Ký ức người đi xây hồ Kẻ Gỗ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian đã 45 năm trôi qua nhưng nhắc lại ký ức về xây dựng hồ Kẻ Gỗ nhiều người vẫn chưa thể quên sự kết hợp “3 cùng” đã làm nên kỳ tích trên công trường đại thủy nông hồ Kẻ Gỗ ngày nào. 
Công trình đại thủy nông được xây dựng từ sức người “tay cuốc, tay cào” kết hợp cơ giới.
Công trình đại thủy nông được xây dựng từ sức người “tay cuốc, tay cào” kết hợp cơ giới.

Năm 1976 công trình đại thủy nông hồ Kẻ Gỗ chính thức được phát lệnh khởi công và chỉ sau 3 năm, công trình đã đưa nước về tắm mát cho hàng nghìn ha đất đai khô cằn ở Hà Tĩnh. 

“3 cùng” làm nên kỳ tích đại thủy nông Kẻ Gỗ

Hồ Kẻ Gỗ từng là công trình đại thủy nông được xếp vào danh mục trọng điểm của miền Bắc và được Chính phủ báo cáo trước Quốc hội khóa V. Công trình trước đó dự tính phải làm hơn 10 năm, sau đó tính lại cũng phải mất 6 năm, nhưng cuối cùng chỉ làm trong 3 năm. Xây dựng thành công hồ Kẻ Gỗ đã thể hiện sự khát khao, mong muốn cháy bỏng của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh nói riêng và tỉnh Nghệ Tĩnh (cũ) nói chung. 

Ông Đào Văn Tinh (82 tuổi), Chủ tịch Hội Thanh niên xung phong tỉnh Hà Tĩnh, nguyên Giám đốc Ty Thủy lợi Hà Tĩnh, một trong những người được giao “cầm quân” đi xây hồ Kẻ Gỗ, kể lại: Hồ Kẻ Gỗ vốn được “thai nghén” từ thời Pháp thuộc. Đến ngày 23/12/1974, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang bước vào giai đoạn nước rút, Chính phủ ra Quyết định 318/TTG phê duyệt nhiệm vụ xây dựng hồ chứa nước Kẻ Gỗ ở xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). 

Năm 1975, ông Tinh được ông Trần Quang Đạt, Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh ký quyết định đưa về làm Chủ nhiệm Hợp tác xã Thủy lợi 3 Hà Tĩnh vào khai phá hồ Kẻ Gỗ; với những nhiệm vụ cụ thể: Giải phóng lòng hồ, sản xuất vật liệu, xây dựng lán trại, làm đường giao thông để chuẩn bị xây dựng lòng hồ. Được sự giúp sức của hơn 600 thanh niên xung phong gồm các tiểu đoàn N40, N53, N50 và P18 cùng cán bộ kỹ thuật Ty Thủy lợi Hà Tĩnh, mảnh đất hoang vu trong lòng hồ Kẻ Gỗ bắt đầu được đánh thức.

Mọi công tác chuẩn bị xong đầu năm 1976, việc sáp nhập hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh thành Nghệ Tĩnh là thời cơ chín muồi để thực hiện mục tiêu quan trọng là xây dựng công trình thủy nông Kẻ Gỗ mang tầm quốc gia. Ngày 26/3/1976, được sự phê duyệt của Chính phủ, sự thống nhất của Bộ Thủy lợi và tỉnh Nghệ Tĩnh, công trình đã chính thức được phát lệnh khởi công. 

Giây phút lịch sử đó đến bây giờ ông Tinh vẫn nhớ như in: "Lúc đó có khoảng 60.000 người, cả một biển người rợp bóng cờ hoa, tất cả đều đổ về, ai nấy bừng bừng khí thế, vui mừng khôn xiết. Lực lượng chủ công là sức người từ 27 huyện thị ở Hà Tĩnh và Nghệ An kéo về đây, trên vai quang gánh, trên gánh có muối, nước mắm, củi, đuốc để tự nấu ăn. Quân đội thì có E375 của Quân khu 4 vào thành lập các công trường, mỗi huyện là một tiểu công trường".

Ông Tinh kể: “Đúng thời khắc lịch sử, giữa đại công trình Kẻ Gỗ, ông Trương Kiện hô lớn rằng: “Tôi là Trương Kiện, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ  Tĩnh phát lệnh khởi công đại công trình thủy nông hồ Kẻ Gỗ”. Cả một biển người tay cuốc, tay cào xây dựng hồ Kẻ Gỗ. Tôi bật khóc”. 

l Ông Đào Văn Tinh, người được giao “cầm quân” đi xây hồ Kẻ Gỗ.
 l Ông Đào Văn Tinh, người được giao “cầm quân” đi xây hồ Kẻ Gỗ. 

Sau 3 năm thi công công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ hoàn thành trước thời hạn 3 năm, với phương thức xây dựng đại thủ công kết hợp cơ giới (chủ yếu người làm là chính, thời điểm cao nhất trên công trình 60.000 người). Có được thành quả này thể hiện sự đồng lòng, chung sức  mà theo ông Tinh đó là sự kết tinh 3 cùng: “Nhà nước và nhân dân cùng làm; địa phương và Trung ương cùng làm; Quân đội và nông dân cùng làm”. 

Luồng nước mát hồi sinh vùng đất cằn

Ông Tinh chia sẻ, có được công trình thủy nông Kẻ Gỗ, người dân Hà Tĩnh không bao giờ quên chuyến công tác của Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh vào ngày 15/6/1957. Trong buổi nói chuyện với Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh, Bác có nói một câu: “Hà Tĩnh phải lục hồ sơ Kẻ Gỗ và nghiên cứu trước đi để khi có thời cơ là xây dựng”.  

Nói về đại công trình thủy nông Kẻ Gỗ, ông Đặng Quốc Cương, nguyên Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên cho biết: “Chúng tôi là những thế hệ lớn lên sau ngày đất nước thống nhất, nhưng qua lời kể của cha mẹ, ông bà thì vùng đất Cẩm Xuyên trước đây “đồng khô cỏ cháy”. Người dân Cẩm Xuyên từ bao đời còng lưng trên vạt ruộng chỉ có một hạnh phúc đơn sơ, ước mơ nhỏ nhoi là cơm no, áo ấm. Nhưng ước mơ ấy thăm thẳm xa vời. Chỉ đến khi đại thủy nông Kẻ Gỗ ra đời, đất Cẩm Xuyên mới thực sự hồi sinh, người dân mới được ngẩng mặt lên vui cười khi cây lúa không phụ công người”. 

“Chính vì thế mà người dân Cẩm Xuyên vô cùng biết ơn những người đã làm nên kỳ tích hồ Kẻ Gỗ. Đại thủy nông Kẻ Gỗ là tài sản vô giá của huyện Cẩm Xuyên nói riêng và của nền kinh tế Hà Tĩnh nói chung. Công trình Kẻ Gỗ là mốc son đầu tiên của công cuộc đổi mới, là hiện thân ý chí của Đảng và sức mạnh thần thánh của nhân dân”. 

Theo ông Cương, đến nay hơn 4 thập kỷ được hưởng lợi nguồn nước của hồ Kẻ Gỗ, vụ thu hoạch nào Cẩm Xuyên cũng có niềm vui được mùa. Những vùng đất ăn khoai trừ bữa ngày xưa như Cẩm Thành, Cẩm Bình, Cẩm Nam, Cẩm Thăng đã trở thành vựa lúa lớn, những điểm sáng về nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó GĐ Cty Thủy lợi Nam Hà Tĩnh (đơn vị quản lý, vận hành hồ Kẻ Gỗ) cho biết: Hồ Kẻ Gỗ có lưu vực 223km2, dung tích 345 triệu m3, đủ điều kiện cung cấp nước cho cây trồng, vật nuôi, nước sinh hoạt cả một vùng quê rộng lớn của 3 huyện, thị thành gồm Cẩm Xuyên, Thạch Hà và TP Hà Tĩnh. Công trình Kẻ Gỗ ra đời là bước đột phá thúc đẩy kinh tế nông nghiệp Hà Tĩnh, làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở những vùng được hưởng lợi nguồn nước. Không chỉ dừng lại ở nông nghiệp, hồ Kẻ Gỗ ngày nay còn cung cấp nguồn nước sinh hoạt, phục vụ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, môi trường, phát triển du lịch sinh thái…

Đọc thêm