Không thể đùa với tính mạng người bệnh!

(PLO) - Chưa đầy một năm sau khi dừng cấp phép mở ngành Y, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại quyết định cho Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo hai ngành Y đa khoa và Dược học. Nhiều chuyên gia giáo dục và dư luận lo ngại tính mạng người dân sẽ gửi vào đâu và việc cho mở ngành này có bất nhất?
Ngành Y, Dược liên quan trực tiếp đến tính mạng con người nên không thể buông lỏng việc đào tạo. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa)
Ngành Y, Dược liên quan trực tiếp đến tính mạng con người nên không thể buông lỏng việc đào tạo. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa)
16 điểm, đỗ ngành Y(!)
Nếu như hàng năm ở các trường tốp đầu ngành Y, điểm tối thiểu phải từ 23 điểm, đặc biệt Đại học (ĐH) Y Hà Nội, nhiều năm qua thí sinh 27 điểm vẫn lo rớt. Hỏi lý do tại sao trường không tăng chỉ tiêu để không để uổng thí sinh điểm cao, GS Nguyễn Đức Hinh - Hiệu trưởng nhà trường luôn giữ quan điểm để đảm bảo chất lượng, trường chỉ có thể tuyển từng đó thí sinh mỗi năm, không thể để cảnh “ đổ trường” được.
Thế nhưng thực tế tại các trường đa ngành, trường ngoài công lập, trường cao đẳng, sau một thời gian mở ngành ồ ạt, thời thượng như Ngân hàng, Y, Dược thì thống kê ​năm 2014 cho thấy, cả nước có hơn 70 cơ sở đào tạo ngành ​Y ​Dược. ​
Trong đó, nhiều cơ sở dân lập có điểm đầu vào rất thấp, thậm chí thí sinh có thể xét học bạ để vào học ngành Y.
Những trường ngoài công lập có khoa ​Y - ​Dược là ĐH Thành Đô, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Thăng Long, ĐH Đại Nam, ĐH Võ Trường Toản, ĐH Công nghệ Đồng Nai, ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương, ĐH Dân lập Lạc Hồng, ĐH Quốc tế Miền Đông, ĐH Tây Đô, ĐH Thành Tây, ĐH Nam Cần Thơ… Không những thế, nhiều địa phương có trường cao đẳng y tế, trung cấp chuyên nghiệp cũng tham gia đào tạo ​Y, Dược.
Và điểm đầu vào của những trường này thấp bất ngờ. Năm 2013, điểm chuẩn vào nguyện vọng 1 của ngành Y đa khoa Trường ĐH Võ Trường Toản là 16 điểm, ngành Dược cũng tương tự. Còn Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 ngành Kỹ thuật y học, Điều dưỡng khối B chỉ là 14 (tương đương điểm sàn). 
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng tuyên bố tất cả các ngành của trường lấy bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT, trong đó có ngành Điều dưỡng…
Do đó, Bộ Y tế có công văn gửi Bộ GD&ĐT với nội dung, khi không có sự tham mưu về mặt chuyên môn của Bộ Y tế, việc thẩm định mã ngành đào tạo nhân lực ngành Y, Dược sẽ không đảm bảo chất lượng. 
Đến cuối tháng 12/2014, Bộ GD&ĐT có quyết định tạm dừng việc xem xét mở ngành đào tạo trình độ ĐH các ngành Y đa khoa, ​Răng - ​Hàm - ​Mặt, ​Y học cổ truyền và trình độ ĐH, cao đẳng đối với Dược học tại trường đa ngành, không thuộc khối chuyên ngành ​Y, Dược. 
Cũng chính vì lý do này mà ông Vũ Văn Hóa - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng việc một trường đa ngành mở đào tạo Y - Dược ở Việt Nam không phải chưa từng có tiền lệ. Theo ông Hóa, nhà trường đã gửi báo cáo lên Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đề nghị được tuyển sinh vào tháng 1/2016 theo 3 tổ hợp tuyển sinh gồm toán - lý - hóa, toán - hóa - sinh và toán - lý - sinh, điểm nhận hồ sơ xét tuyển là 20 điểm 3 môn.
Bất nhất vì hiểu nhầm?
Trả lời về sự vênh nhau này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nói đã có sự hiểu nhầm giữa hai Bộ và cơ sở để Bộ GD&ĐT cấp phép cho các cơ sở đào tạo ngành ​Y ​Dược là căn cứ Thông tư 08 năm 2011.  
“Bộ Y tế đang có thảo luận để nâng điều kiện lên mức cao hơn so với Thông tư 08 để đào tạo ngành này. Nhưng, vấn đề chưa được thống nhất, chưa có văn bản mới nên Bộ GD&ĐT vẫn căn cứ theo Thông tư hiện hành” - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển lý giải.
Và sáng 28/11, GS Trần Phương - Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã nói trong buổi họp báo: “Cho đến lúc này, nước ta mới có 8 bác sĩ trên một vạn dân, trong khi đó mới có 1,5 dược sĩ trên một vạn dân. Nhưng các nước tiên tiến trên thế giới đạt 40 bác sĩ trên một vạn dân. 
Từ đây có thể thấy người Việt Nam được chăm lo sức khỏe quá ít nên trường muốn mở ngành đào tạo về lĩnh vực này. Tiền chúng tôi thu từ sinh viên cũng nhằm phục vụ cho sinh viên và không phục vụ kinh doanh”.
Theo GS Trần Phương, tháng 6/2012 trường đề nghị Bộ GD&ĐT cho mở ngành Y đa khoa, Dược học. Đến tháng 12/2014, Bộ GD&ĐT mới có quyết định tạm dừng việc xem xét mở ngành đào tạo trình độ ĐH các ngành Y đa khoa, Răng - Hàm - Mặt, Y học cổ truyền và trình độ đại học, cao đẳng đối với ngành Dược học tại trường đa ngành, không thuộc khối chuyên ngành Y, Dược. 
Trường đặt vấn đề xin mở ngành trước đó hơn 2 năm, khi chưa có quy định tạm dừng của Bộ GD&ĐT.
Về việc trường lấy “20 điểm vào ngành Y là quá thấp”, GS Trần Phương thẳng thắn nói: “Chúng tôi không coi nhẹ đầu vào. Tuy nhiên, điểm trúng tuyển không quan trọng bằng quá trình đào tạo cũng như việc học trong trường của các sinh viên và đầu ra của họ. 
Không thể so sánh điểm của ĐH Kinh doanh Công nghệ và Đại học Y Hà Nội. Ở những trường top trên, thí sinh bị loại không phải là quá dốt mà nhu cầu hàng nghìn người muốn vào nhưng chỉ tiêu hạn hẹp”.
Bên cạnh đó, GS Trần Phương cho biết thêm, trường đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như đội ngũ nhân lực làm công tác giảng dạy. Ngoài ra, trường cũng đã ký hợp đồng với 4 bệnh viện: Đa khoa Đức Giang, Đa khoa Hà Đông, Đa khoa Đống Đa, Đa khoa Tràng An và hai công ty dược để sinh viên thực tập, thực hành.
Có thể nói, việc mở ngành sẽ là điều đương nhiên, nếu Bộ GD&ĐT không có văn bản quy định về mở ngành đào tạo nhân lực y tế tại các cơ sở giáo dục ĐH không chuyên và xác định chỉ tiêu tuyển sinh. 
Thế nên, dư luận vẫn không thể không lo ngại khi mà việc mở ngành không thể đùa với tính mạng con người. Các thầy thuốc đào tạo từ các trường Y, Dược có khi còn chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn thì một trường không có chuyên ngành mà đào tạo Y, Dược thì không biết chất lượng sẽ đi về đâu?

Đọc thêm