Lại một cô gái Hà Nội phát hiện mình bị trao nhầm tại nhà hộ sinh

(PLO) - Ngày nhận được kết quả ADN, bầu trời như sụp đổ dưới chân chị Lê Thanh Hiền, bố mẹ nuôi chị gần 30 năm qua lại không phải là bố mẹ đẻ....
Lại một cô gái Hà Nội phát hiện mình bị trao nhầm tại nhà hộ sinh

Bên cạnh trường hợp trao nhầm con ở nhà hộ sinh Ba Đình, mới đây nhất cũng có một trường hợp nhầm con ở nhà hộ sinh Đống Đa được phát hiện. Đó là chị Lê Thanh Hiền, 29 tuổi, đang sống với chồng và hai con tại Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội)

Trong căn hộ chung cư ở Văn Quán (Hà Nội), chị Lê Thanh Hiền cùng với mẹ nuôi mình là bà Phan Tuyết Hoa (53 tuổi) chia sẻ về câu chuyện nhầm con hy hữu xảy ra với gia đình họ. Cách đây 3 năm, chị Hiền vô cùng đau khổ phát hiện chị không phải là con đẻ của bố mẹ. Và tin này, ngược lại cũng rất sốc với vợ chồng bà Hoa. Cô con gái đầu lại không phải là con của họ.

Quả thật, nhìn bề ngoài chị Hiền không có một nét nào giống mẹ, hoặc bố và em gái mình. Trong khi các thành viên gia đình đều nhỏ con, da đen, tóc dày và đen mượt thì chị Hiền cao hơn hẳn, làn da trắng mịn, tóc nâu và rất xinh xắn.

Ngày sinh chị, bà Hoa đã thốt lên "Hiền giống như một thiên thần vậy" và bà đã tưởng có thể "Hiền nhặt gene lặn nào của bố mẹ làm ưu điểm cho mình".  Suốt mấy chục năm trước khi phát hiện ra sự thật này, bà Hoa và chồng là ông Lê Văn Hùng không mảy may có chút nghi ngờ nào, thậm chí họ còn rất tự hào về cô con gái "xinh như hoa" của mình.

Người thân, hàng xóm hay trêu đùa Hiền là "cô bé hàng xóm" hoặc "được nhặt ở đâu về nuôi". Chị rất tức khi nghe họ nói như vậy, nhất là vài năm gần đây chị đã sinh con, càng không muốn bị trêu như vậy nữa.

Vào dịp nghỉ lễ 30/4/2013, gia đình chị Hiền có một bữa liên hoan và tình cờ nói về nhóm máu. Chị kể: "Tôi chột dạ khi nghe các chú (em bố tôi) nói họ đều nhóm máu O, cả bố, mẹ tôi cũng như vậy. Ngay hôm đó tôi đã gọi cho một bác sĩ quen và họ nói không thể có chuyện bố mẹ O mà con là B được. Tôi nên đi kiểm tra lại".

Ngày 3/5 năm đó, Hiền mang ba mẫu tóc của chị với bố mẹ đi xét nghiệm và 3 ngày sau thì có kết quả. Tâm thế của Hiền trước lúc đó vô cùng nhẹ nhàng. Nhưng, kết quả xét nghiệm đã đi theo một chiều hướng khác.

"Cầm tờ kết quả trên tay mà tôi ngã gục xuống. Tôi không thể tin được. Tôi đã hỏi các cán bộ xét nghiệm 'Liệu có 1/1.000 sai sót nào không ạ' nhưng họ trả lời 'Đây là trung tâm của Viện khoa học hình sự. 1.000 lần kết quả này là đúng'", chị nói thêm.

Trong 27 năm cuộc đời, đây là ngày đau khổ nhất với cô gái vừa xinh đẹp, cuộc sống đủ đầy, lại được bố mẹ, chồng con yêu thương. Nhận kết quả từ chiều nhưng Hiền cứ thế đi vô định loanh quanh khắp Hà Nội. Tận đêm khuya, khi cả gia đình nội, ngoại gọi bao nhiêu cuộc, chị mới trả lời.

"Chồng tìm thấy tôi trên cầu Chương Dương, lúc đón về là gần 2h sáng. Tôi nói về kết quả, anh ấy cũng rất sốc. Một tuần sau tôi mới đủ bình tĩnh trở lại", người phụ nữ này nhớ lại.

Về phần bà Hoa, khi được Hiền cho biết thông tin này, bà cũng vô cùng sốc và hoang mang. "Dẫn tôi đi dạo quanh hồ Thiền Quang, con bé nói về xét nghiệm ADN và hỏi tôi 'Nếu bố mẹ nhận nuôi con thì hãy nói thật cho con. Không có gì thay đổi cả. Con vẫn yêu thương và chăm sóc bố mẹ hết đời'. Tôi mắng nó: 'Con bị điên à. Chính mẹ mang nặng, đẻ đau con ra'", bà Phan Thị Hoa nhớ lại thời điểm đó.

Ngày 12/12/1987, bà Hoa sinh con đầu lòng tại nhà hộ sinh Đống Đa. Giờ đây nhớ lại, bà cũng không thể biết được có sai sót ở đâu và tại sao con gái bà nuôi mấy chục năm qua lại không phải con mình. "Lúc nhận con bé về tôi thấy chữ trên mông con mờ. Hỏi thì chồng bảo 'Con vừa ỉa phân su, bác sĩ tắm nên mờ'. Quả thực, dù Hiền lớn lên không giống một ai trong gia đình, họ hàng tôi nhưng hai vợ chồng chưa một lần nghi ngờ", bà Hoa nói.

Khát khao tìm ra gốc tích của mình và cũng muốn đáp ứng nguyện vọng của bà Hoa tìm con mà gần ba năm qua, chị Hiền đã dồn bao nhiêu tâm sức tìm kiếm.

Sau nhiều lần tới nhà hộ sinh Đống Đa, thuê luật sư vào cuộc, chị đã tìm được danh sách 6 người sinh con từ đêm 11 đến ngày 12/12 năm đó. "Trường hợp đầu tiên tôi đi tìm là một người sinh trước mẹ Hoa hơn một tiếng. Tuy nhiên khi gặp thì con gái họ không giúp đỡ và nhìn người này không có nét nào giống tôi nên đã bỏ qua khả năng này", chị Hiền kể trường hợp đầu ở Khâm Thiên, mất 3 ngày đi tìm và sau cùng đi đến kết luận này.

Trường hợp thứ hai là một người làm trong ngành xây dựng. "Khi lần đầu tiên nhìn thấy hình của người ấy trên Facebook, tôi đã run run vì thấy họ rất giống mình. Tuy nhiên khi tôi tìm gặp, người đó chỉ nói chuyện qua điện thoại và bảo 'Tôi chưa bao giờ đẻ ở Việt Nam và cũng không có người con nào sinh năm 1987'", chị Hiền kể.  

Từ năm 2013 đến nay, tranh thủ bất cứ lúc nào rảnh là chị Hiền  và chồng chị lại đi tìm thông tin. Họ cũng lần theo 4 trường hợp còn lại nhưng vẫn chưa gặp được, do địa chỉ không rõ ràng và có người đã chuyển đi nơi khác.

Theo chị Hiền, đến nay mọi đầu mối của chị đều dồn vào người thứ hai, làm trong ngành xây dựng, nhưng không được người này giúp đỡ. "Tôi được bố Hùng, mẹ Hoa vô cùng yêu thương nhưng cội nguồn là một cái gì đó lúc nào cũng thôi thúc tôi tìm về. Mẹ Hoa cũng rất muốn tìm người con bị trao nhầm của mẹ, để xem họ có được may mắn như tôi", chị Hiền bộc bạch nguyện vọng của mình.

Anh Triệu Khắc Dũng, chồng chị Hiền cho biết: "Vợ tôi là một người mạnh mẽ, cá tính, muốn làm gì phải làm bằng được. Vài lần tôi đã khuyên nếu chuyện nhầm lẫn là tình cờ thì không đáng nói, nhưng nếu đó là chủ đích, muốn đổi con thì làm to ra sẽ không hay cho người mẹ ruột của cô ấy. Nhưng vợ tôi đã muốn tìm, tôi chỉ có thể tận lực giúp đỡ cô ấy".  ... 

Đọc thêm