Không để người nghèo “ngoài rìa” sự phát triển

(PLO) - Trợ giúp xã hội không chỉ là trợ cấp xã hội mà còn là các hoạt động bảo đảm nhu cầu mức sống tối thiểu cho các đối tượng đặc biệt khó khăn để họ có cơ hội vươn lên hòa nhập vào cộng đồng, cùng phát triển.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Sau gần 30 năm đổi mới, cùng với tăng trưởng kinh tế thì các chính sách trợ giúp xã hội cho người có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo ở Việt Nam ngày càng hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, với khoảng 28% dân số là người cần được trợ giúp xã hội, gồm những người cao tuổi, khuyết tật, hộ nghèo, nhiễm HIV, trẻ em không nơi nương tựa,… vẫn đang là một thách thức lớn cần được giải quyết để đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững. 
Đó cũng là mục tiêu chính của Hội thảo về định hướng đổi mới trợ giúp xã hội tại Việt Nam do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) phối hợp Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tổ chức tại Hà Nội sáng 19/7.
Tăng trưởng vì người nghèo
Ước tính, Việt Nam đang có khoảng 8,5 triệu người cao tuổi, hơn 6,7 triệu người khuyết tật, 1,6 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 3 triệu hộ nghèo, hơn 180.000 người nhiễm HIV được phát hiện, gần 2,6 triệu đối tượng bảo trợ xã hội thường xuyên. 
Cùng với đó là những tác động của tình trạng già hóa dân số, tỷ lệ người cận nghèo và tỷ lệ người nghèo còn rất cao ở vùng dân tộc thiểu số và tại các vùng khó khăn; nguy cơ tái nghèo cao... đặt ra yêu cầu ngày càng bức thiết cho việc phát triển và đổi mới hệ thống trợ giúp xã hội. 
Tiến sỹ Michael Samsom, Viện Nghiên cứu chính sách kinh tế Nam Phi (EPRI) nhận định: “Hiện Chính phủ Việt Nam đang có cơ hội lớn để xây dựng và thực hiện công tác trợ giúp xã hội, không chỉ ở việc giảm nghèo cho các đối tượng dễ bị tổn thương mà còn có cơ hội để mở rộng việc chăm sóc xã hội như tăng trưởng kinh tế vì người nghèo”. 
Thực tế cho thấy, trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn song nguồn lực cho đầu tư phát triển vẫn  luôn được đảm bảo với khoảng hơn 60.000 tỷ đồng cho các chương trình chính sách xóa đói, giảm nghèo, trợ giúp cho người yếu thế. 
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh: “Trợ giúp xã hội là một trong những bộ phận cấu thành, trụ cột quan trọng của hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam”. Bằng nỗ lực và sự quan tâm đến những nhóm yếu thế, các chính sách trợ giúp xã hội ngày càng hoàn thiện, mức trợ cấp xã hội liên tục tăng, đối tượng trợ giúp xã hội được mở rộng, đời sống của họ ổn định, có phần được cải thiện và hòa nhập tốt hơn vào cộng đồng. 
Trợ giúp chứ không phải chỉ trợ cấp
Đó là yếu tố quan trọng mà nhiều chuyên gia trong và ngoài nước nhấn mạnh khi khuyến nghị, đề xuất về định hướng đổi mới công tác trợ giúp xã hội ở Việt Nam giai đoạn 2015 – 2020. Vì “trợ giúp xã hội không chỉ là trợ cấp xã hội mà cần được hiểu rộng hơn, đó là các hoạt động bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng, hạnh phúc, phát triển cho mọi người dân; trong đó trước hết là bảo đảm nhu cầu mức sống tối thiểu cho các đối tượng đặc biệt khó khăn để họ không bị gặp rủi ro cũng như để họ có cơ hội vươn lên hòa nhập vào cộng đồng, cùng phát triển”. 
Theo bà Louise Chamberlain - Giám đốc Quốc gia UNDP Việt Nam: “điều quan trọng là hệ thống trợ giúp xã hội của Việt Nam phải đổi mới trên cơ sở các nhân tố hiệu quả của hệ thống chính sách hiện tại của Việt Nam, học hỏi kinh nghiệm hay của quốc tế và điều chỉnh, vận dụng nền tảng lý luận vững chắc đó vào quá trình hoạch định định hướng chiến lược”. 
Do đó,  tiếp tục hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, trợ giúp xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trong điều kiện mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế là chính sách luôn được Đảng và Nhà nước ưu tiên trong các chương trình, kế hoạch phát triển. 
Tuy nhiên, hệ thống trợ giúp xã hội ở Việt Nam hiện nay còn một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng mở rộng của người dân. Vì thế, theo ông Nguyễn Ngọc Hồi – Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐTB&XH, trợ giúp xã hội cần tập trung vào nhóm có hoàn cảnh khó khăn nhất về nâng mức trợ cấp và mở rộng đối tượng để họ có điều kiện tiếp cận với những dịch vụ cơ bản và đảm bảo cuộc sống hàng ngày; đồng thời phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội như cơ sở cho người cao tuổi, cho người khuyết tật, cho lĩnh vực bảo vệ trẻ em như một trong những bước để tiếp tục thực hiện các chương trình giảm nghèo theo hướng bền vững.
Dự án “Hỗ trợ cải thiện hệ thống chính sách bảo trợ xã hội” trị giá 2,3 triệu USD với tên gọi đã được Bộ LĐTB&XH và UNDP ký kết từ đầu năm 2014 là cơ sở để xây dựng nghị trình cải cách hướng đến một hệ thống chính sách bảo trợ xã hội hiệu quả hơn, tiếp cận được nhiều đối tượng hưởng lợi hơn và đem lại mức trợ cấp cao hơn cho các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết: “Hệ thống chính sách bảo trợ xã hội được xây dựng theo Dự án này với một hướng tiếp cận mới, dựa trên quyền con người và theo một cách thức chặt chẽ và có hệ thống hơn. Hệ thống bảo trợ xã hội sẽ được xây dựng trên cơ sở mức sống tối thiểu để giải quyết các vấn đề về phát triển theo một hướng tiếp cận đa chiều, nhờ đó đảm bảo ngăn chặn các rủi ro xã hội và đảm bảo an sinh xã hội cho tất cả mọi người”.  
Thông qua dự án, các nội dung về cải thiện hệ thống chính sách trợ giúp xã hội sẽ được xác định. Dự án sẽ hỗ trợ việc xây dựng một lộ trình cải cách trợ giúp xã hội, đồng thời hỗ trợ việc thực hiện cải cách hệ thống trợ giúp xã hội. Từ đó có thể  duy trì và đẩy mạnh hơn các kết quả giảm nghèo và phát triển xã hội của Việt Nam với tư cách là nước có thu nhập trung bình trong những năm tiếp theo. 

Đọc thêm