Không thể tiếp tay cho thái độ coi thường pháp luật

(PLO) - Chồng đi làm xa, hôm đó chỉ có hai mẹ con ở nhà. Mẹ có việc phải ra ngoài, vì nghĩ mình sẽ đi nhanh về nên để con gái ở nhà và không khóa cổng, chỉ chốt hờ. Nào ngờ khi về đến nhà, con gái chạy ra ôm lấy mẹ khóc và cho biết, chú H. hàng xóm gần nhà đã tự động mở cửa vào nhà, lên tầng 2 vào phòng và sờ ngực, sờ bộ phận sinh dục, sau đó còn định thực hiện hành vi đồi bại…
Không thể tiếp tay cho thái độ coi thường pháp luật

Xâm hại tình dục trẻ em – được tạo điều kiện để xin lỗi ?!

Đây là câu chuyện xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em đã xảy ra ở Ba Vì đã từng được Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) trợ giúp. Đáng nói, thái độ thờ ơ của nhiều người đã cho thấy một thực tế đáng lo ngại. Theo lời bà mẹ,  sau khi sự việc xảy ra gia đình đã làm đơn gửi ra chính quyền thì được lời khuyên nên… giữ kín sự việc này và tạo điều kiện cho thủ phạm đến xin lỗi (!). Còn theo lời bố của nạn nhân thì thủ phạm không những không thấy xấu hổ vì hành động của mình mà con huênh hoang tuyên bố với mọi người rằng đã từng ngủ với “cả vợ và con gái tôi”. Điều đáng buồn nữa là ông bố này đã nhận được rất nhiều lời khuyên nên hòa giải để “mọi chuyện êm xuôi”.

Sự thờ ơ của chính quyền,  cộng đồng và quan niệm “hòa giải cho êm chuyện” đã và đang xảy ra không ít đối với những vụ XHTD trẻ em nói chung và những vụ việc mà Trung tâm Csaga đã từng làm. 

Theo bà Nguyễn Vân Anh – Giám đốc Trung tâm Csaga: “Ít nhất hiện nay có 4 vụ đang lâm vào tình trạng này mà tôi biết ngay địa bàn Hà Nội. Đó là, vụ em bé 7 tuổi bị bạn thân của bố vào nhà, giở hành vi hiếp dâm nhưng đang lột quần áo cháu thì có người hàng xóm phát hiện. Kẻ đồi bại bị bắt một ngày, đến tối thì được tha. Vụ thứ hai một em bé khác bị bố đẻ xâm hại nhiều lần, mấy mẹ con phải chạy trốn cho đến khi được hỗ trợ, tư vấn.

Kẻ xâm hại đã bị bắt nhưng không biết rồi có được xử không, hay lại chìm lắng như nhiều vụ khác. Vụ thứ ba một em bé có chửa do một người hàng xóm có hành vi đồi bại khi em 14 tuổi. Hiện kẻ phạm tội vẫn ngoài vòng pháp luật do lý sự và quan niệm: quan hệ tình dục có đồng thuận. Vụ thứ tư, em bé 3 tuổi bị hiếp dâm, có biên bản chép tay của kẻ phạm tội, có ghi âm lời khai, có xác nhận của bệnh viện. Nhưng thủ phạm không bị khởi tố do lý do “già yếu” và hiện vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật”.

Điều gì đang tiếp tay cho thái độ coi thường pháp luật?

Mới đây dư luận xã hội phản ứng dữ dội trước thái độ của Minh Béo – người vừa trở về Việt Nam sau khi mãn hạn án XHTD trẻ em ở Mỹ. Thay vì gửi lời xin lỗi và bày tỏ sự ân hận thì Minh Béo lại vui vẻ đăng tải những hình ảnh của mình trên trang cá nhân. Không chỉ khán giả mà giới nghệ sĩ cũng phản ứng quyết liệt. 

Là một người từng tham gia chiến dịch bảo vệ trẻ em, nhạc sĩ Quốc Trung tỏ ra vô cùng bức xúc về trường hợp Minh Béo. Trả lời phỏng vấn báo chí, nhạc sỹ Quốc Trung thẳng thắn: “Thật sự trước đây tôi không biết đến cậu đấy và bây giờ càng không muốn biết. Tôi sẽ không cho phép những kẻ như vậy có cơ hội đứng chung với mình và có cơ hội gần gũi khán giả, đồng nghiệp của mình”.

Điều muốn nói ở đây là vì sao Minh Béo lại có “thái độ hiên ngang, thách thức” – như lời nhận xét của một nhà sản xuất giấu tên như vậy? Phải chăng giữa Việt Nam và Mỹ chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp nên Minh Béo vi phạm luật trên đất Mỹ và đã chấp hành án theo luật pháp nước này thì khi trở về Việt Nam sẽ thành một công dân bình thường? Hay vì quan niệm thờ ơ của cộng đồng như đã nói trên vô hình trung đã tiếp tay cho suy nghĩ “bình thường thôi” của con người này?

Ở góc độ pháp luật, không phải pháp luật Việt Nam không đủ tính răn đe đối với các hành vi XHTD trẻ em. Đơn cử như theo pháp luật Việt Nam quan hệ tình dục với trẻ em dưới 16 tuổi có thể gọi là hành vi hiếp dâm, khung hình phạt từ 18 năm tù đến tử hình. Nhưng nhận định của nhiều luật sư cho thấy, pháp luật vẫn còn chưa chặt chẽ, đơn cử như phân tích của Luật sư Nguyễn Anh Minh - Đoàn Luật sư TP HCM thì: Nếu Minh Béo quan hệ tình dục bằng miệng với trẻ em nam thì chưa có điều luật nào quy định đã cấu thành tội phạm. Việt Nam cần xem xét, điều chỉnh về việc xử lý đối với người có hành vi hiếp dâm, ấu dâm. Cụ thể, buộc người đó không được tiếp xúc với trẻ em…

Ở góc độ xã hội, con số này có thể đã nghe quá nhiều, nhưng vẫn phải nhắc đến, đó là 63,4% phụ nữ và trẻ em gái cảm thấy lo lắng về các mối hiểm nguy nơi công cộng; 48% phụ nữ và trẻ em gái cảm thấy nguy cơ bị quấy rối tình dục tại các điểm công cộng...  Có thể nói bị XHTD, quấy rối tình dục là câu chuyện không phải riêng ai và đa số phụ nữ và trẻ em gái đã từng trải qua và vị thế xã hội, cộng đồng nhất thiết phải phản ứng mạnh mẽ với hành vi này. 

Thế nhưng ở vụ của Minh Béo, khi sự việc xảy ra đã có rất nhiều lời kêu gọi “hãy vị tha với người nghệ sĩ”. Theo quan điểm của bà Nguyễn Vân Anh – Giám đốc Trung tâm Csaga thì “tôi thực sự thấy lo lắng, bức xúc về việc kẻ XHTD trẻ em nhơn nhơn không hề xấu hổ trong khi các em bé, các gia đình có con bị hại lại bị nhục nhã, phải lên thưa, xuống kiện. Đó cũng là thực tế còn rất phổ biến tại Việt Nam. Một kẻ như vậy được dư luận kêu gọi “Vị tha”, thì nhiều kẻ XHTD trẻ em khác còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật âu cũng là điều dễ hiểu”.

Đọc thêm