Ký ức “Trời hại” kinh hoàng bên miếu thờ 2.500 người chết lụt

(PLO) - Miền Trung vừa trải qua một trận lụt lớn và lại đang tiếp tục đối diện với mưa lũ. Những ngày này, người dân vẫn phải oằn mình chống chọi với đau thương, mất mát. Đối với những người cao tuổi, cứ mỗi lần trải qua hay chứng kiến mưa lũ như vậy, ký ức của họ lại không khỏi rùng mình khi nhớ đến thảm họa lụt năm Thìn - 1964.
Thôn Đông An ngày nay
Thôn Đông An ngày nay

Trong trận lụt kinh hoàng đó, gần 10.000 người ở các tỉnh Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi đã thiệt mạng. Tuy nhiên, con số thương vong cao nhất được ghi nhận là tại vùng rốn lũ nằm ở quận Đức Dụ, tỉnh Quảng Tín (nay là 1 phần của huyện Hiệp Đức và Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam). Khu vực này chạy dọc theo thượng nguồn con sông Thu Bồn với 2.500 người chết.

Ký ức “trời hại”

Tháng 11, miền Trung bắt đầu mưa tầm tã. Cũng vào thời điểm này, nhiều người lại “xắn áo đội tơi” để có một cuộc hành hương về Nông Sơn, về lại nơi gửi gắm cõi lòng của bao thế hệ người dân xứ Quảng. Cũng bởi một lẽ, mùng 6/10 Âm lịch (ngày 5/11) hằng năm từ lâu đã trở thành ngày giỗ chung của hơn 2.500 người đã nằm lại giữa dòng nước lũ năm xưa.

Vượt gần 200 km từ Đà Nẵng, chúng tôi mới có mặt ở thượng nguồn sông Thu Bồn. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, thảm họa năm Thìn chưa bao giờ thôi hết ám ảnh trong ký ức của những người cao tuổi, bậc trung niên ở các làng Thạch Bích, Bình Yên (xã Quế Lâm), Đông An, Đại Bình (xã Quế Phước) và Cà Tang (xã Quế Trung, đều thuộc của huyện Nông Sơn). 

Những xác chết mắc trên ngọn tre, vùi sâu dưới bùn, cát hay từng chùm người trong 1 gia đình, dòng họ cột tay nhau phơi mình giữa bãi đất hoang tàn… như thể cơn ác mộng vẫn được nhắc lại.

Thôn Đông An, ngôi làng bị hủy diệt nhiều nhất, giờ vẫn hoang vu, nghèo khó dù thế hệ sau đã thay thế gần hết người. Nơi đây được ví như lòng đỏ quả trứng gà, bởi xung quanh được “vây, bọc” lớp lòng trắng - là nước của dòng sông Thu Bồn. 

Nhắc lại thảm họa năm xưa, đôi mắt già nua của cụ Huỳnh Tấn Châu (89 tuổi, thôn Đông An), vị cao niên may mắn sống sót trong thảm họa năm xưa lại ầng ậc nước.

 “Cuối tháng 9 năm Thìn (1964) đã có 1 trận lụt, nước cứ mấp mé không chịu rút. Đến mùng 4/10, mưa to kéo dài không ngớt, trời lúc nào cũng âm u tối đen. Thế nhưng, mực nước cũng chỉ “bình bình” chứ không lớn. Nhưng đến chiều tối ngày mùng 6/10 (tức ngày 9/11/1964) nước ập vào nhanh chóng. Nhiều gia đình, nhiều xóm trước đó dù đã cảnh giác, tập trung tránh lụt trên các nhà cao, vùng đất cao, nhưng rồi vẫn bị nước lũ hoặc bị cây cối từ nguồn đổ xuống, càn quét qua cuốn đi hết sạch…”, ông Châu kể.

Cứ thế, cả làng Đông An với hơn 360 hộ dân, chỉ còn lại được 7 hộ. 1.485 con người đã vùi mình trong dòng lũ, hầu hết không tìm thấy xác, may mắn sống sót được 14 người. 

Bản thân ông Châu khi đó đang giữ chức xã đội Phước Khánh (nay là xã Quế Phước), có vợ và 8 người con, đứa nhỏ nhất mới 8 tháng tuổi. Khi lũ về, ông cũng cẩn thận dắt vợ con đi trú nhờ nhà của người thân trong một khu đất cao. “Nhưng “trời hại” thì đành chịu”, ông Châu nói như khóc.

Chỉ trong tích tắc, nước cuồn cuộn đổ về cuốn phăng đi tất cả. Ông cùng vợ hốt hoảng, ôm lấy những đứa nhỏ, đứa lớn được yêu cầu bu theo người ông. Nhưng ngoảnh lại, từng đứa một rơi rụng, bản thân ông đành bất lực nhìn con chới với trong nước rồi mất hết. 

Không đủ sức chịu đựng, bà vợ đã thả tay chìm nghỉm giữa dòng nước hung hãn. Rất nhanh sau đó, ông Châu cũng thả tay nhưng chẳng thể ngờ lại được đẩy vào một gò đất cao nên còn sống. Chờ nước lũ rút đi, ông tìm về lại làng với hi vọng, vợ con cũng may mắn như mình.

Bước thấp bước cao nhiều ngày liền trong sình lầy vẫn không tìm thấy người thân, lúc này, ông Châu tình cờ chạm mặt bà Trương Thị Lục (80 tuổi, ngụ cùng làng) đang ẵm đứa con trai 6 tháng tuổi, cũng đang đi tìm gia đình trong vô vọng.

Năm 1964, bà Lục lấy chồng ở cùng làng Đông An. Gia đình bà có 6 người nhưng cộng 2 bên nội ngoại lên đến 17 người. Do bà có con nhỏ nên người hàng xóm cho lên ké chiếc ghe nhỏ của gia đình mình, được cột vào một cây to giữa làng. Những người còn lại, thấy lũ về, ai nấy trèo lên gác để ngồi. Được một lúc, nước lên cao quá, mọi người phải dỡ mái tranh trèo ra ngoài nóc nhà. Xung quanh, nước bao vây trắng xóa. 

Bà Lục kể, trong ánh sáng nhờ nhờ chập choạng tối, bà nhìn thấy khắp làng, người nào cũng leo hết lên nóc nhà. Nhưng chỉ sau đó ít phút, bắt đầu những tiếng kêu la chới với xé màn đêm, khi các ngôi nhà cũng bắt đầu đổ ập trôi đi. Nhà của bà Lục với 15 con người cũng vậy. Ngay cả chiếc thuyền nhỏ mà mẹ con bà trú nhờ cũng chao đảo theo dòng nước lũ. 

Lúc đó, bà chỉ biết nhắm nghiền mắt, dùng tay áo quấn chặt đứa con vào người rồi chờ điều xấu nhất. Chiếc thuyền đứt dây neo, bị cuốn phăng. Thế nhưng, chính nhờ như vậy mà bà Lục thoát chết bởi thuyền trôi dạt, mắc vào 1 gò đất cao. Giả dụ, nếu thuyền vẫn đứng nguyên chỗ cũ, thế nào cũng bị những cây cổ thụ trôi đến quật chết.

Cha mẹ mất, chồng mất, các con lớn cũng mất, bà Lục gần như ngã gục. Có lẽ, theo lời bà Lục, nếu không vì đứa con duy nhất sống sót còn quá nhỏ dại, bà đã quyên sinh để đi theo người thân rồi. Anh con trai Phạm Nhị nay đã 49 tuổi, hiện làm trưởng thôn Đông An. Với anh Nhị, ký ức về trận lũ không có, nhưng những cơ cực mà người làng anh gánh chịu cho đến nhiều năm sau thì không thể nào quên được…

Ông Châu, bà Lục…những nhân chứng sống của trận lũ lịch sử giết chết 2.500 người riêng Nông Sơn năm xưa
Ông Châu, bà Lục…những nhân chứng sống của trận lũ lịch sử giết chết 2.500 người riêng Nông Sơn năm xưa

Từng “chùm người” chết

Sau thảm nạn, một số người quay về quê hương nhưng cũng có người không chịu nổi những ám ảnh khi cha nhìn thấy con, vợ nhìn thấy chồng, anh nhìn thấy em đuối sức thả tay chết trước mắt mà không cứu được… nên đã bỏ làng ra đi. Mấy năm liền, suốt một vùng rộng lớn huyện Nông Sơn kéo từ đầu thượng nguồn thôn An Toàn cho tới làng Đại Bình bên dưới gần như cõi chết. 

Lời ông Hồ Văn Xữ (90 tuổi), một cao niên sống sót ở Đông An kể, khi quay về, những người còn sống sót dựng tạm lều giữa những đồng, sống tạm bên cạnh người chết, trâu bò, cây cối ngổn ngang. Lội trong bùn non lần tìm những thứ gì còn sót lại để bỏ bụng, nhiều người lâu lâu lại thấy máu tươi sủi bóng bóng từ dưới bùn, chạm tay lại đụng 1 thân thể người nào đó, đã sình nổi lên.

Con số thương vong đứng sau Đông An là Cà Tang với 300 người chết. Nhưng những cái chết ở ngôi làng này còn khiến cho người chứng kiến, con cháu đời sau nghe kể về trận lụt mà không khỏi cay mắt. 

Khi nước lũ lên, nhiều gia đình, dòng họ cùng tránh lụt trên nóc nhà, lúc biết không thể thoát được thảm nạn, họ đã lấy sợi dây gàu múc nước cột tay lại với nhau, với hi vọng không xác ai bị thất lạc. Khi nước rút ra, những người còn sống sót đi tìm người thân đã bắt gặp nhiều “dây xác” dính chùm như vậy. Có “dây xác” đến 10 người như nhà bà Lê Thị Lệ (1950), mỗi mình bà Lệ thời điểm đó ở Hội An cùng người quen nên thoát nạn.

Kế sau Cà Tang là làng Đá Ngang. Ngôi làng nhỏ có 50 gia đình sống nơi mạn sông Thu nhưng lũ đã cướp đi nơi đây hơn 150 người. Kế đến là thôn Đại Bình với 90 sinh mạng. Nhưng thay vì vùi trong bùn non, những người tìm thấy xác ở Đại Bình đều lấp sâu trong cát. Rồi đến làng Bình Yên chết 30 người; Thạch Bích chết 14 người, số làng còn lại, không nơi nào dưới 10 người và phần lớn, đều không tìm thấy xác…

Theo anh Nguyễn Huy Hoàng, Trạm trưởng trạm thủy văn Nông Sơn, căn cứ vào nhật ký số liệu vết lũ lưu giữ tại trạm, mưa từ ngày 4 đến ngày 10/11/1964 mực nước tại trạm Nông Sơn đạt 22,16 mét. 

Anh Hoàng cho biết, với những gì ghi lại cho thấy, thời điểm lúc bấy giờ, hoạt động cứu hộ, cứu nạn trong trận lụt năm 1964 gần như không có. Phần lớn người dân tự cứu nhau nhưng trong điều kiện lũ dâng cao vượt cả cây tre, nhưng nhà dân ở chỉ toàn vách đất thô sơ, không ghe, không xuồng máy…

Số người chết, nếu có người thân nhận xác thì mang về quấn vội lá cây khô, đào hố to chôn tập thể. Nhưng như lời ông Huỳnh Tấn Châu, số đó chỉ đếm trên đầu ngón tay, phần vì ít người sống sót, lúc tìm về lại quê sức cũng đã tàn, phần vì những thi thể chết vướng trên cây tre, vùi dưới bùn đất đã bắt đầu thối rửa, khó nhận dạng. Đối với những trường hợp như vậy, nhà chùa các nơi khi biết về thảm nạn đã tìm đến cứu trợ, họ mang theo xăng rồi chất chồng các thi thể lên mà đốt. 

Đau đáu nỗi niềm miếu thờ sơ sài

Điều đáng nói, hầu hết 14 người sống sót đều là những người đến bám vào cái cấm, bên trong có ngôi miếu với nhiều cây cổ thụ ngay giữa làng. Cho tới bây giờ, vẫn không ai có thể lý giải được vì sao trong dòng nước cuộn cuộn, họ đều bắt gặp hình ảnh một bà cụ già đứng trên bờ gọi vào, để rồi khi tỉnh dậy đều thấy mình may mắn, có phúc phần. 

Sau thảm họa trên, ngôi miếu bên trong cấm (khu rừng nhỏ - PV) cũng bị hư hỏng nặng. Đến khi xây dựng lại làng, người dân mới bắt đầu góp tiền trùng tu, sửa sang miếu khang trang hơn. 

Ở Đông An có dòng họ Hồ đông đúc nay chỉ còn lại bốn anh em ông Hồ Văn Xữ. Nhìn ngôi làng bị san bằng phẳng, họ cũng không biết phải sống ra sao. Được giúp đỡ mái lều che tạm, những người thanh niên đi mót sắn, hái rau ăn sống qua ngày, với quyết tâm gầy dựng cuộc sống mới. 

Ông Châu, bà Lục…những nhân chứng sống của trận lũ lịch sử giết chết 2.500 người riêng Nông Sơn năm xưa
Ông Châu, bà Lục…những nhân chứng sống của trận lũ lịch sử giết chết 2.500 người riêng Nông Sơn năm xưa

Để xoa dịu nỗi đau chết chóc, anh em ông Xữ cùng một số người nữa che chắn vội bên mé sông lập ra nhà thờ tập thể. Không có di ảnh, không bài vị, ông Xữ chỉ có thể viết tên những nạn nhân vào chung một tờ giấy mà hương khói, lấy ngày mùng 6 tháng 10 Âm lịch hàng năm để giỗ.

Mãi đến 43 năm sau, khi con cháu lớp sau cùng ở, cùng xây dựng nên làng, những người may mắn thoát nạn lụt như ông Xữ, ông Châu, bà Lục… mới kêu gọi góp sức xây ngôi Miếu thờ lụt, thờ chung 1485 người. 

Ngôi Miếu thờ lụt hiện tại được đặt nằm ngay trên cái cấm, nơi đã cứu sống 14 người năm xưa. Tuy nhiên, vì làng nghèo nên không có tiền xây miếu lớn, chỉ có 3 bệ thờ đơn sơ đặt những bát nhang, vẫn chưa có điều kiện để làm cả bài vị. Mỗi năm, cứ đến đúng ngày xảy ra thảm nạn, làng lại kéo về Miếu thờ lụt làm giỗ tập thể. 

Ông Châu có nhiệm vụ lưu giữ nguyên gốc bài tế cúng với đầy đủ tên tuổi nạn nhân trong một cuốn tập vở học trò. Đến ngày, ông cho sao tất cả ra một tờ giấy cúng dài, để ông Xữ hoặc ông Nguyễn Xuân Thái (2 vị cao niên lớn nhất làng) làm chủ lễ, hành lễ rồi sau đó đốt đi…

Song song, ở các làng Cà Tang, Đại Bình, Thạch Bích, Bình Yên… cũng làm giỗ tương tự một ngày. Ở mỗi làng này đều có Miếu thờ lụt, thờ chung những người chết của riêng làng mình. 

Tuy nhiên, có một điểm giống nhau, vì cuộc sống hiện tại quá nghèo nên ngôi miếu nào cũng chỉ bốn bức tường vôi nhỏ đơn sơ, thậm chí cứ tới mùa mưa bão lại ngã đổ. Bởi vậy mà ai cũng đau đáu một nỗi niềm, giá như có điều kiện hơn, họ sẽ xây cho ngôi Miếu thờ lụt khang trang, để người sống có nơi tưởng nhớ, người chết cũng được an ủi phần nào. Nghĩa tử là nghĩa tận, con cháu ở Nông Sơn đều biết điều đó nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện trọn vẹn.

Bài thơ “Thảm họa quê hương” của nhà thơ Tường Linh, quê gốc Nông Sơn viết. Bài thơ hiện được người dân Nông Sơn ngày nay truyền tụng như một bài vè nhằm khắc cốt về một trận lũ kinh hoàng cướp hết người thân năm 1964

Không còn gì nữa cả

Không còn gì nữa cả em ơi!

Một tháng quê hương không bóng mặt trời

Một tháng quê hương mưa gào gió thét

Đất Quảng thân yêu người người rên siết

Sáu mươi năm lại đến “họa năm Thìn”

Thảm nạn này biết thuở nào quên!

Biết thuở nào quên!

Một tối nước lên, nước tràn lên khủng khiếp

Cả ngàn người, cả vạn người không chạy kịp

Nước réo ầm ầm át tiếng kêu la

Chới với. Ngửa nghiêng. Người cuốn theo nhà

Nhà theo sóng. Người không thấy nữa

Nhìn con trôi, mắt cha máu ứa

Ngoi lên, tay vợ níu lưng chồng

Rồi hai người thành hai xác giữa mênh mông

Tấp vào bờ thây của người ông

Giữ xác cháu, hàm răng ghim áo cháu

Nhà có mười người, hết đường phấn đấu

Sợi dây dài vội vã thắt tay nhau

Cây nước tràn lên, cây nước phủ đầu

Một “dây xác” trôi về đâu, ai biết…

Còn bao cảnh não nùng, bi thiết

Nói không cùng, ghi chẳng hết em ơi!

Đất Quảng quê ta chết bốn ngàn người

Kể chung miền Trung còn hơn thế nữa!

Người sống sót không còn nhà cửa

Không áo cơm, khô cả lệ thông thường

Cắn vành môi nhìn lại một quê hương

Bỗng run sợ tưởng đây miền địa ngục

Quê hương ta: một hình hài ngã gục

Gà Tang ơi, Trung Phước, Đại Bình ơi!

Đông An, Bình Yên… nước xóa cả rồi

Đá núi lấp đồng, bùn sông lấp xóm

Mưa vẫn còn rây trên quê hương ảm đạm

Đồng hoang vu còn giữ những thây người

Những thây người! Không đếm hết, em ơi!

Em hãy ghi: Ngày mùng 6 tháng 10

Năm âm lịch Giáp Thìn, em nhé!

Ngày giỗ quê hương, dù bao thế hệ

Thảm nạn này biết thuở nào quên

Xót thương về, em hãy đốt hương lên.

Đọc thêm