và nỗi đau bị chính người sinh ra mình từ bỏ luôn tồn tại ở đó, suốt cuộc đời.

Đọc thêm