Khi mình không là “số 1”

(PLO) - Tất cả sự quan tâm của mọi người đều dành cho con người bé nhỏ mà to lớn vô cùng đang rúc trong lòng chị đây. Ngay đến bản thân chị, chị cũng yêu sinh linh ấy hơn cả mạng sống của mình, nhưng chẳng hiểu tại sao chị lại thấy mủi lòng ghê gớm khi mình đã trở thành người thứ 2.
Khi mình không là “số 1”

9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau, nhìn đứa con gái xinh như thiên thần nằm bên cạnh mình, chị Thương mãn nguyện lắm. Đứa con gái xinh xắn là một phần máu thịt của chị và người chị yêu thương, là sự hiện hữu tình yêu của vợ chồng. Ngắm đứa con xinh xắn, ôm ấp, hít hà con, trong đầu chị luôn có những ý nghĩa trìu mến về người đã “có công” cho chị niềm hạnh phúc này. 

Chồng đi làm xa, 5 ngày đăng đẵng của mỗi tuần, chị Thương ôm con, yêu thương con trong nỗi nhớ mong, chỉ khao khát luôn được thấy niềm hạnh phúc của chồng khi nhìn con gái, và mong muốn cảm nhận được từ anh ấy những nỗi niềm như nỗi niềm của chị.

Mỗi chiều thứ 7, tim chị loạn nhịp khi nghe tiếng xe của anh về đến đầu ngõ. Anh về đến nhà rồi, nhưng chị lại phải chờ một khoảng thời gian khá dài để được nhìn thấy anh. Là một người khá kỹ tính, sau khi chào bố mẹ, xuống bếp hơ lửa cho bớt khí lạnh, thay quần áo, rửa mặt mũi tay chân, xong bấy nhiêu thủ tục,  anh mới vào buồng thăm con.

“Con gái của ba đâu nào! Con có nhớ ba không?” “Ô! Sao câu đầu tiên không phải là “em yêu, em có khoẻ không?” hoặc ít nhất cũng là “Hai mẹ con có nhớ Ba không?”” Chị hờn dỗi nhủ thầm trong bụng. Chẳng biết trong lòng bố con bé nghĩ gì, nhưng qua con mắt của chị Thương, hình như chị đã là “người thứ hai” trong nhà.

Lại thêm bà nội, bà ngoại và các bác, cứ đến thăm câu đầu tiên vẫn là “Cháu tôi đâu, cháu tôi thế nào?”. Chị ăn gì, làm gì cũng “Vì cháu tôi.” Sau khi sinh, chẳng biết trái gió trở trời thế nào mà chị bị bị viêm họng. Những cơn ho quắn ruột, vết mổ chưa lành làm chị phát khóc mỗi khi ho. Nhưng chẳng ai quan tâm đến chị đau như thế nào, mà còn cân lên nhắc xuống từng loại thuốc, dò người này, hỏi người kia xem chị uống thuốc đó có ảnh hưởng đến em bé không? 

Tất cả sự quan tâm của mọi người đều dành cho con người bé nhỏ mà to lớn vô cùng đang rúc trong lòng chị đây. Ngay đến bản thân chị, chị cũng yêu sinh linh ấy hơn cả mạng sống của mình, nhưng chẳng hiểu tại sao chị lại thấy mủi lòng ghê gớm khi mình đã trở thành người thứ 2.

Đến khi sinh thêm đứa nữa. Thằng con trai gói tròn hạnh phúc, thằng con trai hoàn thiện niềm tự hào của phận đàn bà. Nhưng chị Thương lại dường như chẳng biết tận hưởng cái niềm hạnh phúc, tự hào ấy. Bận bịu với đứa lớn, tất bật với đứa bé, chị không còn thời gian để nghĩ cho riêng mình. Lúc này, chính chị lại tự bỏ rơi mình. Mái tóc uốn xoăn từng lọn quyến rũ ngày nào được chị túm lại sau gáy bằng chiếc thun đen, quấn thêm mấy vòng, đỡ mất công chăm sóc, lại gọn gàng, không vướng víu khi chăm con.  

Ngoài mái tóc “đổi mốt” một cách ngỡ ngàng của chị, Thương còn làm đồng nghiệp bất ngờ khi chị đi làm trở lại với những bộ trang phục mà trước đây chị không bao giờ động đến - những màu sắc có thể dấu được vệt nước chảy nếu không may phải làm muộn... quá cữ bú của con; chất liệu co giãn, chống nhăn để không bao giờ phải là, và độ rộng tối đa cho một người luôn di chuyển với vận tốc nhanh... 

Sinh đứa con thứ 2, việc ra tiệm gội đầu đối với chị cũng là sa xỉ. Sa xỉ không phải bởi tiền, mà bởi quãng thời gian gần 1h đồng hồ cho một việc mà chị có thể làm chỉ trong vòng 5 phút. Spa, shoping, dạo phố, xem phim... những điều mà trước đây không thể thiếu trong cuộc sống của mình cũng đã bị chị loại khỏi bộ nhớ. Ngay cả đến bạn bè, chị “say googbey” với những cuộc hẹn hò, ai muốn hỏi thăm chị, chỉ có thể gửi email, ti nhắn và điện thoại vào giờ làm việc.

Sau khi ở cơ quan về, nếu có ai gọi vào số của chị, chỉ nhận được những lời ngọt ngào “Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được.” Nếu có chuyện gì cấp bách? Thôi, cũng là việc đã rồi, chẳng có gì quan trọng bằng hai nhóc thiên thần của chị

Nội ngoại hai bên cũng “bỏ quên” chị như trước. Sau hai đứa cháu quý báu của họ, chị đã bị “hạ bậc” xuống hàng thứ 3. “Cháu nhớ bà (bác, cô, dì...) quá bế cháu nào”. Chị vồn vã khi có người tới thăm. Ai bế con giúp chị một lúc để chị dọn lại đống đồ chơi, quăng mấy bộ quần áo vào máy giặt... là chị cảm thấy may mắn lắm. Hạnh phúc hơn cả việc phải ngồi để các bà, các kiểm tra xem dạo này mẹ cháu ăn uống thế nào, có tẩm bổ, có được nghỉ ngơi để giữ gìn sức khoẻ hay không. 

Với con người đã từng là “số 1” trước đây của chị, chị chỉ cầu mong lúc này mọi sự quan tâm của “hắn” giành trọn vẹn cho hai đứa con, “Mẹ nó nay đi làm có vui không?” “Mẹ nó nghỉ sớm ngồi đây xem phim với bố nào!”... - Sự quan tâm của “hắn” đối với chị lúc này sao mà “phiền phức” vậy. 

Giá như một ngày có 48 tiếng, Thương chỉ mong như vậy, có như thế, chị sẽ có được một chút thời gian để không quên mất bản thân mình. 

Bỏ rơi và tự bỏ rơi, đàn bà là thế đấy, dù cho họ là những người làm nên những điều tuyệt vời của cuộc sống: Sinh ra những “thiên thần” đáng yêu!

Đọc thêm