Lạc lối trên mạng xã hội

(PLVN) - Thế giới mạng mênh mông, kết nối con người, nhưng mạng xã hội cũng dễ dàng làm con người ta hoang mang, lạc lối và đánh mất chính mình.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Một người nổi tiếng vừa qua đời. Những giọt nước mắt của người thân, người quen rơi xuống. Giữa những nỗi đau, một rừng máy quay giơ lên, zoom cận cạnh vào từng gương mặt. Những dòng người ồn ào, náo nhiệt xô đẩy nhau, la hét, cười đùa để tiến gần hơn vào đám tang, thấy được mặt người chết, bắt được khoảnh khắc đau đớn nhất của những người ở lại.

Một người nổi tiếng khác vừa qua đời. Người ta ùn ùn kéo nhau đi quay phim đám tang. Khi dư âm sự ra đi đột ngột đã qua đi, đề tài đã cạn, người thân của người đã mất bỗng trở thành đối tượng săn đuổi của giới vlog. Bị theo dõi, bị quay lén mọi hoạt động, bị tìm đến nhà phỏng vấn, công kích, làm phiền…

Các đoạn clip ấy rồi sẽ được ào ào tung lên mạng. Đi kèm với đó là những hình ảnh cắt ghép, những lời bình thiện chí cũng có, ác ý cũng có. Những clip thỏa trí tò mò của một bộ phận cư dân mạng, đem lại “triệu view” cùng với lợi ích vật chất cho những người đăng tải nó. Nhưng, phía sau đó là nỗi đau của những “nạn nhân” mạng xã hội, là sự bế tắc, cùng quẫn, bị dồn vào đường cùng. Có người phải lên mạng van xin được buông tha, có người phải báo cơ quan chức năng, mong được bảo vệ.

Cuối năm 2019, một vlog khá có tiếng của Trung Quốc tự sát. Bức tâm thư để lại hé lộ lý do vì sao một cô gái trẻ, nổi tiếng, có thu nhập khủng lại đi tìm cái chết. Cô gái ấy từng là một đầu bếp trẻ mới vào nghề, ẩm thực là niềm say mê. Nhờ những bài viết hay, những bức ảnh đẹp về các món ăn mà mình mày mò, sáng tạo, cô dần dà tạo dựng được tên tuổi trong giới vlog về ẩm thực.

Nhưng chẳng biết từ lúc nào, cô trở thành một Muskbang (vlog chuyên ăn uống và đăng tải clip lên mạng). Để nhiều, nhiều người xem hơn nữa, cô liên tục thay đổi nội dung. Khì thi ăn những món thật béo, khi thì ăn những món thật cay, khi thì “ăn thùng, uống chậu” hoặc tham gia các thử thách ăn nhiều trên mạng xã hội.

Tiền đổ về rất nhiều từ lượt view, từ những tài trợ, quảng cáo nhãn hàng. Nhưng cô gái ấy không thấy vui như cô từng nghĩ. Cô thấy mình xa rời dần niềm đam mê ban đầu, xa dần lý tưởng đẹp đẽ thuở mới bước chân vào đời. Nghề Mukbang khắc nghiệt cũng đem đến cho cô gái nhiều chứng bệnh như béo phì, tim mạch, mỡ máu. Sự chướng ngại tâm lý từ căn bệnh sợ thức ăn. Cô bỏ nghề, rơi vào trầm cảm rồi đưa ra lựa chọn tiêu cực. Một cuộc đời tươi trẻ mở ra với nhiều ước mơ đẹp và kết thúc một cách đắng cay như thế, chỉ vì lạc lối.

Những năm qua, giới vlog châu Á đã chứng kiến cái chết của nhiều Mukbang trẻ tuổi. Họ chết vì tự sát, vì ngộ độc thực phẩm, vì những chứng bệnh do ăn uống vô độ một thời gian dài. Đó là cái giá của sự mưu cầu nổi tiếng và tiền bạc bất chấp. Thế nhưng, cho dù những tấm gương tày liếp ấy thì hàng năm, người ta vẫn chứng kiến một lực lượng người trẻ tìm mọi cách để lao vào nghề, như những con thiêu thân lao đầu vào lửa.

Sức hút của danh vọng và tiền bạc quá mạnh với những người trẻ giàu ước mơ nhưng thiếu nhẫn nại để đi từng bước chậm. Thế giới hào nhoáng ấy không chỉ thu hút những người trẻ muốn đổi đời, nó khiến người đã nổi tiếng trong các lĩnh vực khác cũng muốn lao vào, thử sức…

Thế nên, thời gian qua, phong trào nghệ sĩ đi làm Youtuber trở nên rầm rộ hơn bao giờ hết. Để rồi, nhiều khán giả hết sức thất vọng khi người nghệ sĩ tài năng, lung linh trong ánh đèn sân khấu mà họ từng ngưỡng mộ lại trần trụi đến thế, chiêu trò “câu view” đến thế trên kênh của mình.

Vlog, một nghề đem đến sự nổi tiếng nhưng cũng rất khắc nghiệt và dữ dội. Người làm vlog muốn nhanh chóng có lượng view cao thì phải luôn luôn làm mới mình, luôn phải có những chiêu trò mới mẻ để giữ chân người xem tò mò. Ấy thế nên mới có chuyện một ông bầu nổi tiếng sẵn sàng quay trực tiếp cảnh đồng nghiệp của mình được đưa ra từ nhà xác để thỏa mãn sự tò mò của người xem trên kênh. Mới có chuyện vlog trẻ tuổi sẵn sàng đổ thau trứng lên đầu mẹ, quay livestream chuyện trốn cách ly… Tất cả cũng từ những chiếc view vô tình mà nguy hại kia.

Chúng ta thường nói đến mối nguy đến từ mạng xã hội, đầu độc người xem, khiến cho nhiều giá trị, chuẩn mực bị đảo lộn. Nhưng thực ra, còn một hậu quả khác trong thế giới mạng xã hội nhốn nháo, ấy là hậu quả dành cho chính chủ nhân những kênh vlog nhảm nhí, “câu view”. Đeo đuổi giá trị của sự nổi tiếng và lợi lộc, họ cũng đánh mất rất nhiều thứ: Sự bình yên trong tâm hồn, ước mơ chính đáng của bản thân, những giá trị tốt đẹp trong tim, đôi khi đánh mất cả những giới hạn của đạo đức, lương tâm. Cái họ nhận được là những lời chửi rủa, thóa mạ, sự ghét bỏ, chỉ trích của một bộ phận cộng đồng mạng. Đó là cái giá phải trả cho việc quẳng “rác” vào không gian mạng.

Bà Tân, một hiện tượng mạng xã hội dẫn đầu cho trào lưu “nấu ăn làng quê”, lúc bắt đầu quay những clip nấu ăn cho vui được con trai dàn dựng, có lẽ chẳng bao giờ nghĩ có ngày mình lại nổi tiếng ở mức độ kinh khủng như thế và cũng nhận được sự chỉ trích, chửi bới nặng lời, trường kì đến thế. Nếu biết, liệu một người phụ nữ nông dân trung hậu đã quen với cuộc sống yên bình ở làng quê có dám bước chân vào?

Khó mà nói, tiền bạc, nổi tiếng hay sự đánh mất chính mình, cái nào nặng, cái nào nhẹ. Nặng hay nhẹ là tùy nhân sinh quan của mỗi người. Và biết đâu, trên bước đường đời, chính bản thân họ cũng hối hận, muốn quay trở lại giấc mơ thuần khiết ban đầu. Nhưng mạng xã hội mênh mông và rối bời lắm. Đôi khi lạc lối là không biết đường về. 

Đọc thêm