Không để người dân rơi vào cảnh “màn trời, chiếu đất”

(PLVN) - Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp ứng phó với bão số 6 (LINFA) sáng 11/10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường yêu cầu thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng, kiên quyết không để người dân ở tình trạng “màn trời chiều đất”.
Nhà ở phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế nước ngập tới nóc.
Nhà ở phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế nước ngập tới nóc.

Thiệt hại nặng nề do mưa bão

Chiều 11/10,  bão số 6 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, tuy nhiên các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ vẫn có mưa to đến rất to. 

Tại Đà Nẵng, do tình hình mưa kéo dài trong những ngày qua, đã có 9/11 xã (61 thôn, 4.597 người) tại huyện Hòa Vang bị ngập lũ và một số khu vực đô thị tại các quận Hải Châu, Liên Chiểu, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Cẩm Lệ bị úng ngập cục bộ. Mưa lớn kéo dài cũng đã làm một số tuyến đường thuộc địa phận huyện Hòa Vang bị sạt lở. Về nông nghiệp, có 95,1ha hoa màu tại Đà Nẵng bị ngập úng; hàng chục ha hoa tết hư hại; hư hỏng gần 30 tấn rơm nguyên liệu làm nấm; thiệt hại 26,3 ha nuôi trồng thủy sản.

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã yêu cầu các quận, huyện triển khai ngay phương án phòng chống mưa lớn, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất; khẩn trương sơ tán nhân dân, sinh viên, công nhân sống trong các nơi không kiên cố đến nơi an toàn; tổ chức chằng chống nhà cửa, nhất là nhà tạm chờ tái định cư. Nghiêm cấm, không cho người ở lại trên lồng bè, có biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản cho tại các khu nuôi trồng thủy sản. Nghiêm cấm nhân dân, phương tiện và ghe thuyền không có nhiệm vụ đi lại trong vùng trũng thấp, ngập sâu, cầu tràn qua suối...

Tại Quảng Nam, khi bão số 6 đổ bộ và suy giảm thành áp thấp, tỉnh ghi nhận có 3.117 ngư dân hành nghề trên 95 tàu cá còn ở ngoài khơi. Tính tới chiều 11/10, tỉnh đã tổ chức sơ tán 533 hộ dân với 1.677 người. Trong đó, 18 hộ với 69 người đã trở về nhà sau khi nước rút.

Ông Võ Văn Điềm, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Quảng Nam xác nhận, đơn vị đã có báo cáo về sự cố vỡ đập Hóc Bầu (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên). Theo đó, hồ  có diện tích lưu vực 0,3 km2; dung tích 205.000 m3. Hồ có một đập đất dài 129 m, chiều cao lớn nhất 7,2 m, một tràn xã lũ rộng 4,9 m; đảm bảo công suất tưới cho 16ha. Công trình có vốn đầu tư 3,5 tỉ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 11/2021 (đã thi công xong tràn xả lũ, xây lắp cống và đắp lại cống đến cao trình trên đỉnh cống khoảng 2m, gia cố 50% mái thượng lưu, đắp đê quay cống lấy nước). Do mưa lớn kéo dài, lúc 5 giờ 30 ngày 10/10, đê quây cống vỡ hoàn toàn làm trôi phần đất đắp mang cống, nước tràn về hạ lưu gây ảnh hưởng cho 10 hộ dân.

Ngoài sự cố vỡ đập, Quảng Nam đã xảy ra tình trạng ngập lụt sâu diện rộng ở vùng trũng thấp thuộc địa bàn các huyện, thành phố như: Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An và Tam Kỳ; Nhiều tuyến đường bị chia cắt, nhiều địa phương bị cô lập trong nước lũ.

Theo Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà, tàu cá QNa-90499 TS bị chìm khi đang neo đậu trên sông thuộc thôn Xuân Mỹ, xã Tam Hải (Núi Thành), 2 người trên tàu mất tích. Trước đó, ngày 10/10, anh Lê Tự Quốc (26 tuổi, thôn Thanh Quýt 3, xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn) đã bị nước cuốn trôi khi lội bộ qua khu vực cầu Giao Thủy (xã Đại Hòa, Đại Lộc), đến sáng 11/10 mới tìm thấy thi thể.

Tại Quảng Trị đã trên 39.700 hộ dân ngập lụt; đã di dời trên 6.900 hộ với trên 20.300 người ở vùng ngập sâu, có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Mưa lũ suốt 1 tuần qua cũng đã làm 50 căn nhà ở các huyện Đakrông, Hướng Hóa, Hải Lăng, Gio Linh, Triệu Phong và TP Đông Hà sập đổ hoàn toàn và hư hại từ 50-70%. Hàng trăm con gia súc và hàng  chục ngàn gia cầm các loại bị chết, cuốn trôi; hơn 790.000 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, mất trắng hoàn toàn; gần 200 ha lúa đồi ở Hướng Hóa bị bồi lấp, mất trắng. Hiện tại, các tuyến đường Cu Vơ-Hướng Linh; Hướng Phùng - Hướng Sơn; QL9 tại Km51; đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đi Quảng Bình tại vị trí Km176 và Km186; đường tỉnh ĐT586 và ĐT587 bị sạt lở, tắc tại nhiều điểm.

Đặc biệt, áp thấp nhiệt đới cộng mưa lũ cũng đã nhấn chìm 3 con tàu khi đang ở vùng cửa biển cảng Cửa Việt thuộc huyện Gio Linh và Triệu Phong. Trong đó, tàu Vietship 12 bị chìm gần khu vực phao số 0 luồng hàng hải Cửa Việt, trên tàu có 5 người, 3 người được đưa lên tàu Vietship 01, còn 2 người bị mất tích. Tàu Vietship 9 cũng bị chìm nhưng rất may toàn bộ 4 người trên tàu đã bơi vào bờ an toàn.

Trong khi đó, tàu Vietship 1 bị mắc cạn tại phao số 0 (cách cảng Cửa Việt khoảng 500 mét).  Sau nhiều nỗ lực, lực lượng cứu nạn đã tổ chức giải cứu thành công 8 người mắc kẹt trên tàu do dùng máy bay trực thăng cứu hộ và lực lượng đặc công nước, phối hợp với ngư dân để ứng cứu. Tuy nhiên, vẫn có 1 người thiệt mạng.

Ông Hà Sỹ Đồng (Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị) lưu ý, mưa lớn vẫn còn xảy ra, khả năng những ngày tới còn có áp thấp nhiệt đới, do đó, các cấp, các ngành địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ và kịp thời các giải pháp, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra.

Tại Thừa Thiên – Huế, mực nước sông Bồ đã tại Phú Ốc đã đạt đỉnh vào lúc 23h ngày 9/10 (trên báo động 3 là 0,74m, vượt lũ lịch sử năm 1999 là 0,06m.

 Toàn tỉnh đã có 24.520 ngôi nhà bị ngập (với mức ngập từ 0,3 đến gần 2 mét), chủ yếu ở thị xã Hương Trà, huyện Quảng Điền... Riêng TP. Huế cũng có 2.560 nhà bị ngập nhiều đường phố kiệt, hẻm cũng bị ngập sâu, giao thông chia cắt. Diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nặng; bờ biển tiếp tục bị sạt lở nặng với chiều dài hơn 10,0 km tập trung ở các đoạn qua xã Giang Hải, xã Phú Thuận, xã Phú Diên, xã Phú Hải, xã Hải Dương.

Chiều ngày 11/10, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ đã đến thăm hỏi, động viên lực lượng đóng gói, vận chuyển hàng hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn ở những vùng ngập lụt của tỉnh. Ông Thọ nhấn mạnh, diễn biến mưa lũ vẫn còn phức tạp và lại tiếp tục chịu ảnh hưởng của bão số 6, do đó, các cấp, các ngành, người dân không được chủ quan, lơ là; ngoài phương châm “4 tại chỗ”, các cấp, các ngành cần lưu ý đến phương châm “tự quản tại chỗ”, không để sơ suất xảy ra gây những thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản. 

 

Lưu ý về hoạt động của tàu vận tải khi có bão

Phát biểu tại cuộc họp ứng phó với bão số 6 (LINFA) sáng 11/10, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung tiếp tục chủ động trong công tác ứng phó với mưa lũ; phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan trong việc cứu trợ, cứu nạn, xử lý các sự cố do mưa lũ gây ra đặc biệt là các sự cố về tàu vận tải trên biển. ..

Cùng với đó, ông Cường cũng yêu cầu các đơn vị chức năng cần có sự quản lý, kiểm soát tốt công tác đảm bảo an toàn về người và phương tiện trên hệ thống giao thông đường bộ, đường không, đường thuỷ; thường xuyên chỉ đạo, nhắc nhở các cơ quan quản lý cảng sông, cảng biển, chủ quản lý các phương tiện tàu, chủ tàu; làm tốt công tác đảm bảo an toàn cho tàu và ngư dân đặc biệt đối với các tàu vận tải, tàu vãng lai, tàu nhỏ tại các cảng như Quy Nhơn, cửa sông Ranh...

Nhắc lại bài học về “lũ chồng lũ” từng xảy ra tại khu vực miền Trung năm 2017, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ thực hiện tốt công tác ứng phó và khắc phục hậu quả bão, mưa lũ.

Tại cuộc họp, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài bày tỏ băn khoăn về vấn đề quản lý hoạt động tàu vận tải, các tàu vãng lai vì: dù đã nhấn mạnh đi, nhấn mạnh lại vấn đề này song gần như cứ có áp thấp nhiệt đới hay bão là lại có tàu vận tải gặp sự cố. Việc này không những gây khó khăn cho Ban Chỉ đạo, các cơ quan chức năng trong công tác chỉ đạo ứng cứu mà còn gây sự vất vả đặc biệt là cơ quan thực hiện việc cứu hộ, cứu nạn”, đề  nghị ngành giao thông vận tải cần rút kinh nghiệm.

Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho hay, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 6, từ ngày 11 đến ngày 13/10, các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, thành phố Đà Nẵng từ 300-500mm, có nơi trên 500mm. Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định, Kon Tum từ 100-200mm, riêng Quảng Bình có nơi trên 300mm.

Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi. Lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá. Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất... và nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét để đến nơi có vị trí cao hơn; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền, đảm bảo an toàn tính mạng. 

Tính đến chiều qua (11/10), mưa lũ tại miền Trung đã làm chết 17 người (Quảng Trị 6; Thừa Thiên - Huế 3; Quảng Nam 3...); 13 người mất tích (Quảng Trị 6; Đà Nẵng 4...); làm hơn 33.000 ngôi nhà bị thiệt hại và nhiều đoạn đường Quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ bị sạt lở, ngập lụt, gây ách tắc giao thông.

Về tàu thuyền, đã có sáu tàu vận tải bị sự cố tại Quảng Trị, trong đó có ba tàu bị chìm, gồm tàu Vietship TK 12 bị chìm gần khu vực phao số 0 Cửa Việt, trên tàu có năm người, ba người đã được tàu Vietship 1 cứu, đưa lên tàu.

Tàu Thanh Thành Đạt 55 bị chìm tại phao số 0, Cửa Việt, Quảng Trị gồm 11 thuyền viên đã được đưa vào bờ an toàn; Tàu Vietship 9 bị chìm ở vùng biển Quảng Trị, bốn người trên tàu đã bơi vào bờ an toàn.

Về nông nghiệp, có hơn 224ha lúa, hơn 2.000 ha hoa màu, gần 900ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, thiệt hại. Ngoài ra còn có gần 260 con gia súc, hơn 58.000 con gia cầm bị chết, lũ cuốn trôi.

Về giáo dục, 42 điểm trường bị ngập, hơn 9.000m đường bờ biển bị sạt lở.

Đọc thêm