Kỷ vật của Bác Hồ (kỳ 6): Tặng vật được giữ gìn hàng chục năm trong 2 gia đình ngoại quốc

(PLO) -Một bức tranh thêu Việt Nam đã được giữ gìn cẩn thận suốt ba đời trong một gia đình người Mỹ. Một chiếc mũ len đã được gìn giữ  suốt 47 năm trong một gia đình người Pháp kể cả sau khi người được tặng chiếc mũ đã mất và rất nhiều lời đề nghị mua của các nhà sưu tập. 
Ông Pierre Biquard (thứ 3 từ trái sang) cùng ba thành viên của Đoàn được lãnh đạo thành phố Hà Nội tiếp năm 1969.
Ông Pierre Biquard (thứ 3 từ trái sang) cùng ba thành viên của Đoàn được lãnh đạo thành phố Hà Nội tiếp năm 1969.

Hai hiện vật đã trở về với Bảo tàng Hồ Chí Minh chứng tỏ một điều rằng: tấm lòng ân tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được bạn bè quốc tế trân trọng và quý mến. 

Bức tranh với “Những lời chúc tốt đẹp nhất của Hồ Chí Minh”

Năm 1945, Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, cũng là lúc Việt Nam giành được độc lập vào cuối tháng 8/1945. Cuối tháng 8/1945, đơn vị cứu tế xã hội của Hoa Kỳ đối với quân Đồng minh do Đại tá Stephen Nordlinger đứng đầu đến Hà Nội. Đoàn cứu tế xã hội Hoa Kỳ đến Hà Nội đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam quan tâm, giúp đỡ.

Đại tá Stephen Nordlinger rất biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vì đã giúp đỡ ông hoàn thành tốt sứ mệnh giải phóng các tù binh bị Nhật giam giữ và chăm sóc thuốc men cho tất cả các người bất hạnh thuộc các quốc tịch khác nhau. Đầu tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Đại tá Stephen Nordlinger để bàn việc giúp đỡ, vận chuyển lương thực từ Nam ra Bắc và Người đã tặng Đại tá Stephen Nordlinger bức tranh thêu tùng hạc.

Bức tranh có kích thước không lớn (60 x 215cm), nhưng dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân, trên nền vải thô màu vàng nhạt, những đường thêu đã làm hình ảnh chim hạc đậu trên cây tùng hiện lên sinh động, cùng lời chúc tốt đẹp nhất của Hồ Chí Minh: "Best greetings from Hô Chi Minh, oct. 1945" (Những lời chúc tốt đẹp nhất của Hồ Chí Minh, tháng 10 năm 1945). Đường bo bằng vải xatanh màu đỏ nâu càng tôn thêm vẻ đẹp tinh tế của tặng vật.

Sinh thời Đại tá Stephen Nordlinger đã treo bức tranh này ở nơi trang trọng nhất trong nhà riêng của ông, tại New York. Sau khi ông qua đời, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 116 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 13/5/2006, bà Jane Coyle, cháu dâu của Đại tá Stephen Nordlinger đã trao tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh bức tranh.

Như vậy là trải qua hơn hơn 60 năm, bức tranh được gia đình Đại tá Stephen Nordlinger gìn giữ, đã vượt hàng nghìn cây số, từ nước Mỹ bên kia bán cầu, trở về Việt Nam với một thông điệp hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng.

Bức tranh thêu tùng hạc được nhân viên Bảo tàng Hồ Chí Minh chuẩn bị khung để đưa ra triển lãm ngày 18/5/2017
Bức tranh thêu tùng hạc được nhân viên Bảo tàng Hồ Chí Minh chuẩn bị khung để đưa ra triển lãm ngày 18/5/2017

Bà Jane Coyle - đại diện gia đình cố đại tá Stephen Norlinger cho biết: “Bức tranh này đã được treo trang trọng trong phòng khách từ thời ông nội, bố chồng tôi cho đến chúng tôi. Đây là một kỷ vật quý của gia đình, nhưng chúng tôi vẫn quyết định tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh vì tôi nghĩ, đây là một minh chứng cho tình cảm và lòng kính trọng của một gia đình Mỹ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Cùng với bức tranh thêu, gia đình Đại tá Stephen Norlinger cũng gửi tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh lá thư mà ông Stephen Norlinger gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1968 với thông điệp hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng. Bức thư có đoạn viết: “Ngài sẽ thấy kèm theo đây một bức ảnh của cuộn trang thêu tuyệt đẹp mà Ngài đã tặng tôi khi từ giã. Đó là một kỷ vật mà tôi rất quý trọng…”.

“Anh hãy đội mũ vào, bên ngoài rất lạnh”

Ông Pierre Biquard (1901-1993) là giáo sư vật lý người Pháp. Là một nhà khoa học nhưng ông cũng là một chiến sĩ đấu tranh vì hòa bình, từng là Ủy viên Hội đồng toàn quốc phong trào hòa bình Pháp, Ủy viên Hội đồng hòa bình thế giới và tổng thư ký Liên đoàn thế giới và có nhiều hoạt động phản đối chiến tranh Mỹ tại Việt Nam, nhất là việc Mỹ sử dụng vũ khí hóa học. 

Theo các tư liệu còn lưu giữ và được các thành viên trong gia đình ông Pierre Biquard kể lại, đầu tháng 1/1969, ông Pierre Biquard tham gia Đoàn phong trào Hòa bình Pháp thăm Việt Nam nhằm ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam.  

Đoàn đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp vào ngày 2/1/1969 tại Phủ Chủ tịch. Trong lúc tiễn đoàn ra về, nhận thấy ông Piere Biquard không đội mũ trong khi thời tiết lúc đó rất lạnh. Bác đã tặng cho ông một chiếc mũ len. Ông Pierre rất trân trọng và luôn nhắc về kỷ niệm sâu sắc này. 

Năm 2016, kỷ vật chiếc mũ đã được gia đình ông Pierre Biquard trao lại Bảo tàng Hồ Chí Minh thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.  Phát biểu tại buổi lễ, bà Claire Biquard - con gái lớn của ông Pierre Biquard - kể lại câu chuyện về chiếc mũ len mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng cho cha bà:

“Cuối năm 1968, đầu năm 1969, Đoàn Phong trào Hòa bình Pháp gồm 4 thành viên, trong đó có cha tôi, đã đi thăm Việt Nam nhằm ủng hộ cuộc đấu tranh chống Mỹ của nhân dân Việt Nam. Ngày 2/1/1969, đoàn được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tại Phủ Chủ tịch. Đó là một vinh dự lớn khi đoàn đại biểu Pháp, lúc đó Người đã 79 tuổi và phải hạn chế các cuộc tiếp đón. Đến khi chia tay đoàn, thấy cha tôi không có mũ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy mũ len của Người đưa cho ông và nói: “Anh hãy đội mũ vào, bên ngoài rất lạnh”.

Cha tôi nhìn chiếc mũ và nói: “Thưa Chủ tịch, chiếc mũ quá nhỏ với đầu của tôi. Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời: “Vậy anh cứ giữ lấy như một kỷ niệm”. Đó là câu chuyện về chiếc mũ len Bác Hồ, bố tôi đã rất tự hào kể lại câu chuyện này cho bạn bè và gia đình, và chiếc mũ đã trở thành một phần quan trọng trong di sản chung của gia đình chúng tôi”.

Cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tiếp nhận kỷ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh do gia đình ông Pierre trao tặng
Cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tiếp nhận kỷ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh do gia đình ông Pierre trao tặng

Chiếc mũ len, suốt 47 năm qua, được gìn giữ và nâng niu trong gia đình Biquard, kể cả sau khi ông mất. Bà Catherine Biquard, con gái thứ hai của ông Pierre Biquard cho biết: “Chúng tôi đã giữ gìn chiếc mũ rất cẩn thận. Cha tôi rất xúc động mỗi khi ông nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh - một con người giản dị và rất tinh tế. Tất cả các thành viên trong gia đình chúng tôi đều biết về câu chuyện của chiếc mũ len.  Chiếc mũ thực sự là một phần trong lịch sử gia đình chúng tôi. Thậm chí có nhà sưu tập từng liên hệ đề nghị mua chiếc mũ nhưng chúng tôi không đồng ý và  mong muốn đưa chiếc mũ về đúng vị trí của nó ở Bảo tàng Hồ Chí Minh ở đất nước các bạn”.  

Cũng theo lời những người con của giáo sư Pierre Biquard, sau chuyến thăm Việt Nam đó, ông đã không có dịp nào trở lại Việt Nam. Nhưng câu chuyện về tình cảm của Bác vẫn được viết tiếp khi ông Marc Henri Fermont - con trai một người bạn cùng hoạt động vì hòa bình với ông Biquard - đã tình cờ phát hiện ra rằng trên bàn làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có đặt cuốn sách do chính ông Biquard viết về tiểu sử nhà vật lý nổi tiếng người Pháp Fréderic Jolliot Curie. 

Theo thông tin từ truyền thông, có mặt cùng gia đình Biquard trong buổi lễ trao lại chiếc mũ len tại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, ông Marc Henri Fermont cho biết: “Một lần xem truyền hình, tôi bất ngờ nhìn thấy cuốn sách do Giáo sư Biquard viết được đặt trên bàn làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Và tôi đã nhờ người hàng xóm của mình khi ấy là Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam - đến thăm và chụp ảnh bàn làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vợ chồng giáo sư Biquard khi đó còn sống đã rất xúc động khi thấy trên bàn làm việc của Bác Hồ, bên cạnh cuốn sách của Lenin, có cuốn sách của ông Biquard. Thực sự là một câu chuyện lịch sử, tuy rất nhỏ bé nhưng thật tuyệt vời trong cả khối lịch sử lớn giữa nhân dân hai nước chúng ta”…

Đọc thêm