Kỳ lạ vùng đất hầu hết người dân tin vào phép thuật và phù thủy

(PLO) -Trải dài khắp đất nước là hàng vạn ngôi đền, chùa tháp, cùng bề dày lịch sử và văn hóa truyền thống được bảo tồn và lưu giữ nguyên vẹn. Người dân Myanmar đa số sùng bái đạo Phật, tại bất kỳ thành phố nào, thị xã nào đều có ít nhất một ngôi chùa và một tu viện Phật giáo. Đạo Phật có ảnh hưởng rất lớn đối với người dân Myanmar, cuộc sống của họ được gắn liền với các nghi lễ Phật giáo.
 Shwedagon- Ngôi chùa linh thiêng ở Myanmar.
Shwedagon- Ngôi chùa linh thiêng ở Myanmar.

Myanmar hay theo Hán Việt là Miến Điện. Tên chính thức là Cộng hòa Liên bang Myanmar, là một quốc gia ở Đông Nam Á, nằm giáp với các nước Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Lào và Bangladesh.

Cả nước Myanmar có khoảng 500.000 tăng ni. Đạo Phật ở Myanmar theo dòng Theravada, là Phật giáo Nguyên thủy “tức dòng Phật giáo Tiểu thừa” giáo phái Nam Tông. Sự tu hành của các sư cũng không có gì khác so với phật giáo ở Thái Lan, Lào, Sri Lanka, Campuchia. 

Có năng lực siêu nhiên

Mặc dù có vẻ khó tin nhưng hầu hết người Myanmar thường tin vào phép thuật và phù thủy. Người dân Myanmar thường đến những ngôi chùa Phật giáo thiêng liêng của đất nước này, để tìm kiếm “weikzas” (một thuật ngữ chỉ thầy phù thủy - người được coi là hiện thân của của thế giới tâm linh).

Những thầy phù thủy này có phép thuật siêu năng lực nhờ vào việc tu hành giáo lý của đạo Phật, thiền định, bùa chú và thuật kim giả. Và người dân địa phương thường tìm đến họ để được chỉ bảo, cầu khẩn thầy phù thủy ban phát cho họ sức khỏe, nhiều may mắn, chữa lành mọi phiền muộn trong cuộc sống, cũng như hi vọng có thể được thăng tiến trong sự nghiệp...  

“Tôi có thể nhìn thấy tương lai của bạn và của tất cả những người mà tôi gặp. Tuy nhiên, bạn phải tin và tuân theo những giáo lý của Đạo phật, lúc ấy tôi mới có thể nói cho bạn bất cứ điều gì bạn muốn biết”, thầy phù thủy U Aung Baung mỉm cười, lấp ló sau lưng ông là mái vòm mạ vàng của ngôi chùa Shwedagon huyền thoại ở cố đô Yangon.

Nhiều khách du lịch khi đến đây và được chứng kiến những điều kỳ lạ này thường tự hỏi, nếu như đất nước càng ngày càng phát triển, giao lưu rộng rãi với thế giới bên ngoài thì liệu cái gọi là “thầy phù thủy” liệu có tồn tại được nữa hay không? 

Mỗi vị quan chức ở Yangon yêu cầu giấu tên vì sợ bị cho là kẻ mê tín, khi trả lời phỏng vấn với BBC có nói rằng, “Thật khó có thể tin và chấp nhận về sự tồn tại của những thầy phù thủy. Nhưng chính mắt tôi đã nhìn thấy họ làm những việc mà tôi không tài nào lý giải được”.

Còn khi hỏi một tài xế taxi thì anh ta tỏ ra hứng thú và trả lời dứt khoát rằng, “Dĩ nhiên là tôi tin vào thầy phù thủy. Tôi đã 3 lần tìm đến họ để cầu khẩn, và họ hiển hiện ngay trong tâm trí và đã giúp tôi đưa ra những quyết định quan trọng”. 

Thậm chí có thể bay

Trong thực tế, thầy phù thủy là nhân vật rất có ý nghĩa và sự tồn tại của họ đã ăn sâu vào trong xã hội Myanmar, đặc biệt người ta còn có cả những miếu thờ thầy phù thủy nổi tiếng tại các ngôi chùa Phật giáo trên cả nước. Đây là nơi mà những thầy phù thủy đến để thiền định và người dân thì tin vào sự huyền diệu của phép thuật, đến cầu nguyện để đạt được điều mình mong muốn. 

Thầy phù thủy U Aung Baung ở chùa Shwedagon, năm nay đã 93 tuổi và tu hành được 37 năm, nói, “để trở thành một thầy phù thủy, trước hết phải tuân thủ theo quy tắc đạo đức của nhà Phật và thực hành một loại thiền định đặc biệt. Chúng tôi được ban cho một sức mạnh đặc biệt và một vài thầy phù thủy trong chúng tôi còn có thể bay”. 

Theo Tiến sĩ Thomas Patton tại Đại học Hong Kong, một chuyên gia về thầy phù thủy cho hay, nguồn gốc của thầy phù thủy nhiều khả năng “ra đời” từ thế kỷ 19, 20 - thời kỳ người Anh đô hộ Myanmar. “Sau khi chế độ quân chủ Miến Điện tan rã (năm 1885), các tu sĩ, thầy lang thời đó do muốn tranh giành quyền lực nên đã thi nhau gây ảnh hưởng lên người dân, chọc tức người Anh”, ông giải thích. 

Hiện vẫn chưa xác định rõ về những quyền lực siêu nhiên như theo lời thầy phù thủy U Aung Baung đã nói, và ông cũng rất mập mờ trong việc tiết lộ về khả năng siêu nhiên của mình. Theo lời kể của thầy phù thủy U Aung Baung, ông đã đi khắp đất nước, cho người dân những chỉ dẫn linh thiêng khi họ cần, và nhận lại đồ ăn thức uống. 

Thầy phù thủy U Tin Naing nổi tiếng với khả năng chữa bệnh và trừ tà ở chùa Shwedagon.
Thầy phù thủy U Tin Naing nổi tiếng với khả năng chữa bệnh và trừ tà ở chùa Shwedagon.

Khi được hỏi về năng lực thần thánh của mình, U Tin Naing, một phù thủy khác ở chùa Shwedagon, năm nay 90 tuổi, dù bên ngoài trông ông chỉ khoảng 60, cho biết, “Tôi không thể để cho mọi người biết chính xác về năng lực thực sự của tôi, nhưng tôi có thể tiết lộ mục tiêu của tôi. Đó là đạt đến Niết bàn, hay nói cách khác đó là sự giải thoát. Chúng tôi không thể chết bởi vì chúng tôi đang chờ đợi sự xuất hiện của Đức Phật.

Sau khi luyện thành chính quả, chúng tôi phải phải cố gắng tìm cách rời bỏ cõi trần và cả thân xác của mình đi đến cõi thiên thai”. Ông nói thêm, “Người ta tìm đến tôi là vì những vấn đề cá nhân hoặc sức khỏe. Và tôi sẽ dùng quyền năng của mình xua tan những linh hồn ma khiến họ đau đớn và giúp họ lấy lại sức mạnh của mình”. 

Thầy phù thủy U Tin Naing đã có vợ và hai con. Không như các thầy tu, phù thủy có thể là nam hoặc nữ và có thể lập gia đình. Tuy nhiên, sau khi bắt đầu quá trình tu hành, họ phải sống thanh bạch và khổ hạnh.

Một số thầy phù thủy giống như U Tin Naing nổi tiếng với khả năng chữa bệnh và xua đuổi tà ma, được người dân  thường tìm đến khi gia đình có người bị bệnh, và thuốc men hiện đại không thể giúp ích. Được biết, một số kỹ thuật đơn giản mà những thầy phù thủy thực hiện trong quá trình làm phép như: tạo sơ đồ ma thuật, bùa hộ mệnh, mẩu giấy hoặc thậm chí xăm trên cơ thể người nếu cần thiết.

Bí ẩn nhất vẫn là phù thủy giả kim 

Thầy phù thủy thì nhiều, nhưng bí ẩn nhất vẫn là các nhà giả kim. Những nhà giả kim dành cả đời mình để tìm cách biến kim loại thành vàng  hoặc truyền cho kim loại một khả năng huyền bí để giao tiếp được với chủ của mình. Các phù thủy giả kim rất hiếm và không dễ được gặp họ.

“Ông ấy đọc một câu thần chú, và một viên đá thủy ngân xuất hiện trên tay tôi từ bình thủy ngân ông ấy đang cầm”, một học giả người Pháp giấu tên kể lại, “Sau khi về lại Paris, tôi đánh mất viên đá, và không gặp lại ông ta trong 4 năm sau đó. Nhưng người phù thủy giả kim vẫn nói chính xác về nơi tôi đánh mất viên đá, và cho tôi một viên khác. Lần này nó xuất hiện trong chiếc ba lô khóa kín của tôi. Tôi chưa bao giờ hiểu được việc này”, nữ học giả kể lại.

Trong thực tế, vẫn có nhiều người Myanmar coi đó phù thủy chỉ là chỗ dựa dẫm của những người nghèo, ít học và không phải là Phật giáo đích thực. Tuy nhiên, khi Myanmar mở cửa, các phù thủy xuất hiện nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông, và nhận thức của xã hội về họ cũng lớn thêm.

Trước năm 2013, hình ảnh và thông tin về phù thủy bị chính quyền quân sự kiểm soát rất chặt. Nhưng từ sau khi đất nước mở cửa, những loại sách về phù thủy mọc lên như nấm sau mưa và thường xuyên xuất hiện trên các chương trình tin tức, tạp chí và điện ảnh... Không chỉ có tầm ảnh hưởng trong nước, nhiều doanh nhân Trung Quốc cũng tìm đến các thầy phù thủy để được chỉ bảo và nhận lời khuyên trong việc làm ăn của mình. 

Đọc thêm