Làm thế nào để được thảnh thơi dập dìu lễ hội đầu Xuân?

(PLO) - “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” bởi đây là tháng của những lễ hội văn hóa, tâm linh được khai hội thường từ mùng 3 Tết trên khắp 3 miền đất nước. Tuy nhiên, cùng với việc phục hồi và phát huy các lễ hội, không ít lễ hội bị biến tướng, lợi dụng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin văn hóa của người dân vào những lễ hội, cũng như làm lu mờ vai trò của lễ hội trong đời sống văn hóa của xã hội thời kỳ hội nhập.
Dâng hương trong ngày khai hội Lễ hội chùa Hương. Ảnh TTXVN
Dâng hương trong ngày khai hội Lễ hội chùa Hương. Ảnh TTXVN

Còn nhiều “gai” làm “rách” tính nhân văn của lễ hội

Lễ hội là hiện tượng lịch sử, hiện tượng văn hóa có vai trò không nhỏ trong đời sống xã hội. Lễ hội có giá trị cố kết và biểu dương sức mạnh cộng đồng, giá trị hướng về cội nguồn, cân bằng đời sống tâm linh, sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, bảo tồn và trao truyền văn hóa. Hiện tại ở nước ta có nhiều loại lễ hội, bên cạnh lễ hội cổ truyền còn có lễ hội mới (lễ hội hiện đại, gắn với các sự kiện lịch sử hiện đại, cách mạng), lễ hội sự kiện (gắn với du lịch quảng bá du lịch, lễ hội nhân kỷ niệm những năm chẵn thành lập thành phố, tỉnh, huyện)…, trong đó lễ hội cổ truyền thống có số lượng nhiều nhất (khoảng trên 7.000 lễ hội trong tổng số gần 9.000 lễ hội), phạm vi phân bố rộng (cả nông thôn, đô thị, vùng núi các dân tộc), có lịch sử lâu đời nhất. 

Trong bài viết “Những giá trị của lễ hội và quản lý lễ hội” trên trang btgcp.gov.vn, tác giả Thanh An khẳng định: “Lễ hội có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống của nhân dân ta”. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách về văn hoá, xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc,… nhằm duy trì và phát triển những giá trị tốt đẹp của lễ hội; đồng thời phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc. Nhưng việc tổ chức lễ hội vẫn còn quá nhiều hạn chế do lễ hội được tổ chức tràn lan, thiếu sự quản lý, thậm chí có những lễ hội được tổ chức không phù hợp với truyền thống mà lo mục đích thu lợi, tất nhiên chỉ là số ít nhưng ảnh hưởng rất lớn đến giá trị của lễ hội. Mặc dù dư luận đã lên tiếng phê phán mạnh mẽ, nhưng những hiện tượng đó vẫn chưa giảm.

Mỗi độ Xuân về, nghe tiếng trống hội rộn ràng, nhiều người sẽ phải chứng kiến cảnh chen lấn, xô đẩy, thậm chí cãi vã, ẩu đả, những cảnh mang tính chất bạo lực, phản văn hóa trong một số lễ hội. Cảnh chen lấn để cướp lộc ở lễ hội đền Trần (Nam Định), lễ hội Chùa Hương (Hà Nội), đả cầu cướp phết (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc), hội Phết Hiền Quan (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), yếu tố “máu me”, bạo lực ở lễ hội chém lợn ở Ném Thượng (tỉnh Bắc Ninh)…thực sự là nỗi ám ảnh của những người đi hội và cả người chứng kiến những cảnh tượng này thông qua phương tiện truyền thông đại chúng. Sự tranh giành, ẩu đả, mất kiểm soát đã biến lễ hội trở nên phi văn hóa, mất đi yếu tố tâm linh và trang nghiêm. 

Rút kinh nghiệm công tác quản lý, tổ chức lễ hội các năm với những sự cố làm “méo” giá trị của lễ hội, năm 2017, cơ quan chức năng khẳng định, các hoạt động lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian sôi nổi, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia. Các lễ hội có tập tục mang yếu tố bạo lực, không phù hợp với xu thế thời đại đã được chuyển đổi hình thức thực hành nghi lễ như: Lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) năm thứ hai không tổ chức chém lợn giữa sân đình; Hội phết Đình Đông Lai, xã Bàn Giản (Vĩnh Phúc) diễn ra an toàn không có nội dung tổ chức cướp phết mà chỉ thực hành trình diễn nghi lễ hay lễ hội Cầu Trâu xã Hương Nha (Phú Thọ) đã không tổ chức nghi thức đập đầu trâu mà thay bằng nghi thức thực hành trình diễn…

Nhờ đó, theo nhận định của Bộ VHTT&DL, các sinh hoạt lễ hội truyền thống đáp ứng nhu cầu tâm linh và giải trí “của nhân dân, góp phần” giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự gắn kết trong cộng đồng. Thông qua nội dung tổ chức lễ hội, hệ thống di tích, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích tại các địa phương ngày càng được quan tâm.

Nhưng Bộ VHTT&DL cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý lễ hội, trong đó nổi lên là một số địa phương còn buông lỏng công tác quản lý và tổ chức lễ hội; còn biểu hiện thương mại hóa, vi phạm các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội như: Hội thi chọi trâu không phép ở thôn Lục Mùn, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang và hội chọi trâu huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái; việc tổ chức “khai ấn”, “phát ấn” của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, của đền thờ Quang Trung tại tỉnh Nghệ An.

Vẫn còn xảy ra những hình ảnh phản cảm, chen lấn, tranh cướp lộc tại lễ hội đền Sóc (Hà Nội); phát lộc, tranh cướp lộc tại lễ hội chùa Hương (Hà Nội); tranh cướp bạo lực tại hội Phết (Phú Thọ), lợi dụng trò chơi đá gà để đánh bạc tại hội Lim (Bắc Ninh)… Một số cơ quan còn buông lỏng quản lý để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vi phạm kỷ luật lao động, đi lễ hội trong giờ hành chính, sử dụng xe công đi lễ hội như báo chí đã phản ánh.

Hiện tượng bày và đổi tiền hưởng chênh lệch vẫn diễn ra ở một số di tích lễ hội như: Đền Cái Lân (Quảng Ninh); đền Sòng Sơn, đền Cô Bơ (Thanh Hóa); đền Bảo Hà (Lào Cai)… Ngoài ra, một số di tích vẫn xảy ra tình trạng bán hàng rong, ăn xin, gây ảnh hưởng tới mỹ quan di tích; công tác vệ sinh môi trường, ùn tắc giao thông, đặt tiền ‘giọt dầu’, thu gom tiền công đức tại một số nơi chưa kịp thời; hàng quán kinh doanh có nơi còn lộn xộn, tình trạng kinh doanh trò chơi có thưởng có tính cờ bạc còn diễn ra ở nhiều lễ hội…

Lễ hội Khai hạ - một lễ hội lớn trong những ngày đầu Xuân năm mới của người Mường
Lễ hội Khai hạ - một lễ hội lớn trong những ngày đầu Xuân năm mới của người Mường

Ý thức người đi hội mới giữ bản sắc lễ hội

Để đưa hoạt động lễ hội vào nền nếp, bảo đảm việc tham gia lễ hội thật sự là nhu cầu cần thiết của người dân, giữ được bản sắc văn hoá của dân tộc, lễ hội thực sự văn minh, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả và thiết thực đòi hỏi phải có những giải pháp kiên quyết, cụ thể. Theo tác giả Thanh An, cần tăng cường công tác giáo dục tuyên truyền làm cho mọi người nâng cao nhận thức vễ lễ hội, có ý thức trách nhiệm tham gia lễ hội, bảo đảm hoạt động lễ hội thực sự văn hoá, văn minh, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. 

Trên hết, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên phải gương mẫu chấp hành các quy định về quản lý tổ chức lễ hội và tham gia lễ hội, trong đó có việc tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ phục vụ lễ hội. Đồng thời cần củng cố các ban tổ chức để quản lý lễ hội tốt hơn, có trách nhiệm tổ chức các hoạt động lễ hội trang nghiêm, tránh gây bức xúc cho nhân dân.

Trước thềm lễ hội năm nay, các cơ quan chức năng đã khẳng định những nỗ lực, quyết tâm bằng nhiều giải pháp để người dân không còn gặp phải những cảnh “chướng tai gai mắt”, phản cảm, bức xúc tại các lễ hội, không còn bị tả tơi sau mỗi lễ hội. Tại Hà Nội, nơi có khoảng 1.000 lễ hội lớn nhỏ, thường diễn ra vào đầu Xuân năm mới, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội coi “tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đề ra trong dịp đầu năm 2018”. Theo đó, Sở đã làm việc với nhiều địa phương, quán triệt tinh thần tổ chức lễ hội văn minh, an toàn. Đặc biệt, năm 2018, Hà Nội “kiên quyết không ủng hộ lễ hội chọi trâu” do có nhiều yếu tố mất an toàn.

Thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018, UBND TP cũng đã ban hành công văn yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành; chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phân công cán bộ trực tiếp theo dõi diễn biến trong lễ hội trên địa bàn, kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm quy định về tổ chức lễ hội, đặc biệt là các lễ hội lớn: Gò Đống Đa, Chùa Hương, Đền Hai Bà Trưng, Đền Sóc, Đền Cổ Loa, Đền Và, Chùa Trầm, Chùa Trăm Gian, Chùa Thầy, Thăng Long Tứ trấn, Phủ Tây Hồ và các lễ hội trên địa bàn TP. 

TP cũng sẽ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, thực hiện việc kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn và yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch quản lý và tổ chức lễ hội, bảo đảm lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, tiết kiệm; xử lý nghiêm tình trạng tăng giá, ép giá, đeo bám khách du lịch, ăn xin, trộm cắp; đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn, phòng chống cháy, nổ; giữ gìn và bảo vệ các di tích, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và khu vực tổ chức lễ hội; chấm dứt dịch vụ đổi tiền lẻ, nạn bói toán, mê tín dị đoan, cờ bạc dưới mọi hình thức; bảo đảm vệ sinh môi trường, có chế tài để xử phạt các hành vi xả rác thải tại các lễ hội…

Song, dù công tác quản lý có được tăng cường đến đâu mà ý thức của những người đi trảy hội không được nâng cao thì những cảnh hỗn loạn sẽ vẫn diễn ra tại các lễ hội. Trong “biển người” tại các lễ hội, nhất là những lễ hội lớn, lực lượng chức năng muốn xử lý vi phạm cũng không xuể nên ý thức của mỗi người tham gia lễ hội chính là yếu tố quan trọng nhất để có những lễ hội văn minh, an toàn, phát huy được bản chất văn hóa và nhân văn của cộng đồng thông qua các hoạt động tại lễ hội.

Đọc thêm