Khó khăn của nữ tri thức khi thực hiện vai trò “kép”

(PLO) - Chỉ cần thành công ngoài xã hội, đàn ông đã được tôn vinh là thành đạt. Nhưng với phụ nữ thì “danh hiệu” này phải bao gồm cả “giỏi việc nước” lẫn “đảm việc nhà”. Với vai trò “kép” phụ nữ phải vượt qua nhiều chướng ngại, thử thách.
Hình minh họa nguồn Internet
Hình minh họa nguồn Internet

Chấp nhận vượt “rào cản” để tiến lên

Trước đây, mọi người thường cho rằng chỉ có nam giới mới đảm đương các công việc ngoài xã hội, còn phụ nữ chỉ lo việc “hậu cần”, bếp núc, chăm sóc chồng con. Tuy nhiên, trong thời buổi hiện đại, với tài năng, nghị lực và những phẩm chất tốt đẹp, phụ nữ đã vượt qua rào cản, định kiến “trọng nam, khinh nữ” dần dần khẳng định vai trò của mình trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Ngoài ra, phụ nữ còn góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Bằng việc thực hiện Luật Bình đẳng giới, phụ nữ ngày càng khẳng định vai trò của mình. Tuy nhiên, không phải lo việc nước, lãng quên việc nhà mà phụ nữ lại phụ trách song song, thực hiện vai trò “kép” của mình. Từ đó, có thể thấy gánh nặng của phụ nữ trong xã hội hiện đại ngày càng lớn. Mặc dù ngoài xã hội, ở cơ quan họ có thể đảm nhận chức vụ này, sếp nọ, tuy nhiên đầu tiên họ phải là người vợ, người mẹ, làm tròn thiên chức trong gia đình. Họ phải thực hiện nghĩa vụ chăm sóc chồng, con, quán xuyến chuyện gia đình…

Hiện nay, vấn đề bình đẳng giới đã được dư luận và xã hội quan tâm. Quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” dần dần cũng mờ nhạt trong suy nghĩ của người dân. Hiện nay, phụ nữ hiện đại không chỉ là “hậu phương” mà đôi lúc còn trực tiếp xông pha ra “tiền tuyến” để tiếp sức, chung vai, sát cánh với chồng cùng nhau phát triển. Thế nhưng, phụ nữ phải đảm đương vai trò “kép” thì thật sự đó không phải điều dễ dàng.

Nhiều quan niệm, tư tưởng, định kiến cho rằng, phụ nữ dù có giỏi như thế nào, ở bất kỳ cương vị nào vẫn phải đảm “trói chặt” họ với gia đình. Điều đó làm cho phụ nữ trở nên rụt rè, nhút nhát và thiếu tự tin trong giao tiếp, lãnh đạo. Đồng thời, nhiều người còn cho rằng phụ nữ không nên và không thể làm những việc “to tát” như nghiên cứu khoa học hay lãnh đạo quản lý. Vì họ vẫn mặc định rằng đó là công việc của nam giới. Lý do mà họ đưa ra là vì phụ nữ thiếu tính mạnh mẽ, quyết đoán để làm lãnh đạo. 

Không những thế, đối với nữ sinh khi mới ra trường mặc dù rất có năng lực, kiến thức và kỹ năng đều đạt yêu cầu. Tuy nhiên, khi kiếm việc làm cũng gặp không ít khó khăn. Phần lớn họ  chỉ được đảm nhận một số công việc được định hình là của phụ nữ như giáo viên, thư ký, kế toán,... Còn những công việc đòi hỏi sự thách thức, khó khăn như: báo chí, xây dựng… họ đều không tán đồng tuyển dụng nữ giới. Điều đó vô tình lại là trở ngại lớn trong sự phát triển của phụ nữ trên nhiều phương diện. Phụ nữ còn là nạn nhân của nhiều tệ nạn xã hội đang có chiều hướng phát triển như: mại dâm, mê tín, bạo lực gia đình, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý, thậm chí cả tính mạng…

Phụ nữ cần tiếp tục khẳng định phẩm chất, năng lực của mình trên mọi lĩnh vực

Nhiều gia đình chồng, cha mẹ chồng còn định kiến không cho phép con dâu đi làm vì cho rằng, phụ nữ tham gia công tác xã hội nhiều dễ tạo sự xung đột với chồng, đặc biệt không có thời gian chăm sóc, quan tâm chồng con. Do không nhận được sự đồng thuận từ gia đình nên nhiều trường hợp đã dẫn đến mâu thuẫn, hiểu lầm.

Nam hay nữ thì một ngày cũng đều có quỹ thời gian 24 giờ. Tuy nhiên, do phải thực hiện vai trò “kép”, phụ nữ phải biết sắp xếp thời gian, khéo léo để vừa hoàn thành nhiệm vụ xã hội giao phó, vừa phải tạo bầu không khí gia đình ấm áp. Đặc biệt, so với nam giới, phụ nữ có nhiều trở ngại về sức khỏe, ảnh hưởng nhiều đến công việc. Phụ nữ được xem là “phái yếu” nhưng lại thực hiện công việc gấp đôi “phái mạnh”. Họ khó khăn để thực hiện, ổn thỏa và hoàn thành nhiệm vụ cả 2 bên. Để có thể vượt qua những khó khăn, rào cản trên, phụ nữ cần phải tự điều chỉnh mình. Sử dụng ưu thế và sự khéo léo, mềm mại của người phụ nữ để thuyết phục, vận động cũng như sẻ chia, tâm sự, tìm sự đồng cảm từ các thành viên trong gia đình.

Bà Diệp Thị Thu Hồng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Cần Thơ cho biết: “Để nâng cao vai trò phụ nữ đối với các hoạt động xã hội, cần phải đẩy mạnh công tác thực hiện bình đẳng giới. Xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí sử dụng cán bộ nữ trong quy hoạch tổng thể, toàn diện và đồng bộ để phát huy hết vai trò cán bộ nữ, tham gia lãnh đạo, quản lý ở từng cấp, ngành, địa phương. Tạo nguồn cán bộ nữ cần phải đặt trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực thành phố”. Đồng thời, bà Hồng cũng cho rằng, bản thân cán bộ nữ cần xây dựng niềm tin, bản lĩnh, ý chí tự lập tự cường, quyết tâm phấn đấu, tự tin, sáng tạo, vượt qua những mặc cảm tự ti, tình trạng an phận, ngại va chạm, ngại thay đổi môi trường. “Cần phải mở rộng mối quan hệ giao lưu trong xã hội từ đó khẳng định phẩm chất, năng lực của mình trên mọi lĩnh vực”, bà Hồng nhấn mạnh.

Bản thân nữ tri thức trước hết phải ý thức được đầy đủ vai trò về giới của mình, mới có thể nắm bắt được những cơ hội, cùng xã hội hướng tới cách ứng xử bình đẳng. Khi một người mẹ nhận thức được sự bình đẳng giới, họ sẽ dạy cho những đứa con tư tưởng bình đẳng ngay từ khi còn nhỏ. Việc nhà không phải chỉ dành riêng cho phụ nữ mà nam giới cũng có trách nhiệm tham gia, chia sẻ. Lớn lên, đứa trẻ sẽ xem đó là nhiệm vụ, trách nhiệm của mình và tự nguyện thực hiện nó. Có như vậy, tình trạng bất bình đẳng, bạo lực giới mới được xóa bỏ.

Đọc thêm