“Kiếp cầm ca” của nam cử nhân thất nghiệp

(PLO) - Những chàng trai còn khá trẻ, miệng hát, tay đưa mời khách thanh kẹo, có người vui vẻ mua, có người lắc đầu không đoái hoài để ý. Ít ai biết rằng, trong số “ca sĩ kẹo kéo” đó có không ít sinh viên ban ngày ngồi giảng đường tối cầm ca, thậm chí không ít cử nhân bắt đầu cuộc mưu sinh đầy khốc liệt nơi thị thành.
Nghề hát rong đường phố hiện giờ đã được đầu tư khá bài bản
Nghề hát rong đường phố hiện giờ đã được đầu tư khá bài bản

“Cũng đành xin làm người hát rong…”

Chiều buông xuống, trên những góc phố Hà Nội mỗi lúc một thưa người, sự hối hả của một ngày làm việc nhường chỗ cho ánh đèn đường. Đó cũng là lúc những chàng thanh niên bắt đầu công việc “mua vui cho thiên hạ”.

Phải đi theo vài ngày, chúng tôi mới được một nhóm hát rong chấp nhận cho “bám càng” để cùng trải nghiệm, thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của những người mang “kiếp cầm ca”. Hoàng Trọng Phong, người gắn bó hơn hai năm với nghề sửa soạn và đem bộ loa ra khỏi phòng trọ, bật nguồn, thử micro bằng tiếng giọng địa phương rồi nhanh chóng cùng người bạn ra phố.

Theo như những “ca sĩ” đường phố này, hiện trên địa bàn Hà Nội có tới vài chục nhóm hát rong. Những người làm nghề này có đủ mọi thành phần từ công nhân, thợ hồ đến thanh niên không nghề nghiệp... Trong số họ không ít là sinh viên, thậm chí cả cử nhân đại học đã tốt nghiệp. Họ đều xuất thân từ những tỉnh lẻ như Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định, Thái Bình,…

Sau khi học xong chuẩn bị cả mấy chục bộ hồ sơ xin việc nhưng rồi đi đâu họ cũng bị từ chối. Nếu gọi đây là nghề của giới bình dân thì những sinh viên theo nghề này phải gạt bỏ những mặc cảm lớn về bản thân, gia đình mới có thể theo nghề. Bất đắc dĩ họ mới phải “xin là người hát rong”.

Hoàng Trọng Phong, người hát chính của nhóm, còn nhớ như in cái ngày cả làng mừng vì nhận tin anh đỗ đại học trên Hà Nội. Dân làng đều mừng cho gia đình anh nay mai có cơ hội đổi đời, thoát nghèo, sau 4 năm ăn học, cầm tấm bằng tốt nghiệp đạt loại Khá, anh hừng hực khí thế, bắt đầu hành trình đi xin việc. Một tháng, hai tháng rồi một năm không thể chen chân kiếm được công việc như mong muốn.

Áp lực thuê nhà, tiền ăn hàng tháng khiến chàng thanh niên trẻ này bắt đầu thấm sự nghiệt ngã của kiếp mưu sinh. Anh về quê làm công việc thợ hồ, vốn có giọng hát hay, được bạn bè giới thiệu, anh bắt đầu bén duyên và dần dà theo nghề cũng được gần hai năm.

“Cái nghề này phần vì thích, phần vì không thể kiếm được công việc khác bọn anh mới làm. Cử nhân theo nghề này nhiều lắm, mới tốt nghiệp, chưa tìm được công việc phù hợp cũng đành lang thang, hát cho thiên hạ, bán tăm, bán kẹo nhặt những đồng bạc lẻ, không làm không có tiền trụ ở đất này nên phải làm thôi” - Phong chia sẻ, giọng đầy chua chát.

Hát rong cũng phải có tâm và ý

Tưởng chừng hát rong là nghề tự do nhưng họ cũng phải luyện tập bài bản, chịu sức ép bởi những luật chơi theo kiểu giang hồ mà ít người có thể tưởng tượng ra.Với những chàng thanh niên trẻ này, làm nghề “mua vui cho thiên hạ” cũng đầy ắp những kỉ niệm vui, buồn. Niềm vui lớn với họ là khi gặp được những vị khách biết cảm thông, trân trọng lời ca, tiếng hát của mình.

“Vì miếng cơm, manh áo nên chấp nhận sang, hèn cả thôi, gặp người biết cảm thông, họ khen và yêu câu hát của mình, họ mua cho vài nghìn bạc kẹo, tăm, còn không thích họ xua đuổi, mỉa mai, kiếm được vài đồng từ cái nghề này cũng cơ cực lắm” - Nguyễn Văn Hoàn, thanh niên nhóm hát chia sẻ.

Một việc quan trọng, không thể thiếu trong nghề cầm ca là năng khiếu. Đó là chất giọng, khả năng biểu cảm và trò chuyện với khán giả, điều này không phải ai cũng làm tốt được. Mỗi ngày, trước khi đi hát, các thành viên đều bỏ thời gian để tập luyện, kinh nghiệm được mọi thành viên trong nhóm truyền lại cho nhau.

“Một ca sĩ đường phố để có thể được ghi điểm trên phố đông người trước tiên phải tự tin, không được run rẩy, câu hát phải có hồn, đủ chân thực, phải xác định đây là nghề nghiệp lương thiện, kiếm tiền bằng chính sức lực của bản thân, có vậy mới làm nghề được” - thành viên trong một nhóm hát rong chia sẻ.

Bên cạnh đó, cần phải lưu ý chọn bài hát phù hợp với chất giọng, không quá cao, không luyến láy dài. Ai cũng có những bài “tủ” cho mình và mỗi người lại phù hợp với một dòng nhạc khác nhau, có như vậy mới đem lại niềm vui cho người nghe nhạc.

Không chỉ biết hát, nhóm hát rong còn phải biết trò chuyện duyên dáng, cuốn hút với khán giả thì mới có được sự thoải mái và chú ý của mọi người. Đây là điều rất khó, mọi người phải học hỏi, rèn luyện, bắt chước những câu nói vần, điệu, sao cho khéo léo, nhẹ nhàng, hài hòa.

Rong ruổi trên khắp phố phường, mỗi nhóm hát rong phải đầu tư một bộ đồ nghề mất khoảng 10 triệu đồng. Mỗi tháng nhờ chất giọng như ca sĩ, một người hát rong được nhận mức lương từ 4 - 6 triệu. Để có được khoản thu nhập này, những “ca sỹ đường phố” dường như phải “chạy sô” quá sức.

Hàng ngày, công việc của họ thường bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng và kết thúc vào 11-12 giờ đêm. Mỗi chuyến đi xa, những người hát rong thường phải dậy và ra khỏi nhà từ 2-3 giờ sáng, từ đó những câu chuyện cướp giật đường phố, tình huống oái ăm xảy ra với họ ngày một nhiều hơn. Để tồn tại và bám trụ được với nghề, họ luôn đề ra tiêu chí không ăn cắp vặt, cướp giật đồ của khách và chỉ nhận tiền khi người ta tự nguyện mua hàng hoặc tự tay bỏ vào giỏ hàng.

“Làm nghề gì cũng phải có chữ tâm và có ý thức, hát rong cũng vậy. Ngoài chất giọng, người hát rong cần phải hiểu để hát được những bài hợp với tâm trạng của khách, có vậy họ mới “móc” tiền túi cho mình. Mỗi tối, nhóm hát phải tiếp xúc nhiều đối tượng khách hàng, có không ít những khách có nhiều hành động khiếm nhã, phải lì và hiểu tâm lý thì mới làm nghề này được, nếu mình không dẹp đi tính tự ái cá nhân thì rất khó để hát, bán kẹo” - Phong chia sẻ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhẫn nhục làm nghề

Sương, gió cuộc đời ban cho những ca sĩ hát rong cảm xúc đặc biệt trong từng lời hát. Ấy thế, họ vẫn không tránh được những lúc phải tiếp xúc với các “ma men” ở quán ăn, nhiều lúc phải gánh những trận đòn oan uổng chỉ vì những lý do như “nhìn ngứa mắt, hát quá to…”.

Có nơi, chủ quán không cho đứng hát thế là lủi thủi quay đi, chưa kể đến việc họ bị công an “sờ gáy”, đôi lúc được thông cảm, gặp người dễ tính thì chỉ bị nhắc nhở rồi thả cho về. Nhưng có hôm, họ bị phạt từ 200 nghìn đồng đến gần một triệu đồng, hoặc bị tịch thu đồ nghề, có thể bị nhốt giữ từ 1 đến 3 tháng.

Anh Trịnh Văn Lân (Thái Bình), có 5 năm với nghiệp hát rong tâm sự: “Mọi việc đều thường có hai mặt, tích cực và tiêu cực, nghề hát rong của chúng tôi cũng vậy nhưng là một nghề lương thiện, chúng tôi chẳng có tài sản gì cả, tất cả mọi phương tiện là thuê mướn, chỉ có giọng hát là vốn liếng thôi”.

Thân phận hát rong chẳng khác nào những người lang thang cơ nhỡ, bụi đời, xin ăn. Ít ai cảm thông thấu hiểu rằng hát rong cũng là một nghề lương thiện như bao nghề lao động chân chính khác. Để có được chút tiền lẻ của người đời, họ cũng phải bỏ mồ hôi, công sức, cống hiến chút tài năng ít ỏi. Chuyện ăn uống của những người đi hát rong cũng thất thường. Nhiều sinh viên đi học về chỉ kịp lót dạ tạm ổ bánh mì, sau đó kiểm tra bình sạc, chuẩn bị hát thử dàn để lên đường.

Đêm về, họ ngồi cùng nhau ăn tạm bát mỳ hay chiếc bánh và cùng hàn huyên câu chuyện của người đi hát bán kẹo kiếm tiền. Thế nhưng, với họ niềm vui, tình “đồng nghiệp” đến từ lúc cùng nhau góp vốn mua bộ đồ nghề hay những sẻ chia vật chất, tình cảm khi bạn cùng nghề bị té xe trên đường.

Với những sinh viên nữ đi hát rong, chuyện gạ gẫm tình cảm chẳng phải là điều hiếm gặp. Trần Thị Huệ, cô gái quê Nghệ An vốn có giọng trong trẻo và gương mặt dễ thương tham gia hát rong cùng nhóm bạn, đã nhận được cảm tình của nhiều người. Không ít lần, cô được khách bo tiền, có nhiều đại gia sẵn sàng chu cấp cho cô mọi khoản chỉ để muốn được nghe tiếng hát của Huệ, nhưng cô đều từ chối vì hiểu được giá trị của nghề mình đang làm và không bao giờ để mình trượt theo những cám dỗ của đồng tiền.

Đến với cái nghề không có nghiệp này chẳng phải là mơ ước của một ai, nhưng vốn dĩ cuộc sống không tô hồng cho tất cả mọi người. Họ đều hiểu rằng mình không chỉ cần cố gắng làm việc, cố gắng học tập mà còn phải trân trọng những thành quả mà mình đang xây đắp dẫu rằng con đường mưu sinh họ đang bước đi không hề êm ả.

Hát rong cũng cần có ông bầu

Những tưởng các nhóm hát rong ở Hà Nội lập ra tự phát, mạnh ai nấy làm nhưng thực chất họ đều hoạt động dưới một “người quản lý”. Người này có nhiệm vụ đào tạo, đứng ra “bảo kê” địa bàn thậm chí còn sắm cả đồ nghề hoạt động. “Người quản lý” chịu trách nhiệm chia địa bàn để hoạt động, tránh tình trạng tranh giành của nhau.

Sau mỗi ngày đi hát, số tiền bán kẹo được cho sẽ dồn lại, đếm tổng rồi nộp cho người quản lý. Điều đặc biệt các nhóm hát đều nghiêm túc thực hiện quy tắc chung được “người quản lý” đã thông qua, không bớt xén, giấu giếm nửa đồng.

Anh Hoàng Trọng Phong chia sẻ: “Cái nghề này cũng cần có hội, có phường, không thể tự sắm đồ rồi đi ra hoạt động được. Nếu như “người quản lý” biết gian lận chắc chắn sẽ bị đuổi việc, thậm chí còn bị xử kiểu giang hồ”. Lương của những người hát rong được trả dựa vào kết quả công việc mỗi nhóm đã hoàn thành, nhóm hát nào chịu khó, hát hay, bán được nhiều kẹo, xin được nhiều tiền sẽ được người quản lý thưởng chung 3 đến 4 triệu chia đều cho các thành viên cùng nhóm.

Các nhóm này thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động để tránh sự nhàm chán cho “khán giả”. Sự thay đổi địa bàn cũng được quy định khá chặt chẽ, nếu như vi phạm sẽ bị “người quản lý” phạt tiền, thậm chí bài trừ ra khỏi hội.

Đọc thêm