Khi lính đảo Trường Sa nhớ vợ

(PLO) - Chiếc mũ của người lính Hải quân có hai dải để xác định hướng và tốc độ gió. Trên dải mũ ấy, biểu tượng cái neo luôn nổi bật để nhắc nhở người lính biển dù có đi đâu cũng luôn hướng về Tổ quốc, đi đâu cũng phải về với cái bến của mình. Những người lính đảo Trường Sa thân thương gọi người vợ, hậu phương của mình là những “cái neo” giúp họ vững vàng tay súng nơi tuyến đầu Tổ quốc.
Lính đảo Trường Sa
Lính đảo Trường Sa  
Lời yêu thương gửi “người vợ hay ghen”
Tôi gặp Trung úy Đinh Ngọc Tuấn trên đảo Nam Yết đúng vào lúc anh nhận được tin gia đình báo vợ anh đã bình phục qua cơn bạo bệnh. Trung úy Đinh Ngọc Tuấn quen cô gái Nguyễn Thị Hồng Thắm, sinh năm 1988, qua những lá thư kết bạn. Cả hai đều quê ở Diễn Châu, Nghệ An. “Lúc đầu viết thư còn xưng là chú – cháu, sau chuyển sang anh – em vì Thắm rất cảm thông và vững tin vào người lính biển” – Trung úy Đinh Ngọc Tuấn bồi hồi nhớ lại.
Năm 2010, hai người nên duyên vợ chồng và hiện nay đã có cô con gái Đinh Nguyễn Khánh Vi xinh xắn. Tuy nhiên, sau khi Trung úy Đinh Ngọc Tuấn nhận nhiệm vụ tại đảo Nam Yết, ở nhà chị Hồng Thắm bị sốt thương hàn, phải đi cấp cứu ở Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM. Biết chồng lo lắng, dù bị bệnh chị Thắm vẫn thường xuyên điện thoại động viên chồng. 
Chị yêu chồng tới mức hay ghen dù anh đóng quân nơi đảo xa quanh năm bốn bề mênh mông sóng nước, chẳng lấy đâu các “bóng hồng” để anh buông lời tán tỉnh.
Mừng vì vợ đã bình phục, anh Tuấn muốn nhờ Báo Pháp luật Việt Nam gửi tới người vợ thân thương của anh lời nhắn: “Gửi người vợ hay ghen của anh, tận đáy lòng mình, dù ở nơi xa xôi, chồng yêu dấu vẫn một lòng hướng về hai mẹ con suốt cả cuộc đời”!
Chuyện gia đình anh Tuấn cũng giống như bao câu chuyện khác về hậu phương của người lính biển. Trong câu chuyện của họ, tình yêu lứa đôi luôn hiện hữu bên tình yêu Tổ quốc thiêng liêng…
Liều thuốc tiên từ bài thơ “Thương vợ ốm”
Trong chuyến công tác ra Trường Sa lần này, tôi tình cờ gặp một người lính đã 33 năm gắn bó với biển. Trong câu chuyện của anh, hình ảnh người vợ luôn gần gũi, thân thương nhưng cũng rất chịu đựng, kiên cường. Anh kể, có những năm ở nhà bão to, bố công tác xa nhà, ba mẹ con đùm bọc nhau trong căn nhà 10m2 lúc nào cũng có nguy cơ đổ sập. Trong hoàn cảnh ấy, vợ anh vẫn luôn lạc quan động viên chồng yên tâm công tác. 
Đến tận bây giờ, vợ anh vẫn không bỏ được cái nết “quen làm vợ” của một người lính. Thế nhưng, trong một lần anh được nghỉ phép, chỉ 2 ngày nữa lại phải lên đường thì vợ anh bỗng dưng ốm nặng. Anh trổ mọi tài thuốc thang, chăm sóc vợ nhưng bệnh tình của chị vẫn không thuyên giảm. 
Nhưng cũng không thể vì lý do vợ ốm mà trì hoãn việc lên đường nhận nhiệm vụ, không biết phải làm sao, anh liền viết bài thơ “Thương vợ ốm” tặng chị: “Tôi thương vợ tôi lắm/Ốm nằm nhà một mình/Các con tôi thơ dại/Chưa biết ơn sinh thành… /Tôi thương vợ tôi lắm/Quanh năm sống tảo tần/Chân tay mười, miệng một /Lo thu vén gia đình /Tôi thương vợ tôi lắm/Thương cả tính Trương Phi/Khi con tôi điểm kém/Lúc đó tôi chịu nhì…”.
Nghe chồng đọc xong, chị vừa cười, vừa khóc, dậy ăn hết bát cháo chồng nấu, bệnh tình cũng thuyên giảm hẳn. Sáng hôm sau, chị lại tươi cười tiễn chồng lên đường nhận nhiệm vụ. Vợ người lính biển là vậy, dẫu có gian lao, nhọc nhằn, họ vẫn luôn kiên cường vượt qua, lạc quan vun vén gia đình, nuôi dạy con cái, làm cái neo chắc để các anh vững vàng tay súng nơi đầu sóng ngọn gió. 

Đọc thêm