Khổ ải đời này là do... ác miệng kiếp trước?

(PLO) - Miệng làm ác là miệng ưa nói lời dối trá, lời ác độc, lời ly gián, lời thêu diệt, là nghiệp ác của miệng. Những lời nói này khiến người khác nghi ngờ, bực tức, đau khổ mang tai họa, nên hiện tại hoặc vị lai mình cũng phải nhận lấy hậu quả đau khổ ấy.
Phật dạy, nghiệp là động cơ quan yếu đẩy mãi trong vòng luân hồi không dừng của tất cả chúng sinh
Phật dạy, nghiệp là động cơ quan yếu đẩy mãi trong vòng luân hồi không dừng của tất cả chúng sinh

“Nghiệp” là hành động từ thân tâm con người tạo thành. Khi thành nghiệp rồi nó thúc đẩy dẫn dắt con người đến chỗ thành quả của nó. Chính nó là động cơ quan yếu đẩy mãi trong vòng luân hồi không dừng của tất cả chúng sinh.

Cơ quan tạo nghiệp có ba thứ: thân, miệng và ý. Nói đến nghiệp là nói đến sự toàn quyền quyết định nơi mọi người chúng ta. Không ai tạo nghiệp thế cho chúng ta, cũng không ai có thể cho chúng ta, cũng không ai có thể thay thế nghiệp của chúng ta. Chính chúng ta là chủ nhân tạo nghiệp, cũng là chủ nhân thọ báo. Trọng trách của mọi sự khổ vui hiện tại và mai sau đều do chúng ta quyết định.

Chủ trương nghiệp là chủ trương giành lại toàn quyền cho mỗi người. Mỗi người là ông chủ nhân của mình hiện tại và vị lai. Không phải một đấng thượng đế hay một tha nhân nào khác tạo thành một cuộc sống an vui hay đau khổ cho chúng ta mà chính do thân - miệng - ý của mỗi người trong quá khứ cũng như trong hiện tại gây nên. Nghiệp là hành động, là thói quen nên có thể chuyển đổi, chỉ cần nỗ lực và bền chí. Nghiệp có nghiệp thiện và nghiệp ác.

Gây nghiệp ác - Khổ người, khổ mình

Nghiệp ác là hành động làm cho người khổ và mình khổ, hoặc ở hiện tại hay ở vị lai. Hành động này do ba cơ quan tạo nên: thân, miệng, ý.

Thân làm ác chính là để cho thân buông lung, thích hành động giết hại sinh mạng con người, hoặc thích trộm cướp tài sản người, hoặc đắm say dâm dật trái phép, là nghiệp ác của thân. Hành động này làm cho người khổ mình khổ, nếu hiện tại chưa đến thì vị lai cũng chịu.

Miệng làm ác là miệng ưa nói lời dối trá, lời ác độc, lời ly gián, lời thêu diệt, là nghiệp ác của miệng. Những lời nói này khiến người khác nghi ngờ, bực tức, đau khổ mang tai họa, nên hiện tại hoặc vị lai mình cũng phải nhận lấy hậu quả đau khổ ấy.

Còn si mê, tham lam, nóng giận là nghiệp ác của ý. Chính nó là động cơ thúc đẩy thân làm ác, miệng nói ác. Bản thân nó thì chưa làm hại được ai, song do nó khiến thân sát phạt người, miệng chửi bới nguyền rủa người. Thân, miệng mà không cộng với tham sân si thì tự nó không có lỗi lầm gì. Thế nên tuy nói ba cơ quan tạo nghiệp, mà ý là cơ quan hệ trọng hơn cả, là chủ động của hai cơ quan kia.

Tạo nghiệp thiện – An ổn, vui vẻ

Những hành động đem lại sự an ổn vui vẻ chẳng những có trong hiện tại mà còn đến vị lai. Cũng do ba cơ quan tạo thành nghiệp thiện: thân, miệng, ý.

Thân làm lành là thân không giết hại người, không trộm cướp tài sản người, không dâm dật phi pháp, là nghiệp thiện của thân. Tại sao không làm ba việc ấy là thiện?. Bởi vì con người quý nhất là sinh mạng, chúng ta không hại sinh mạng họ thì họ đến với chúng ta một cách an ổn không sợ sệt. Thứ yếu là tài sản, con người tự thấy tài sản là huyết mạch của họ, chúng ta nhất quyết không trộm cướp thì họ đến với chúng ta cũng như chúng ta đến với họ, đều được an vui không hồi hộp, lo âu về mất của.

Hạnh phúc của gia đình là vợ chồng hoà thuận tin yêu trinh bạch với nhau, nếu vợ chồng có tình ý riêng tư với ai là gia đình mất hạnh phúc. Chúng ta gìn giữ không theo sự dâm dật phi pháp, đến với gia đình ai thì họ đều an ổn vui vẻ không nghi ngờ sợ sệt chi cả. Giữ gìn ba điều này, chúng ta đã ban sự an ổn vui tươi cho bao nhiêu người rồi, cũng chính là đem lại sự an ổn vui tươi cho gia đình chúng ta.

Còn miệng làm lành là miệng không nói dối trá, không nói ác độc, không nói ly gián, không nói thêu dệt. Bởi vì lời nói dối trá khiến người nghi ngờ mất niềm tin, đã không tin nhau làm gì có thương mến. Thế nên nói dối là căn bản khiến con người mất hết tình thương. Nói ác độc khiến người nghe sinh phẫn nộ bực dọc đau khổ. Nói ly gián làm cho thân thuộc họ phải chia lìa, tạo thành cái khổ ải biệt ly.

Nói thêu dệt là không đúng chân lý, khiến người không tìm ra được lẽ thật. Chúng ta quyết định giữ gìn miệng không nói bốn điều trên là tạo dược tình thân giữa mình và người, đem lại cho mọi người sự an ổn, bảo vệ được tình thân của người, giúp cho người dễ nhận ra lẽ thật. Thế là chúng ta đã tạo điều kiện tốt đẹp cho xã hội biết mấy.

Ý không có tham, sân, si là ý làm nghiệp lành. Chúng ta thường thấy mọi sự bất bình đổ vỡ đều phát nguồn từ tham sân si. Nếu mỗi người không để tham, sân, si dẫn dắt hoành hành thì cả cuộc đời mình được an ổn, cũng là nguồn an ổn cho mọi người. Ba thứ này gọi là “tam độc”, vì nó gây đau khổ cho mình và người không thể lường trước được.

Người nào kềm cương giữ thắng được nó, bảo đảm được một đời sống an lành, cũng bảo vệ được an ninh trật tự cho mọi người; ngược lại, kẻ nào buông cương thả thắng, nó sẽ lôi đời họ vào hố sâu nguy hiểm, cũng gây hại họa cho khách bàng quan không ít. Thế nên, không cho tham sân si nổi dậy là gìn giữ an ổn vẹn toàn cho mình và mọi người.

Người tạo nghiệp ác tất phải thọ nhận đau khổ.

Người tạo nghiệp ác tất phải thọ nhận đau khổ.

“Nhận diện” nghiệp

 Nghiệp là cái không có hình tướng mà có khả năng đáng kể. Ví như gió, tuy không thấy hình tướng mà nó thổi đất, nước đều lung lay. Nghiệp cũng thế, bình thường chúng ta không thấy nó, mà nó lôi chúng ta đi khắp nẻo luân hồi. 

Sở dĩ nó có khả năng mạnh mẽ như vậy là do tập quán lâu ngày. Như người tập hút thuốc, buổi đầu khói thuốc chỉ cảm thấy khó chịu, nhưng tập lâu ngày thành ghiền, khi ghiền rồi với giá nào cũng phải tìm cho có nó. Thử hỏi cái ghiền ấy hình tướng ra sao, mà điều khiển con người một cách mãnh liệt như thế?.

Quả thật không ai biết tướng mạo của nó, nhưng khi nó đòi hỏi, người ta phải chạy ngược chạy xuôi tìm ra thuốc hút. Bệnh ghiền rượu khả năng còn mạnh hơn, từ những hớp rượu cay xé mồm, tập mãi thành quen, bắt đầu ghiền rượu, khi ghiền không có rượu khiến người ta phải ụa phải mửa, oằn oại nhọc nhằn, ngáp trời ngó đất, quả thật chi phối hết khả năng con người. 

Chúng ta tự đặt câu hỏi, ai đem bệnh ghiền đó đến cho chúng ta? Chính chúng ta tự tập, tập lâu thành ghiền, cái ghiền ấy do mình tạo rồi mình chịu. Cái ghiền ấy có ma lực gì mà đày đoạ hành hạ con người đến thế?. Hắn không có ma lực gì, chẳng qua tập lâu thành thói quen,  thói quen càng lâu sức càng mạnh. Đã tự chúng ta tập thành bệnh, khi muốn hết bệnh cũng tự chúng ta gan dạ từ bỏ nó, không ai có thể bỏ thế cho chúng ta. 

Khả năng của bệnh ghiền giống như của nghiệp chi phối chúng ta trong lục đạo luân hồi vậy. Tự chúng ta tạo nghiệp lành hoặc nghiệp dữ, tạo càng lâu thì sức mạnh càng lắm, đến cuối cùng chúng chi phối, dẫn dắt chúng ta đi vào con đường lành hay dữ tùy chỗ gây tạo của mình. Không phải hoá công đày đoạ, không phải thượng đế bày ra, chính chúng ta tự tạo rồi tự nhận (thọ). Khi đã thành nghiệp, chúng ta khó cưỡng được nó; thế nên, biết chọn nghiệp lành để tạo là đã tự gây một sức mạnh đưa mình đến cõi lành

Cắm đầu gây nghiệp ác là là tạo áp lực lôi mình vào cõi dữ. Chính đây là quyền lựa chọn của con người, quyền định đoạt số phận ở mai hậu. Nếu cứ sống say chết ngu, đẩy đâu đi đấy, những kẻ này về sau than trời trách đất nào có ích gì. 

Mỗi người có đủ thẩm quyền để quyết định đời mình hiện tại và vị lai, tại sao lại bỏ mất hết các giá trị cao cả ấy. Những kết quả tốt - xấu, dở - hay ở hiện tại và mai kia đều nằm sẵn trong tay mỗi người, tự mỗi người có quyền phán quyết một bản án tốt - xấu trong đời sống mai sau của mình. Đừng cầu khẩn van xin bất cứ một năng lực nào ngoài chính bản thân mình.

Nói đến khả năng nghiệp là khả năng của mỗi người, nghiệp và mỗi người không phải là hai. Nếu mỗi người khôn ngoan khéo léo lo tạo nghiệp lành, hay dại khờ ngu muội gây tạo nghiệp ác thì khổ - vui sẽ tùy nghiệp mà đến với mỗi người một cách chân thành…

Đọc thêm