Kỷ vật trở về sau hơn 40 năm lưu lạc ở Mỹ

(PLO) - Tháng 5/2012, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường nhận được một gói bưu phẩm. Khi mở ra, ngoài tấm bằng khen mang tên Nguyễn Văn Đương còn có một lá thư vẻn vẹn có 3 dòng viết bằng tiếng Anh với nội dung “Trân trọng nhờ Đại sứ Nguyễn Quốc Cường chuyển nó về cho ông Nguyễn Văn Đương hoặc gia đình của ông Đương ở Việt Nam”. 
Bức ảnh chụp Đại tá Hà Minh Phương - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trao kỷ vật cho gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Đương đang được trưng bày tại triển lãm “Ký ức chiến tranh”.
Bức ảnh chụp Đại tá Hà Minh Phương - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trao kỷ vật cho gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Đương đang được trưng bày tại triển lãm “Ký ức chiến tranh”.

Tháng 9/2012, gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Đương đã vỡ òa cảm xúc nhận lại kỷ vật của người chồng, người cha sau hơn 40 chục năm lưu lạc nơi đất khách. 

Về đất mẹ sau hơn 40 năm lưu lạc

Trong số hơn 400 hình ảnh, hiện vật tiêu biểu trưng bày tại triển lãm “Ký ức chiến tranh” tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, có một kỷ vật của bộ đội ta do cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam trao trả. Đó là tấm ảnh chụp bằng khen của người mang tên Nguyễn Văn Đương và bức ảnh chụp gia đình liệt sĩ xúc động khi nhận lại kỷ vật của chồng, của cha mình sau mấy chục năm lưu lạc trên đất Mỹ.

Tại triển lãm, cựu binh Nguyễn Văn Bính từng chiến đấu và bị thương ở chiến trường Quảng Trị rưng rưng nói: “Thế là anh ấy đã được “trở về”, dù không trọn vẹn. Gia đình tôi còn một người em liệt sĩ nhưng chưa tìm thấy mộ phần, em ra đi cũng không để lại một kỷ vật nào, nên mỗi khi có triển lãm như thế này, tôi lại đi xem để nuôi hy vọng…”. Tâm sự của cựu binh Nguyễn Văn Bính cũng là tâm sự của hàng triệu người dân Việt Nam đã trải qua hai cuộc chiến. 

Tháng 5/2012, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường nhận được một gói bưu phẩm. Khi mở ra, ngoài tấm bằng khen mang tên Nguyễn Văn Đương do Bộ Chỉ huy Phân khu 4 ký tặng ngày 30/12/1969 còn có một lá thư vỏn vẹn có 3 dòng viết bằng tiếng Anh với nội dung: “Trân trọng nhờ Đại sứ Nguyễn Quốc Cường chuyển cho ông Nguyễn Văn Đương hoặc gia đình của ông Đương ở Việt Nam”, bên dưới ký tên “Người bạn của nhân dân Việt Nam”.

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường sau đó đã chuyển cho Phòng Tùy viên quốc phòng bức thư đó và Bằng khen của liệt sĩ Nguyễn Văn Đương cùng kỷ vật được chuyển về Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tiếp nhận kỷ vật, sau nhiều lần tìm kiếm, xác minh, Bảo tàng đã tìm được nhân thân liệt sĩ Nguyễn Văn Đương (SN 1935, quê tại xã Liên Hòa, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc). Ông nhập ngũ năm 1965 và hy sinh ngày 25/7/1971. 

“Như anh đã trở về với chúng tôi”

Sau một thời gian tìm kiếm, kỷ vật của liệt sĩ Nguyễn Văn Đương đã được Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trao trả cho gia đình liệt sĩ ở xã Liên Hòa, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Theo lời kể của thân nhân liệt sĩ Nguyễn Văn Đương, ngày ông nhập ngũ, người con lớn mới 9 tuổi, người con nhỏ nhất mới 7 tháng tuổi.

Ngày bố đi bộ đội, chị Nguyễn Thị Phượng, con thứ 2 của liệt sĩ Đương mới 7 tuổi đã khóc ngằn ngặt đòi theo cha. Thương con, bố chị đã nhờ người thân bế con đi chỗ khác để ông lên đường hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc, với quê hương. 

Về phần mình, bà Nguyễn Thị An vợ liệt sĩ đã hơn 40 năm đằng đẵng sớm tối bươn chải nắng mưa nuôi 4 người con khôn lớn. Nhận từ tay Đại tá Hà Minh Phương - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tấm bằng khen của chồng, bà nấc nghẹn: “Ông ơi!”. Nước mắt của người vợ, người mẹ ấy đã khô kiệt vì buồn đau, vì mỏi mòn chờ đợi, khắc khoải dọc dài năm tháng “đi tìm nhau suốt chiều dài đất nước/đi tìm nhau giữa hai đầu trận đánh/đi tìm nhau đi mãi mãi không về”…

Theo thông tin từ Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, liệt sĩ Nguyễn Văn Đương là Tiểu đội trưởng thuộc đơn vị D6, phụ trách nhu yếu phẩm. Ngày 25/7/1971 khi đang trên đường đi rút gạo ở ấp Phước Nguyên thuộc chiến trường Phân khu 4 trước đây, ông bị địch phục kích và hy sinh. Trong mắt của những đồng đội, liệt sĩ Nguyễn Văn Đương là người hòa nhã, thân thiện và dũng cảm. Có củ sắn, củ khoai hay mớ rau rừng cũng chia cho anh em, dù phần mình chẳng còn là bao...

Năm 2000-2015 Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã sưu tầm và tiếp nhận hàng nghìn hiện vật. Bằng khen của liệt sĩ Nguyễn Văn Đương là một trong rất nhiều kỷ vật do các cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam gửi tặng, bởi trong mắt họ “người lính Việt Nam không sợ chết và dường như không nghĩ đến cái chết...” như lời nói của cựu chiến binh Thomas Smith.

Hiện vẫn còn rất nhiều kỷ vật đang chờ đợi ngày trở về với thân nhân gia đình như chiếc bút máy màu đen khắc dòng chữ “Nguyễn Xóa, y tá bộ đội”; 2 quyển sổ ghi chép các bài hát, bài thơ có ghi tên “Nguyễn Thị Hoa Nở”; 1 tuyển tập “Ca dao” do Ban Thông tin văn hóa Bình Định ấn hành và một bức ảnh chân dung thiếu nữ…

Đọc thêm