Làm sao để bảo vệ con luôn an toàn?

(PLVN) - Không ít vụ bắt cóc, tai nạn xảy ra cho trẻ đã cảnh báo đến các bậc cha mẹ rằng, ở thế giới ngoài kia không phải không có những hiểm họa đang chực chờ. Chỉ một phút lơ đãng hay sơ sẩy, có thể là sự hối hận cả đời của cha mẹ.
Bé trai hai tuổi ở Bắc Ninh.
Bé trai hai tuổi ở Bắc Ninh.

Những tai nạn đau đớn từ sự lơ đễnh

Mới đây, vụ bắt cóc bé trai hai tuổi ở Bắc Ninh đã làm dư luận xôn xao. Xót xa cho cậu bé, đau lòng cho cha mẹ, người dân quanh vùng đã đổ xô đi tìm kiếm. Thậm chí, cư dân mạng cũng chia sẻ tin tức, phập phồng lo sợ và thở phào nhẹ nhõm khi cậu bé được tìm thấy. 

Tuy nhiên, khi mối lo đi qua, người ta mới đặt lại vấn đề về nguyên nhân cậu bé bị bắt cóc. Theo lời khai của bố cháu bé, anh có mải mê bấm điện thoại một thời gian ngắn, ngẩng lên thì không thấy con đâu. Nhưng nhiều thông tin khác cũng cho biết, bố cháu bé có chạy đi mua nước mà không dẫn cháu theo. Dù lý do nào đi nữa, thì sự bất cẩn, sơ suất của người bố đã làm gia đình anh suýt mất đi đứa trẻ. 

May mắn là gia đình ở Bắc Ninh đã tìm được con, nhưng nhiều gia đình khác, cũng chỉ vì phút bất cẩn của các bậc cha mẹ, con trẻ đã mãi mãi không còn hoặc thương tật suốt đời. Như trường hợp người cha đưa con vào công viên chơi, trong lúc mải mê nói chuyện điện thoại, cháu bé chạy đến bồn nước chơi và ngã xuống, chết đuối. Hay như trường hợp ở sân bay Phú Quốc, người mẹ do mải điện thoại, không để ý con trai nghịch ngợm đút tay vào thang cuốn và mắc kẹt.

Còn rất nhiều vụ tai nạn nghe thì hi hữu, nhưng cha mẹ lơ đễnh đều có thể mắc phải: Trẻ uống phải xăng, dầu lửa, chất độc do cha mẹ đựng trong chai uống nước, để trong tầm tay trẻ; cha mẹ để con trên xe đang nổ máy để đi mở cửa, con rồ tay ga, xe lao vọt đi; cha mẹ để con trong ô tô, đi mua sắm khiến con suýt chết ngạt... Không phải một lần, chuyện cha mẹ đi vắng bỏ con ngủ ở nhà, để rồi trẻ tỉnh dậy, đi ra ban công và ngã xuống từ tầng cao, chết thảm khốc khiến cả xã hội nhói lòng.

Chị Lê Thị Hạnh Kim, ngụ Thủ Đức, TP.HCM chia sẻ về lần suýt mất con như sau: “Trong nhà tôi các ổ điện đều để ở trên cao, xa tầm với các cháu, nhưng có một hôm vợ chồng tôi kéo ổ điện di động xuống nhà để cắm quạt mà quên rút ra, bỏ quên dưới sàn nhà. Lúc ấy tôi đang nấu ăn, con trai tôi 18 tháng đang bò chơi trong phòng khách.

Bỗng nghe cháu kêu ré lên, chạy ra, tôi thấy cháu đút hẳn ngón tay út vào ổ điện và bị điện giật. Định chạy đến kéo con ra theo bản năng, nhưng tôi sực nhớ vội chạy đến cúp cầu dao. Kéo ra, ngón tay của con bị phỏng tím một mảng, suýt nữa phải cắt ngón tay. Từ đó, vợ chồng tôi không dám lơ là, bất cẩn nữa vì hiểu tai họa chực chờ con khắp nơi, chỉ cần cha mẹ bất cẩn là có thể mất con”.

Giới hạn an toàn cho con trẻ

Trên mạng xã hội, chị Kim An, một bà mẹ bỉm sữa đã có bài viết gây tranh cãi về vấn đề có nên bảo bọc, bảo vệ con nhiều hay không. Chị Kim An cho rằng con trẻ sẽ bị mất đi những bản năng tự vệ, trở nên yếu đuối và dễ tổn thương nếu cha mẹ quá bảo bọc. Cứ để con đối mặt với nhiều rủi ro, con sẽ lớn lên thành đứa trẻ dũng cảm, mạnh mẽ.

Chị lấy ví dụ như với hai con của chị đang ở độ tuổi cấp 1, chị luôn khuyến khích chúng tự do chạy xe đạp quanh xóm, tự đạp xe đi học, tự đi mua đồ và giao tiếp với người lớn. Thậm chí chị còn thường cho chúng đi chơi những trò cảm giác mạnh. Thế nên, con chị là những đứa trẻ rất gan lì và bản lĩnh. 

Bài viết của chị Kim An đã nhận nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều cha mẹ cho rằng, cách của chị Kim An có thể lý tưởng, nếu nơi chị sống cực kì an ninh và tốt đẹp đến mức hoàn hảo như không có kẻ bắt cóc chực chờ, không có xe cộ đông đúc có thể xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào, không có hồ, sông và bất cứ gì có thể gây ra những tai nạn thương tâm cho trẻ.

Đó là còn chưa kể đến những yếu tố con người. Có thể những người hàng xóm, thân quen trông thật tử tế, nhưng nếu “thả” con tự do giao tiếp thì không chắc con có thể trở thành nạn nhân của những kẻ ấu dâm khoác vẻ ngoài giả dối hay không?

Theo chuyên viên tâm lý Lê Thị Minh Nga, cả hai hướng, bảo bọc con quá mức và để con tự do quá mức, cách nào cũng đều tồn tại những điểm không hay, có thể gây tổn hại đến trẻ. Tốt nhất, cha mẹ nên cố gắng tránh những lơ đễnh, bất cẩn và chủ quan có thể gây hại cho con như để con tự do chạy nhảy nơi có khả năng xảy ra tai nạn, để con ở nhà một mình, để những vật nguy hiểm trong tầm với của con… 

Nhưng cạnh đó, cha mẹ cũng cần dạy cho con những điều nên và không nên, có thể gây nguy hiểm cho mình. Dạy cho con những kĩ năng cần thiết để ứng xử trong mỗi trường hợp. Phải biết buông tay con để con lớn lên, nhưng trong tầm mắt và sự cẩn trọng của cha mẹ. Có như thế, con mới có thể lớn lên trong sự an toàn mà không dựa dẫm, phụ thuộc quá mức vào cha mẹ.

Thiết lập giới hạn để bảo vệ con

Trong Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành, có bàn về phương pháp “Thiết lập giới hạn” trong giáo dục của cha mẹ đối với con cái. Đây là một bí quyết vừa giữ cho con được an toàn, vừa không bị lệch lạc về một hướng.

Theo Bộ tiêu chí, thiết lập giới hạn có nghĩa là hình thành, thiết lập nội quy, nề nếp kỷ luật trong gia đình. Mục đích của việc thiết lập các giới hạn này là nhằm bảo vệ trẻ, đảm bảo sự phát triển lành mạnh, an toàn cho các con. Thực hiện tốt các giới hạn này sẽ giúp con trở thành người có kỷ luật, có trách nhiệm trong tương lai. 

Một nguyên tắc quan trọng trong phương pháp thiết lập giới hạn là sự hợp tác và tôn trọng của cả cha mẹ và các con. Bản thân cha mẹ phải nghiêm túc, kiên nhẫn và thực sự quan tâm trong việc hướng dẫn con thực hiện các giới hạn một cách rõ ràng, cụ thể; nhắc nhở để con nhớ lại, suy nghĩ và quyết định hành động; đưa ra một số khả năng xảy ra để khuyến khích con suy nghĩ, lựa chọn và quyết định; cảnh báo về những hệ quả có thể xảy ra với các quyết định của con; thể hiện mong muốn là cách khích lệ con về hành vi cụ thể nào đó. 

Đọc thêm