Không có ai bị bỏ lại phía sau

(PLVN) - Trong cuộc chiến chống dịch bệnh của cả dân tộc, người Việt, dù trong hay ngoài nước, đều đang đoàn kết, một lòng với niềm tin không có ai bị bỏ lại phía sau!
Người Việt từ nhiều quốc gia trở về nước trong những ngày qua
Người Việt từ nhiều quốc gia trở về nước trong những ngày qua

Đón “về nhà núm ruột” phương xa

Thời điểm dịch bệnh bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc làm nên nỗi khiếp đảm lớn, Việt Nam đã cử đội bay cảm tử bay sang vùng dịch để đưa người Việt đang sinh sống tại Trung Quốc về nước, không để họ kẹt trong tâm dịch.

Lao động Việt sang Trung Quốc đa phần đều là những người nghèo, chủ yếu đi để đổi đời, ước vọng trước mắt là thoát nghèo, chưa nói đến việc đem tiền về làm giàu cho đất nước. Thời điểm ấy, không ai nghĩ đến chuyện “trả ơn” kiều bào, chuyện kinh tế, tiền bạc. Quan trọng nhất là không bỏ rơi đồng bào mình giữa nơi hiểm nguy. 

Hơn hai tháng kể từ đó, dịch bệnh bùng phát ở châu Âu. Việt Nam không đắn đo, cũng tiếp tục nghĩa cử như thế. Những chuyến bay tiếp nối nhau sang vùng dịch bệnh hoành hành đón kiều bào, du học sinh trở về. 

Hôm qua, mạng xã hội lan truyền nhau bức ảnh chụp từ trên cao xuống tại đại học Quốc gia TP.HCM, khu vực đang được trưng dụng làm khu cách ly, vừa đón hàng loạt người từ vùng dịch nước ngoài. Trong ảnh, những dân quân tự vệ, những cán bộ y tế đang nằm ngủ ở hành lang ngoài trời, trên những manh chiếu, trong bộ đồng phục hoặc đồ bảo hộ chưa kịp thay. Mỗi người một dáng ngủ, mệt mỏi, co quắp, nằm trong túi ngủ… tất cả đều cho thấy sự mệt mỏi và tư thế sẵn sàng.

Cũng hôm qua, một số chủ khách sạn lên tiếng, cho biết sẵn sàng biến khu kinh doanh của mình thành khu vực cách ly miễn phí trong 14 ngày để phục vụ kiều bào.

Những ngày vừa qua, trên những chuyến bay về có không ít người mang virus, làm tăng con số dương tính với Covid-19 lên vùn vụt. Từ khu cách ly, tin về du học sinh nhiễm bệnh liên tục được thông báo.

Nhưng không nhiều lời trách cứ dành cho họ mà chủ yếu là xót thương. Người dân đang hiểu rằng, đón những người Việt đi xa về là một sứ mệnh. Kiều bào, người Việt xuất khẩu lao động, du học sinh… đều là một phần máu thịt không thể tách rời của Việt Nam. 

Giang tay đón đồng bào hải ngoại về tức là đón về nhà “núm ruột” ở phương xa. Trong đó, có con, cháu, có anh chị em, chồng vợ… của những người Việt trong nước. Kiều bào rơi nước mắt vì được về đất mẹ trong nguy biến. Người thân họ trong nước thì mừng rỡ, an tâm vì không phải khắc khoải, sợ hãi cho người ở xa. 

“Tôi nghe Chính phủ bảo rằng, sẽ không có người dân nào bị bỏ lại trong cuộc chiến chống Covid-19 này. Tôi cũng như rất nhiều người dân tin tưởng vào lời hứa đó. Con trai tôi hôm trước đã trở về từ một chuyến bay đầy dũng cảm của hàng không Việt Nam. Gia đình tôi vui và đầy biết ơn”, chị Trần Thị Hằng Nga, ngụ quận 7, TP.HCM, người mẹ có con du học ở Anh chia sẻ.

“Tôi chưa bao giờ thấy gần Việt Nam như lúc này”…

Lê Hoa N. là người dùng mạng xã hội có một nick name nửa Tây, nửa ta. Chị đang sống ở Bắc Âu. Trước đến nay chị rất đỗi tự hào về nơi ở của mình. Chị kể và phát clip về cuộc sống trời Tây mỗi ngày. Chị bảo, chị thương người dân trong nước vì còn sống đời khốn khổ, chị đã thoát ra lâu lắm rồi. Có người bảo chị quay lưng với gốc gác cội rễ, chị khẳng định không chỉ một lần: Nơi đâu nuôi mình, cho mình cuộc sống tốt đẹp, nơi đó là quê hương. Chị chỉ có một quê hương. 

Bên cạnh Việt kiều yêu nước, những người làm rạng danh “gốc Việt” có không ít người, sống ở nước ngoài hay ở ngay trong nước, ngày ngày vẫn phát tán những thông tin tiêu cực về đất nước, luôn luôn bỉ bôi, so sánh và chê bai. 

Nhưng cuộc đời mà chúng ta đang sống rất lạ kì. Không có điều gì là mãi mãi, cũng chẳng có gì là chân lý tuyệt đối. Tất cả những gì chúng ta xác tín hôm qua, hôm nay bỗng chốc đổ vỡ, với muôn vàn lý do. Như giờ đây, lý do ấy hiển hiện dưới vóc dáng nhỏ xíu của con virus hình vương miện.

Ai đâu ngờ được, có một ngày như những ngày này, không phải Tết, mà hàng đoàn người từ ngoại quốc ồ ạt hồi hương. Về quê hương, về nơi hiếm hoi còn an toàn trên quả đất này, để được chăm nom và bảo vệ. 

Du học sinh chụp hình với bộ đội trước khi tạm biệt khu cách ly
 Du học sinh chụp hình với bộ đội trước khi tạm biệt khu cách ly

Những ngày qua, máy bay cùng phi hành đoàn cảm tử, xông pha đi đón về tất cả những ai là người Việt. Toàn bộ đoàn bác sĩ, phi hành đoàn trang bị kĩ lưỡng, chấp nhận có thể nhiễm bệnh, chấp nhận cách ly sau khi trở về. Trước khi đi, họ tươi cười chụp với nhau một tấm hình. Nhìn họ, người ta hình dung đến những chiến sĩ trước giờ lao mình vào khói lửa.

Người Việt, nghĩa là người có quốc tịch Việt Nam và cả những người không có quốc tịch nhưng nói được tiếng Việt. Bao gồm thế hệ sau của những người Việt tha hương, bao gồm cả những người đã từ bỏ quốc tịch của mình để chỉ giữ lại duy nhất quốc tịch đất nước phát triển mà họ tự hào nhận là quê hương. 

Có người về đến nơi rơi nước mắt, bệnh hay không không còn là vấn đề lớn, quan trọng là về được Việt Nam. Về đến Việt Nam là về nhà, là tăng cơ may được sống, được bình an. Cũng có người, về đến nơi quậy tung sân bay, chê bai khu cách ly, chửi bới những người đang vất vả lo toan cho mình chỉ vì phải đợi chờ, vì không được món ăn ngon như ý. 

Đồng bào hải ngoại, có người kiên quyết phải trở về, nhưng cũng có rất nhiều người quyết định ở lại. Có nhiều lý do cho mỗi lựa chọn. Có người trở về cũng vì mong muốn được đất nước che chở vào thời điểm này. Cũng có người không về, vì sợ tạo thêm gánh nặng cho Tổ quốc.

Bên cạnh những người bỉ bôi, có không ít kiều bào yêu nước lên tiếng ngợi khen, cảm ơn. Đã có những người chung tay ủng hộ tài chính. Anh Lâm Văn Tân, một giảng viên người Việt sinh sống tại Mỹ đã viết trên trang cá nhân của mình: “Lớn lên, học tập, sinh sống tại Mỹ hơn nửa đời, tôi chưa bao giờ thấy mình gần với Việt Nam như lúc này”.

Phần người Việt trong nước, có vài tiếng nói ngược, rằng tại sao bỏ nước ra đi, ấm êm nay ồ ạt trở về, hoặc sao lại trở về khiến dịch bệnh lây lan, gánh nặng cho ngành y tế…

Nhưng đa phần, toàn dân Việt Nam đều đồng tình, ủng hộ Chính phủ. Thậm chí, còn vui và tự hào bởi hành xử đẹp mà Việt Nam giành cho đồng bào hải ngoại.

Người Việt trong nước và sinh sống, làm việc tại hải ngoại, từ trước đến nay vẫn có tồn tại một vài khoảng cách vô hình. Đó không chỉ là khoảng cách địa lý, đó còn là khoảng cách về suy nghĩ, giàu nghèo, khoảng cách tạo ra từ vết thương chiến tranh trong quá khứ. 

Nhưng đồng bào, trong những lúc này, hai từ ấy mới trở nên thiêng liêng làm sao! Chẳng phải “đồng bào”, nghĩa đen rõ ràng nhất là “cùng một bào thai”? Đều cùng con Rồng, cháu Tiên, cùng một tổ tiên nòi giống, dù sống trong nước hay lưu vong, xa xứ, đều gọi đất Việt một tiếng quê hương. Máu liền máu, tim liền tim. Không thương nhau mà làm sao được!

Càng trong gian khó, người ta càng cần đoàn kết, bảo bọc lấy nhau. Nghĩa đồng bào là chất keo hàn gắn những vết thương của quá khứ. Nghĩa đồng bào cũng chính là liều thuốc tinh thần giúp người Việt cùng nhau bước qua biến cố của lịch sử nhân loại này.

Dù thế nào, mai sau, qua đại dịch, người Việt sẽ khác xưa nhiều lắm… 

Đọc thêm