Làm sao để hết “yêu râu xanh”?

(PLO) - Có lẽ chẳng bao giờ hết khi nạn nhân thường chọn cách im lặng vì sợ, khi thủ phạm và những người liên quan thản nhiên cho rằng “anh em đùa giỡn nhau tí thôi chứ có vấn đề gì đâu”, khi việc chống quấy rối tình dục trong công sở vẫn “dừng chân” ở mức độ quy tắc, khuyến khích thực hiện mà không được luật hóa chi tiết...
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Làm gái là phải để cho người ta trêu?

Dư luận xã hội tuần này quả rất nóng vì chưa xong chuyện cô giáo ở Thừa Thiên –Huế bị kẻ xấu dùng dao khống chế, hiếp dâm trong trường học thì đã xảy ra chuyện một nữ chuyên viên tố cáo bị nam đồng nghiệp giở trò đồi bại ngay tại phòng làm việc, trong giờ hành chính, tại Quảng Trị.

Như báo chí đưa tin, chị L.A (SN 1988, chuyên viên Phòng Tài chính Kế hoạch huyện Triệu Phong) tố vào khoảng 10h sáng 21/6, trong lúc chị đang ở phòng làm việc một mình (tầng 2, trụ sở Phòng Tài chính Kế hoạch) thì ông N.B.Tr (chuyên viên Phòng Tài chính Kế hoạch huyện, làm việc ở cùng tầng 2, khác phòng) đi vào rồi khép cửa lại. Tiếp đó, ông Tr. ép sát chị L.A, dùng tay sờ soạng, luồn tay vào áo, cởi cúc quần chị. Khi chị L.A tìm cách vùng chạy thì ông Tr. chốt cửa lại rồi tiếp tục cưỡng bức chị. Tuy nhiên, chị L.A chống đối quyết liệt nên khoảng hơn 5 phút sau, ông Tr. bỏ ra ngoài. Khi ông Tr. rời đi, chị L.A được phát hiện trong tình trạng bị sưng môi, có vết lằn ở cổ và bị cào xước ở tay.

Cũng theo lời chị L.A, trước đó, ông Tr. đã nhiều lần có hành vi đụng chạm cơ thể khiến chị này bức xúc. Theo lời của một nhân chứng với báo chí, chị L.A được phát hiện trong tâm trạng hoảng loạn, khóc, áo quần nhàu nhĩ. “Tôi là người gài lại cúc quần cho chị ấy” – nhân chứng khẳng định. Sự việc đã nóng lại càng nóng hơn khi bà Nguyễn Triều Thương – Chủ tịch UBND huyện cho rằng giữa ông Tr. và chị L.A có sự “xô xát, hiểu nhầm nhau trong giờ hành chính”; còn theo ông Lê Minh Tiến - Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện thì chỉ là “anh em đùa giỡn nhau tí thôi chứ có vấn đề gì đâu”....

Sự việc xảy ra với chị L.A rất tiếc là không phải trường hợp cá biệt xảy ra. Quấy rối tình dục có thể xảy ra ở bất cứ đâu, công sở, nơi công cộng và kể cả trường học. Rất nhiều phụ nữ tham gia các cuộc khảo sát của các cơ quan có uy tín đều trả lời đã từng bị quấy rối tình dục. Nhẹ thì là những lời nói, sự săn đón, nặng hơn là những hành động cưỡng bức... thế nhưng không mấy ai dám nói ra sự thật. Có rất nhiều lý do khiến đa phần các nạn nhân bị lạm dụng chọn cách im lặng, trong đó không ít người vì sợ không dám đối diện với dư luận khi công khai danh tính mình là nạn nhân bị quấy rối tình dục chỉ vì… định kiến từ chính xã hội. 

Tại một cuộc hội thảo về vấn đề quấy rối tình dục tại nơi làm việc do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) tổ chức, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA cho biết, trong một nghiên cứu gần đây của CSAGA tại TP HCM, Hà Giang, Quảng Ninh cho ra con số giật mình: 13-14% số học sinh nữ từng ít nhất một lần bị xâm hại tình dục, có những em bị đến 14 lần. “Khi báo cáo kết quả đó, chúng tôi có mời lãnh đạo của các trường đến để cùng bàn luận, thầy cô trong trường cũng rất sốc. Khi các vụ xâm hại tình dục được phanh phui, cả xã hội đều lên án, nhưng chỉ ồn ào được vài hôm rồi mọi việc lại lắng xuống. Rồi những vụ việc khác lại xảy ra”, theo bà Vân Anh. 

Kể lại câu chuyện của chính mình, PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên Trường ĐH Ngoại thương cho biết: “Lần đầu tiên bị quấy rối thì theo bản năng, tôi đi tìm những người chị hoặc những người lớn tuổi để than thở, nhưng người tốt bụng thì nói: “Em ơi, những chuyện này nhiều lắm, mày nên cẩn thận thì hơn, con gái thì phải biết giữ lấy thân”. Nếu gặp những người không thiện chí lắm thì người ta nói rằng: “Ai bảo mày ăn mặc thế này thế kia, ai bảo mày đến gặp người ta khi chỉ có một mình, con gái mà dại thì ráng mà chịu đi…”.

Sau đó, tôi nghe thấy lời bàn tán sau lưng: “Cứ tưởng mình báu lắm đấy, làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu. Đến lúc không đứa nào nó trêu nữa lại lăn ra mà khóc”. Dần dần, tôi học một phản xạ khác là tự bảo vệ lấy mình, nếu gặp chuyện như vậy thì yên lặng giữ riêng cho mình mà thôi hoặc chỉ chia sẻ cho bạn bè thật thân thiết khi chuẩn bị đi gặp một nhân vật nào đó. Chính vì thế, những người đó không bao giờ bị đưa ra công lý.

Học sinh kể với tôi là thầy giáo này thầy giáo nọ đã có những hành động không phải với em đó. Tôi cũng đi tìm những người có trách nhiệm để nói thì những người đó đều nói là chẳng có bằng chứng nào cả và người ta không thể xử lý giáo viên chỉ bởi vì những lời xì xào. Sau đó tiếp tục từ khóa này khóa khác, sinh viên sẽ đồn thổi với nhau và tránh xa những giáo viên như vậy. Điều này cũng như một bản án vô hình, không ai biết là những chuyện như vậy có hay không. Nhiều người lại cho rằng sau những chuyện đó, các nữ sinh viên tìm cách lợi dụng thầy để “kiếm chác”. Không chỉ chúng tôi học im lặng mà sinh viên cũng dần dần học im lặng...”.

Không chỉ ban hành quy tắc mà còn cần phải xử lý, cảnh cáo 

Thời gian gần đây, xã hội phát sinh quá nhiều cụm từ mới. Chỉ riêng liên quan đến chuyện quan hệ bất chính, quấy rối tình dục, đã có những từ nhằm giải thích, bao biện hành vi như  “nằm nghỉ mệt”, “thăm hỏi”, “sai sót”…, giờ lại có thêm một thuật ngữ mới là “xô xát, hiểu nhầm nhau trong giờ hành chính” và “đùa giỡn nhau tí thôi”. Sự bao biện đã lên đến đỉnh cao như vậy thì hành động liều lĩnh đến mức như trường hợp của ông T. ở Quảng Trị (nếu đúng những gì cô L.A tường trình) cũng không có gì là khó hiểu. 

Nhưng nếu như vậy thì bao giờ mới hết “yêu râu xanh” và phụ nữ mới hết trở thành đối tượng bị quấy rối? Có lẽ chẳng bao giờ hết khi nạn nhân thường chọn cách im lặng vì sợ, khi thủ phạm và những người liên quan thản nhiên cho rằng “anh em đùa giỡn nhau tí thôi chứ có vấn đề gì đâu”, khi việc chống quấy rối tình dục trong công sở vẫn “dừng chân” ở mức độ quy tắc, khuyến khích thực hiện mà không được luật hóa chi tiết...

Bà Hoàng Thị Thu Huyền - Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới cho biết, hiện nay Bộ LĐTBXH đang trình Chính phủ Bộ luật Lao động sửa đổi, trong đó có việc thêm quy định về quấy rối tình dục và có chế tài xử lý cụ thể. Trên thực tế, Bộ LĐTBXH đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam. Bộ quy tắc này nhằm giúp Chính phủ, chủ sử dụng lao động và người lao động tại Việt Nam nhận diện, ngăn chặn và xử lý quấy rối tình dục tại nơi làm việc thông qua những hướng dẫn cụ thể.

Bộ quy tắc khuyến khích sự áp dụng rộng rãi tại các doanh nghiệp, cả ở khu vực công và tư, trên cơ sở tự nguyện. Theo Bộ quy tắc này, mọi doanh nghiệp đều có quyền, trách nhiệm xây dựng và duy trì môi trường làm việc không quấy rối tình dục. Người sử dụng lao động phải có hành động ngay lập tức khi xuất hiện bất cứ cáo buộc nào về quấy rối tình dục. Tổ chức công đoàn có trách nhiệm đảm bảo tất cả các vấn đề liên quan đến quấy rối tình dục tại doanh nghiệp, phải được thương lượng một cách công bằng và minh bạch. Tuy nhiên, các yếu tố văn hóa và nỗi sợ bị mất việc đã khiến nhiều nạn nhân không trình báo, thế nên hiệu quả Bộ Quy tắc này của Bộ LĐTBXH mới dừng ở mức khuyến cáo.

Trả lời câu hỏi cần làm gì để chống nạn quấy rối tình dục nơi công sở, PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh nhấn mạnh: “Theo quan điểm của tôi, muốn chống được nạn quấy rối tình dục nơi công sở thì cần có bộ quy tắc ứng xử rõ ràng. Trong kinh nghiệm của tôi, hầu hết nam giới, ít hay nhiều đều có mắc quấy rối tình dục, và mọi người mắc một cách hết sức vô tư. Họ tưởng rằng họ đang đùa vui hoặc đang thể hiện sự tử tế với phụ nữ.

Ở Việt Nam khẩu dâm là điều kinh khủng nhất. Tôi từng được nhận các câu khen kiểu như “em ơi vòng một của em không thua gì… nhỉ”. Người ta không có ý định gì với tôi, họ cũng có gia đình riêng rồi, họ tưởng rằng câu đó sẽ làm tôi vui nhưng thực chất tôi rất khó chịu. Vì thế cần có một bộ quy tắc ứng xử trong công sở, chẳng hạn như không được động chạm cơ thể khi người kia không đồng ý, không được kể những câu chuyện mang ngụ ý trong môi trường công sở, không lợi dụng công việc để mời người kia vào những cuộc vui mà họ không cảm thấy thoải mái.

Nam giới cần hiểu hành vi nào là quấy rối, hành vi nào là chấp nhận được. Có rất nhiều đàn ông làm điều này một cách vô tư, thậm chí là thiện ý. Sau khi ban hành bộ quy tắc thì phải có biện pháp xử lý, cảnh cáo với các hành vi quấy rối tình dục. Trước hết cần phải nhắc nhở nếu có những lời phàn nàn ở mức nhẹ, lời nhắc nhở này phải đến từ người lãnh đạo. Nếu tần suất bàn tán, phàn nàn tăng cao, thì nên cảnh cáo. Nếu người ta làm việc nhỏ mà không bị ngăn chặn thì dần dần sẽ dẫn tới những tình huống nghiêm trọng hơn”. 

Luật sư Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Công ty luật Fanci cho rằng: “Khi xã hội có những cái xấu thì pháp luật phải can thiệp để xã hội không bị kéo tụt lùi và được phát triển. Ngoài việc có chế tài đủ mạnh, những nạn nhân của quấy rối tình dục cần dũng cảm nói ra, vạch trần cái xấu. Lãnh đạo các cơ quan, trường học cũng phải có trách nhiệm trong việc xây dựng một môi trường trong sạch để người lao động làm việc, để học sinh được học tập trong môi trường an toàn”.

Kinh nghiệm của Tổ chức Plan quốc tế cho thấy, Tổ chức có một tổng đài an toàn chuyên tiếp nhận tất cả những lời phàn nàn của mọi nhân viên, trong đó có cả về hành vi quấy rối tình dục. Đa phần những người quấy rối đều là người có vị thế, vì vậy tổng đài sẵn sàng tiếp nhận thư nặc danh và chuyển qua bộ phận chuyên trách điều tra làm rõ mọi chuyện một cách minh bạch...

Đọc thêm