Kiểm tra nhà máy giấy Trung Quốc nguy cơ “bức tử” sông Hậu

(PLO) -Từ 1/7, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường một số doanh nghiệp ở Hậu Giang, trong đó có Công ty TNHH giấy Lee & Man Việt Nam. Nhà máy có công suất 420.000 tấn một năm này đã hoàn thành giai đoạn một 95%, sẽ chạy thử nghiệm vào giữa tháng 7/2016 và chính thức hoạt động sau đó một tháng.
Nhà máy giấy sắp đi vào hoạt động tại Hậu Giang.
Nhà máy giấy sắp đi vào hoạt động tại Hậu Giang.

Hậu Giang thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long, khu vực chiếm trên 70% diện tích thủy sản, 40% sản lượng nuôi trồng và 60% sản lượng xuất khẩu thủy sản của cả nước.

Tháng 3/2015, dự án nhà máy giấy Trung Quốc khởi công và dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 8/2016 tại Cụm công nghiệp Phú Hữu A, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. 

Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam lo ngại với công suất khổng lồ, nhà máy này có nguy cơ gây "bức tử" dòng sông Hậu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Dự án này vốn khởi công xây dựng từ tháng 8/2007 với vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, nhưng gặp một số khó khăn, bị đình trệ đến năm 2014 mới khởi động lại.

Doanh nghiệp thủy sản lo ngại

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, thông tin dự án xây dựng nhà máy giấy của Công ty TNHH giấy Lee&Man Việt Nam (thuộc Tập đoàn Lee & Man Paper Hong Kong - Trung Quốc) nằm trên cặp bờ sông Hậu (thuộc tỉnh Hậu Giang) sắp đi vào hoạt động đang khiến người dân cũng như doanh nghiệp thủy sản tại đây hoang mang.

Theo VASEP, công nghiệp giấy chủ yếu xả thải xút (NaOH) là nhiều nhất, đứng thứ hai sau cyanuya, thạch tín. Trong khi đó, khu vực này không có hệ thống xử lý nước thải trung tâm đảm bảo yêu cầu an toàn.

Để ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm có thể xảy ra, mới đây, VASEP đã gửi công văn khẩn cấp tới Quốc hội và Chính phủ đề nghị chỉ đạo gấp việc kiểm tra, rà soát công nghệ xử lý nước thải của dự án trên.

Theo VASEP, đây là dự án chuyên sản xuất, gia công, mua bán các loại giấy, bao bì bột giấy và sản phẩm từ giấy, diện tích sử dụng là 200ha, nay đã giảm xuống còn khoảng 82,8ha. Trong đó, khoảng 41ha hoạt động sản xuất giấy, còn lại dành cho sản xuất bột giấy. 

Khi nhà máy này đi vào hoạt động, VASEP lo ngại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đặc biệt là thải ra khoảng 28.500 tấn xút (NaOH) một năm xuống sông Hậu. "Với công suất khổng lồ, nhà máy này có nguy cơ gây "bức tử" dòng sông Hậu", Hiệp hội này nhận định.

Nhà máy này được đặt ở vùng trũng nhất khu vực nên theo Hiệp hội, rất khó rửa trôi một khối lượng xút lớn (để sản xuất 1 tấn giấy hoặc bột giấy cần 50kg xút làm chất tẩy).

Vì vậy, nếu lượng xút này đổ ra sông Hậu và biển, sẽ hủy hoại nguồn lợi thủy sản ở sông và biển, đồng thời ảnh hưởng lớn tới việc nuôi trồng thủy sản ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Trước đó, năm 2007, sau khi biết thông tin dự án xây dựng nhà máy giấy và bột giấy Lee&Man đang xin cấp phép thành lập tại Cụm công nghiệp Nam Sông Hậu, VASEP đã gửi văn bản báo cáo tới Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đề nghị Bộ có ý kiến với Chính phủ và các Bộ ngành liên quan về việc này. 

Sau khi nhận được kiến nghị của VASEP và được sự chỉ đạo của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 6/9/2007, Cục Lâm nghiệp đã có công văn trả lời về vụ việc trên. 

Trong đó, Cục nêu rõ theo Quyết định của Thủ tướng phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp giấy đến năm 2010” thì không quy hoạch xây dựng nhà máy giấy ở Hậu Giang và theo Quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020 cũng không quy hoạch vùng nguyên liệu giấy tại Đồng bằng Sông Cửu Long.

Sắp hoạt động vẫn chưa có đánh giá tác động môi trường

Sau khi báo chí thông tin về mối lo ngại trên, ngày 23/6, Công ty TNHH giấy Lee&Man Việt Nam tổ chức họp báo thông tin quy trình xử lý nước thải và cam kết xả thải đảm bảo các quy định hiện hành của Việt Nam.

Ông Chung Wai Fu, Tổng giám đốc Công ty cho biết hiện nhà máy có công suất 420.000 tấn một năm đã hoàn thành giai đoạn một 95%, sẽ chạy thử nghiệm vào giữa tháng 7/2016 và chính thức hoạt động sau đó một tháng.

Mỗi ngày nhà máy "tiêu thụ" 20.000 m3 nước sông Hậu để phục vụ sản suất và xả ra môi trường 10.000m3 nước thải sau khi được xử lý đạt tiêu chuẩn A.

Trong giai đoạn một, nhà máy xử lý nước thải có công suất 20.000m3 một ngày một đêm với quy trình công nghệ tiên tiến, đạt tiêu chuẩn quốc tế và mới nhất Việt Nam hiện nay.

Tại nhà máy có hệ thống quan trắc kết nối với Sở Tài nguyên Môi trường Hậu Giang và các cơ quan chuyên môn do Bộ Tài nguyên Môi trường chỉ định để kiểm soát chất lượng nước xả thải 24/24 giờ.

“Chúng tôi chỉ có một đường ống xả thải trên mặt đất, khu vực cửa xả công khai, cơ quan chức năng và người dân hoàn toàn có thể kiểm tra, giám sát. Nước thải nhà máy xả ra thậm chí tốt hơn tiêu chuẩn A. Theo quy định hiện hành thì nhà máy được phép xả thẳng ra môi trường”, Tổng giám đốc Chung Wai Fu nói và khẳng định trong quá trình xả thải, nếu thiết bị kiểm soát phát hiện nước thải không đạt chuẩn A thì lập tức vận ngành ngược trở lại quy trình xử lý. Vì thế hoàn toàn không có chuyện đầu độc sông Hậu.

Tổng giám đốc Công ty Giấy Lee&Man Việt Nam cam kết không “bức tử” sông Hậu.
Tổng giám đốc Công ty Giấy Lee&Man Việt Nam cam kết không “bức tử” sông Hậu.

“Chúng tôi luôn xác định bảo vệ môi trường là yếu tố sống còn, phát triển lâu dài của tập đoàn. Vì thế cho dù đầu tư ở đâu, cũng phải đặc biệt chú trọng vấn đề này”, ông Chung Wai Fu nói và cho biết thêm trong quá trình sản xuất giấy, nhà máy hoàn toàn không sử dụng xút (NaOH). Còn trong quá trình xử lý nước thải thì có dùng ít xút để trung hòa độ PH khi cần thiết chứ không phải ngày nào cũng dùng.

Trong khi đó, báo cáo của UBND tỉnh Hậu Giang gửi Thủ tướng nêu rõ nhà máy này có sử dụng xút cho quá trình xử lý nước thải với liều lượng cao nhất khoảng một tấn một ngày (để trung hòa PH khi cần thiết).

Trước nghi vấn công nghệ chủ yếu của nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam lạc hậu và do Trung Quốc sản xuất, Tổng giám đốc Chung Wai Fu khẳng định công nghệ xử lý nước thải hiện đại nhập từ châu Âu với thiết kế, kỹ thuật tiên tiến nhất.

Trong tập đoàn, hiện chỉ có nhà máy tại Việt Nam sử dụng công nghệ này. Cụ thể, máy chủ thiết bị sản xuất từ Hàn Quốc; bộ phận tạo bột giấy của Thụy Điển, dây chuyền hấp của Đức… và tất cả đều mới.

Tuy nhiên, vị tổng giám đốc này cũng thừa nhận từ khi khởi động lại dự án hồi năm 2014 đến nay, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường cho toàn bộ dự án.

“Từng hạng mục riêng rẽ đều có phép và có báo cáo được phê duyệt. Chúng tôi đang tổng hợp lại để có báo cáo đánh giá tác động môi trường cho toàn dự án, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động của doanh nghiệp”, ông Chung Wai Fu nói, đồng thời khẳng định các giai đoạn của dự án đều sản xuất giấy, hoàn toàn không sản xuất bột giấy.

Tuy nhiên, theo báo cáo ngày 17/6 của UBND tỉnh Hậu Giang gửi Thủ tướng có nêu "dự án đã xây dựng cơ bản hoàn chỉnh đối với nhà máy sản xuất giấy cứng, bao bì cao cấp, sản lượng 420.000 tấn một năm…

Riêng nhà máy bột giấy tẩy trắng sản lượng 330.000 tấn mỗi năm dự kiến đến năm 2017 bắt đầu triển khai và sản xuất thử nghiệm vào tháng 10/2018… Nhà máy sản xuất bột giấy tẩy trắng có sử dụng khoảng 215 tấn xút một ngày và được thu hồi trong quy trình sản xuất…

Ba nhiệm vụ của đoàn thanh tra

Trước lo ngại nhà máy giấy trên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã giao Tổng cục Môi trường phối hợp các đơn vị thanh tra việc chấp hành bảo vệ môi trường của công ty.

Bên cạnh Tổng cục Môi trường, Sở Tài nguyên, Sở Công thương tỉnh Hậu Giang, Phòng cảnh sát môi trường và đại diện ban quản lý các khu công nghiệp, Đoàn kiểm tra còn mời một số chuyên gia hàng đầu về công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý chất thải trong sản xuất giấy tham gia.

Bộ trưởng yêu cầu Đoàn kiểm tra tập trung vào ba nội dung chính. Thứ nhất, kiểm tra quy trình phê duyệt, nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, công nghệ sản xuất và xử lý nước thải. 

Thứ hai, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của Công ty trong thực hiện quy định đánh giá tác động môi trường, giấy phép xả thải, áp dụng quy chuẩn môi trường; việc thiết kế, thẩm định, xây dựng, kế hoạch vận hành thử nghiệm.

Thứ ba, đoàn phải kiểm tra phương án, công trình ứng phó sự cố môi trường, hồ chỉ thị sinh học, hệ thống giám sát tự động, trực tuyến kết nối với các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường địa phương, đảm bảo nước thải trước khi ra môi trường được kiểm soát đầy đủ thông số theo quy định. Hệ thống này phải dễ dàng tiếp cận và được sự giám sát của người dân.

"Đây là dự án tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu không thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận định và cho hay đơn vị nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. 

Ngoài ra, Đoàn kiểm tra sẽ đề xuất cấp phép hoặc không cấp phép cho nhà máy giấy Lee & Man vận hành thử nghiệm.

Đọc thêm