Kì thi THPT Quốc gia: Không nên lạm dụng sách tham khảo

(PLO) - Chiều 18/3, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã  tổ chức đối thoại trực tuyến về kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2015 với sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển; ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Thí sinh chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản
Thí sinh chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản
Không lo “tháo khoán” tại cụm thi tỉnh
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc phải lường hết khó khăn, không để bị động với kỳ thi này, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã lên phương án kỳ thi, lấy ý kiến rộng rãi và chốt lại phương án ban hành quy chế thi; lên kịch bản những khó khăn có thể phát sinh để các địa phương góp ý kiến. Bộ cũng đã thông tin rộng rãi đến toàn xã hội về Quy chế thi.
Về việc tổ chức cụm thi liên tỉnh có thể gây khó khăn cho thí sinh trong chuyện đi lại, ông Hiển cho biết phương án đi lại, ăn ở của thí sinh và phụ huynh tương tự như kỳ thi đại học, sự chuẩn bị cũng sẽ như vậy.
Trả lời câu hỏi về  lo lắng có thể “tháo khoán” tại cụm thi tỉnh, Bộ đã tính toán điều này chưa, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết đã tính toán điều này trước khi ra phương án thi cụm tỉnh. Bộ đã phân tích đề thi, kết quả thi, phổ điểm của các năm trước, cho thấy phổ điểm của học sinh phân bố hợp lý. 
Trước đây có hiện tượng “tháo khoán”, nhưng giờ đã khác, thi nghiêm túc hơn, đề thi hợp lý hơn. Vì vậy, thi cụm tỉnh chắc chắn cũng sẽ nghiêm túc hơn. 
Tuy nhiên, ông Hiển cũng thừa nhận dư luận xã hội yên tâm hơn với cụm thi liên tỉnh. Vì vậy, Bộ quyết định kể cả cụm thi tỉnh thì vẫn do trường đại học chủ trì phối hợp với Sở để tổ chức. Công tác thanh tra giữa 2 loại cụm thi là giống nhau.
Với câu hỏi thí sinh tự do đăng ký ở đâu, có được chọn cụm thi bất kỳ không, hơn nữa, hộ khẩu của em ở 1 tỉnh nhưng lại đang học tỉnh khác, ông Trần Văn Nghĩa cho biết: Tất cả lo lắng trên sẽ được đưa vào hướng dẫn thi, cụ thể các thí sinh tự do (đã tốt nghiệp) được chọn cụm thi Hà Nội có thể thi trong Nam. Chưa tốt nghiệp được chọn cụm thi nhưng vẫn phải thi ở nơi đăng ký hộ khẩu. 
Đó là điều khác nhau giữa thí sinh tự do sẽ đăng ký tại địa điểm do Sở GD&ĐT quy định, còn thí sinh đã tốt nghiệp chỉ đăng ký những môn dùng để xét tuyển đại học (ĐH).
Với lo lắng thí sinh đăng ký thi 3 - 4 môn thi sau đó vi phạm hoặc bỏ thi thì sẽ xử lý thế nào, ông Nghĩa cho biết: Nếu bị kỷ luật thi chỉ bị trừ điểm thì vẫn được sử dụng kết qủa thi, nếu đình chỉ thì không được xét tốt nghiệp và ĐH. Nếu thí sinh thi đủ môn xét tốt nghiệp mà bỏ các môn còn lại thì vẫn được dùng môn thi đó để xét tuyển ĐH. Trong trường hợp đang thi mà ốm đau được đặc cách, điều kiện điểm phải trên 5 đối với các môn đã thi.
Bộ sẽ công khai đề thi minh họa
Hiện nay nhiều trường THPT đã tiến hành ôn tập, nhưng chưa có cấu trúc đề thi nên còn lúng túng. Về điều này, ông Trần Văn Nghĩa nhấn mạnh, đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. Đề thi sẽ có 2 nhóm câu hỏi, một nhóm tương đương đề thi THPT, bảo đảm những em học sinh trung bình cũng có thể làm được bài và đạt tốt nghiệp; nhóm thứ hai tương tự câu hỏi phân loại, giống đề thi ĐH-CĐ. 
Hướng đề thi giống như năm 2014. Thí sinh có thể tham khảo đề thi tốt nghiệp và thi ĐH-CĐ năm trước để ôn luyện. Tới đây Bộ sẽ công bố công khai đề thi minh họa để thí sinh biết.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh thêm, đề thi năm 2014  trước đáp ứng được yêu cầu phân loại học sinh. Đề thi năm 2015 sẽ không có sự khác biệt so với năm ngoái, vì vậy thí sinh cứ yên tâm ôn tập.
Trước thực tế thí sinh vì hoang mang nên đã mua cuốn ôn luyện thi của Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục, Thứ trưởng Hiển khẳng định: Các NXB đánh vào tâm lý hoang mang của học sinh để trục lợi, Bộ đã có công văn yêu cầu NXB phải rút kinh nghiệm để không được sử dụng danh nghĩa những chuyên gia của Bộ GD&ĐT “đứng tên”  trên sách. 
Điều này không phải chỉ có ở  NXB Giáo dục mà tràn lan ở nhiều NXB khác. Bộ sẽ có hình thức rút kinh nghiệm đối với những cán bộ “ghi tên” trên sách. Kể cả những khâu đưa sách vào trong nhà trường như thế nào, nhà trường không có chức năng phát hành, Bộ đã có công văn nhắc nhở cấm ép học sinh mua sách tham khảo, ôn tập. 
“Chúng tôi cũng đã yêu cầu NXB Giáo dục Việt Nam rút kinh nghiệm về việc phát hành sách hướng dẫn ôn thi kỳ thi THPT quốc gia, bởi dễ gây hiểu lầm là do Bộ ban hành vì có tên tuổi các tác giả hiện đang công tác tại Bộ. Việc phát hành sách tham khảo trong trường học cũng được chấn chỉnh vì đây không thuộc trách nhiệm của nhà trường và do phụ huynh, học sinh hoàn toàn tự nguyện mua hay không”, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khuyên học sinh không nên dùng quá nhiều tài liệu tham khảo, bởi khi các em phụ thuộc vào tài liệu đó thì mất thời gian tự học. Các em ôn thi chỉ cần dùng sách giáo khoa (SGK) dưới sự hướng dẫn của thầy cô là đủ, bởi sách tham khảo chỉ viết đi viết lại từ SGK chứ không có gì hơn.  Vậy nên thí sinh chỉ cần học tốt thi sẽ tốt, tự tin sẽ không có gì đáng lo ngại, ông Hiển nhấn mạnh. 
Hôm qua 18/3, Bộ GD&ĐT đã có công văn hướng dẫn ôn thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2015 yêu cầu các Sở chỉ đạo các nhà trường có kế hoạch dạy học, ôn tập cho học sinh một cách hợp lý, tuyệt đối không được cắt xén chương trình đã quy định. Các trường cần tổ chức nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh học kỳ II và cả năm học theo đúng Quy chế, đảm bảo khách quan, trung thực, công bằng và đánh giá đúng năng lực thực chất của học sinh.
Nội dung thi THPT quốc gia nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Bộ GD&ĐT không phát hành tài liệu ôn tập kỳ thi THPT quốc gia và không có quy định bắt buộc giáo viên, học sinh phải sử dụng tài liệu tham khảo cụ thể nào. Các Sở cần chỉ đạo các trường THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) thực hiện các giải pháp hiệu quả, tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 phù hợp với từng trường, từng nhóm đối tượng học sinh nhằm nâng cao chất lượng kỳ thi THPT 2015. Sau khi kết thúc năm học, việc ôn tập của học sinh được thực hiện theo hướng tăng cường thời gian dành cho học sinh tự học.
Các trường THPT, các Trung tâm GDTX chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn thống nhất với học sinh và cha mẹ để sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, đảm bảo sức khỏe của học sinh, ôn tập có hiệu quả nhưng không gây quá tải.
Việc tổ chức học thêm (nếu có) để phục vụ ôn thi phải thực hiện theo đúng quy định của Bộ và quy định của UBND các tỉnh, thành; đặc biệt là đảm bảo tính tự nguyện của học sinh và tính hiệu quả của nội dung dạy học - công văn này nhấn mạnh. Không được tổ chức phát hành, ép buộc học sinh mua tài liệu tham khảo nói chung, các bộ sách ôn tập kỳ thi THPT quốc gia nói riêng.

Đọc thêm