Kỷ vật của cha

(PLO) - Suốt những năm tháng, từ khi cha trở về, thi thoảng ông lại mang những kỷ vật từ chiến tranh ấy ra lau chùi cho sạch sẽ, sau đó lại cất xếp vào chỗ cũ y chang. Mấy anh chị em chúng tôi, cả vài đứa trẻ hàng xóm thấy cái ca uống nước, cái bi đông là lạ, đẹp mắt nên thi thoảng cha đi đâu là lén mở tủ lấy ra nâng niu, ngắm nghía.
Kỷ vật của cha
Khi tôi cất tiếng khóc chào đời thì cha cũng vừa mới chia tay gia đình, quê hương để lên đường đi B vào chiến trường miền Nam. Chính vì thế mà khi tôi chập chững biết đi và học những câu bi bô đầu tiên trong đời, mẹ đã dạy tôi kêu cha, gọi mẹ, gọi ông bà... 
Mẹ vẫn luôn nói với tôi rằng, cha đi đánh giặc ở phương xa, khi giặc tan hết cha sẽ về với mẹ con tôi. Khi chiến tranh kết thúc, cha trở về tôi đã là một cô bé học cấp 1. Không chỉ gia đình tôi mà cả làng quê thôn xóm đều mừng vui cho cha tôi và những người con khác của quê hương đã trở về, dẫu một số người không bảo toàn đủ đầy thân thể khi phải bỏ lại chiến trường một phần cơ thể của mình. 
Cha tôi cũng là người như thế, khi ông bỏ lại hết phần bàn tay phải bởi trúng đạn trong một trận chiến ác liệt giữa ta và địch. Hành trang theo cha trở về chẳng có gì ngoài vài bộ quần áo quân ngũ cùng vài kỷ vật sinh hoạt nơi chiến trường như: chiếc ba lô con cóc, chiếc ca uống nước, đôi dép cao su, chiếc bi đông đựng nước uống... Những kỷ vật ấy cha xếp ngay ngắn vào phía trước của chiếc tủ kính dưới bàn thờ tiên tổ.
Suốt những năm tháng, từ khi cha trở về, thi thoảng ông lại mang những kỷ vật từ chiến tranh ấy ra lau chùi cho sạch sẽ, sau đó lại cất xếp vào chỗ cũ y chang. Mấy anh chị em chúng tôi, cả vài đứa trẻ hàng xóm thấy cái ca uống nước, cái bi đông là lạ, đẹp mắt nên thi thoảng cha đi đâu là lén mở tủ lấy ra nâng niu, ngắm nghía. Có lần, khi bắt gặp chúng tôi lấy ca uống nước và bi đông ra chơi, cha tỏ vẻ không hài lòng. 
Mẹ tôi thấy vậy bảo: “Những thứ đó còn dùng được thì ông cứ bỏ ra để dùng, chứ để đó làm gì cho phí...”. Lúc đầu cha tôi không đồng ý, bởi ông sợ hỏng, sợ mất, nhưng về sau do nhà thiếu ca đựng nước, thiếu bình chứa nước nên cha cũng cho dùng chiếc ca và chiếc bi đông. Từ đó, chiếc ca trở thành vật dụng sinh hoạt thường xuyên của gia đình tôi. 
Ngày đó, có chiếc ca uống nước tráng men mà cha tôi mang về dùng để uống nước là rất hữu dụng, bền và quý, bởi hầu như nhà nào cũng chỉ dùng bát ăn cơm để uống nước mà thôi. Chiếc bi đông bằng nhôm, hình dẹt to gần như trái dừa không chỉ là vật dụng chứa nước đun sôi để nguội mà nó còn rất tiện dụng cho mẹ mang nước đi làm đồng để uống trong những hôm trời nắng nóng. 
Qua mấy chục năm, khi đời sống hiện đại đã đến từ lâu với sự hiện diện của những chiếc cốc nhựa, ly thủy tinh dùng để uống nước cũng như những chiếc bình đựng nước kiểu cách tiện lợi, thì chiếc ca và chiếc bi đông vẫn gắn liền với đời sống sinh hoạt của gia đình tôi. Rồi sau ngày cha trở về với tiên tổ do tuổi cao sức yếu, chiếc ca và chiếc bi đông đã chính thức “chia tay” với đời sống sinh hoạt của gia đình tôi khi nó được mẹ tôi lau rửa sạch sẽ rồi đặt ngay ngắn vào ngăn tủ, nơi mà các kỷ vật khác như đôi dép cao su, chiếc ba lô, bộ quần áo lính màu xanh... đã hiện hữu từ mấy chục năm trước. 
Xa quê, mỗi khi có dịp trở về căn nhà thời ấu thơ, lòng lại bùi ngùi, và mỗi khi nhìn thấy hình ảnh của những món đồ kỷ vật chiến tranh vô giá của cha trong tủ kính dưới bàn thờ, nước mắt tôi lại lưng tròng, chảy dài vì nhớ cha.

Đọc thêm