Không để các vụ xâm hại phụ nữ và trẻ em bị 'chìm xuồng'

(PLVN) - Chị Moong Thị Tho (26 tuổi) ở bản Đỉnh Sơn 1 xã Hữu Kiệm, huyện miền núi Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An là một trong số nhiều phụ nữ trong bản đã vượt biên sang Trung Quốc bán bào thai trở về. Khi chị Tho đang mang bầu lần thứ ba và biết là con trai, đã có cuộc điện thoại từ người phụ nữ không quen biết đặt vấn đề nếu qua Trung Quốc sinh con rồi bán sẽ nhận được 40 triệu đồng. 
4 cơ quan cùng chung tay bảo vệ phụ nữ trẻ em.
4 cơ quan cùng chung tay bảo vệ phụ nữ trẻ em.

Báo động tệ nạn mua bán bào thai

Cuộc sống nơi rẻo cao, nguồn thu nhập của gia đình chị Tho chỉ dựa vào vài sào lúa, nương ngô cùng dăm con lợn thả rông, tiền mặt trong nhà chưa bao giờ có quá 10 triệu đồng. Trong khi hai vợ chồng đang nợ gần 30 triệu, nên chị Tho không hỏi ý kiến chồng mà âm thầm quyết định vượt biên để có tiền trang trải nợ nần.

Khi mang thai tháng thứ 8, theo chỉ dẫn của người phụ nữ từng liên lạc, chị Tho bắt xe khách từ Nghệ An ra Móng Cái, Quảng Ninh. Sau đó, người phụ nữ mang bầu được một người lạ dẫn qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc trong đêm. Hành trình qua Trung Quốc bán bào thai của chị Tho kéo dài trong 40 ngày. Hiện người phụ nữ này không biết địa điểm mình đã sinh con là địa phương nào của Trung Quốc và đã đi xa bao nhiêu km.

Giữa tháng 12/2018, tại kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đã nêu lên tình trạng mua bán bào thai ở một số huyện miền núi Nghệ An là đáng báo động.

Tính riêng năm 2018, Công an tỉnh đã bắt giữ 16 vụ, giải cứu hơn 40 nạn nhân, trong đó có nhiều vụ bán cả mẹ lẫn con. Thủ đoạn tội phạm sử dụng là tìm kiếm các phụ nữ mang thai từ tháng thứ 6 đến thứ 8, thuyết phục qua Trung Quốc bán con với giá từ 40 - 50 triệu đồng cho con trai và 70 triệu đến 80 triệu đồng cho con gái. 

Tuy nhiên, vụ việc chưa thể xử lý vì một số vướng mắc, cụ thể như lời Đại tá Nguyễn Hữu Cầu: “Pháp luật hình sự năm 2015 không quy định về tội phạm mua bán bào thai, cho nên quá trình điều tra, xử lý vô cùng khó khăn. Thứ hai, sự việc xảy ra ở địa bàn Trung Quốc, Hiệp định Tương trợ tư pháp ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc từ năm 1988 chưa được sửa đổi. Đây là điều bất cập rất lớn mà lực lượng công an chúng tôi cố gắng tìm cách để ngăn chặn nhưng vẫn chưa có hiệu quả”.  

Cũng liên quan đến vấn  này, ngày 25/12/2018, lãnh đạo Bộ Công an đã có công văn yêu cầu công an các đơn vị, địa phương triệt phá việc mua bán bào thai, môi giới mua bán người. Theo yêu cầu của Bộ Công an, các đơn vị trong ngành cần rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật trong xử lý vi phạm liên quan mua bán bào thai.

Cán bộ tham gia tố tụng cần nhạy cảm giới

Mới đây, hưởng ứng chủ đề năm 2019 “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” do Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động, 4 cơ quan bao gồm Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Công an đã tổ chức Lễ ký kết chương trình phối hợp trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái giai đoạn 2019 - 2022.

Tại lễ ký kết, những vụ việc mua bán bào thai ở Nghệ An đã được đề cập tới như bằng chứng cho thấy thực tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng bảo vệ quyền con người, trong đó có phụ nữ và trẻ em.

Tuy nhiên, môi trường sống vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiếu an toàn, tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em gái diễn biến phức tạp nghiêm trọng, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội. Trong năm 2017, trẻ em gái chiếm 92,3% trong số trẻ em bị xâm hại; phụ nữ và trẻ em chiếm 90% số nạn nhân bị mua bán; cứ 10 vụ ly hôn thì gần 9 vụ xuất phát từ lý do bạo lực gia đình.

Các vụ việc xâm hại, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em để lại hậu quả nghiêm trọng, dai dẳng đối với bản thân người bị hại, gia đình họ và cả xã hội, nên rất cần có sự chung tay của nhiều cơ quan, ban ngành trong công tác bảo vệ sự an toàn của phụ nữ và trẻ em. 

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà – Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, mục đích của chương trình phối hợp nhằm góp phần bảo đảm các vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, đúng quy định của pháp luật, công bằng, nghiêm minh, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới; nâng cao khả năng nhận biết về bình đẳng giới trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mỗi ngành, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em gái. 

Chương trình phối hợp giai đoạn 2019 - 2022 tập trung vào các nội dung như: Phối hợp xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái...

“Phụ nữ và trẻ em là đối tượng có đặc điểm tâm sinh lý đặc thù, nhạy cảm. Điều này đòi hỏi cán bộ làm công tác điều tra, truy tố, xét xử cần thấu hiểu, có kiến thức, kinh nghiệm, đặc biệt là nhạy cảm giới trong quá trình giải quyết vụ việc…” - Chủ tịch Hội Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh.

Đọc thêm