Kiếp thương hồ giữa Sài thành hoa lệ

(PLO) - Ngay giữa Sài Gòn hoa lệ vẫn có những người sống đời thương hồ với sự thiếu thốn, đói nghèo đeo đẳng. Đó là những phận người lênh đênh trên dòng kênh Tẻ - nơi được mệnh danh “chợ nổi Sài Gòn” (đường Trần Xuân Soạn, quận 7, TP. HCM). 

Buôn bán mưu sinh
Buôn bán mưu sinh
Giấc mơ nổi chìm theo con nước
Nhiều người biết đến “chợ nổi Sài Gòn” với những bức ảnh buôn bán sông nước đẹp và sống động. Đặc biệt mỗi dịp xuân về, những ghe trái cây, ghe hoa rực rỡ. Thế nhưng, đằng sau những bức ảnh đẹp là những phận người bấp bênh, trôi nổi…
Hầu hết những người dân sinh sống và buôn bán trên chợ nổi đều từ miền Tây lên TP. HCM làm ăn. Có những người phải để lại con cái dưới quê để lên đây cố gắng làm ăn kiếm tiền gửi về nuôi con. Cũng có những gia đình bán hết tất cả số tài sản, của cải nhỏ nhoi rồi cả nhà bồng bế nhau lên thành phố kiếm sống. Nhà nào ít con, làm ăn có đồng ra đồng vào thì còn ráng cho con đi học. 
Nguyễn Thị Cẩm Như (lớp 5B, Trường Tiểu học Phù Đổng) chia sẻ: “Có những hôm đèn ắc quy hết điện hay mẹ không có tiền để đổi bình điện khác thì em phải thắp đèn cầy để học bài. Mặc dù thường xuyên học trong điều kiện thiếu ánh sáng nhưng em cố gắng học thật tốt và 5 năm liền em là học sinh giỏi của trường”. 
Chị của Cẩm Như là học sinh giỏi nhiều năm liền nhưng vì kinh tế gia đình quá khó khăn, phải vay mượn nhiều nơi để có đồng vốn buôn bán nên đành phải dở dang chuyện học và đi làm ở khu chế xuất để kiếm tiền sinh sống.
Cẩm Như phụ mẹ bán chuối.
 Cẩm Như phụ mẹ bán chuối.
Khi được hỏi về ước mơ sau này, Cẩm Như mong rằng ba mẹ kiếm đủ tiền để em được đi học như các bạn và không phải bỏ học giữa chừng như chị của mình. Như nói, em hy vọng sau này sẽ trở thành một cô giáo để có tiền chăm lo và để ba mẹ không phải bươn chải sớm nắng, chiều mưa như bây giờ.
Nhà nào buôn bán thất thu, con cái bốn năm đứa, hai vợ chồng gồng gánh không nổi thì đành để chúng nghỉ học hoặc về quê làm thuê làm mướn. Có những nhà cả đàn con bốn đứa đều không được đến trường, hàng ngày phụ việc với ba mẹ: chặt dừa, cắt chuối, chở hàng... Thế là đời con lại lênh đênh và trôi nổi trên con nước như đời ba mẹ.
Khi nào được… lên bờ?
Chiếc ghe được người dân sống trên chợ nổi xem như một ngôi nhà vì đây là nơi ăn, chốn ở của cả gia đình. Diện tích nhỏ hẹp, đồ đạc, trái cây để buôn bán dường như chiếm trọn cả chiếc ghe. Có nhà, từng người chen chúc nhau để tìm một giấc ngủ trên chiếc ghe suốt năm, suốt tháng.
Những đứa trẻ không được đi học, phụ ba mẹ trên ghe.
Những đứa trẻ không được đi học, phụ ba mẹ trên ghe. 
Trẻ con sống trên những chiếc ghe này dễ mắc bệnh hơn trên đất liền. Vì ghe thuyền trống trải, được che đậy bởi những tấm vải bạt sờn theo nắng gió nên trẻ rất hay mắc những chứng bệnh về thời tiết.
Trên ghe không có nước sạch để dùng, vì thế người dân phải mang bình mua nước sạch từ nhà dân trên bờ. Nhưng vì không có nhiều tiền, không có chỗ đặt bình nước nên nhà nào cũng phải sử dụng nước tiết kiệm, chỉ để nấu ăn và tắm giặt.
Chợ nổi mang đến cho những người dân này cuộc sống, miếng ăn, con chữ dù chỉ là le lói nhưng cũng tạm gọi là cưu mang những phận đời nghèo khó. Thế nhưng, cuộc sống trên sông nước phải luôn đối mặt với những nguy hiểm rình rập. 
Không ít ghe thuyền có con nhỏ để con tự chơi một mình trượt chân té ngã xuống dòng kênh chết đuối. Có hoàn cảnh còn đau thương gấp bội, cả hai con đều chết đuối trên chính dòng kênh này. Mất con, hai vợ chồng buồn chán, đau khổ đành bán ghe về quê, quay lại cái cảnh làm thuê làm mướn.
Những đứa trẻ tự chơi một mình với bao rủi do khi cha mẹ mải lo buôn bán.
Những đứa trẻ tự chơi một mình với bao rủi do khi cha mẹ mải lo buôn bán. 
Cô Đặng Mai Điệp (45 tuổi, sinh sống ở chợ nổi gần chục năm) chia sẻ: “Hai con gái tôi nhiều năm liền là học sinh giỏi nhưng buôn bán bữa đói, bữa no cũng không dám mơ rằng con sẽ học lên cao. Tôi cũng mong sao đời con sẽ khác đời ba mẹ, sẽ có cuộc sống sung túc hơn và sẽ không còn sống bám vào ghe thuyền trên sông nước”.
Những đứa trẻ lớn lên trên dòng kênh này, đứa nào may mắn thì được đi học hoặc kiếm được việc làm thuê, không thì bụi đời, lang thang. Những đứa trẻ không có công việc ổn định cộng với sự thiếu hiểu biết thường tụ tập phá phách, trở thành gánh nặng cho xã hội.
Đời ngư thuyền vốn đã lắm khó khăn. Rời thuyền chài, lên bờ sống cuộc đời ổn định chắc chắn, con cái an toàn, học hành đàng hoàng là cả một niềm mong mỏi đau đáu với mỗi gia đình. Nhưng lên bờ thì ăn ở thế nào, sinh sống ra sao khi gia tài của họ chỉ là chiếc ghe cũ kĩ vừa mưu sinh vừa làm mái nhà che mưa nắng?  
Thế nên, người thì “nhắm mắt quên đời”, đến đâu thì đến, người nhiều ước vọng hơn thì đành gửi ước vọng ấy vào những đứa trẻ. Cố cho con học cái chữ, học chút nghề, mong rằng những đứa trẻ lớn lên trên dòng kênh này sẽ trưởng thành và có được tương lai với một cuộc sống ổn định, một mái nhà vững chãi không chòng chành trong mỗi giấc mơ… 

Đọc thêm