Làm báo “đọc chậm” thời điện tử

(PLO) - Tòa soạn thu nhỏ gồm hơn 20 cán bộ phóng viên, nhân viên, mỗi tháng sản xuất khoảng 400 trang báo. Bạn đọc có thể “đọc chậm”, nhưng những người làm báo phải chịu áp lực công việc, phải nhanh không kém gì làm báo điện tử, và có những nỗi niềm ít có dịp bày tỏ.
Ấn phẩm Pháp luật & Thời đại được kiểm tra kỹ càng trước khi phát hành.
Ấn phẩm Pháp luật & Thời đại được kiểm tra kỹ càng trước khi phát hành.

1. Bốn năm trước, nhận thấy khoảng trống tuyên truyền pháp lý đến đối tượng độc giả là bạn đọc bình dân, cần thiết có một tờ báo dung dị dễ hiểu, giữa năm 2011, Tổng Biên tập Đào Văn Hội giao nhiệm vụ cho một nhóm nhân sự thử nghiệm phát triển mảng ấn phẩm báo “đọc chậm”. Làm gì để cạnh tranh với khoảng 40 tờ báo giấy đang có mặt trên sạp báo?. Làm gì để khác biệt với hàng trăm tờ báo mạng và trang tin điện tử?. Đó là những câu hỏi vô cùng khó trả lời với Ban Biên tập báo và nhóm nhân sự ban đầu chỉ năm người (1 thư ký tòa soạn, 1 họa sĩ, 2 phóng viên, 1 giúp việc hành chính).

Triết lý Ban Biên tập đưa ra chỉ gói gọn trong bốn chữ “thuốc đắng bọc đường”. Báo pháp luật, nội dung chủ đạo phải là những câu chuyện pháp lý, chính sách văn bản pháp luật, những vụ án, vấn đề áp dụng pháp luật trong cuộc sống... chứ không thể “lấn sân” sang mảng văn hóa nghệ thuật, giáo dục, việc làm... Tuy nhiên pháp luật thường khô cứng, khó hiểu, chỉ có thể dễ hiểu nếu pháp luật được lồng vào một tình huống cụ thể, vụ việc cụ thể, thuật lại diễn biến vụ việc, trạng thái tâm lý nhân vật, lý giải sự việc không chỉ ở góc nhìn pháp lý mà còn ở góc nhìn “tình lý”.

Như câu chuyện về một “anh trai làng cạo đầu người yêu chuẩn bị đi lấy chồng, bị truy tố tội làm nhục người khác” ở Đồng Nai. Vấn đề pháp lý chỉ đơn giản gồm 20 chữ trong “nháy nháy” như thế, nhưng phải kỳ công tìm gặp các bên liên quan, mới hiểu câu chuyện của thủ phạm là bi kịch “công anh bắt tép nuôi cò, cò ăn cò lớn cò dò lên cây”. Anh tiều phu suốt ba năm đôi dép chẳng dám mua, bao nhiêu tiền đều dành cung phụng cô gái mình sống cùng, rồi sau đó bị phản bội. Ghen tuông cạo đầu người yêu xong, chính anh phải bán đi đôi gà chọi, xin thêm tiền mua tóc giả cho “nạn nhân” đội. Cô gái sau đó làm đơn tống tình cũ vào tù, còn mình chuẩn bị lên xe hoa.  

Những câu chuyện như trên không thể gọi là “lá cải”, là “thị hiếu tầm thường”. Thực tế cuộc sống là như thế, và báo chí phải phản ánh đúng bản chất vụ việc. Nên biết câu chuyện này để lỡ có gặp tình huống tương tự thì bạn đọc có thể tránh dẫm vào “vết xe đổ”, không hành xử như chàng trai nóng giận trên. Thủ phạm cũng có quyền bày tỏ nỗi niềm, để xin tòa một tình tiết giảm nhẹ đúng luật khi tuyên mức án. Pháp lý luôn đi kèm tình lý ở chỗ đó. “Thuốc đắng bọc đường” là ở chỗ đó. Nói đúng và trúng nỗi niềm của bạn đọc, những ấn phẩm của Pháp luật Việt Nam sau đó đã dần có chỗ đứng trong lòng bạn đọc, có sức sống trên thị trường.

2. Tình yêu nghề, hết mình vì bạn đọc, dũng cảm đấu tranh với những cái xấu, luôn bênh vực cái đúng, không “vùi dập” những người yếu thế cũng là những phẩm chất phóng viên phải có, mỗi bài báo phải có để làm nên bản sắc của những ấn phẩm Pháp luật Việt Nam. Một ví dụ đơn giản: Ấn phẩm Xa lộ pháp luật của Pháp luật Việt Nam là một trong số ít những tờ báo có đường dây nóng tư vấn pháp lý miễn phí 24/24h. Những thắc mắc pháp luật đơn giản, bạn đọc có thể gọi điện bất cứ lúc nào để được tận tình giải đáp.

Bốn năm gắn bó với bạn đọc, không ít những kỷ niệm, những tình huống nghẹt thở đã xảy ra. Một bài báo đấu tranh chống tiêu cực, đối tượng xấu có thể tìm mọi cách phản ứng, trả đũa. Như trường hợp của một nữ phóng viên phanh phui sai phạm của một số người thuộc một dòng họ tại Nam Định làm đơn chống luật không chia thừa kế cho phụ nữ. Sự “mù luật” của họ thể hiện rõ ở câu nói “từ thời thượng cổ đến giờ, chẳng khi nào chia đất cho đàn bà”. 
Bài báo đăng, liên tiếp những cuộc điện thoại gọi đến khắp Tòa soạn, hết giở giọng đe dọa lại giả danh Phó Chủ tịch TP.HCM đòi... đóng cửa tờ báo. Quyết tâm quay trở lại địa phương làm đến tận cùng sự thật, cũng là làm đúng quy trình xử lý bài báo bị khiếu nại, nữ phóng viên này bị một cụ già trong dòng họ “lập mưu” lừa về nhà “cung cấp tài liệu” rồi đóng cửa nhốt, cho côn đồ đến gây sức ép, đòi hành hung. Phải có bản lĩnh không sợ cái xấu, bình tĩnh giải thích, khôn khéo yêu cầu chính quyền địa phương tới can thiệp, sẽ giải được những tình huống “thót tim” đó.
Cũng có những lúc Tòa soạn rơi vào tình thế khó xử “dở khóc, dở cười”. Bài viết phản ánh một ông chồng bạo hành tại một tỉnh miền Trung, tàn tệ đến mức vợ con phải chạy vào trung tâm bảo trợ xã hội tạm lánh. Bài viết ghi nhận ý kiến đầy đủ cả hai bên vợ chồng, xác nhận của chính quyền địa phương, công an, các tổ chức đoàn thể địa phương. Báo đăng, người chồng một mực khiếu nại đòi cải chính rằng mình... không đánh vợ. Yêu cầu này không thể chấp nhận vì báo không thể đi ngược với sự thật. Người đàn ông này vẫn không dừng lại, dù đã được hướng dẫn có thể kiện báo ra tòa theo quy định. 
Nhân vật chọn cách nhắn tin, gọi điện “khủng bố tinh thần” khắp Tòa soạn, vu oan phóng viên “ăn tiền viết sai”, vu oan lãnh đạo Báo “ăn tiền để không cải chính”. Sự việc như thế, đành phải vừa chấp nhận “chịu trận” “khủng bố” một thời gian, vừa kết hợp thuyết phục đúng - sai, giải thích nếu không dừng lại thì sẽ yêu cầu công an vào cuộc làm rõ hành vi vu khống, nhân vật mới chịu dừng lại.  

3. Bốn năm kể từ khi thử nghiệm mảng ấn phẩm mới, nhận được niềm tin yêu của độc giả, nhóm năm nhân sự ban đầu sau đó đã phát triển thành Ban Chuyên đề với hơn 20 cán bộ phóng viên nhân viên, có cộng tác viên ở khắp các tỉnh thành, thậm chí cả ở nước ngoài. Từ một tờ tuần báo Pháp luật & Thời đại ban đầu mỗi tuần một kỳ, Ban được giao tổ chức thêm số đặc biệt Pháp luật & Thời đại hàng tháng, rồi tuần báo Xa lộ pháp luật hai kỳ mỗi tuần, xuất bản mỗi tháng khoảng 14 số báo với khoảng 400 trang báo, phục vụ nhu cầu của hàng triệu lượt độc giả.

Chừng ấy công việc, bản thân Tòa soạn sẽ không thể cáng đáng hết nếu không có sự nhiệt tình giúp đỡ của hàng chục cộng tác viên khác. Lại nhớ đến kỷ niệm xin gặp đặt bài một cộng tác viên sống ở Pháp. Để gặp vị Giáo sư người Việt nổi tiếng chuyên nghiên cứu lĩnh vực phong tục, luật lệ các thời đại Việt Nam này, Tòa soạn đã phải gọi hàng chục cuộc điện thoại quốc tế đến các đầu mối, từ Đại sứ quán, Hội người Việt tại Pháp, Hội người Việt ở các vùng... 
Múi giờ lệch nhau, để tránh ảnh hưởng tới giờ nghỉ của nhân vật, một số cán bộ phải thay nhau canh giờ gọi điện cả ngày lẫn đêm cách hai tiếng một lần. Vẫn không gặp được, đành để lại lời nhắn ở tất cả các đầu mối. Thất vọng tưởng đã thất bại, nhưng đến phút cuối ít giờ trước khi ra báo, vị Giáo sư này biết chuyện đã đích thân gọi lại, không chỉ viết bài cho số báo đó mà còn trở thành cộng tác viên thường xuyên với những bài nghiên cứu vô cùng thú vị. Sự thành tâm luôn mang lại những kết quả tốt đẹp trong cuộc sống, đặc biệt với nghề báo.

Kinh nghiệm hơn, tay nghề được rèn luyện hơn và những trăn trở cũng nhiều hơn. Để giữ được bản sắc của tờ báo, giữ đúng tôn chỉ mục đích, duy trì và phát triển số lượng độc giả, không có cách nào khác là mỗi phóng viên phải nhanh nhạy hơn, tay nghề cao hơn, bài viết sâu sắc hơn, góc nhìn sắc sảo hơn, phát hiện độc đáo hơn, tận tâm với bạn đọc hơn. Thực tế nhiều bài viết của các ấn phẩm “đọc chậm” vẫn được các báo điện tử “nhanh – gọn” xin phép đăng lại và thu hút sự quan tâm của bạn đọc báo mạng, đó cũng là niềm vui nho nhỏ của những người làm báo “đọc chậm”.

Đọc thêm