Kỳ Ngoại hầu Cường Để - Một đời lưu lạc (Kỳ 1): Anh hùng tương ngộ

(PLO) -Thuộc dòng đích hoàng tử Cảnh, xuất thân trong chốn nhung lụa, nhưng cả đời mình, ông lại tận hiến cho sự nghiệp cứu nước nhà khỏi vòng lệ thuộc. Thân phải bôn ba khắp bể Á trời Âu, việc tuy không thành, nhưng hẳn lòng không ân hận khi chọn con đường vì nước, vì dân. Ông là Kỳ Ngoại hầu Cường Để (1882-1951).
Kỳ Ngoại hầu Cường Để trong trang phục nhà Nguyễn
Kỳ Ngoại hầu Cường Để trong trang phục nhà Nguyễn

Thân thế, sự nghiệp của Kỳ Ngoại hầu Cường Để, cho đến nay rất ít có những nghiên cứu về ông, bởi vậy nhìn toàn diện cuộc đời vị hoàng thân ấy, không phải dễ. May chăng, qua những đồng chí từng bôn ba với nhà yêu nước hoàng tộc ấy, ta biết được nhiều điều đáng lưu ý. Trước hết, nên điểm qua về thân thế vì hầu tước này. 

Dòng trâm anh

Theo lời tự thuật của Kỳ Ngoại hầu trong “Cuộc đời cách mạng Cường Để”, ta được biết, ông sinh ngày 11 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ (1882) nhằm thời vua Tự Đức trị vì, mà như ông nhận định là “chính vào lúc tấn kịch Việt Nam vong quốc diễn ra tới hồi sau chót”.

Bởi lúc ấy, Nam Kỳ đã mất về tay người Pháp, mà thành Hà Nội thì bị hạ lần thứ hai, năm sau khi Cường Để 1 tuổi, thì Huế cũng thất thủ vào tay họ. Liên tiếp những Hiệp ước Harmand, rồi Pater Notre đưa nước Nam vào thế trở thành phụ thuộc. Sinh ra giữa thời loạn lạc như thế, bảo sao vị hoàng thân nhà Nguyễn khi trưởng thành ngồi yên cho được. 

Quay lại với thân thế của Kỳ Ngoại hầu, trong “Việt Nam danh nhân từ điển” cho hay, ông thuộc dòng Hoàng tử Cảnh, trưởng tử của vua Gia Long. Xét về thế hệ, ông là cháu năm đời của Hoàng tử Cảnh. Nơi bài Phiên hệ thi của vua Minh Mạng quy định việc đặt tên trong hoàng tộc, được “Hoàng tộc lược biên” ghi lại, ta biết được bài đầu danh cho “Ngài Tăng duệ Hoàng Thái tử”, tức Hoàng tử Cảnh với nguyên văn:

Mỹ Duệ Tăng Cường Tráng

Liên Huy Phát Bội Hương

Lịnh Nghi Hàm Tốn Thuận

Vỷ Vọng Biểu Khôn Quang

Theo quy định của bài thơ trên, cha của Kỳ Ngoại hầu là Hàm Hóa Hương công Tăng Du, còn Kỳ Ngoại hầu có tên là Cường Để. Tính ra, dòng dõi nhà ông đúng là trâm anh thế phiệt. Nếu Hoàng tử Cảnh không vì bệnh đậu mùa mà mất đi dạo nhà Nguyễn đang trung hưng lại vương nghiệp thì cứ tính theo dòng, cha con ông có thể lên đến tột đỉnh danh vọng. Nhưng thế thời, không nói trước được. 

Lúc còn thiếu niên, dù sống nơi đài các, nhưng Kỳ Ngoại hầu cũng đã sớm biết, sớm quan tâm đến tình hình chính trị nước nhà. Trong hồi ức của ông, vẫn còn đó việc Tôn Thất Thuyết đánh Pháp ở Huế, còn việc quân Cần vương nổi dậy giúp vua cứu nước. Những việc ấy, gieo vào lòng Kỳ Ngoại hầu trách nhiệm với hiện tình quốc gia, dân tộc. Thế nên, trong “Cận đại Việt sử diễn ca” mới khen rằng:

“Cháu năm đời, Nguyễn Phúc Dân, 

Tước hầu Kỳ ngoại, văn thân trọng vì.

Thanh niên sùng bái Hàm Nghi,

Cần vương sĩ tử chỉ huy phong trào”. 

Sách Cuộc đời cách mạng Cường Để
Sách Cuộc đời cách mạng Cường Để

Tuổi nhỏ đã nuôi mộng lớn

Vẫn theo tâm sự của Kỳ Ngoại hầu, khi lên 13 tuổi, thì dạo ấy Phan Đình Phùng đương nổi dậy nơi đất Hương Khê, Hà Tĩnh, có liên lạc với thân sinh của ông, bởi vua Hàm Nghi đã bị giặc bắt, nên cần có một người trong hoàng tộc đứng ra làm thủ lĩnh để hiệu triệu quốc dân. Hàm Hóa Hương công là cháu đích tôn năm đời của vua Gia Long, danh phận rõ ràng, vì thế “nên Phan công phái người vào Kinh xin rước ra làm thủ lĩnh.

Thân sinh bỉ nhân rất tán thành song tự nghĩ mình tuổi già sức yếu, không thể gánh được trách nhiệm gian nan trọng đại, Ngài bèn quyết định cho bỉ nhân đi thay”. Vậy là mới ở tuổi thiếu niên, Kỳ Ngoại hầu Cường Để đã dính líu đến việc nước rồi vậy.

Chính từ lúc ấy, vẫn nơi “Cuộc đời cách mạng Cường Để”, ghi lại cảm nhận của chàng thiếu niên với vận nước lúc ấy: “Khối óc non nớt của bỉ nhân hàng ngày đã bị kích thích bởi nỗi thống khổ của đồng bào và sự áp bức của kẻ xâm lược, bấy giờ nghe lời giáo huấn, hiểu ngay bổn phận mình, liền vâng mệnh xin đi”.

Nhưng lúc ấy, dù Phan Đình Phùng đã phái Hồ Quí Châu vào đón, nhưng Châu đi được nửa đường thì mắc bệnh mà chết, rồi Phan Đình Phùng cũng bị bệnh mà mất. Thế là “cơ hội đầu tiên để hiến thân cho Tổ quốc” bị bỏ lỡ. Nhưng cũng từ ấy, cái chí cứu nước cứ đầy dần. 

Cũng từ dạo ấy, Kỳ Ngoại hầu chuyên tâm nghiên cứu lịch sử nước nhà và Trung Hoa lân bang, tỏ lòng hâm mộ với những tấm gương của các những bậc vĩ nhân Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo của nước Việt, gương như Trương Lương, Gia Cát Lượng bên Tàu, rồi Nam Mộc Chính Thành (Kusunoki Masashige), Phong Thần Tú Cát (Toyotomi Hideyoshi)… của Nhật, hay Bismarck của Phổ, Washington, Lincoln của Hoa Kỳ. 

Thế là qua thời gian “Óc thanh niên của bỉ nhân chỉ ước ao tương lai khôi phục được giang sơn tổ quốc, cứu vớt đồng bào khỏi vòng nô lệ, lập được sự nghiệp vẻ vang, như những bậc vĩ nhân mà bỉ nhân kính mộ”. Rồi, mong ước ấy, cũng có lúc được hiện thực hóa bằng hành động, qua cuộc tương ngộ với một anh hùng dạo ấy, Phan Sào Nam. 

Chí lớn gặp nhau

Ở đây, lại phải nói qua một chút về hoạt động của cụ Phan, rồi từ đó mà dẫn tới mối lương duyên gặp gỡ giữa hai người sau này, thành sợi dây gắn kết họ suốt cả một đời hoạt động cứu nước. Như ghi chép của học giả Nguyễn Hiến Lê trong “Đông Kinh nghĩa thục”, thì năm 1903, cụ Phan Bội Châu tìm đếm cụ Tiểu La Nguyễn Thành (tức ấm Hàm) ở Quảng Nam. Nguyễn Thành, vốn đã hoạt động cứu nước trước đó, nổi danh khắp xứ Quảng. 

Theo chính lời cụ Phan thuật lại nơi “Ngục Trung thư”, thì mùa xuân năm Quý Mão (1903), Phan Bội Châu cùng Đặng Thái Thân, Lê Võ vào Quảng Nam ra mắt Nguyễn Thành. Anh hùng gặp nhau, lại cùng yêu nước thương nòi cả, nên mới quen mà như cố nhân gặp lại, quây quần uống rượu.

Là người đi trước, đã có kinh nghiệm, hiểu thời thế, Tiểu La khuyên rằng, muốn làm cách mạng thành công, thì phải hội đủ ba điều: thu phục được lòng người, có tài chính, và mua được vũ khí cho đủ, mà để kêu gọi được nhân tâm, thì: “nếu không mượn tiếng phò vua giúp chúa thì những nhà sang họ lớn kia, ai chịu phụ họa theo mình”.

Mà lúc bấy giờ, vua Hàm Nghi thì không biết nơi nào, Thành Thái bị Pháp kiềm chế. Chỉ còn dòng dõi Đông cung Cảnh đang còn, “chúng ta khởi nghĩa, nên trước hết tôn ngài lên làm cung chủ; có thế thì danh nghĩa mới thuận, hiệu lệnh được chuyên”. Mấy người đều cho là phải. Thế là Phan Bội Châu từ đó mới tìm đến với dòng dõi Hoàng tử Cảnh, chẳng ai xa: Kỳ Ngoại hầu Cường Để.

Tiểu La Nguyễn Thành đề xuất tìm tôn thất nhà Nguyễn để thu phục nhân tâm
Tiểu La Nguyễn Thành đề xuất tìm tôn thất nhà Nguyễn để thu phục nhân tâm

Sau cuộc gặp ở Quảng Nam, thì tháng 3 năm ấy, Phan Bội Châu ra Huế yết kiến Kỳ Ngoại hầu Cường Để. Thông qua Trần Xuân Hàn, con trai Trần Xuân Soạn làm cầu nối, hai người gặp được nhau.

Họ Phan bày tỏ hết tâm tư, chí hướng cho vị hoàng thân họ Nguyễn được hay. Nghe lời ấy, khác gì có người đến giúp mình mở lối, Kỳ Ngoại hầu Cường Để lấy làm vui mừng lắm, hớn hở mà rằng: - Lâu nay tôi vẫn nuôi cái chí lớn đó.

Ngặt vì từ lúc Hồ Quí Châu và Nguyễn Thụ Nam là hai bạn đồng chí của tôi qua đời đi rồi, tôi để ý tìm kiếm mãi nhưng chưa gặp được ai có thể nói câu chuyện ấy với mình. Nay các ông không từ xông pha muôn dặm, vì chỗ tinh khí với nhau mà tìm đến tôi, tôi xin vui lòng hi sinh tất cả mọi sự, để cùng các ông nằm gai nếm mật, nếu có thể báo đáp quốc ân trong muôn một, dầu tôi có phải tan thây mất xác cũng vui.

Từ sau cuộc gặp gỡ ấy, Kỳ Ngoại hầu cùng Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân vào Quảng Nam hội họp tại nhà Tiểu La Nguyễn Thành, cùng mưu đại sự…

Đọc thêm