Khi pháp luật điều chỉnh đến “thú vui ẩm thực”

(PLO) - Mới đây, thông tin truyền thông cho thấy, Đài Loan sắp trở thành nơi đầu tiên ở châu Á cấm tiêu thụ thịt chó, mèo. Nếu vi phạm, đạo luật Bảo vệ động vật sửa đổi sẽ phạt 250.000 đô la Đài Loan (khoảng 186 triệu đồng) với mỗi hành động ăn thịt chó hoặc mèo. Điều luật có hiệu lực vào cuối tháng 4.
Một bé gái đang ngồi khóc bên chú chó mà cô bé yêu mến đã chết và chuẩn bị đưa lên bàn nhậu. Bức ảnh đã lan truyền và gây xúc động mạnh mẽ trên mạng xã hội
Một bé gái đang ngồi khóc bên chú chó mà cô bé yêu mến đã chết và chuẩn bị đưa lên bàn nhậu. Bức ảnh đã lan truyền và gây xúc động mạnh mẽ trên mạng xã hội

Đài Loan không phải là nơi đầu tiên ở châu Á mà pháp luật bắt đầu tham gia điều chỉnh “thú vui ẩm thực” ăn thịt chó, mèo của người dân. Trước đó, mặc dù là quốc gia đã từng có các quy định hợp pháp hóa việc ăn thịt chó và nuôi chó làm thịt của người dân vào những năm 1980, nhưng Hàn Quốc đã bắt đầu các khuôn khổ pháp lý để hạn chế tình trạng người dân ăn thịt chó.

Năm 2007, Quốc hội nước này thông qua Luật Bảo vệ động vật, quy định hành vi buôn bán, giết mổ thịt chó một cách dã man là bất hợp pháp. Cùng với các chế tài pháp lý, Hàn Quốc cũng đẩy mạnh chiến dịch vận động nhằm kêu gọi mọi người “nói không” với thịt chó. Dưới sức ép mạnh mẽ và những chiến dịch vận động quyết liệt, thói quen ăn thịt chó trong xã hội Hàn Quốc đã có những thay đổi nhất định.

Một khảo sát mới đây của Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc cho thấy chỉ còn khoảng 30% người dân nước này còn ăn thịt chó và 59% người trẻ Hàn Quốc dưới 30 tuổi hoàn toàn chưa từng ăn thịt chó.

Trung Quốc và Việt Nam cũng là quốc gia có thói quen ăn thịt chó từ lâu đời và được coi một “thú vui ẩm thực”. Tại Trung Quốc, lễ hội thịt chó hàng năm ở Ngọc Lâm đã trở thành tiêu điểm gây tranh cãi khi khoảng 10.000 con chó bị giết mỗi năm.

Ở Việt Nam theo ước tính, mỗi năm người Việt giết thịt khoảng 5 triệu con chó, đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc. Tuy nhiên, có thể thấy, số người Việt Nam hạn chế món thịt chó ngày càng nhiều lên. Bằng chứng là nhiều ngôi làng một thời sống bằng nghề buôn chó, giết thịt chó đã không thể tồn tại mãi với nghề này. Còn phố thịt chó nổi tiếng Nhật Tân ở Hà Nội nay còn sót lại một vài quán hoạt động cầm chừng.

Nhiều người đặt câu hỏi rằng “pháp luật có cần thiết phải điều chỉnh cả đến việc ăn thịt chó hay không”. Để trả lời câu hỏi này thấu đáo, có lẽ cần nhắc đến một bài bào chữa mà về sau được báo New York Times bình chọn là hay nhất trong các bài diễn văn trên thế giới trong 1000 năm qua của Luật sư George Graham Vest tại phiên tòa xử vụ kiện hàng xóm làm chết con chó của thân chủ. Ít ai nghe bài bào chữa này mà không đồng ý với quan điểm của Luật sư  George Graham Vest và nhìn nhận lại cách mà mình đã ứng xử với chó.  

Bài bào chữa có đoạn: “Người bạn tốt nhất mà con người có được trên thế giới này có thể một ngày nào đó hóa ra kẻ thù chống lại chúng ta. Con cái mà ta nuôi dưỡng với tình yêu thương hết mực rồi cũng có thể sẽ là một lũ vô ơn. Những người gần gũi, thân thiết nhất mà người ta gửi gắm hạnh phúc và danh dự có thể trở thành kẻ phản bội, phụ bạc lòng tin cậy và sự trung thành... Duy có một người bạn không vụ lợi mà con người có thể có trong thế giới ích kỷ này, người bạn không bao giờ bỏ rơi ta, không bao giờ vô ơn hay tráo trở, đó là chú chó của ta...”. 

Mà đã mấy ai trên đời này là không phải ít nhất một lần trong đời chứng kiến sự tráo trở, thay lòng, để không thể cảm nhận được điều này?

Đọc thêm